Năm 2000, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định lấy ngày 21 tháng 2 hằng năm là ngày TIẾNG MẸ ĐẺ với mục đích tôn vinh tiếng mẹ đẻ trong chương trình giáo dục song ngữ/đa ngữ.
1. Năm 2000, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định lấy ngày 21 tháng 2 hằng năm là ngày TIẾNG MẸ ĐẺ với mục đích tôn vinh tiếng mẹ đẻ trong chương trình giáo dục song ngữ/đa ngữ.
Như đã biết tiếng mẹ đẻ gắn liền với văn hoá của một dân tộc tộc người, cho nên, việc tôn vinh tiếng mẹ đẻ cũng chính là sự thừa nhận và tôn vinh sự đa dạng của ngôn ngữ và văn hoá. UNESCO cho rằng, với thời đại của công nghệ thông tin thì công nghệ sẽ là trợ thủ đắc lực trong việc bảo tồn và phát huy tiếng mẹ đẻ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của UNESCO về hoạt động này là tập trung xây dựng bản đồ mới về các ngôn ngữ có nguy cơ bị tiêu vong; cung cấp các dữ liệu cần thiết và chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy tiếng mẹ đẻ và giáo dục song/đa ngữ.
2. Việt Nam là quốc gia thống nhất, đa dân tộc và đa ngôn ngữ. Với 54 dân tộc và tương ứng là 54 ngôn ngữ chính danh, các ngôn ngữ ở Việt Nam được khẳng định về vị thế và chức năng bằng pháp luật. Bảo vệ, phát triển và hiện đại hoá tiếng Việt, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là nhiệm vụ xuyên suốt trong lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước Việt Nam. Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam về ngôn ngữ được nêu rõ trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước,được xác định bằng điều khoản trong Hiến pháp, được quy định rõ tại các văn bản của Chính phủ. Đối với ngôn ngữ trong giáo dục, Luật Giáo dục (2005) của Nước CHXHCN Việt Nam quy định rõ:
“Điều 7. Ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; dạy ngoại ngữ.
1) Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Thủ tướng Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.
2) Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
3). Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác cần bảo đảm để người học đượchọc liên tục và có hiệu quả”.
3. Dưới tác động của đô thị thị hoá, toàn cầu hoá và của nền kinh tế thị trường, sự di chuyển liên tục của dòng người giữa ba miền Bắc-Trung-Nam, giữa các vùng trong một miền, giữa nông thôn và thành thị,...đang tạo nên một cuộc sống đan xen giữa các thành phần người và giữa các tộc người. Theo đó, cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam đang có những thay đổi đáng kể, đó là sự phân bố về vị thế, chức năng giữa tiếng Việt chung với các tiếng Việt phương ngữ, sự phân bố lại về ngôn ngữ tộc người,...Vì thế, việc nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam nói chung, về vấn đề giáo dục song/đa ngữ ở các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói riêng cần được đặt trong mối quan hệ tương tác giữa ngôn ngữ và xã hội ở Việt Nam hiện nay và dưới ánh sáng của lí thuyết ngôn ngữ học hiện đại.
GS.TS Nguyễn Văn Khang