Ngày 28/12/2021, Phòng Ngôn ngữ các Dân tộc thiểu số ở Việt Nam và Đông Nam Á, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến “Một số vấn đề ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”. Tham dư Hội thảo có GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, TS. Đặng Thị Phượng - Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ cùng đông đảo cán bộ Viện Ngôn ngữ học quan tâm tham dự.
Hội thảo đã nghe ba báo cáo: "Bài học từ sự thay đổi chữ viết Gia-rai trong Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND ngày 28/10/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai" của PGS.TS. Đoàn Văn Phúc, "Từ gốc Tai-Kadai" của TS. Phan Lương Hùng và "Ngữ âm, chữ viết tiếng Khơ Mú" của TS. Tạ Quang Tùng. Trong báo cáo của mình, PGS.TS. Đoàn Văn Phúc đã đưa ra một số nhận định về Quyết định số 03/QĐ-UB ngày 28/10/1981 của UBND tỉnh Gia Lai – Kon Tum và Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND ngày 28/10/2011 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai từ góc ngôn ngữ học xã hội và cấu trúc ngôn ngữ, trong đó chỉ ra một số điểm bất hợp lí về cách sử dụng từ ngữ như “con chữ, chữ cái, phụ âm ghép đôi chữ cái, phụ âm ghép ba chữ cái”, cách sử dụng dấu “ ˘ ”, lẫn lộn khái niệm “vần” và đặc biệt là bảng chữ cái ở Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND bị thiếu hụt nhiều chữ cái. Báo cáo của TS. Phan Lương Hùng đã chỉ ra số lượng đáng kể các từ gốc Tai-Kadai trong tiếng Kháng dao động từ 12,91 đến 29,92% trên cơ sở thống kê so sánh 651 từ cơ bản tiếng Kháng ở Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Lay, Tam Đường, Than Uyên, Thuận Châu và Mường La với các ngôn ngữ được phục nguyên như Proto Kadai, Proto Kam-Sui, Proto Tai cũng như các ngôn ngữ Tai hiện đại như Tày, Nùng, Thái, Lào, Giáy, Seak. Các số liệu thống kê từ cùng gốc cũng như các tương ứng ngữ âm đã chỉ ra nguồn gốc Tai Tây Nam của các từ vay mượn này. Báo cáo của TS. Tạ Quang Tùng đã chỉ ra một số đặc điểm của hệ thống ngữ âm tiếng Khơ Mú; đồng thời đề xuất bộ chữ viết tiếng Khơ Mú ở Việt Nam.
Các báo cáo đều nhận được sự đánh giá cao về nội dung khoa học và nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh nội dung các báo cáo cũng như hướng triển khai tiếp theo từ các đại biểu tham dự. Kết thúc Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp và TS. Phan Lương Hùng đã ghi nhận những kết quả nghiên cứu được trình bày cũng như những ý kiến thảo luận; đồng thời khẳng định về sự cần thiết tiếp tục đẩy mạnh các hướng nghiên cứu lí luận và thực tiễn về cấu trúc, ngôn ngữ học xã hội và ngôn ngữ học lịch sử về ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và Đông Nam Á; vận dụng vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội đặt ra hiện nay.
Tin bài: Phan Hùng