Ngày 18.6.2010 , Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM và Trường Đại học Sài Gòn đồng tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc "Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay". 91 báo cáo tham luận từ 25 tỉnh thành gửi về tham dự Hội thảo.
Dưới đây là bài viết về Hội thảo của Tienphong online, đăng lại trên website của Trường Đại học Ngoại ngữ-Tin học Tp. Hồ Chí Minh:
Có đại biểu phải dùng đến khái niệm “sụp đổ”, “suy thoái”, “đau đớn”... để nói về thực trạng tiếng Việt hiện nay trong đời sống xã hội tại một hội thảo được tổ chức ngày 18-6 ở TP.HCM. Và hội thảo đáng chú ý này đã thống nhất gửi năm kiến nghị lên các cơ quan chức năng để giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt.
Hội thảo khoa học toàn quốc "Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay" diễn ra tại TP.HCM trong suốt ngày 18-6 do Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. HCM và Trường đại học Sài Gòn đồng tổ chức với 91 báo cáo, tham luận gửi về từ 25 tỉnh thành.
Nhìn từ góc độ tác động của xã hội, GS.TS Nguyễn Văn Khang (Phó viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) nêu vấn đề cần chuẩn hóa tiếng Việt, trong đó có nội dung quan trọng là việc chuẩn hóa về mặt ngữ pháp ở những mô hình câu tiếp nhận từ ngôn ngữ nước ngoài. Bởi như nhận định của GS Bùi Khánh Thế, "tiếng Việt có một lịch sử đứng vững trước sự tác động của những ngôn ngữ khác. Từ vựng thì chúng ta có thể vay mượn, nhưng ngữ pháp là của chúng ta, ngữ pháp là lời ăn tiếng nói của dân ta".
Bạn tôi không hiểu từ "võ đoán"
Điều đáng quý của hội thảo về tiếng Việt lần này là ban tổ chức đã tập hợp tham luận, ý kiến từ nhiều ngành nhiều giới. Thạc sĩ Võ Anh Tuấn - hiện đang là giám đốc một công ty xây dựng - đã đăng đàn yêu cầu Viện Ngôn ngữ học phải có "chiến lược chuẩn hóa ngôn ngữ tiếng Việt, chí ít cũng làm theo kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, lần thứ hai...". Trong khi đó, nhà giáo lão thành Nguyễn Xuân Tư đưa ra một phát hiện thú vị: Tên gọi của hội thảo này có cụm từ "Phát triển và giữ gìn sự trong sáng...", trong khi ông Tư nhớ lại một phát biểu của Bác Hồ, Bác đã dùng: "Giữ gìn và phát triển sự trong sáng của tiếng Việt". Và ông Tư so sánh: "Giữ gìn trước rồi mới phát triển sau, như thế hợp logic hơn. Nói thế cũng chỉ là khởi đầu của thực trạng đang rất ngổn ngang của tiếng Việt hiện nay. Ông Tư cho rằng việc dùng từ sai trên các báo, lạm dụng tiếng lóng, cố đặt ra các từ mang nghĩa riêng, kiểu như "bật mí", "quái xế" đang làm cho tiếng Việt không trong sáng.
Một góp ý bất ngờ đến từ Phạm Nguyễn Huy Tùng - sinh viên năm 1 khoa văn Trường đại học Sài Gòn. Tùng cho rằng ở bậc phổ thông hiện nay, số giờ dạy tiếng Việt cho học sinh rất ít. Ðiều này khiến vốn tiếng Việt của các em học sinh quá ít. Các em đọc không hiểu tiếng Việt nên đâm ra lười đọc sách văn học. Giờ văn, học phân tích tác phẩm mà học sinh không chia sẻ được với cô giáo...
"Ðến như hiện nay, tôi dùng từ "võ đoán" mà trong bạn bè vẫn có người không hiểu" - Huy Tùng bộc bạch.
Sụp đổ hay đứng vững
Nhắc lại bối cảnh của Nhật Bản từ mấy chục năm trước, khi ngôn ngữ nước này cũng gặp vấn đề suy thoái, một học giả đã lên tiếng bằng quyển sách bán chạy: Sự sụp đổ của tiếng Nhật, PGS.TS Ðoàn Lê Giang cho rằng tiếng Việt chúng ta đang trong tình trạng tương tự. Và đau đớn hơn, ông Giang nêu thực trạng: giới trẻ Việt Nam đang vong bản ngay trên đất nước mình.
Một sinh viên Nhật Bản khi viếng chùa Vĩnh Nghiêm, đọc thấy phả ký, biết đây là chùa thuộc dòng Lâm Tế, đã tâm sự với ông rằng: "Em thấy chùa Vĩnh Nghiêm rất thân thuộc, giống như ngôi chùa gần nhà bà ngoại em". Nhưng TS Ðoàn Lê Giang nói thêm: "Với các thanh niên Việt Nam, khi họ đến chùa Vĩnh Nghiêm hay chùa Tây Phương, chùa Bút Tháp..., nhìn lên bảng hiệu, hoành phi, câu đối hay bài vị, họ cũng cảm thấy xa lạ như bất kỳ ngôi chùa nào ở Trung Quốc hay Hàn Quốc".
Nguồn gốc của việc ấy, theo ông Giang, là do chúng ta đã từ lâu không dạy chữ Hán trong trường phổ thông. Ông gọi não trạng ấy là "thoát Hán học" và khẳng định: "Hán học có mặt ở nước ta hàng nghìn năm nay, gắn bó với dân tộc này nên nó đã trở thành một phần của Quốc học. Vì thế thoát Hán học cũng mở đường cho thoát Quốc học".
Sự thật này được nhìn thấy từ khi nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo còn tại thế: nhìn ra các nước Ðông Nam Á, không có nước nào đoạn tuyệt với chữ Hán. Chỉ có riêng Việt Nam là hoàn toàn không dạy chữ Hán trong chương trình phổ thông. Ông Ðoàn Lê Giang kêu gọi phải từng bước xây dựng lại chương trình dạy chữ Hán cho học sinh.
Giáo sư Bùi Khánh Thế đưa ra cái nhìn sâu sắc mà điềm đạm. Ông dẫn lời một giáo sư nước ngoài nhận định rằng ngôn ngữ cũng như cái cây, nó tự có thế đứng của nó. Cái cây muốn đứng phải chịu tác động của các luồng gió bên đông, bên tây, mặt trước, mặt sau... là chuyện bình thường. Nếu chịu không nổi, cái cây ấy trốc gốc. Còn nếu nó đứng được thì gốc nó càng ngày càng vững.
"Nhìn lại lịch sử tiếng Việt, trải qua bao thời kỳ, chúng ta từng học chữ Hán và dùng chữ ấy để viết Bình Ngô đại cáo... Tiếng Việt của chúng ta là một nồi chưng cất. Tôi tin tiếng Việt của ta đứng vững" - GS Bùi Khánh Thế khẳng định.
Hội thảo đã thông qua bản kiến nghị gồm năm vấn đề chính:
1/ Cần có quy chuẩn quốc gia cho việc sử dụng tiếng Việt: tên gọi thống nhất các chữ cái; cách viết chính tả; cách viết tên riêng; nguyên tắc mượn từ ngữ ở các ngoại ngữ; chủ trương đối với chữ Hán, chữ Nôm đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.
2/ Cần có một dự án cấp quốc gia để hệ thống hóa thành luật từ những quy định đã có.
3/ Về mặt tổ chức, cần lập một cơ quan vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu, vừa có chức năng trọng tài, tư vấn để giúp Chính phủ giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách ngôn ngữ của đất nước.
4/ Tăng cường giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường, chú trọng vào thực hành để con em chúng ta nói đúng, viết đúng tiếng Việt.
5/ Bảo vệ, giữ gìn tiếng Việt cần đi đôi với việc phát triển tiếng Việt. Không chỉ bảo toàn sự giàu đẹp mà còn cần đưa vào tiếng Việt những nhân tố mới, làm cho tiếng Việt đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao tiếp trong thời hội nhập.
Những kiến nghị trên sẽ gửi tới Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục - đào tạo, Viện Khoa học xã hội, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Thông tin và truyền thông.
[ Nguồn: Đỗ Phi Hưng, theo Tuoitre online]