Ngày 13 tháng 7 năm 2023, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, Viện Ngôn ngữ học đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Một số vấn đề Ngôn ngữ học Xã hội, Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt. Hội thảo có mục đích công bố những kết quả nghiên cứu về ngôn ngữ học xã hội, phương ngữ học và lịch sử tiếng Việt cũng như tạo diễn đàn hợp tác, kết nối các nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực này. Chủ trì hội thảo do TS. Đặng Thị Phượng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Ngôn ngữ học; PGS. TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh và TS. Nguyễn Tài Thái, Trưởng Phòng Ngôn ngữ học Xã hội – Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học. Tham dự Hội thảo có ThS. Lưu Thị Hồng Trâm (Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An), Bà Nguyễn Thị Minh Tú (Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An), Ông Phan Hồng Hải (Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An); một số giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Vinh, các nhà khoa học của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cùng đông đảo cán bộ Viện Ngôn ngữ học.
Lĩnh vực ngôn ngữ học xã hội, hương ngữ học và lịch sử tiếng Việt đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhiều lý thuyết, cách tiếp cận mới đã được áp dụng vào nghiên cứu thực tế những vấn đề ngôn ngữ học xã hội cũng như phương ngữ ở Việt Nam và đã có được những kết quả đáng kể. Những vấn đề của ngôn ngữ học xã hội như nghiên cứu ngôn ngữ trong bối cảnh giao tiếp ở các nhóm xã hội khác nhau; các vùng miền khác nhau; ngôn ngữ trong các văn bản pháp luật; sự biến đổi ngôn ngữ ở các cộng đồng dân cư… Ở lĩnh vực phương ngữ học và lịch sử tiếng Việt, các nghiên cứu tập trung vào hướng nghiên cứu các biến thể ở các vùng phương ngữ, xây dựng bản đồ về sự phân bố các biến thể ngôn ngữ; nghiên cứu phương ngữ gắn với việc tìm hiểu lịch sử tiếng Việt… Đáng chú ý, gần đây có nhiều nghiên cứu phương ngữ học theo hướng liên ngành kết hợp giữa ngôn ngữ và văn hóa đã tạo nên sự mới mẻ trong nghiên cứu phương ngữ.
Hội thảo đã nhận được rất nhiều báo cáo của các nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước, trong đó có các báo cáo của các nhà khoa học đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh. Các báo cáo khá đa dạng ở các hướng nghiên cứu cũng như cập nhật những cơ sở lí thuyết mới. Tại hội thảo, có các báo cáo được trình bày như:
Lời hát dạo, hát chào, hát mừng trong Hát Phường vải của người Nghệ Tĩnh (GS. TS. Đỗ Thị Kim Liên, Đại học Phương Đông);
Nghiên cứu từ ngữ phương ngữ theo thuộc tính mở từ nhiều góc nhìn khác nhau (PGS.TS. Hoàng Trọng Canh, Đại học Vinh);
Sự phân bố biến thể phụ âm đầu ở một số thổ ngữ Bắc Trung Bộ (TS. Nguyễn Tài Thái, Viện Ngôn ngữ học);
Đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa qua một số địa danh làng ở Hà Tĩnh (TS. Nguyễn Văn Loan, Đại học Hà Tĩnh), v.v.
Các đại biểu tham dự đã thảo luận rất sôi nổi đối với các báo cáo đã trình bày cũng như gợi mở các hướng nghiên cứu mới của Ngôn ngữ học xã hội – Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt như ý kiến của TS, Phạm Văn Lam, TS. Phạm Hiển, TS. Vũ Thị Hải Hà, PGS. TS, Trần Bá Tiến, PGS. TS. Hoàng Trọng Canh, GS. TS. Đỗ Thị Kim Liên, TS. Đỗ Thị Hiên… Những vấn đề được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã gợi mở thêm các hướng nghiên cứu, cách tiếp cận cho các đại biểu tham dự.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Đặng Thị Phượng khẳng định đây là một hội thảo có chất lượng tốt, đã thu hút được nhiều báo cáo có hàm lượng khoa học cao; đặc biệt là sự tham gia của các nhà khoa học đang sống và làm việc tại Nghệ An. Đây cũng là một hội thảo có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự hợp tác giữa Viện Ngôn ngữ học và tỉnh Nghệ An.
Dưới đây là một số hình ảnh của Hội thảo:
Tin bài: Tài Thái