Đây là một hoạt động trao đổi khoa học quan trọng và rất bổ ích, liên quan mật thiết đến các đề tài khoa học cấp Nhà nước do Viện Ngôn ngữ học đang triển khai thực hiện, thuộc Chương trình khoa học Nhà nước “Một số vấn đề cấp bách trong việc bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa, đổi mới và hội nhập”.
Sáng ngày 27 tháng 9 năm 2018, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức buổi thuyết trình khoa học thường kì. Diễn giả là GS.TS Norbert Francis, Đại học Bắc Arizona (Hoa Kì) và GS.TS Rik de Busser, Giám đốc Học viện Ngôn ngữ học sau đại học, Đại học Chengchi (Đài Loan). Đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Viện Ngôn ngữ học đã tới tham dự.
Trong bài thuyết trình về “Ngiôn ngữ học vùng Đông Á, Bắc và Nam Mỹ: Nghiên cứu xuyên Thái Bình Dương về tiếp xúc ngôn ngữ và song ngữ”, GS.TS Norbert Francis tập trung vào quá trình tiếp xúc của các ngôn ngữ và các nền văn hoá, góp phần hình thành và phát triển trạng thái song ngữ ở nhiều vùng đất khác nhau. Cụ thể, theo một giả thuyết, những người nói các ngôn ngữ Nam Á, Nam Đảo và Hán Tạng là nhóm người định cư khá sớm trong khu vực, dần dần di cư khắp lục địa và Thái Bình Dương. Còn những cư dân đầu tiên của Tây bán cầu, hiện là những người nói của các ngôn ngữ bản địa châu Mỹ, tiếp xúc với những người nói các ngôn ngữ Ấn Âu.
GS.TS Norbert Francis thuyết trình tại Viện Ngôn ngữ học
Phần thuyết trình của GS.TS Rik de Busser
Quá trình di dân lịch sử từ châu Âu đến khu vực biên giới Bắc Mỹ với châu Mỹ Latin, bị chi phối bởi người nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, đã góp phần hình thành một bức tranh toàn cảnh về sự đa ngôn ngữ tương tự với ở châu Á trong 50 năm qua. Tác giả cho rằng nghiên cứu về song ngữ cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng để hiểu rõ hơn về năng lực của con người đối với việc học ngôn ngữ.
Bài thuyết trình của GS.TS Rik de Busser có nhan đề “Ngôn ngữ học điền dã, giáo dục ngôn ngữ và văn hoá địa phương trong các cộng đồng bản địa ở Đài Loan” lại tập trung vào mô tả vấn đề về cảnh huống ngôn ngữ ở Đài Loan. Tác giả thảo luận về mối quan hệ giữa ba nhân tố thường được nhắn đến trong việc bảo tồn và/hoặc tái sinh các ngôn ngữ bản xứ: (1) nghiên cứu về các ngôn ngữ, cụ thể là việc điền dã ngôn ngữ học và ghi chép về ngôn ngữ từ các nhà ngôn ngữ học hoặc từ các thành viên của cộng đồng; (2) tạo lập các tài liệu giáo dục và các chương trình giáo dục bằng ngôn ngữ địa phương từ chính phủ và các tổ chức giáo dục; và (3) vai trò của văn hóa truyền thống và dân dã trong việc quảng bá và phổ biến các ngôn ngữ bản địa trong cảnh huống ngôn ngữ ở Đài Loan.
Bài thuyết trình của hai giáo sư đã nhận được rất nhiều các ý kiến phản hồi và trao đổi từ các nhà khoa học trong và ngoài Viện như GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, GS.TS Nguyễn Văn Khang, PGS.TS Đoàn Văn Phúc, PGS.TS Mai Xuân Huy, PGS.TS Phạm Tất Thắng, TS Phan Huyền Trang…
Đúng như lời tổng kết của GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, đây là một hoạt động trao đổi khoa học quan trọng và rất bổ ích, liên quan mật thiết đến các đề tài khoa học cấp Nhà nước do Viện Ngôn ngữ học đang triển khai thực hiện, thuộc Chương trình khoa học Nhà nước “Một số vấn đề cấp bách trong việc bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa, đổi mới và hội nhập”.