Nối tiếp thành công của các Hội thảo “Những vấn đề Ngôn ngữ học năm 2022”, “Những vấn đề Ngôn ngữ học năm 2023”, được sự ủng hộ của các nhà khoa học, được sự cho phép của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ngày 23/9/2024, Viện Ngôn ngữ học tiếp tục tổ chức thành công Hội thảo “Những vấn đề Ngôn ngữ học năm 2024” dưới sự chủ trì của TS. Đặng Thị Phượng – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Ngôn ngữ học và PGS.TS. Phạm Hùng Việt – Nguyên Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.
Hội thảo đã nhận hơn 40 báo cáo của các Giáo sư, Phó giáo sư, các nhà khoa học, các trí thức dân tộc đến từ các trường Đại học, các cơ sở nghiên cứu, các địa phương trong nước và Quốc tế như: Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quảng Bình, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Trường Đại học Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Fenikaa, Trung tâm CNTT&TT, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Việt Nam học, Viện Ngôn ngữ học, Trường ĐH California – Los Angeles, Trường ĐH Tây Nam- Trung Quốc, …
Nội dung của các báo cáo tham gia Hội thảo rất phong phú, từ những vấn đề cơ bản về Ngữ âm - Từ vựng - Ngữ pháp tiếng Việt đến các vấn đề của Ngôn ngữ học xã hội; Phương ngữ học và lịch sử tiếng Việt; Ngôn ngữ học ứng dụng; bệnh học ngôn ngữ; mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa... Trong đó, hướng nghiên cứu bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc của các ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và Đông Nam Á được nhiều tác giả quan tâm và khai thác.
Trong khuôn khổ một ngày làm việc, 12 báo cáo đại diện cho các lĩnh vực nghiên cứu đã được trình bày và thảo luận tại Hội thảo. Bên cạnh các báo cáo nghiên cứu về những vấn đề khái quát, có tính lí luận cao, nhiều báo cáo lại vận dụng các lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại như Ngôn ngữ học chức năng hệ thống, ngôn ngữ học tri nhận… đề giải quyết các vấn đề hết sức cụ thể trên nhiều nguồn ngữ liệu khác nhau. Các báo cáo về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số cũng nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học: Từ những vấn đề liên quan đến chính sách như: Vai trò, ảnh hưởng của Quyết định 53-CP năm 1980 đối với việc xây dựng và cải tạo chữ viết các dân tộc thiểu số đến những nghiên cứu cụ thể về mặt cấu trúc, chức năng của một số ngôn ngữ ở Việt Nam . Đặc biệt, báo cáo “Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong xử lí tiếng nói và xây dựng cơ sở dữ liệu số các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam” của ThS. Trần Duy Linh - Giám đốc Trung tâm CNTT&TT, Sở Thông tin & Truyền thông Tỉnh Quảng Ngãi đã giới thiệu một hướng nghiên cứu ứng dụng triển vọng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về chuyên môn giữa ngành ngôn ngữ học và ngành Công nghệ thông tin, giữa Viện Ngôn ngữ học và tỉnh Quảng Ngãi. Hội thảo đã nhận được nhiều lượt ý kiến thảo luận, tựu chung đều đánh giá cao những đóng góp các báo cáo ở nhiều phương diện như: Lí luận; phương pháp và cách tiếp cận hiện đại; các nguồn tư liệu và số liệu mới..., đồng thời, khẳng định sự thành công của Hội thảo. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng gợi mở một số vấn đề khoa học cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu và thảo luận.
Có thể nói, Hội thảo “Những vấn đề Ngôn ngữ học năm 2024” thực sự là một diễn đàn khoa học sôi nổi để các nhà nghiên cứu chia sẻ và thảo luận về những kết quả nghiên cứu mới về những vấn đề cơ bản và thời sự của ngôn ngữ học trong năm 2024, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc tư vấn, hoạch định các chính sách về ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Dưới đây là một số hình ảnh của Hội thảo:
Tin bài: Phương Nguyễn
Ảnh: Nguyễn Giang