Ngày 25/11/2021, Phòng Từ vựng – Ngữ âm – Ngữ pháp, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến “Một số vấn đề về ngữ âm – từ vựng – ngữ pháp”. Tham dự Hội nghị có GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, TS. Đặng Thị Phượng, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cùng đông đảo cán bộ Viện Ngôn ngữ học quan tâm tham dự.
Hội thảo đã nghe hai báo cáo viên trình bày về “Một số đặc điểm lời nói trong giờ học trị liệu nghe nói trước và sau khi cấy ghép ốc tai điện tử của các trẻ khiếm thính ở Hà Nội” (Khảo sát tại Trung tâm Huấn luyện Sunny AVT)” của ThS. Văn Tú Anh và “Khái quát về quan hệ nhân quả và quan hệ nhân quả trong từ vựng tiếng Việt” của TS. Phạm Văn Lam.
Nghiên cứu về trị liệu ngôn ngữ là một hướng nghiên cứu có ý nghĩa nhân văn, có tính ứng dụng cao, thiết thực đối với xã hội. Đối với trẻ khiếm thính, do khuyết thiếu khả năng nghe nên trẻ gặp những hạn chế nhất định về nhận thức và lời nói, dẫn đến khó hòa nhập được với cộng đồng người nghe bình thường. Để phục hồi chức năng ngôn ngữ và lời nói cho trẻ, cần phải có các hoạt động can thiệp sớm, trong số đó có hoạt động cấy ghép ốc tai điện tử. Báo cáo của ThS. Văn Tú Anh đi vào phân tích, so sánh một số đặc điểm lời nói ở hai thời điểm trước và sau khi cấy ốc tai điện tử của các trẻ em khiếm thính nhằm tìm hiểu tác động của việc cấy ốc tai điện tử và tác động của việc trị liệu nghe nói đến lời nói trong giờ học cá nhân của trẻ khiếm thính.
Theo hướng nghiên cứu lý thuyết về từ vựng - ngữ nghĩa, báo cáo của TS. Phạm Văn Lam đề cập đến quan hệ nhân quả. Đây là một loại quan hệ quan trọng, có trong mọi hoạt động của con người. Quan hệ này đã được nghiên cứu từ lâu, dưới nhiều góc độ khoa học khác nhau, như triết học, tâm lí học, ngôn ngữ học,... Riêng trong ngôn ngữ học, quan hệ nhân quả cũng được nghiên cứu từ nhiều khía cạnh, như ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng và diễn ngôn. Ở Việt ngữ học, quan hệ nhân quả đã được đề cập đến trong ngữ pháp; quan hệ nhân quả với tư cách là một quan hệ ngữ nghĩa trong hệ thống từ vựng vẫn chưa được gọi tên và nghiên cứu một cách chính thức. Trong báo cáo của mình, tác giả đã trình bày: định nghĩa, nhận diện quan hệ nhân quả trong ngôn ngữ nói chung và quan hệ nhân quả với tư cách là một quan hệ ngữ nghĩa chân chính ở bậc từ nói riêng; sơ lược về việc nghiên cứu quan hệ nhân quả nói chung và quan hệ nhân quả trong ngôn ngữ nói riêng; khái quát về các phương tiện biểu hiện của quan hệ nhân quả trong tiếng Việt; và khái quát về quan hệ nhân quả trong từ vựng tiếng Việt; quan hệ nhân quả trong các tổ hợp song tiết trong
Từ điển tiếng Việt do cố giáo sư Hoàng Phê chủ biên.
Cả hai báo cáo đều nhận được sự đánh giá cao về nội dung khoa học bên cạnh một số ý kiến thảo luận xoay quanh vấn đề hướng triển khai tiếp theo trong nghiên cứu trị liệu ngôn ngữ, vấn đề phân loại quan hệ nhân quả trong tiếng Việt… từ các đại biểu tham dự. Kết thúc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp và TS. Đặng Thị Phượng khái lược lại những điểm đã được thảo luận; đồng thời khẳng định về tính khoa học cũng như khả năng ứng dụng vào thực tiễn trị liệu ngôn ngữ, từ điển học cũng như ngành khoa học máy tính của hai báo cáo.
Bài và ảnh: Đinh Hằng