Ngày 27/11/2021, trong khuôn khổ đề tài nhà nước: "Tổng hợp các kết quả và đề xuất kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan có liên quan về những vấn đề cấp bách để bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc của ngôn ngữ và chữ viết dân tộc thiểu số", Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức Hội thảo “Những vấn đề về bảo tồn, luật pháp hóa ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thiểu số nhằm ổn định và phát triển bền vững ở các Quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ: Trường hợp Việt Nam” dưới sự chủ trì của GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp – Chủ nhiệm đề tài và TS. Phan Lương Hùng – Trưởng phòng Ngôn ngữ Dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Hội thảo đã đề cập đến rất nhiều vấn đề thời sự và “gay cấn” còn nhiều tranh luận về cả lí luận và thực tiễn như: Vấn đề bảo tồn và phát triển sự đa dạng về văn hoá, ngôn ngữ và việc phát triển bền vững ở một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ gắn với quyền ngôn ngữ; vấn đề luật pháp hoá những vấn đề về ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thiểu số nhằm ổn định và phát triển bền vững; vấn đề xung đột tộc người và xung đột ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ; vấn đề thực trạng chữ viết và xây dựng, lựa chọn chữ viết của một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam, trong đó có chữ Mông, chữ Mường...
Mặc dù được tổ chức trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Hội thảo đã nhận được sự quan tâm tham dự và thảo luận cả trực tiếp lẫn trực tuyến của rất nhiều chuyên gia về Ngôn ngữ học, dân tộc học, giáo dục học, các trí thức dân tộc, các Lãnh đạo Bộ, Ngành, địa phương và đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài Viện, trong đó có TS. Phan Văn Hùng (nguyên Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc), ông Vừ A Bằng (phó chủ tịch tỉnh Điện Biên), GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn (Bộ Giáo dục và Đào tạo), TS. Vũ Văn Thanh (Vụ Giáo dục Dân tộc thiểu số, Bộ Giáo dục và Đào tạo), thầy giáo Sầm Văn Bình (Nghệ An)... Điều này không chỉ thể hiện sức hút của Hội thảo mà còn là một tín hiệu đáng mừng thể hiện uy tín của Viện Ngôn ngữ học cũng như sự quan tâm, tâm huyết của giới nghiên cứu và toàn xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết thúc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp đã khẳng định về tầm quan trọng của việc nghiên cứu các ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay với các cách tiếp cận quyền ngôn ngữ và tôn trọng sự đa dạng về văn hóa – ngôn ngữ nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước; đồng thời đánh giá cao các báo cáo khoa học, các ý kiến thảo luận có hàm lượng khoa học cao và tâm huyết của các nhà khoa học, các vị đại biểu và khách mời. Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo và nhóm thực hiện đề tài, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp khẳng định đề tài sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến này để tiếp tục triển khai nghiên cứu và có những kiến nghị, đề xuất phù hợp và khả thi với Đảng và Nhà nước hướng tới việc xây dựng và điều chỉnh các chính sách về ngôn ngữ, chữ viết dân tộc thiểu số phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Dưới đây là một số hình ảnh của Hội thảo
Tin bài: Phương Nguyễn
Ảnh: Linh Chi