Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập" do Viện Ngôn ngữ học tổ chức đã thành công tốt đẹp.
Kế thừa những thành công mà Viện Ngôn ngữ học đã đạt được qua nhiều Hội thảo lớn như Hội thảo khoa học toàn quốc về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ” (năm 1979), Hội thảo “Ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ quốc gia và phát triển” (năm 1993), Hội thảo “Chính sách của Đảng và nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (năm 2009), ngày 11 tháng 05 năn 2013, tại Hội trường Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập”. Đây là sự kiện quan trọng, ngày hội lớn của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Việt Nam trong nước và thế giới, ngày hội tụ của tri thức, trí tuệ và tình cảm của các nhà khoa học đối với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Đến dự hội thảo có GS. TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đại diện các ban ngành Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đông đảo các nhà khoa học đến từ hơn 60 cơ sở nghiên cứu giảng dạy trong cả nước, đặc biệt, có sự góp mặt của hơn 20 nhà khoa học đến từ các nước Anh, Mỹ, Canada, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hungary, Thái Lan, Lào... Đã có 244 báo cáo gửi đến tham dự Hội thảo.
Trong Báo cáo đề dẫn phát biểu tại Hội thảo, GS. TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Trưởng ban tổ chức hội thảo nhấn mạnh Hội thảo lần này nhằm mục đích:
1. Tập hợp lực lượng các nhà nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trong nước và quốc tế để nhìn nhận, đánh giá lại một cách toàn diện những vấn đề cơ bản, thời sự của ngôn ngữ học Việt Nam trong những năm qua từ các vấn đề lí thuyết đến các vấn đề ứng dụng và hoạch định đường hướng phát triển của ngành Ngôn ngữ học nước nhà trong những năm tới. Cụ thể Hội thảo sẽ tập trung vào những nội dung khoa học chủ yếu sau đây:
- Những vấn đề cơ bản và thời sự về ngữ âm - âm vị học, từ vựng học, ngữ nghĩa học và ngữ pháp học của tiếng Việt và các ngôn ngữ khác;
- Quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa;
- Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập;
- Vấn đề giáo dục ngôn ngữ đối với sự phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước;
- Tác động của quá trình đô thị hoá và hội nhập quốc tế của Việt Nam đối với tiếng Việt, ngôn ngữ dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài đang được sử dụng trong dạy và học ở Việt Nam cũng như mối quan hệ giữa tiếng Việt, ngôn ngữ dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ở nước ta hiện nay...
2. Khẳng định chức năng, nhiệm vụ chính trị của Viện Ngôn ngữ học đã được Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho, với tư cách là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về ngôn ngữ và ngôn ngữ học của cả nước. Nội dung khoa học của Hội thảo chắc chắn sẽ cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước, ứng dụng các thành quả nghiên cứu vào đời sống thực tiễn xã hội, tham gia phát triển nguồn nhân lực để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
3. Tạo diễn đàn để tập hợp, kết nối các thế hệ nghiên cứu ngôn ngữ học trong nước và quốc tế, mở đường cho những hợp tác nghiên cứu khoa học trong tương lai.
Phát biểu tại Phiên Khai mạc, GS. TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: “Hội thảo lần này được tổ chức trong bối cảnh thế giới và cả nước đang diễn ra những biến chuyển to lớn. Hàng loạt vấn đề về ngôn ngữ liên quan đến sự phát triển chính trị – kinh tế - xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong giai đoạn mới đã và đang đặt ra yêu cầu phải có sự đóng góp công sức, trí tuệ của giới ngôn ngữ học trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ, mục tiêu phấn đấu của chúng ta là đến năm 2020 Việt Nam phải cơ bản hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thì yêu cầu này càng trở nên bức thiết.”
Ngôn ngữ được dùng tại Hội thảo là tiếng Việt và tiếng Anh. Tại phiên toàn thể, Hội thảo đã được nghe 3 báo cáo liên quan đến những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau của ngôn ngữ học đó là: "Minimalism and semantic Syntax: Interpreting multifunctionality in Vietnamese" (Tạm dịch: Tối thiểu luận và Cú pháp ngữ nghĩa-Diễn giải về sự đa năng trong tiếng Việt) của GS. TS Nigel Duffield ; Ý niệm sông nước trong tri nhận người Nam Bộ của PGS. TS Trịnh Sâm; Vị trí của tiếng Quảng Nam trong quá trình biến đổi âm cuối gốc lưỡi của PGS. Shimizu Masaaki.
Sau phiên toàn thể là phần trình bày tham luận tại các tiểu ban. Hội thảo đã chia thành 5 tiểu ban lớn, tương ứng với các lĩnh vực nghiên cứu cụ thể về Ngôn ngữ học: Tiểu ban 1: Lí luận ngôn ngữ, Tiểu ban 2: Ngôn ngữ và văn hóa, Tiểu ban 3: Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và chính sách ngôn ngữ, Tiểu ban 4: Giảng dạy tiếng Việt và ngoại ngữ, Tiểu ban 5: Việt ngữ học.
Phiên làm việc tại các tiểu ban đã diễn ra rất khẩn trương, nghiêm túc, nhưng không kém phần sôi nổi và thú vị. Nhiều vấn đề trung tâm và thời sự của ngôn ngữ học đã được các nhà khoa học quan tâm thảo luận: Tiếp thu các quan điểm nghiên cứu mới, cập nhật lí thuyết của thế giới, vấn đề giảng dạy tiếng Việt trong nhà trường, vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, vấn đề xây dựng Luật Ngôn ngữ, .... Cùng với các miêu tả, thảo luận, các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị có giá trị.
Nội dung thảo luận tại các tiểu ban đã gợi mở nhiều hướng nghiên cứu, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có tính chiến lược cần được Viện Ngôn ngữ học nói riêng và giới nghiên cứu ngôn ngữ học nói chung tiếp tục triển khai nghiên cứu.
Với sự ủng hộ của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, sự chuẩn bị chu đáo của Viện Ngôn ngữ học, sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, Hội thảo đã đạt được những mục tiêu đã đề ra một cách tốt đẹp. Hội thảo này đã đánh dấu một bước tiến mới của ngành ngôn ngữ học Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tiến trình hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.
Sau thành công của Hội thảo khoa học quốc tế lần này, nếu được sự đồng ý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong các năm tới, Viện Ngôn ngữ học có kế hoạch tiếp tục tổ chức Hội thảo "Thông báo Ngôn ngữ học" hàng năm.