1. Trong nghiên cứu ngữ nghĩa học theo hướng lịch đại, dưới các tên gọi biến đổi nghĩa (change of meaning, sense-change, semantic change) (còn được gọi là chuyển nghĩa-shift of meaning), phát triển nghĩa (semantic development/gain of meaning), mất nghĩa (loss of meaning) các nhà ngữ nghĩa học thường đề cập đến các con đường (cũng còn được gọi là phương thức, cơ chế, cách thức) biến đổi nghĩa như hoán dụ (metonomy), ẩn dụ (meronomy),loại suy (analogy), mở rộng (extension/expending), thu hẹp (restriction/narrowing), khái quát hóa(generalization), chuyên biệt hóa (specialization), cá biệt hóa (particulization), xấu nghĩa (pejoration),tốt nghĩa (amelioration/ melioration), thay thế (substitute),...
Trong Việt ngữ học, những khái niệm này đã được nhiều nhà nghiên cứu giải thích, vận dụng. Tuy nhiên, nội hàm của những khái niệm này còn có những chỗ chưa được làm rõ, và việc xác định các nét nội hàm của chúng chưa được đặt trong tính hệ thống của những khái niệm có liên quan. Vì thế, trên cơ sở tiếp thu những thành tựu của Việt ngữ, kế thừa những thành tựu mới gần đây của lý luận hiện đại, bài viết này có sẽ tiến hành tìm hiểu và minh xác nội hàm của những khái niệm thường được nói đến khi nghiên cứu hiện tượng biến đổi nghĩa, để từ đó có thể hướng đến một lối phân loại có tính hệ thống về các con đường biến đổi nghĩa, sao cho có thể vận dụng được một cách đắc dụng vào trong việc nghiên cứu hiện tượng biến đổi nghĩa của tiếng Việt. Việc đi vào việc phân loại trong tứng lớp biến đổi nghĩa không thuộc nhiệm vụ của bài này.
2. Hoán dụ và ẩn dụ
Hoán dụ (lân dụ) và ẩn dụ là hai con đường biến đổi nghĩa phổ biến hơn cả so với những con đường khác, là những hướng dẫn xuất ngữ nghĩa vừa có tính chất chung, lặp đi lặp lại giữa các ngôn ngữ, vừa có tính chất riêng, có tính chất dân tộc, không lặp lại. Hoán dụ và ẩn dụ có mặt trong mọi ngôn ngữ, mang tính phổ niệm. Khác với trường hợp biến đổi nghĩa theo con đường loại suy, hoán dụ và ẩn dụ là những phương thức biến đổi nghĩa xảy ra trong nội bộ một hình thức vật chất.
Hoán dụ chính là cách dẫn xuất ngữ nghĩa, biến đổi ngữ nghĩa lấy tên gọi của một đối tượng này để gọi tên một đối tượng kia dựa vào điểm tương cận (continguity point) giữa chúng. Ví dụ, nghĩa của từ chân trong cụm từ có chân trong đội bóng đá được phát triển theo lối hoán dụ của từ chân trong chân người.
Ẩn dụ chính là cách dẫn xuất ngữ nghĩa, biến đổi ngữ nghĩa lấy tên gọi của một đối tượng này để gọi tên một đối tượng kia dựa vào điểm tương đồng (similarity point) (hình dáng, kích thước, màu sắc, chức năng,...,) giữa chúng. Ví dụ nghĩa của từ chân trong chân bàn, chân núi, chân tường là nghĩa được phát triển theo lối ẩn dụ của từ chân trong chân người.
Nói cách khác, biến đổi nghĩa theo con đường hoán dụ xảy ra khi đối tượng được biểu thị của nghĩa mới biến đổi có điểm tương cận với đối tượng được biểu thị của nghĩa đã có; biến đổi nghĩa theo con đường ẩn dụ xảy ra khi đối tượng được biểu thị của nghĩa mới biến đổi có điểm tương đồng với đối tượng được biểu thị của nghĩa đã có.
Sự phân biệt giữa tính tương đồng và tính tương cận giữa các đối tượng được biểu thị bởi nghĩa thứ nhất và nghĩa thứ hai trong từ không phải lúc nào cũng được ý thức một cách rạch ròi. Hai đối tượng được cho là có quan hệ tương đồng với nhau khi giữa chúng có những điểm giống nhau nhất định. Đây chính là quan hệ so sánh ngầm giữa hai đối tượng. Quan hệ tương cận thường được xác định một cách tiêu cực dựa trên quan hệ tương đồng, nghĩa là những quan hệ tương cận là những quan hệ không phải quan hệ tương đồng, không phải quan hệ so sánh. Tuy nhiên, vẫn có thể phân biệt giữa quan hệ tương đồng của ẩn dụ và quan hệ tương cận của hóan dụ dựa trên một số đặc điểm sau.
Thứ nhất, quan hệ tương đồng tồn tại như một thứ quan hệ liên tưởng đối vị giữa hai đối tượng thuộc hai khu vực kinh nghiệm khác nhau; trong khi ấy, quan hệ tương cận lại là một thứ quan hệ liên tưởng ngữ đoạn giữa hai đối tượng cùng thuộc một khu vực kinh nghiệm. Chính vì lẽ này, mà trong nhiều trường hợp phát triển nghĩa người ta rất khó xác định đó là phát triển nghĩa theo hoán dụ hay là theo rút gọn (shortening), tỉnh lược (elipsis). Trường hợp nhập nhằng khó xác định này thường được gọi là phát triển nghĩa phức hợp (composite development).
Thứ hai, giữa các đối tượng được xem là có điểm tương đồng của ẩn dụ không hề có một mối liên hệ lô gích khách quan nào (nghĩa là điểm tương đồng được người quan sát tạo ra khi thiết lập mối liên hệ so sánh giữa hai đối tượng, và là một mối liên hệ chủ quan, tùy thuộc vào nhận thức của con người, chịu sự quy định nhiều từ lối tư duy của truyền thống xã hội); trong khi ấy, các đối tượng được xem là có mối quan hệ tương cận của hoán dụ tất yếu phải có mối liên hệ lô gích khách quan với nhau, mối liên hệ này là có thật, không tùy thuộc vào nhận thức của con người, ít chịu sự quy định của tư duy truyền thống. Vì vậy, các hoán dụ có tính khách quan hơn ẩn dụ, phổ biến hơn ẩn dụ. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, trong đời sống hằng ngày ẩn dụ có vai trò quan trọng hơn hoán dụ, trong ẩn dụ tính lịch sử – văn hóa của từng dân tộc được thể hiện rất rõ.
3. Khái quát hóa và chuyên biệt hóa
Biến đổi nghĩa theo con đường chuyên biệt hóa và khái quát hóa chính là biến đổi nghĩa theo hướng thu hẹp và mở rộng các ranh giới phạm trù (categories). Đó chính là sự thu hẹp hay mở rộng phạm vi ứng dụng ngữ nghĩa của từ ngữ (semantic range of application of lexical item). Điều này cũng có nghĩa là, biến đổi nghĩa sẽ đưa đến sự thay đổi về các đặc tính quan hệ ngữ nghĩa trong các loại quan hệ bộ phận-tổng thể (quan hệ bao gộp) (meronymy/ holonymy), quan hệ thuộc danh (quan hệ thuộc nghĩa)(hypolymy/hyperlymy).
Biến đổi nghĩa theo lối chuyên biệt hóa chính là sự biến đổi nghĩa trong đó nghĩa mới được dẫn xuất, được tạo ra có vai trò như là một khái niệm cấp dưới (subordinate/hyponym), (cấp loài - spicies) khi đặt trong thế liên hệ với nghĩa ban đầu với vai trò là khái niệm cấp trên (superordinate/cohyponym) (cấp giống - genius). Nghĩa của từ nhân dân (biểu thị “các tầng lớp công, nông, trí thức, thân sĩ yêu nước”) trong cụm từ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân đang bộc lộ gay gắt đã được phát triển theo lối chuyên biệt hóa từ từ nhân dân (chỉ “toàn bộ người dân trong một nước”) trong cụm từ nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn.
Biến đổi theo lối khái quát hóa là sự biến đổi nghĩa trong đó nghĩa mới được dẫn xuất, tạo ra có vai trò như là một khái niệm cấp trên khi đặt trong thế liên hệ với nghĩa ban đầu với vai trò là khái niệm cấp dưới. Ví dụ, nghĩa "những người làm nghề nông" của từ dân trong dân cày được phát triển theo lối khái quát hóa từ từ dân (tất cả các tầng lớp nhân rân) trong cụm từ dân ta đã đứng dậy đánh Tây đuổi Nhật.
Đứng từ quan điểm thuần túy lô gích, ta thấy rằng khái quát hóa và chuyên biệt hóa là đối lập với nhau. Nội hàm và ngoại diên của khái niệm tỷ lệ nghịch với nhau. Mở rộng nội hàm của khái niệm ra thì ngoại diên của khái niệm sẽ bị thu hẹp lại, và ngược lại. Như thế, chuyên biệt hóa về nghĩa tức là đã làm tăng thêm nội hàm khái niệm, tăng thêm dung lượng nét nghĩa, phạm vi ứng dụng của từ ngữ bị thu hẹp lại. Đối với trường hợp khái quát hóa thì ngược lại. Trong cả hai trường hợp này, xin lưu ý là nói đến sự mỏ rộng hay thu hẹp phạm vi ứng dụng là nói đến sự mở rộng hay thu hẹp phạm vi ứng dụng về mặt ngữ nghĩa của nghĩa mới phát triển so với nghĩa cũ, chứ không phải là phạm vi ứng dụng của từ nói chung.
Về mặt thuật ngữ, ở đây cách gọi chuyên biệt hóa và khái quát hóa thường được hiểu tương đẳng với cách gọi thu hẹp (restriction, narrowing, đôi khi là cả cá biệt hóa - particularization) và mở rộng(broadening, expansion, extension, chematization). (Xin lưu ý là những cách gọi như mở rộng, thu hẹp, (…) này chính là những cách gọi mà xưa nay ở ta thường không có sự thống nhất, ít được mọi người chú ý để chỉ ra nội hàm khái niệm nhất, thậm chí cùng là một thuật ngữ ở các tác giả khác nhau có thể có những cách quan niệm đối lập nhau).
Các nhà ngôn ngữ học thường cho rằng hướng biến đổi nghĩa theo lối chuyên biệt hóa/thu hẹp có vẻ phổ biến hơn hướng biến đổi nghĩa theo lối khái quát hóa/ mở rộng. Theo như Heiz Werner, có hai lý do cho khuynh hướng biến đổi này. Thứ nhất, trong quá trình tương tác, tiếp xúc, ứng xử với môi trường xung quanh, khuynh hướng nhận thức theo lối phân biệt, phân tích, chia tách của con người phổ biến hơn khuynh hướng tổng hợp. Thứ hai, cái này là hệ quả của cái thứ nhất, nhận thức càng phát triển, khoa học càng phát triển thì hệ thống khái niệm chuyên biệt càng phát triển, càng được chẻ nhỏ nhiều hơn. Nói cách khác, giao tiếp ngôn ngữ hằng ngày hướng đến cái cụ thể, chi tiết nhiều hơn là hướng đến cái trừu tượng, chung chung.
4. Loại suy
Loại suy (analogy, gọi đầy đủ là biến đổi loại suy – analogical change) là một hiện tượng ngôn ngữ thường thấy trong bất kỳ một ngôn ngữ nào. Các sách nghiên cứu, trong tầm quan sát của chúng tôi, về hiện tượng biến đổi nghĩa đều thường nói đến nó. Tuy nhiên, ở Việt ngữ học, ngoài vài lời giới thiệu về nó của Nguyền Văn Tu (1968) khi giới thiệu về Gustaf Stern ra, chưa có sách bào nào nói về nó khi đề cập đến biến đổi nghĩa.
Ban đầu loại suy chủ yếu được xem xét trong địa hạt ngữ pháp, ngữ âm. Theo cách hiểu thông thường, loại suy chính là hiện tượng một hay một nhóm những yếu tố ngôn ngữ biến đổi và phát triển theo đặc tính hình thái hay nội dung của một nhóm yếu tố khác, do áp lực của vận động hệ thống muốn hướng tới sự ổn định, thống nhất và có sức sản sinh cao.
Trường hợp biến đổi nghĩa theo lối loại suy có một sự khu biệt với tất cả các trường hợp biến đổi nghĩa khác. Phát triển nghĩa theo lối loại suy được xem xét ở khía cạnh: nghĩa mới có của từ có liên quan đến một từ khác, hoặc được sao chép từ một từ khác. Các trường hợp biến đổi nghĩa khác được xem xét ở khía cạnh: nghĩa mới có của từ không liên quan đến gì đến các từ khác.
Như thế, biến đổi nghĩa theo loại suy sẽ bao gồm các trường hợp sau. Thứ nhất, đó là trường hợp loại suy xảy ra giữa hai yếu tố ngôn ngữ đứng cạnh nhau có quan hệ với nhau về mặt, hoặc là cú pháp, hoặc là ngữ âm, hoặc là ngữ nghĩa, trong đó một yếu tố nào đó, vì những lý do nhất định, sẽ bị lược đi, và do đó yếu tố còn lại sẽ phải đảm nhận toàn nội dung ngữ nghĩa của biểu thức lớn hơn chứa nó. Đây chính là trường hợp rút gọn, tỉnh lược. Loại suy rút gọn theo kiểu này trong các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt thường không đa dạng như các ngôn ngữ biến hình. Trường hợp này chỉ xảy ra trong nội bộ một ngôn ngữ. Ví dụ nghĩa “thành phần tộc người thiểu số trong cộng đồng nhân dân cả nước” của từ dân tộc trong cách nói lên vùng dân tộc dạy học < lên vùng dân tộc thiểu số dạy học. Từ tô (bát to dùng để chứa đựng thức ăn)là sự rút ngắn của bát ô tô < bát Cô Tô (bát được sản xuất ở Cô Tô Trung Quốc) cũng là trường hợp phát triển do loại suy rút gọn. Trường hợp loại suy thứ hai xảy ra với các yếu tố ngôn ngữ độc lập, mà giữa chúng có tồn tại mối quan hệ tương liên về mặt ngữ nghĩa. Ví dụ nghĩa của từchuyển dịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, được phát triển theo lối tương liên so với nghĩa của từ chuyển đổi trong cách dùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trường hợp loại suy thứ ba xảy ra với các yếu tố độc lập, mà giữa chúng có tồn tại mối quan hệ tương đồng với nhau về mặt ngữ âm. Ví dụ như trường hợp chuồn: Từ chuồn trong tiếng Việt có nghĩa gốc “bỏ đi nới khác một cách lén lút một cách lặng lẽ” trong câu nói Kẻ gian đã chuồn mất; sau này từchuồn mang thêm nghĩa với nghĩa “bỏ, không tiếp tục tham gia nữa”, nghĩa này rất có thể là kết quả của quá trình phát triển nghĩa loại suy từ một từ tiếng Anh mà học sinh của ta thường nói p-lây chuồn (trốn học, bỏ học nửa buổi, giữa chừng); trong tiếng Anh có từ truant /tru:«nt/ (đọc giống chuồn của tiếng Việt) với nghĩa “bỏ trốn; thường dùng cho học sinh khi trốn học”. Hai trường hợp cuối này có thể xảy ra trong nội bộ một ngôn ngữ, cũng có thể xảy ra giữa hai ngôn ngữ có mối quan hệ tiếp xúc với nhau. Trường hợp loại suy xảy ra trong nội một ngôn ngữ thường được một số người gọi là hiện tượng lây nghĩa. Trường hợp loại suy xảy ra giữa hai ngôn ngữ có liên quan thường được gọi là sự mượn nghĩa. Trường hợp xâm nhập của từ địa phương vào ngôn ngữ toàn dân làm cho từ của ngôn ngữ toàn dân vốn có mối tương liên ngữ nghĩa với từ địa phương phát triển thêm nghĩa mới cũng có thể được coi là phát triển theo lối loại suy. Phát triển nghĩa theo lối loại suy thường là kết quả của các quá trình tương tác tiếp xúc giữa các ngôn ngữ hay phương ngữ với nhau.
5. Xấu nghĩa và tốt nghĩa
Trường hợp biến đổi nghĩa theo lối xấu nghĩa hoặc tốt nghĩa là trường hợp biến đổi theo thang đánh giá. Nếu các trường hợp ẩn dụ, hoán dụ, chuyên biệt hóa, khái quát hóa, loại suy, thay thế thường xảy ra đối với các nghĩa biểu vật (denotational meaning), thì xấu nghĩa và tốt nghĩa thường xảy ra đối với các nghĩa phi biểu vật (non-datonatioal meaning).
Biến đổi nghĩa theo lối xấu nghĩa, tốt nghĩa ở nghĩa phi biểu vật thường được thảo luận rộng rãi liên quan đến các nghĩa xúc cảm (emotive/emotional meaning). Biến đổi xấu nghĩa hay tốt nghĩa ở đây thường được xét theo tiêu chí nghĩa mới được phát triển từ nghĩa cũ theo chiều hướng tiêu cực hay tích cực về thang đánh giá. Từ nghèo trước kia có nghĩa tiêu cực “hèn hạ”, đến nay nét nghĩa hèn hạ không còn nữa, mà nghèo đã được sử dụng với một sắc thái trung tính. Đây là trường hợp phát triển nghĩa theo lối tốt nghĩa. Trường hợp mùi với nghĩa “có cảm giác thiu, thối” trong thịt có mùi là trường hợp phát triển nghĩa theo lối xấu nghĩa từ nghĩa “hơi toát ra từ vật, có thể nhận biết được qua mũi” của mùi trong các cụm từ mùi của hoa quả, mùi hương thơm ngào ngạt.
6. Các con đường phát triển khác
Những con đường biến đổi nghĩa được giới thiệu ở trên là những con đường phát triển nghĩa cơ bản. Tuy nhiên, có nhiều hiện tượng biến đổi nghĩa rất phức tạp, khó có thể định loại dứt khoát vào loại này hay loại kia. Định loại sự phát triển nghĩa này hay kia là tùy thuộc vào từng nhà nghiên cứu. Chẳng hạn, trường hợp từ tô đã dẫn ở trên lúc đầu cũng có thể coi đó là lối phát triển nghĩa hoán dụ (tên nơi sản xuất để chỉ sản phẩm), bên cạnh cách giải thích phát triển theo lối rút gọn. Sự biến đổi nghĩa của từ có thể bào gồm nhiều bước biến đổi nghĩa liên tục, và do đó, nghĩa mới có của từ sẽ ngày càng có mối liên hệ mờ nhạt với nghĩa gốc. Từ biến đổi nghĩa đến một mức nào đó sẽ bị phân ly thành những từ đồng âm. Biến đổi nghĩa có thể là sự biến đổi ngẫu nhiên đối với từng đơn vị cá lẻ của hệ thống ngôn ngữ, cũng có thể là sự biến đổi có quy tắc, xảy ra đối với hàng loạt đơn vị trong từng tiểu hệ thống của ngôn ngữ. Chính vì lẽ này mà ngay từ khi ngữ nghĩa học từ vựng (semasiology) ra đời, những nhà ngữ nghĩa học tiền bối từng xác định nhiệm vụ của ngữ nghĩa học là nghiên cứu sự biến đổi nghĩa, phát triển nghĩa, khảo sát các nguyên nhân của chúng, phân loại chúng theo các tiêu chí lô gích, tâm lý,... và thậm chí có thể đề ra các “luật”, các khuynh hướng biến đổi. Điều này, như đã thấy trong lịch sử ngữ nghĩa học, đã được G. Stern (1923, 1931) đã thể nghiệm rất rõ, dẫu rằng sự thể nghiệm này vẫn còn có những điểm chưa được thống nhất, chưa có sức giải quyết lớn ở các ngôn ngữ khác.
Bên cạnh các con đường biến đổi nghĩa phổ biến như trên, các nhà nghiên cứu còn đề cập đến nhiều trường hợp biến đổi nghĩa khác nữa. Chẳng hạn như trường hợp biến đổi theo lối tẩy nghĩa (bleaching), ví dụ như trường hợp biến đổi nghĩa từ làm (trong làm nhà, chim làm tổ,...) thành làm (tronglàm ải, làm dầm, làm dâu,..). Trường hợp này, trong một số nghiên cứu, còn có người gọi là quá trình ngữ pháp hóa (grammaticalization). Trường hợp biến đổi nghĩa theo lối chuyển vị ngữ nghĩa (change of default meaning), đó là trường hợp nghĩa gốc, ban đầu trở thành nghĩa thứ hai, phái sinh, và ngược lại, ví dụ như từ no với nghĩa cổ “trọn vẹn, đầy đủ” nay đã biến đổi thành nghĩa “cảm giác sinh lý gây ra do dạ dày chứa đủ lượng thức ăn vừa sức chứa của nó”. Một trường hợp biến đổi nghĩa khác thường được đề cập đến trong các mô tả biến đổi nghĩa theo lý thuyết điển mẫu đó là trường hợp dạt nghĩa (semantic drift). Đó chính là sự biến đổi nghĩa một cách tuần tự của từ qua thời gian. Ví dụ, với một từ anào đó, ở thời điểm t1, đặc trưng ngữ nghĩa điển hình a’ của nó sẽ được nhận diện và được ghi lại trong cấu trúc nghĩa của từ, nhưng sang thời điểm t2, đặc trưng ngữ nghĩa điển hình a’’ sẽ được nhận diện và được ghi lại trong cấu trúc nghĩa của từ. Sự biến đổi nghĩa được xem xét từ lý thuyết điển mẫu của những từ như vũ khí, sách, bút,... chính là những ví dụ tiêu biểu. Lối biến đổi này, đôi khi còn được gọi là biến đổi nghĩa theo lối thay thế (subsitute), nó đối lập với tất cả những lớp khác, theo nghĩa: đó là sự biến đổi về biểu vật của từ những không đưa đến sự biến đổi về tên gọi của biểu vật đó. Sự biến đổi này, theo như cách nói của S. Ullman, là sự biến đổi vì những nguyên nhân duy trì ngôn ngữ(linguisitc conservatism), đối lập với các nguyên nhân cách tân ngôn ngữ (linguistic innovation). Bên cạnh những trường hợp biến đổi như thế này, việc sử dụng từ ngữ theo lối hình ảnh bỏng bẩy củauyển ngữ/nhã ngữ (euphemism), ngoa dụ (hyperbole), khiêm dụ (litotes), châm biếm (irony)... cũng có thể làm cho nghĩa từ biến đổi. Tuy nhiên, những con đường biến đổi này thường là đối tượng nghiên cứu của tu từ học hơn là của ngữ nghĩa học.
Phạm Văn Lam
Tài liệu tham khảo
1. A. Arlotto, Introduction to historical linguistics, Hougiton Mifflin Company, 1972.
2. D. Alan, Cruse, A glossary of semantics and pragmatics, Edinburgh University Press, 2006.
3. P. Bouillon, F. Busa, The language of word meaning, Cambrige University Press, 2001.
4. Đỗ Hữu Châu, Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb GD, H., 1999.
5. D. Geeraerts, Diachronic prototype semantics, A contribution to historical lexicology, Clarendon Press, 1997.
6. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nxb GD, H., 1999.
7. C. Goddard, Goddard Semantic analysis, a practical introduction, Oxford University Press, 1998.
8. F. W. Householder, Kyriolexia and language change, Language, Vol. 59, No. 1, 1983.
9. Coleman P. Kay, Prototype semantics: The Ennglish word lie, L. Language, vol. 57, no. 1, 1981.
10. Eva Feder Kittay, Frames, Fields, and contrasts, new essay in semantic and lexical organization, Adrienne Lahrer, Hove and Lodon, 1994.
11. Phạm Văn Lam, Vài nét về sự phát triển nghĩa theo xu hướng loại suy,BCKH tại Ngữ học trẻ, 2007.
12. F. Lichtenberk, Semantic change and heterosemy in grammaticalization,Language, Vol. 67, No. 3, 1991.
13. R. E. MacLaury, Social and cognitice motivation of change: measuring variability in color semantics, Language, Vol. 67, N. 1, 1991.
14. George A. Miller, Philip. Johnson-Laird, Language and perception, The Blknap Press of Havard University press, Cambidge, Massachusets, 1976.
15. Thomas Pyles, John Algeo, The origins and development of the English language, Harcourt, Brace Jovanovich, ICN., 1982.
16. G. Stern, Meaning and change of meaning, with spfcial reference to the English language, Bipomington Indiana University Press, 1931.
17. E. Sweeter, From etymology to pragmatics, Cambidge University Press, 1991.
18. E. C. Traugott, On the rise of epistemic meanings in English: An example of subjectification in semantic change, Language, vo. 65, No.1, 1989.
19. Nguyễn Văn Tu, Từ vựng học tiếng Việt hiện đại, Nxb GD, H.,1968.
20. S. Ullmann, Các nguyên lý ngữ nghĩa học,(1957), VNNH.
21. S. Ullmann, Semantics, an introduction to the science of meaning,Barnes & Noble, 1962.