Ngày 24/2/2014, Viện Ngôn ngữ học tổ chức cuộc họp toàn thể, thảo luận định hướng nghiên cứu của 9 phòng/trung tâm nghiên cứu của Viện. Cuộc thảo luận này giúp cho các phòng/trung tâm xác định hướng phát triển theo đúng chuyên môn của từng phòng, đồng thời cũng là cơ sở để Lãnh đạo Viện có chiến lược xây dựng kế hoạch nghiên cứu theo chức năng, nhiệm vụ của Viện mà trước mắt là đề xuất hệ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Viện năm 2015-2016 và cơ cấu lại phòng ban, sắp xếp nhân sự trong thời gian tới.
Các phòng/trung tâm được trình bày định hướng chuyên môn và góp ý lần này bao gồm:
1. Phòng Ngữ âm học
2. Phòng Từ vựng học
3. Phòng Ngữ pháp học
4. Phòng Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
5. Phòng Phương ngữ và lịch sử tiếng Việt
6. Phòng Ngôn ngữ học xã hội
7. Phòng Ngôn ngữ học ứng dụng
8. Trung tâm phục hồi chức năng ngôn ngữ
9. Trung tâm phổ biến và giảng dạy ngôn ngữ
Lần lượt đại diện các phòng/trung tâm trình bày định hướng phát triển của phòng mình. Các trình bày tập trung vào một số nội dung như: xác định chức năng và nhiệm vụ của phòng/trung tâm; những thành tích nghiên cứu; tình hình nhân sự và quan trọng là định hướng phát triển của phòng/trung tâm trong thời gian tới. Định hướng chuyên môn của các phòng được nêu ra như sau:
Phòng Ngữ âm học: Bên cạnh những nghiên cứu cơ bản về lí thuyết thì những nghiên cứu ứng dụng bằng cách áp dụng phương pháp nghiên cứu ngữ âm thực nghiệm sẽ được đẩy mạnh. Những lĩnh vực phòng định hướng trong thời gian tới là: ngữ âm học hình pháp, những vấn đề ngôn điệu của tiếng Việt, vấn đề xử lí ngôn ngữ trong công nghệ thông tin, các vấn đề bệnh học lời nói (nói ngọng, nói lắp, mất ngôn,…).
Phòng Từ vựng học: Với mục tiêu cập nhật tình hình nghiên cứu thế giới, kế thừa những kết quả nghiên cứu đã có, trên cơ sở định hướng chuyên môn từ vựng học theo xu hướng phát triển của ngôn ngữ học hiện đại phòng đã đưa ra những lĩnh vực nghiên cứu rất mới, rất "hot" hiện nay như: ngữ nghĩa học tiếng Việt, ngữ nghĩa học tri nhận, trường từ vựng ngữ nghĩa, cấu trúc trường từ vựng, danh xưng học...
Phòng Ngữ pháp học: Hướng phát triển chuyên môn của phòng tập trung vào các vấn đề lí thuyết còn rất thiếu đối với ngành ngữ pháp học hiện nay như: hướng nghiên cứu ngữ pháp chức năng (vấn đề ẩn dụ ngữ pháp), ngữ pháp tri nhận và thụ đắc ngôn ngữ.
Phòng Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số: Nghiên cứu dân tộc thiểu số là một trong những thế mạnh của Viện Ngôn ngữ học. Trong những năm tới, đây cũng là hướng nghiên cứu trọng điểm của Viện. Mục tiêu mà phòng đặt ra là: nghiên cứu để đưa ra bức tranh toàn cảnh về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; vấn đề các ngôn ngữ nguy cấp; vấn đề bản đồ ngôn ngữ và xây dựng cấu trúc bản đồ ngôn ngữ; vấn đề giáo dục song ngữ. Bên cạnh phân công mỗi cán bộ phụ trách một ngữ hệ khác nhau thì việc nói được tiếng dân tộc ở ngữ hệ mình phụ trách là một yêu cầu bắt buộc đối với các cán bộ nghiên cứu trong phòng.
Phòng Phương ngữ và lịch sử tiếng Việt: Nghiên cứu phương ngữ xã hội (sự di dân, di cư ảnh hưởng đến phương ngữ) và phương ngữ lịch sử (từ cổ, từ Hán Việt, Hán cổ).
Phòng Ngôn ngữ học xã hội: Hướng nghiên cứu đô thị hóa ảnh hưởng đến ngôn ngữ, mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tôn giáo, ngôn ngữ trong giao tiếp và những nhân tố xã hội chi phối ngôn ngữ trong giao tiếp, ngôn ngữ pháp luật.
Phòng Ngôn ngữ ứng dụng: Hướng nghiên cứu phát triển giáo dục ngôn ngữ, dụng học xuyên văn hóa, dạy học tiếng Việt trong nhà trường, dạy học tiếng Việt trong môi trường song ngữ.
Trung tâm phục hồi chức năng ngôn ngữ: Nghiên cứu và phục hồi chức năng cho trẻ khiếm thính, tự kỉ, chậm khôn.
Trung tâm phổ biến và giảng dạy ngôn ngữ: Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất trung tâm đã đưa ra những định hướng mới như mở rộng chiến dịch quảng bá, tiếp thị nhằm thu hút học viên và hứa hẹn có nhiều khóa học sẽ đến trong năm nay.
Tại cuộc họp, các phòng, trung tâm đã nhận được nhiều rất ý kiến góp ý, phần lớn ý kiến là của các thành viên trong Hội đồng khoa học của Viện như: GS. TS Nguyễn Văn Hiệp, GS. TS Nguyễn Đức Tồn, GS. TS Nguyễn Văn Khang, PGS. TS Vũ Kim Bảng, PGS. TS Vũ Thị Thanh Hương, PGS. TS Phạm Tất Thắng, TS Mai Xuân Huy.
Ngoài những góp ý cụ thể, riêng biệt cho định hướng của từng phòng chuyên môn thì những ý kiến nổi bật tại cuộc họp, đó là:
Các phòng nên căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, điều kiện cơ sở vật chất hiện tại và tình hình nhân sự để đặt ra kế hoạch phát triển cụ thể trong từng giai đoạn: dài hạn, trung hạn, ngắn hạn. Nghiên cứu cần phải gắn liền với đào tạo cán bộ theo định hướng chuyên môn đã đề ra.
Các phòng cấn xây dựng định hướng phát triển theo xu hướng mở, xu hướng nghiên cứu liên ngành, xu hướng tất yếu trong nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay. Tuy nhiên, mỗi phòng chuyên môn vẫn đảm bảo phải có những hướng nghiên cứu trọng tâm mang đặc trưng riêng của từng phòng.
Kết quả nghiên cứu phải được thể hiện bằng các sản phẩm khoa học: sách chuyên khảo, giáo trình, báo cáo khoa học, bài báo,… trong đó thể hiện lập trường, quan điểm khoa học của Viện Ngôn ngữ học và phục vụ những yêu cầu thiết thực của xã hội.
Khi cần giải quyết những vấn đề lớn, những vấn đề quan trọng đòi hỏi sự hội tụ trí tuệ của nhiều người thì các phòng chuyên môn của Viện phải đóng vai trò là nơi tập hợp, kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia ngôn ngữ học trong nước và quốc tế để cùng nhau hợp tác và giải quyết.
Căn cứ vào kết quả của cuộc họp này, Hội đồng khoa học của Viện sẽ tiến hành họp và ra quyết định cuối cùng về định hướng phát triển của các phòng chuyên môn. Đây cũng là cơ sở để xây dựng hệ thống các đề tài nghiên cứu khoa học của Viện trong những năm tới.
Cuộc thảo luận định hướng chuyên môn của Viện đã diễn ra suốt một ngày, từ 8h30 sáng đến 6h15 chiều. Cũng như đợt sinh hoạt khoa học nhân dịp nghiệm thu hệ đề tài cấp Viện 2013 vừa qua, cán bộ của Viện đã chứng kiến một không khí thảo luận khoa học sôi nổi, dân chủ, đặc biệt bổ ích cho các cán bộ trẻ, giúp các cán bộ trẻ thêm vững tin vào định hướng khoa học của toàn Viện và của từng cá nhân.
Một số hình ảnh của cuộc họp: