Ngày 27/12/2021, Phòng Ngôn ngữ học Xã hội – Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến với chủ đề “Một số vấn đề nghiên cứu Phương ngữ học tiếng Việt”. Hội thảo có sự tham dự của GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, TS. Đặng Thị Phượng – Bí thư chi bộ, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ cùng đông đảo cán bộ Viện Ngôn ngữ học.
Tại Hội thảo, đã có 3 báo cáo được trình bày: “
Từ vựng phương ngữ Nam trong tiếng Việt toàn dân hiện nay dưới góc nhìn của ngôn ngữ học xã hội” của TS. Nguyễn Thị Ly Na, “
Ứng dụng ArcGIS xây dựng bản đồ phương ngữ tiếng Việt (trường hợp thổ ngữ Thạch Thất và Quốc Oai)” của TS. Nguyễn Tài Thái và “
Một số đặc điểm hệ thống từ vựng thổ ngữ Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội” của ThS. Nguyễn Thu Huyền. Báo cáo của TS. Nguyễn Thị Ly Na cho thấy tiếng địa phương miền Nam đã thâm nhập vào tiếng Việt toàn dân với số lượng khá lớn và ở các nhóm từ khác nhau. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân của quá trình thâm nhập từ vựng dưới góc nhìn của ngôn ngữ học xã hội, tức là chỉ ra những nhân tố ngôn ngữ - xã hội tác động để nhóm từ vựng phương ngữ Nam thâm nhập, tồn tại và làm phong phú thêm cho tiếng Việt toàn dân hiện nay. Báo cáo của TS. Nguyễn Tài Thái đề cập đến việc vẽ bản đồ phương ngữ tiếng Việt qua học tập kinh nghiệm của các nước như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc. Từ những tư liệu ngôn ngữ đã thu thập được về các đặc điểm ngữ âm ở thổ ngữ Thạch Thất và Quốc Oai (Hà Nội). Báo cáo ứng dụng các phương pháp xây dựng bản đồ dựa trên phần mềm ArcGIS để xây dựng các bản đồ về biến thể phụ âm đầu, thanh điệu ở hai thổ ngữ nghiên cứu, qua đó cho thấy đây là một công cụ hữu ích trong nghiên cứu ngôn ngữ học địa lí bởi lẽ nó sẽ giúp định vị được các hiện tượng ngôn ngữ cũng như xác định ranh giới của chúng qua các đường đồng ngữ. Nghiên cứu một thổ ngữ trung tâm Hà Nội, báo cáo của ThS. Nguyễn Thu Huyền đã cho thấy những đặc điểm khá thú vị của hệ thống từ vựng thổ ngữ Cổ Loa, huyện Đông Anh. Kết quả khảo sát cho thấy sj khác biệt của từ vựng tiếng Cổ Loa so với hệ thống từ vựng toàn dân chính là những từ chỉ sản vật địa phương; những cách nói mang đặc trưng ngữ âm địa phương. Mặt khác, thông qua các phương thức định danh cùng những mô hình định danh của từ địa phương trong thổ ngữ Cổ Loa, chúng ta có thể cảm nhận được cách tư duy của cư dân nơi đây khá giản dị, mộc mạc, dân dã không cầu kì nhưng sinh động và cụ thể khi gắn cho sự vật, hiện tượng trong đời sống những đặc điểm, tính chất gần gũi, thân quen.
Buổi toạ đàm đã nhận được nhiều các ý kiến trao đổi, thảo luận về mặt chuyên môn cũng như gợi mở ra những hướng nghiên cứu mới trong phương ngữ học của GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp, TS. Vũ Thị Hải Hà, TS. Phạm Hiển, TS. Phan Lương Hùng, ThS. Bùi Đăng Bình. Kết thúc Hội thảo, GS,TS. Nguyễn Văn Hiệp và TS. Nguyễn Tài Thái đã ghi nhận các ý kiến thảo luận và khẳng định tầm quan trọng của các nghiên cứu phương ngữ học theo hướng địa lí hay xã hội trong tình hình hiện nay.
Tin bài: Tài Thái