Đoàn công tác Viện Ngôn ngữ học vừa kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Đại học Malaya – Malaysia vào cuối tháng 8 -2012.Chuyến đi của Đoàn kéo dài 5 ngày từ 13 đến 20/8/2012.
Đoàn công tác Viện Ngôn ngữ học vừa kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Đại học Malaya – Malaysia vào cuối tháng 8 -2012. Chuyến đi của Đoàn kéo dài 5 ngày từ 13 đến 20/8/2012. Điểm đến của Đoàn là Ban nghiên cứu Đông Nam Á học thuộc khoa Nghệ thuật và KHXH của ĐH Malaya.
Đoàn công tác gồm 5 người do GS.TS. Nguyễn Đức Tồn – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học làm trưởng đoàn, TS. Mai Xuân Huy – Phó Viện trưởng làm phó đoàn cùng các thành viên khác là : GS.TS. Nguyễn Văn Khang - Trưởng phòng Ngôn ngữ học xã hội, TS. Đỗ Thị Hiên – Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng ngôn ngữ, TS. Vũ Thị Sao Chi – Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ.
Chuyến đi nhằm trao đổi kinh nghiệm và tìm thêm cơ hội hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa giữa hai bên.
Về phía chủ nhà có mặt trong Tọa đàm gồm: TS. Thirunaukarasu Subramaniam - Trưởng ban Ban Nghiên cứu Đông Nam Á học; PGS.TS. Hanafi Bin Hussin – nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu Đông Nam Á học và TS. Nicholas Weber – chuyên gia về tiếng Chăm của Ban.
Hai bên đã thảo luận nhiều về các vấn đề chuyên môn cùng quan tâm. GS.TS. Nguyễn Đức Tồn trình bày một số vấn đề về cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam, tình hình dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, việc xây dựng và dạy chữ viết cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam, v.v. Phía bạn trình bày về vấn đề bảo tồn và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Melayu trước sự xâm thực mạnh mẽ của tiếng Anh. Thực trạng của tiếng Melayu có rất nhiều điểm tương đồng với tiếng Việt hiện nay. Các vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa trong thời kỳ hội nhập đã được chia sẻ và thảo luận sôi nổi. Vấn đề dạy tiếng Việt cho sinh viên của Khoa Nghệ thuật và KHXH nói chung và của Ban Đông Nam Á nói riêng cũng được đề cập. Phía bạn sẽ mời chuyên gia của Viên Ngôn ngữ học sang giảng dạy khi có đủ điều kiện về kinh phí.
Về triển vọng hợp tác, hai bên đã nhất trí sẽ tìm cơ hội và nguồn kinh phí để xúc tiến các vấn đề sau đây:
1. Nghiên cứu các vấn đề ngôn ngữ và văn hóa của Malaysia trong sự so sánh với Việt Nam và ngược lại. Đặc biệt là nghiên cứu vấn đề này trong một số trường hợp của cộng đồng Chăm ở Malaysia và ở Việt Nam trên bình diện Ngôn ngữ học nhân học và xã hội học.
2. Nghiên cứu về sự tiếp xúc và sử dụng ngôn ngữ trong cộng đồng người Việt đang lao động tại Malaysia.
3. Mời chuyên gia dạy tiếng Việt sang Ban Đông Nam Á và sinh viên UM sang thực tập tiếng Việt tại Việt Nam ( trước đây đã có).
4. Tổ chức hội thảo và ra kỷ yếu chung về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Cuộc thăm và làm việc tại Ban Nghiên cứu Đông Nam Á của ĐH Malaya đã thành công tốt đẹp. Nhân dịp này, Đoàn cũng đã đi thăm một số danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng của Malaysia như: Tháp Đôi Petronas, Cao nguyên Genting, Thủ đô hành chính mới Putra Jaya, v.v. để chiêm ngưỡng và học tập nước bạn.