Ngày 20/12/2020, Hội thảo Quốc tế Ngôn ngữ học lần thứ IV "Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh khu vực và thế giới" đã diễn ra tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 01 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.
Sau thành công của 03 Hội thảo Ngôn ngữ học Quốc tế vào các năm 2013, 2015 và 2017, được sự đồng ý của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, ngày 20/12/2021, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ 4 với chủ đề "Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học khu vực và thế giới" nhằm tiếp tục giới thiệu lý thuyết và kết quả nghiên cứu mới của ngôn ngữ học thế giới và khu vực cũng như các kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu trong nước.
Hội thảo đã nhận được gần 190 báo cáo của các học giả trong nước và ngoài nước, trong đó có những tác giả đến từ Australia, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan… Nội dung của các báo cáo chủ yếu tập trung giới thiệu và thảo luận những thành tựu của ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh có những thay đổi nhanh chóng của ngôn ngữ học thế giới và khu vực.
Hội thảo được chia thành 5 tiểu ban:
Tiểu ban 1: Ngôn ngữ học lí thuyết
Tiểu ban 2: Ngôn ngữ-Văn hoá
Tiểu ban 3: Ngôn ngữ học xã hội và liên ngành
Tiểu ban 4: Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, phương ngữ và lịch sử tiếng Việt.
Tiểu ban 5: Ngôn ngữ học ứng dụng.
Tại phiên toàn thể, 3 báo cáo được lựa chọn trình bày đã phản ánh phần nào những vấn đề đa dạng mà ngôn ngữ học phải giải quyết cả về lí thuyết lẫn thực tiễn. Đó là báo cáo của GS. TS Nguyễn Văn Hiệp về việc xác lập cơ sở lí thuyết cho việc biên soạn một cuốn Cú pháp tiếng Việt mới, hướng đến biên soạn một cuốn Ngữ pháp tiếng Việt có tầm tham chiếu quốc gia, tiếp nối cuốn Ngữ pháp tiếng Việt của Uỷ Ban KHXHVN 1983; báo cáo của GS Mark Alves đến từ Đại học Montgomery (Mỹ), về từ vựng Proto Nam Á và Proto Vietic trong tiếng Việt và báo cáo của TS Phạm Hiển ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng từ vựng tiếng Việt cốt lõi cho học viên nước ngoài.
Các báo cáo và nội dung thảo luận của các đại biểu tham dự trực tiếp hoặc thảo luận qua Zoom tại 05 tiểu ban cho thấy Ngôn ngữ học chức năng hệ thống, Ngôn ngữ học tri nhận, Lý thuyết phân tích diễn ngôn phê phán, Ngôn ngữ học văn hóa, Ngữ dụng học và Ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học lịch sử và ngôn ngữ học địa lí bên cạnh cách tiếp cận truyền thống, đã có những bước phát triển mới như lý thuyết đánh giá, cách tiếp cận dị thanh và Ngữ nghĩa học diễn ngôn, vốn phát triển từ Ngôn ngữ học chức năng hệ thống. Các chủ đề của ngôn ngữ học tri nhận cũng phong phú hơn, không dừng lại ở các ẩn dụ/hoán dụ ý niệm mà còn mở ra với các nghiên cứu về định vị không quan. Các báo cáo thuộc địa hạt Ngôn ngữ học xã hội, Ngôn ngữ học ứng dụng, Ngôn ngữ học văn hoá cũng bao quát nhiều vấn đề hơn, tức phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Những vấn đề của Ngôn ngữ các Dân tộc thiểu số ở Việt Nam và Phương ngữ học đang đứng trước những nhiệm vụ cấp bách như xác định thành phần ngôn ngữ, vấn đề giáo dục tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số, mối quan hệ ngôn ngữ - phương ngữ, vấn đề lịch sử tiếng Việt... Các vấn đề nêu trên đều nhận được các ý kiến thảo luận thẳng thắn, phản ánh tinh thần khoa học nghiêm túc của các học giả, các nhà nghiên cứu.
Có thể nói, Hội thảo “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực” đã hoàn thành tốt sứ mệnh là diễn đàn khoa học để các nhà ngôn ngữ học Việt Nam cùng với các nhà ngôn ngữ học thế giới quan tâm đến Việt Nam tập hợp và thảo luận những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại, trình bày và đánh giá kết quả nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời xác định những nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng cho chặng đường sắp tới.
Dưới đây là một số hình ảnh của Hội thảo:
Bài: Phương Nguyễn
Ảnh: Phạm Văn Tình