Được sự đồng ý của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, ngày 08/9/2022 Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Những vấn đề ngôn ngữ học năm 2022” tại số 09 Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội với hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự quan tâm, gửi báo cáo tham dự của đông đảo cán bộ Viện Ngôn ngữ học và nhiều nhà nghiên cứu đến từ nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước, trong đó có Đại học KHXH &NV, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Lạt, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Đại học Tân Tạo, Đại học Văn Lang, Đại học Quảng Bình, Đại học CMC, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Tân Trào, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, Trường THPT La Gi, Bình Thuận và Ủy ban Dân tộc.
Trong thời gian một ngày, hội thảo đã nghe 10 báo cáo viên trình bày báo cáo tham luận kết quả nghiên cứu về các vấn đề ứng dụng ngữ pháp chức năng hệ thống trong phân tích văn bản luật của Singapore, ứng dụng lý thuyết ẩn dụ ý niệm nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành kinh tế kinh doanh, phân loại từ trái nghĩa tiếng Việt, đặc điểm cấu trúc cuộc thoại của các lễ trong đám cưới người Việt, đặc trưng ngôn ngữ văn hóa của nhóm từ ngữ nghề làm muối ở Thanh Hóa, so sánh đặc điểm mục đích phát ngôn của trẻ tự kỉ 3 - 4 tuổi với trẻ 5- 6 tuổi và một số báo cáo khác liên quan đến các đặc điểm ngữ âm, từ vựng của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam như: một số tương đồng trong tiếng Việt và tiếng nói người Thái nhóm Tày - Mường ở Nghệ An, nhận diện thanh điệu tiếng Mường trong xây dựng hệ thống dịch tự động tiếng Việt ra tiếng Mường và biến đổi ngữ âm tiếng Kháng ở Tuần Giáo - Điện Biên và Thuận Châu - Sơn La từ góc nhìn loại hình và so sánh lịch sử.
Các báo cáo đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi từ các đại biểu tham dự xoay quanh các vấn đề về ngữ pháp chức năng hệ thống, sự vận dụng của lý thuyết ẩn dụ ý niệm trong giảng dạy ngoại ngữ, khai thác các khía cạnh văn hóa trong lớp từ nghề nghiệp, hướng nghiên cứu trị liệu ngôn ngữ đối với trẻ tự kỉ, vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ Việt – Thái, sự biến đổi ngữ âm tiếng Kháng trong liên hệ với quá trình hình thành thanh điệu tiếng Việt và vấn đề ứng dụng công nghệ xử lí tiếng nói đối với tiếng Mường.
Tổng kết bế mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo đã cảm ơn các nhà nghiên cứu đến từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước đã báo cáo và quan tâm tham dự, trình bày tại hội thảo; điểm lại những vấn đề đã được trình bày, thảo luận tại hội thảo cũng như khẳng định về sự thành công của hội thảo. Dưới đây là một số hình ảnh của hội thảo:
Tin bài: Phan Hùng
Ảnh: Sông Xanh