Ngày 23/12/2021, Phòng Ngôn ngữ học Ứng dụng, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học trực tuyến “Một số vấn đề về ngôn ngữ học ứng dụng”. Tham dư Hội nghị có GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, TS. Đặng Thị Phượng – Bí thư chi bộ, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ cùng đông đảo cán bộ Viện Ngôn ngữ học quan tâm tham dự.
Hội thảo đã nghe bốn báo cáo: "
Lời chỉnh sửa do người nói khởi xướng" của ThS. Trần Thùy An, "
Dạy học đọc hiểu theo định hướng phát triển năng lực (nghiên cứu trường hợp một số trường Tiểu học tỉnh Sơn La" của TS. Trịnh Thị Hà, "
Đặc điểm phát âm phần vần tiếng Việt của trẻ khe hở môi vòm sau phẫu thuật" của ThS. Nguyễn Thị Phương và "
Hiện tượng lệch chuẩn trong dạy ngôn ngữ kí hiệu cho học sinh tiểu học" của TS. Đỗ Thị Hiên. Báo cáo của ThS Trần Thùy An tiếp cận vấn đề lời chỉnh sửa do người nói khởi xướng theo hướng giao tiếp hội thoại trong tiếng Việt. Trong đó, lời chỉnh sửa do người nói khởi xướng, người nói chỉnh sửa không cùng lượt lời có thể được chia thành hai loại nhỏ: Chỉnh sửa ở lượt lời thứ ba và chỉnh sửa ở vị trí thứ ba. Báo cáo của TS. Trịnh Thị Hà đã khái quát những vấn đề về cơ sở lí luận như lí thuyết về thụ đắc và phát triển ngôn ngữ trẻ em, lí thuyết về năng lực ngôn ngữ, lí thuyết về đọc hiểu; đi sâu nghiên cứu năng lực ngôn ngữ (năng lực đọc hiểu) của học sinh lớp 1 nói chung, học sinh dân tộc thiểu số và học sinh người Kinh tại một số trường tiểu học tỉnh Sơn La nói riêng qua việc học sách giáo khoe Tiếng Việt lớp 1 biên soạn theo Chương trình tiếng Việt tiểu học thuộc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ giáo dục và Đào tạo công bố năm 2018, từ đó đề xuất một số giải pháp. Báo cáo của ThS. Nguyễn Thị Phương về "Đặc điểm phát âm phần vần tiếng Việt của trẻ khe hở môi vòm sau phẫu thuật" đã khẳng định trẻ không gặp khó khăn khi phát âm phần vần, vần chứa âm đệm. Trong thực tế, khi phát âm, một số trẻ phát âm thay thế nguyên âm hoặc phụ âm cuối: Xu hướng phát âm thay thế nguyên âm từ hẹp đến rộng hoặc ngược lại; xu hướng phát âm thay thế phụ âm cuối xảy ra ở phụ âm ồn /p/, /t/, /k/; xu hướng phát âm thay thế phụ âm mũi => /ng/ hoặc bán âm /j/. Đây là cơ sở để xây dựng bài tập trị liệu phát âm cho trẻ khe hở môi vòm. Báo cáo của TS. Đỗ Thị Hiên về "Hiện tượng lệch chuẩn trong dạy ngôn ngữ kí hiệu cho học sinh tiểu học" đã khái quát các đặc điểm tâm sinh lí và sự hình thành ngôn ngữ của trẻ điếc đồng thời mô hình hóa hiện tượng lệch chuẩn ngôn ngữ, chỉ ra được những biểu hiện lệch chuẩn khi thể hiện một số loại từ bằng ngôn ngữ kí hiệu, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp.
Các báo cáo đều nhận được sự đánh giá cao về nội dung khoa học và nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh hướng triển khai tiếp theo để các nghiên cứu được hoàn thiện hơn từ các đại biểu tham dự. Kết thúc Hội thảo, GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp và TS. Trịnh Thị Hà - Trưởng phòng Ngôn ngữ học Ứng dụng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngôn ngữ học ứng dụng trong giải quyết những vấn đề của thực tiễn xã hội. Đặc biệt là ứng dụng các lí thuyết ngôn ngữ học và các ngành khoa học có liên quan để nghiên cứu về ngôn ngữ trong nhà trường và khả năng ứng dụng vào thực tiễn, nghiên cứu về ngôn ngữ kí hiệu, ngôn ngữ bệnh học nhằm đánh giá, sàng lọc và trị liệu ngôn ngữ cho trẻ gặp các vấn đề về ngôn ngữ như: trẻ chậm khôn, trẻ nói ngọng, nói khó, rối loạn ngôn ngữ, trẻ tự kỉ, trẻ khiếm thính,...
Bài: Trịnh Hà
Ảnh: Sông Xanh