Từ ngày 03 tháng 7 đến ngày 10 tháng 7 năm 2010, GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ đã thăm và làm việc tại Trường Đại học Hamburg, CHLB Đức
Được sự đồng ý của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, theo lời mời của Trưởng Ban Ban Việt Nam học và Nghiên cứu Đông Nam Á Viện Á Phi thuộc Trường Đại học Hamburg, CHLB Đức, từ ngày 03 tháng 7 đến ngày 10 tháng 7 năm 2010, GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ đã thăm và làm việc tại Trường Đại học Hamburg, CHLB Đức.
GS.TS Nguyễn Đức Tồn đã có buổi thuyết trình khoa học theo yêu cầu từ phía bạn về vấn đề"Đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn ngữ và tư duy với vấn đề giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ(trên cơ sở tư liệu đối chiếu với tiếng Nga). Đông đảo cử toạ là nghiên cứu sinh, học viên cao học và thực tập sinh của Ban Việt Nam học và Nghiên cứu Đông Nam Á đã nghe và thảo luận sôi nổi, đầy hứng thú.
GS.TS Nguyễn Đức Tồn đã làm việc với GS.TS Jorg Thomas Engelbert, Trưởng Ban. Hai bên đã có sự thoả thuận bước đầu về kế hoạch hợp tác trong thời gian tới. Cụ thể là:
1) Mỗi bên có thể cử nghiên cứu sinh hoặc thực tập sinh sang Việt Nam hoặc CHLB Đức theo chế độ tự túc kinh phí. Đối tác giúp đỡ về mặt thủ tục, tạo điều kiện để người học có cơ hội nâng cao về trình độ chuyên môn .
2) Khi kế hoạch nghiên cứu khoa học được Nhà nước Đức duyệt và cấp kinh phí, phía bạn có thể mời cán bộ nghiên cứu Viện Ngôn ngữ học tham gia "Chương trình nghiên cứu các ngôn ngữ ở vùng tiếp giáp giữa các quốc gia ở Đông Nam Á", đặc biệt là hợp tác trong việc nghiên cứu các ngôn ngữ có nguy cơ bị tiêu vong. Ngược lại, phía bạn cũng sẵn sàng tham gia hợp tác trong các chương trình nghiên cứu ngôn ngữ do Viện Ngôn ngữ học chủ trì khi được các cơ quan cấp trên cho phép và được phía Viện Ngôn ngữ học mời.
GS. Nguyễn Đức Tồn đã tìm hiểu về tình hình dạy-học tiếng Việt ở CHLB Đức. Qua tìm hiểu có thể thấy, so với sự hỗ trợ to lớn về kinh phí và mọi điều kiện khác của Chính phủ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc...trong việc truyền bá ngôn ngữ và văn hoá của họ, phía bạn hầu như không nhận được sự tài trợ hay sự hỗ trợ nào từ phía Việt Nam trong việc phát triển tiếng Việt tại CHLB Đức. Rất nhiều Trung tâm hay Viện Việt Nam học tại các trường đại học ở Đức đã giải thể. Vì vậy Ban Việt Nam học và Nghiên cứu Đông Nam Á Viện Á Phi thuộc Trường Đại học Hamburg gặp nhiều khó khăn về tài liệu, kinh phí, do đó ảnh hưởng tới sự phát triển số lượng nghiên cứu sịnh, học viên cao học, thực tập sinh và sinh viên theo học tại đây. Trước tình hình đó, Tạp chí Ngôn ngữ tặng bạn mỗi số tạp chí một bản. Phía bạn cũng ngỏ lời rất mong được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội và Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa tặng sách để phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy các chương trình về Việt Nam học tại đây.
GS.TS Nguyễn Đức Tồn làm việc với GS.TS Jorg Thomas Engelbert