Ngày 08/10/2020, Hội thảo khoa học về “Quyền ngôn ngữ và việc phát triển bền vững ở một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ” đã diễn ra tại Viện Ngôn ngữ học, số 09 Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội.
Ngày 08/10/2020, Hội thảo khoa học về “Quyền ngôn ngữ và việc phát triển bền vững ở một quốc gia đa dân tộc, đa ngôn ngữ” đã diễn ra tại Viện Ngôn ngữ học, số 09 Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội. Tham dự Hội thảo có nhiều nhà khoa học đến từ các các cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành ngôn ngữ học trong cả nước, trong đó có Đại học Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Khoa Ngôn ngữ học – Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa Nhân học - Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sau phần phát biểu khai mạc của GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Hội thảo đã nghe các báo viên trình bày 05 tham luận:
-
“Ngôn ngữ - chữ viết các dân tộc ở Việt Nam trong quan hê liên quốc gia, xuyên biên giới: Thực trạng, giải pháp và chính sách” do GS.TS. Nguyễn Văn Lợi trình bày.
-
Truyền thông bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số của Việt Nam với 2 vấn đề: quyền ngôn ngữ và việc phát triển bền vững đất nước” do PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung trình bày.
-
“Ngôn ngữ các dân tộc rất ít người ở Việt Nam trước nguy cơ tiêu vong: thực trạng và giải pháp” do PGS.TS Tạ Văn Thông trình bày.
-
“Bước đầu tìm hiểu việc xây dựng chính sách ngôn ngữ quốc gia ở Thái Lan” do TS. Nguyễn Ngọc Bình trình bày.
-
“Chữ Hmong ở Viêt Nam: thực trạng và những vấn đề liên quan đến quyền ngôn ngữ” do GS.TS Nguyễn Văn Hiệp trình bày.
Trong phiên thảo luận, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận xung quanh các vấn đề về cảnh huống ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ, giáo dục ngôn ngữ, ngôn ngữ xuyên biên giới, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, ngôn ngữ trong truyền thông, ngôn ngữ nguy cấp trong mối liên hệ với quyền ngôn ngữ và phát triển bền vững đất nước. Trong đó, vấn đề chữ viết của dân tộc Mông liên quan đến báo cáo của GS.TS Nguyễn Văn Hiệp được lồng ghép trình bày trong phần thảo luận để tiết kiệm thời gian của Hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt với phần thảo luận sôi nổi của các đại biểu: PGS.TS Hoàng Dũng, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, PGS.TS Nguyễn Trường Giang, PGS.TS Nguyễn Hữu Hoành, PGS.TS Đoàn Văn Phúc và TS. Phan Lương Hùng về các vấn đề lựa chọn phương ngữ cơ sở, tính khoa học của các bộ chữ và các nhân tố bên ngoài ngôn ngữ như kinh tế, văn hóa – xã hội, tôn giáo và chính trị.
Bế mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các vấn đề liên quan đến chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, giáo dục tiếng mẹ đẻ đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đánh giá sức sống các ngôn ngữ ở Việt Nam và xác định thành phần ngôn ngữ ở Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống, góp phần đảm bảo quyền ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, phát triển bền vững đất nước.
Dưới đây là một số hình ảnh của Hội thảo:
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp phát biểu khai mạc hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
PGS.TS Hoàng Dũng thảo luận tại hội thảo
PGS.TS Tạ Văn Thông trình bày tại hội thảo
PGS.TS Đoàn Văn Phúc thảo luận tại hội thảo
TS. Nguyễn Ngọc Bình thảo luận tại hội thảo
Bài: Phan Hùng
Ảnh: Sông Xanh