Dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS Nguyễn Đức Tồn, nghiên cứu sinh Đỗ Thị Thu Hương đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học với đề tài: “Nguồn gốc hình thành và đặc điểm cấu trúc – ngữ nghĩa của thành ngữ thuần Việt”; chuyên ngành: Lí luận ngôn ngữ; Mã số: 62.22.01.01 tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội ngày 26 tháng 6 năm 2013
Trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là trong khẩu ngữ, chúng ta thường sử dụng thành ngữ để làm cho lời nói sinh động, tạo ấn tượng sâu sắc đối với người đọc, người nghe. Việc tìm hiểu nguồn gốc của thành ngữ, đặc biệt là các thành ngữ thuần Việt trước nay ít được quan tâm và luận giải dưới góc nhìn khoa học. Ở giai đoạn trước 1945, thành ngữ hầu như chưa trở thành một đối tượng nghiên cứu độc lập của ngành ngôn ngữ học, mà nó thường được xem xét chung với tục ngữ. Sau năm 1945, thành ngữ đã trở thành tâm điểm nghiên cứu của nhiều nhà Việt ngữ học. Vì vậy, những kết quả nghiên cứu về thành ngữ nói chung đã đạt được trên nhiều phương diện. Các vấn đề như khái niệm thành ngữ, đặc điểm cấu trúc và ngữ nghĩa của thành ngữ, phân biệt thành ngữ với tục ngữ... đã được các nhà Việt ngữ học khai thác triệt để và đã có những quan điểm đồng thuận. Bên cạnh đó, một số vấn đề khác như nguồn gốc của thành ngữ, mối quan hệ giữa thành ngữ và văn hóa bước đầu cũng đã được đề cập đến, song chưa đưa ra được những kiến giải sâu sắc.
PGS.TS. Hồ Sỹ Sơn thay mặt Học viện Khoa học xã hội tặng hoa chúc mừng nghiên cứu sinh
Mục đích của luận án là truy tìm lai lịch, nguồn gốc ra đời, cơ sở hình thành và ý nghĩa từ nguyên khoa học của thành ngữ thuần Việt, qua đó giúp hiểu rõ những đặc điểm văn hóa, tư duy của người Việt. Đồng thời, tác giả luận án mong muốn làm sáng tỏ đặc điểm cấu trúc - ngữ nghĩa của thành ngữ thuần Việt qua hiện tượng biến thể và các quan hệ đồng nghĩa - trái nghĩa thành ngữ, từ đó thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực nghiên cứu thành ngữ học tiếng Việt và bộ môn từ nguyên học ở Việt Nam.
Đối tượng nghiên cứu của luận án là các thành ngữ thuần Việt, tức là các thành ngữ do người Việt sáng tạo ra phản ánh thực tế đời sống, cách cảm, cách nghĩ của con người Việt Nam, do vậy những thành ngữ Hán Việt không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận án. Trong một số trường hợp, luận án chấp nhận cả những trường hợp trung gian giữa thành ngữ và tục ngữ.
NCS Đỗ Thị Thu Hương chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện
Luận án được đánh giá là có một số đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn. Luận án đã góp phần hoàn thiện việc nghiên cứu thành ngữ từ góc độ nguồn gốc và những đặc điểm cấu trúc (hiện tượng biến thể), ngữ nghĩa (quan hệ đồng nghĩa - trái nghĩa), qua đó khẳng định những giá trị văn hóa dân tộc được kết tinh trong thành ngữ. Các kết quả nghiên cứu còn góp phần phát triển bộ môn từ nguyên khoa học vốn chưa phát triển ở nước ta. Về mặt thực tiễn, qua việc tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ của thành ngữ, luận án góp phần hữu ích vào việc giúp hiểu đúng, hiểu chính xác nghĩa của thành ngữ, từ đó sử dụng thành ngữ đúng và hay trong giao tiếp, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Những kết quả nghiên cứu còn có giá trị hữu ích trong việc giảng dạy và học tập chuyên đề Thành ngữ tiếng Việt cho sinh viên các ngành Việt Nam học, Cử nhân Văn học. Việc dạy và học thành ngữ không chỉ thuần túy cung cấp cho sinh viên những kiến thức ngôn ngữ học mà còn giúp họ thấy được những giá trị văn hóa dân tộc ẩn tàng trong thành ngữ.
Luận án đã được Hội đồng nhất trí thông qua với 7/7 phiếu tán thành.
[Nguồn: gass.edu.vn]