Trong các sách nghiên cứu về ẩn dụ ở trong và ngoài nước, cho đến nay, ẩn dụ thường được coi là phép hay cách thức chuyển đổi tên gọi dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có sự tương đồng hay giống nhau.
Một cái nhìn mới về bản chất của ẩn dụ
GS.TS Nguyễn Đức Tồn
Phần I:
Trong các sách nghiên cứu về ẩn dụ ở trong và ngoài nước, cho đến nay, ẩn dụ thường được coi là phép hay cách thức chuyển đổi tên gọi dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có sự tương đồng hay giống nhau.
Chẳng hạn, theo A.A. Reformatxky: “ ẩn dụ theo nghĩa chiết tự là “sự chuyển đổi” (Perenos), là trường hợp chuyển nghĩa điển hình nhất. Sự chuyển nghĩa theo ẩn dụ dựa trên sự giống nhau của các sự vật về màu sắc, hình thức, đặc tính vận động v.v…” [20, tr.54]. B.N. Golovin định nghĩa: “ Sự chuyển đổi của các từ từ một đối tượng này sang một đối tượng khác trên cơ sở sự giống nhau của chúng được gọi là ẩn dụ” [19, tr.81]. Theo Ju.X. Xtepanốp : “ Bản thân từ Metaphora từ tiếng Hy Lạp cũng có nghĩa là “sự chuyển nghĩa”[16, tr.51] và “Khi một từ tuy vẫn còn liên hệ với biểu vật cũ nhưng lại có thêm một sự liên hệ mới, với cái biểu vật mới, thì hiện tượng ngôn ngữ đó là ẩn dụ” [16, tr.51 và 52]. Trong Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học, O.X. Akhmanova đã định nghĩa ẩn dụ là“ Phép chuyển nghĩa (Trop) dùng các từ và ngữ ở ý nghĩa bóng trên cơ sở sự tương tự, sự giống nhau …” [18, tr.231].
Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam cũng có quan điểm tương tự. Chẳng hạn, Nguyễn Văn Tu cho rằng: “ ẩn dụ là phép gọi tên một sự vật bằng tên của một sự vật khác theo mối quan hệ gián tiếp. Muốn hiểu được mối quan hệ đó chúng ta phải so sánh ngầm. Khác với hoán dụ, phép ẩn dụ, ta theo tưởng tượng của ta mà gọi một sự vật chỉ có vài dấu hiệu chung với sự vật mà từ biểu thị trước thôi. Chính nhờ những dấu hiệu chung gián tiếp ấy mà ta thấy mối quan hệ giữa các sự vật khác nhau.”[13, tr.159]
Nguyễn Lân giải thích ẩn dụ là: “Phép sử dụng từ ngữ ở nghĩa chuyển dựa trên cơ sở sự tương đồng, sự giống nhau…giữa các thuộc tính của cái dùng để nói và cái nói đến.
ẩn dụ cũng là một cách ví , nhưng không cần dùng đến những tiếng để so sánh như: tựa, như , tường, bằng…”[7]
Đỗ Hữu Châu quan niệm: “ẩn dụ là cách gọi tên một sự vật này bằng tên một sự vật khác, giữa chúng có mối quan hệ tương đồng.”[1, tr.54]
Sau này ông giải thích cụ thể hơn như sau: “ Cho A là một hình thức ngữ âm, X và Y là những ý nghĩa biểu vật. A vốn là tên gọi của X (tức X là ý nghĩa biểu vật chính của A). Phương thức ẩn dụ là phương thức lấy tên gọi A của X để gọi tên Y ( để biểu thị Y), nếu như X và Y có nét nào đó giống nhau.”[2, tr.145]
Nguyễn Thiện Giáp cũng cho rằng: “ ẩn dụ là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật hoặc hiện tượng được so sánh với nhau”. [3, tr.162]
Đào Thản đã giải thích khá cụ thể, rõ ràng ẩn dụ cũng theo quan niệm như vậy trong mối quan hệ với sự so sánh : “ẩn dụ cũng là một lối so sánh dựa trên sự giống nhau về hình dáng, màu sắc, tính chất, phẩm chất hoặc chức năng của hai đối tượng. Nhưng khác với so sánh dùng lối song song hai phần đối tượng và phần so sánh bên cạnh nhau, ẩn dụ chỉ giữ lại phần để so sánh”.[10, tr.143]
Đặc biệt, mới đây trong các bài viết đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 4 và số 7 năm 2007, Phan Thế Hưng đã trình bày quan niệm mới của mình về ẩn dụ rất đáng chú ý trên cơ sở trình bày và phân tích khá tỉ mỉ quan niệm của Aristotle và nhiều nhà ngôn ngữ học sau đó – những người đã đề xuất quan điểm so sánh trong ẩn dụ cũng như quan điểm cho rằng chủ đề và phương tiện của ẩn dụ có thể thuộc cùng một loại. Nhiều nhà ngôn ngữ học đương đại cũng chia sẻ quan điểm này và xem so sánh ngầm như là quy trình cơ bản để hiểu về ẩn dụ. Phan Thế Hưng đã phân tích và bàn luận theo chiều ngược lại. Tác giả cho rằng:“Chúng ta không hiểu ẩn dụ bằng chuyển ẩn dụ thành phép so sánh. Thay vì vậy, câu ẩn dụ là câu bao hàm xếp loại và do vậy hiểu ẩn dụ qua câu bao hàm xếp loại (chúng tôi nhấn mạnh - NĐT).”[5, tr.12]
Cũng theo Phan Thế Hưng, quan điểm này về ẩn dụ định danh đã dẫn đến các hệ quả về ẩn dụ như sau:
“1. So sánh ẩn dụ, khi so sánh hai sự vật khác nhau có thể được hiểu là câu bao hàm xếp loại, khác với so sánh nghĩa đen, khi so sánh hai sự vật giống nhau.
2.So sánh ẩn dụ bao hàm sự so sánh tầng bậc của loại theo hệ thống tôn ti và bản chất của sự xếp loại là cơ sở của tính ẩn dụ.
3.ẩn dụ không có cùng một ý nghĩa khi đảo ngược dù dưới dạng xếp loại tầng bậc hay phép so sánh thông thường. ẩn dụ không thể đảo ngược và vì vậy mối quan hệ của hai sự vật trong ẩn dụ không mang tính đối xứng.
4. Những bàn luận trên đây về ẩn dụ định danh có thể ứng dụng cho các loại ẩn dụ định tính rất thông thường trong ngôn từ hàng ngày(…)
Tóm lại, ẩn dụ không đơn giản là phép so sánh ngầm mà chính là câu bao hàm xếp loại thuộc cấu trúc bề sâu của tư duy. Nói cách khác, hiểu sự so sánh không phải là trung tâm của việc hiểu ẩn dụ, mà chính là hiểu được việc xếp loại(chúng tôi nhấn mạnh - NĐT).”[5,tr.12]
Theo quan điểm của chúng tôi, bản chất của ẩn dụ là sự thay thế tên gọi dựa trên sự đồng nhất hoá các sự vật, hiện tượng, tính chất… khi tư duy liên tưởng của con người phát hiện ra ở chúng ít nhất cùng có một nét hay một đặc điểm nào đó. Chúng tôi sẽ chứng minh cho luận điểm này.
Trước hết, như đã nói trên, theo quan điểm truyền thống thì ẩn dụ vốn được coi là một sự so sánh ngầm. Chúng ta cũng biết rằng hiện tượng so sánh bao gồm nhiều kiểu loại khác nhau . Điều này cho phép khẳng định so sánh là khái niệm loại, còn ẩn dụ chỉ là khái niệm chủng- nghĩa là ẩn dụ chỉ là một tiểu loại của so sánh mà thôi.
Vậy tiểu loại so sánh nào có thể làm cơ sở cho hiện tượng ẩn dụ ?
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học về phép so sánh thì so sánh có nhiều kiểu loại khác nhau, bao gồm:
1)So sánh ngang bằng
Đó có thể là so sánh đồng nhất. Ví dụ:
- Hồn tôi là một vườn hoa lá (Tố Hữu)
- Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng
(Tế Hanh)
- Lá liễu dài như một nét mi ( Xuân Diệu)
So sánh ngang bằng cũng có thể là so sánh nhằm chỉ ra mức độ cao. Ví dụ:
- Giống nhau như đúc
- Vườn ai mướt quá xanh như ngọc ( Hàn Mặc Tử)
- Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc như đèn mới khêu ( Ca dao)
- Hồn chúng tôi quẩn quanh cùng đất nước
Như bóng dừa ôm những xóm làng yêu
Như bóng cò bay sớm sớm chiều chiều
Như sông lạch vẫn tắm đồng xanh mát
Như sóng biển vẫn dập dìu ca hát ( Tố Hữu)
Có thể có trường hợp so sánh ngang bằng mà không dùng từ so sánh.Ví dụ:
- Kẻ tám lạng, người nửa cân (tng).
- Lá trúc che ngang mặt chữ điền . ( Hàn Mặc Tử)
- Bác ngồi đó, lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non. ( Tố Hữu)
- Hồn tôi giếng ngọt trong veo
Trăng thu trong vắt, biển chiều trong xanh. (Nguyễn Bính)
2) So sánh hơn kém. Ví dụ :
- Con hơn cha là nhà có phúc ( tng).
- Chết trong còn hơn sống đục (tng).
- Phép vua thua lệ làng (tng).
-“ Không có gì quý hơn độc lập tự do.” (Hồ Chí Minh)
- Hương nào bằng tóc mát
Ngọc nào bằng tay em . (Xuân Diệu) Có nhiều trường hợp so sánh hơn kém cũng có thể không dùng từ so sánh.Ví dụ:
- Tre già bà lim ( tng).
- Cái nết đánh chết cái đẹp (tng).
- Nước khe đè nước suối (tng).
- Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò (tng).
Nghĩa người tôi để lên cân
Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười . (Ca dao).
3) So sánh khác biệt/ đối lập
Đây là loại so sánh không nhằm xác định hơn kém mà nhằm nêu bật sự khác biệt về thuộc tính nổi trội ở sự vật này trong sự đối chiếu / đối lập với thuộc tính nổi trội ở sự vật khác.
Ví dụ: Nếu Đội tuyển bóng đá Đức thiên về lối chơi tổng lực thì Đội tuyển Pháp lại thiên về lối chơi kĩ thuật. (Về các kiểu loại so sánh có thể xem thêm [8, tr.64-65; 10, tr.140]).
Trong số các kiểu loại so sánh nói trên thì kiểu loại so sánh hơn kém và kiểu loại so sánh khác biệt/đối lập không thể tạo nên ẩn dụ, mặc dù các sự vật, hiện tượng nằm trong những kiểu loại so sánh này vẫn có nét chung hay phương diện chung, giống nhau nào đó thì mới so sánh được với nhau. Chẳng hạn, sự so sánh hai đội tuyển bóng đá nói trên đã dựa trên phương diện chung là “cách thức chơi bóng đá”. Đúng như Nguyễn Thế Lịch đã khẳng định: “Không thể đem bất kì hai sự vật nào ra so sánh với nhau và lấy một sự vật làm chuẩn(…), ví dụ không thể so sánh màu vàng với hình tròn”[8, tr.62]. Các sự vật khi được đưa ra so sánh với nhau, chúng có thể hơn hay kém nhau về những nét chung hay phương diện chung đó. Ngay cả hai từ trái nghĩa tuy có những nét nghĩa trái ngược nhau song vẫn phải dựa trên mối quan hệ tương liên nào đó. Quan hệ tương liên ở đây chính là nét nghĩa cơ sở chung để xác lập một cặp từ trái nghĩa. Nhưng do tính chất của các kiểu loại so sánh này là nhấn mạnh vào sự chênh lệch hoặckhác biệt giữa các sự vật, hiện tượng được đưa ra so sánh (Tre - lim; Cái nết - cái đẹp; Nước khe - nước suối; Quỷ - ma - học trò; Vàng - ân; Đội tuyển Đức - Đội tuyển Pháp) cho nên không thể đem chúng cùng với tên gọi của chúng thay thế cho nhau trong phép ẩn dụ.
Chỉ còn có một kiểu loại so sánh, và cũng chỉ có một tiểu loại trong kiểu loại so sánh này mà thôi mới có thể làm cơ sở cho ẩn dụ. Theo chúng tôi, đó là tiểu loại đặc biệt - tiểu loại so sánh đồng nhất trong kiểu loại so sánh ngang bằng đã được nêu ở trên.
Trên cơ sở tiểu loại so sánh đồng nhất này, cơ chế thay thế tên gọi theo phép ẩn dụ được diễn ra như sau: tên gọi A của sự vật, hoạt động hay tính chất nào đó có thể được sử dụng để gọi thay thế cho tên gọi B của sự vật, hoạt động hay tính chất khác khi trong tư duy liên tưởng của con người chúng được đồng nhất hoá dựa trên đặc điểm hay thuộc tính… nào đó cùng có ở chúng.
Từ đây trở đi, chúng ta thống nhất dùng thuật ngữ biểu vật để chỉ chung cho các sự vật, hoạt động hay tính chất …do các tên gọi (hoặc biểu ngữ) A và B biểu thị, và được kí hiệu tương ứng là x ( của A) và y (của B).
Về logic, chỉ có sự đồng nhất hoặc tương đồng hoàn toàn giữa các sự vật thì mới cho phép có thể dùng cái này để thay thế cho cái kia được(cũng giống như nguyên tắc thay thế các phụ tùng, máy móc trong khoa học kĩ thuật).
Ví dụ : Chính nhờ có sự so sánh đồng nhất:
Nhân dân là bể
Văn nghệ là thuyền
nên mới có sự thay thế tên gọi theo phép ẩn dụ trong hai dòng thơ tiếp theo:
Thuyền xô sóng dậy
Sóng đẩy thuyền lên . (Tố Hữu)
Bởi vậy, theo chúng tôi, câu so sánh hai sự vật làm cơ sở cho ẩn dụ phải là câu bao hàmsự đồng nhất hoá hai sự vật ấy (có thể được gọi là câu đẳng nhất hay câu đẳng thức). Do đó,cơ sở của ẩn dụ chính là sự đồng nhất hoá ngầm. Muốn hiểu ẩn dụ phải hiểu được sự đồng nhất/đẳng nhất hoá ấy. Sự xếp loại mà tác giả hai bài viết [5 và 6] cho là làm cơ sở của ẩn dụ, như được dẫn ở trên, cũng phải được dựa trên sự đồng nhất hoá các sự vật, hiện tượng, tính chất…được so sánh với nhau trên cơ sở ít nhất là chúng có cùng một nét hay một đặc điểm nào đó.
Trong thực tế, hầu như tất cả những tư liệu được các nhà nghiên cứu ẩn dụ học chọn để phân tích đều là các câu đẳng nhất hay đẳng thức . Ví dụ: Công việc của tôi là nhà tù. Hắn là Sở Khanh. Bà ta là một Tú Bà…Thuốc lá là bom hẹn giờ. Nam là quả bom hẹn giờ biết đi. Cọp là động vật. Bài giảng là thuốc ngủ. Sài Gòn là hòn ngọc Viễn Đông. Hòn ngọc Viễn Đông là Sài Gòn. Thời gian là tiền bạc. Nhà nước là cỗ máy…Sự thật là ánh sáng. Thế giới là một sinh vật, cái đồng hồ, con tàu, rạp hát, cuốn sách. Lịch sử là một câu chuyện. Cuộc đời là một chuyến đi.. Ngôn ngữ là tiền bạc. Các lí thuyết là những toà nhà, v.v… [5;6]
Cho nên, chỉ khi nào câu diễn đạt quan hệ đồng nhất hoá hai biểu vật thì mới cho phép dùng tên gọi của biểu vật này thay thế cho tên gọi của biểu vật kia và từ đó mới có cơ sở cho sự xuất hiện hiện tượng ẩn dụ.
Để diễn đạt quan hệ đồng nhất hay đẳng nhất, dạng câu điển hình nhất trong tiếng Việt là thường sử dụng quan hệ từ là hoặc từ như (trong tiếng Anh thì sử dụng các từ có nghĩa tương ứng là be và as)
Theo Từ điển tiếng Việt, từ là có nghĩa: “ Động từ đặc biệt, biểu thị quan hệ giữa phần nêu sự vật, sự việc với phần nêu chính bản thân nó nhìn ở một khía cạnh khác, hay nêu đặc trưng của nó, hoặc nội dung nhận thức hay giải thích về nó.Thí dụ : Hà Nội là thủ đô nước Việt Nam. Người thanh niên là công nhân ấy. Hai lần năm là mười. Con người bao giờ cũng là con người. Thì giờ là vàng ngọc. Hôm nay là chủ nhật.”[15, tr.533]
Cũng theo Từ điển tiếng Việt, ý nghĩa từ như được giải thích như sau:
“1.Từ biểu thị quan hệ tương đồng trong sự so sánh về một mặt nào đó: tính chất, mức độ, cách thức, hình thức bên ngoài,v.v. Thí dụ: Hôm nay nóng như hôm qua. Bà cụ coi anh như con…;
2.Từ dùng trong những tổ hợp so sánh để biểu thị mức độ rất cao, có thể so sánh với cái tiêu biểu được nêu ra. Thí dụ: Đẹp như tiên. Giống nhau như đúc. Rõ như ban ngày…”[15, tr.728]
Một câu hỏi đặt ra là:“Khi nào thì câu đẳng thức “A là/như B” chỉ là sự so sánh theo nghĩa đen và khi nào mới là sự so sánh có thể làm cơ sở cho ẩn dụ hay mang tính ẩn dụ?
Theo[5], câu so sánh hai sự vật khác nhau mới được hiểu là câu bao hàm xếp loại và sự xếp loại mới làm cơ sở cho ẩn dụ. Còn câu so sánh hai sự vật giống nhau là câu so sánh theo nghĩa đen (tr.12). (Chúng tôi nhấn mạnh -NĐT).
Theo chúng tôi, để trả lời cho câu hỏi trên, cần xem xét lần lượt từng dạng câu đẳng nhất điển hình nhất có mẫu: “A là B” và “A như B”, trong đó A đã được quy ước là tên gọi(hoặc biểu ngữ) biểu thị biểu vật x, B là tên gọi (hoặc biểu ngữ) biểu thị biểu vật y. Các dạng câu chứa các từ so sánh còn lại khác sẽ được giải quyết trên cơ sở suy luận theo cách giải quyết các mẫu câu điển hình này.
Trước hết hãy xem xét câu có dạng “A là B”.
Câu này xét trên lí thuyết có hai trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: câu đẳng thức “A là B” có B về hình thức tuy khác A, nhưng về bản chất nội dung thì vẫn chính là A, nghĩa là B chỉ là tên gọi khác của chính bản thân biểu vật xdo A biểu thị được nhìn nhận ở một khía cạnh khác (khi B là từ đồng nghĩa với A)(tham khảo thêm [11, tr.204]), hay B là biểu ngữ miêu tả đặc trưng hoặc biểu hiện nội dung nhận thức hay giải thích về chính bản thân biểu vật x do A biểu thị. Trong trường hợp này, A và B vẫn trỏ vào cùng một sự vật. Có nghĩa là chỉ biểu thị một sự vật, nên câu đẳng thức “A là B” trong trường hợp này không thể là câu so sánh (bởi vì so sánh phải có ít nhất hai sự vật). Như vậy, ở đây không thể có sự thay thế, hay nói theo truyền thống là sự chuyển đổi, tên gọi này(A) bằng tên gọi khác (B), cho nên không thể làm cơ sở cho ẩn dụ hay mang ẩn dụ tính. Câu đẳng thức “A là B” trong trường hợp này còn được gọi là câu có tính chất định tính.
Ví dụ : Hà Nội là thủ đô nước Việt Nam. Cha tôi là giáo viên….
Trường hợp 2: Câu đẳng thức “A là B” có A và B là tên gọi của các biểu vật x và ythuộc những phạm trù khác nhau, nghĩa là x và y là những sự vật, hoạt động hay tính chất… khác loại nhau. A và B chỉ đồng nhất với nhau khi trong tư duy của ta x và y do chúng biểu thị được đồng nhất hoá trên một phương diện nào đó. Trong trường hợp này, câu đẳng thức “ A là B” mới có thể cho phép lấy tên gọi B của y để thay thế cho tên gọi A của x khi nói về x (hoặc có thể ngược lại lấy tên gọi A của x để thay thế cho tên gọi B của y khi nói về y trong trường hợp cấu trúc “A là B” cho phép đảo ngược sẽ được nói đến ở phần dưới đây). Đây là điều kiện (tuy cần nhưng chưa đủ) để làm cơ sở cho ẩn dụ xuất hiện. Ví dụ :
- Hà Nội là trái tim của cả nước.
- Gió thổi là chổi trời (tng).
- Nước mưa là cưa trời (tng).
- Người ta là hoa đất (tng).
Tiếp theo, chúng ta sẽ xét đến câu đẳng nhất có dạng “ A như B”.
Trước hết, cần chú ý rằng từ như có hai nghĩa : nghĩa thứ nhất là nghĩa so sánh đồng nhất(khi tương đồng ở mức cao nhất và cần nhấn mạnh mức độ này thì người ta nói “y như”) và nghĩa thứ hai là nghĩa so sánh chỉ mức độ cao.
Chỉ trong trường hợp như được sử dụng theo nghĩa thứ nhất thì câu có dạng “A như B ” mới diễn đạt quan hệ so sánh đồng nhất và do đó nó mới có thể làm cơ sở cho ẩn dụ hay mang tính ẩn dụ. Ví dụ :
- Em như cây quế giữa rừng
Thơm tho ai biết, ngát lừng ai hay . (Ca dao)
- Tình anh như nước dâng cao
Tình em như dải lụa đào tẩm hương . (Ca dao)
Còn khi như được sử dụng với nghĩa thứ 2 “để biểu thị mức độ rất cao, có thể so sánh với cái tiêu biểu được nêu ra” thì câu “A như B” chỉ diễn đạt sự so sánh về mức độ theo nghĩa đen mà thôi. Về thực chất, A và B không phải là tên gọi của hai sự vật khác loại, mà A biểu thịmột thuộc tính x (của vật đã được tiền giả định) được so sánh tương tự như thuộc tính tiêu biểu, nổi bật của y do B biểu thị. Như vậy, nét tương đồng đã được diễn đạt hiển lộ, hay hiển minh, trên bề mặt ngôn ngữ, do đó câu “A như B” (như được sử dụng theo nghĩa 2) luôn luôn là so sánh hiển minh, so sánh theo nghĩa đen, có nghĩa là không thể chuyển đổi thành so sánh ngầm - ẩn dụ được. So sánh ngầm chỉ có thể xuất hiện khi nét tương đồng giữa hai sự vật không được biểu đạt hiển minh bằng từ ngữ, nó chỉ nằm trong trường tư duy liên tưởng của con người mà thôi. Ví dụ:- (Cô ấy) Đẹp như tiên. (thành ngữ)
- (Tiếng đàn) Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như nước suối mới sa nửa vời. (Nguyễn Du)
- (Ngày mai, con người cô kĩ nữ trên dòng Hương Giang) Thơm như hương nhuỵ hoa nhài/ Sạch như nước suối ban mai giữa rừng. (Tố Hữu)
- (Lá cờ Đảng) Hồng như màu của bình minh/ Đỏ như màu máu của mình em ơi!(Diệp Minh Tuyền)
Các câu chứa những từ chỉ quan hệ so sánh khác cũng được xem xét theo nguyên tắc nói trên. Nếu chúng chứa các từ biểu hiện quan hệ so sánh đồng nhất ( nghĩa là đồng nghĩa với nghĩa 1 của từ như) thì các câu so sánh này có thể làm cơ sở cho ẩn dụ hay mang ẩn dụ tính. Nếu câu chứa những từ chỉ quan hệ so sánh “ để biểu hiện mức độ ngang bằng hay cao/thấp, hơn/kém, có thể so sánh với cái tiêu biểu được nêu ra” (ví dụ: các từ: tày, tựa , bằng, khác, hơn, kém , thua…), thì các câu này cũng chỉ diễn đạt sự so sánh theo nghĩa đen, không thể làm cơ sở cho ẩn dụ.
Ví dụ: từ tày có nghĩa” “có thể sánh với”, do đó cấu trúc “A tày B” là cấu trúc so sánh nêu bật mức độ cao, chứ không phải cấu trúc so sánh đồng nhất, cho nên không thể làm cơ sở cho ẩn dụ được : Chuyện tày đình; tội tày đình (tày đình: “Lớn lắm, có thể có hậu quả rất nghiêm trọng” [15, tr.894]); tội ác tày trời (tày trời:” “ Hết sức lớn và có những hậu quả không sao lường hết được”[ 15, tr. 894]); gương tày liếp,v.v…
Hay từ tựa có nghĩa: “ Giống như cái rất điển hình nào đó (so sánh để nêu bật mức độ của một tính chất”[15, tr.1078]. Do đó, các câu chứa từ tựa cũng chỉ biểu hiện sự so sánh theo nghĩa đen:
- áo chàng đỏ tựa ráng pha (Chinh phụ ngâm)
Hay hai câu thơ sau cũng chỉ biểu hiện sự so sánh về mức độ theo nghĩa đen:
- Hương nào bằng tóc mát
Ngọc nào bằng tay em . (Xuân Diệu)
Các ví dụ dưới đây có chứa những từ ngữ so sánh đồng nhất: như thể, khác gì, khác nàocho nên là những câu có thể làm cơ sở cho ẩn dụ, hay mang ẩn dụ tính:
- Có chồng mà chẳng có con
Khác gì hoa nở trên non một mình . (Ca dao)
- Trông anh như thể sao mai
Biết rằng trong có như ngoài hay không . (Ca dao)
- “Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống.” (Hồ Chí Minh)
Tóm lại, câu “A là/như B” diễn đạt sự so sánh đồng nhất có thể làm cơ sở cho ẩn dụhay mang tính ẩn dụ chỉ khi A và B là tên gọi của x và y thuộc phạm trù khác nhau, nghĩa là xvà y là những biểu vật hay là những sự vật, hành động, tính chất… khác loại nhau và khi nhưđược sử dụng theo nghĩa biểu thị quan hệ tương đồng trong sự so sánh về một mặt nào đó giữax và y (và nét tương đồng ấy được ngầm hiểu, tức là không được diễn đạt hiển minh bằng từ ngữ). Trong các trường hợp còn lại, câu “A là/như B” (có nét tương đồng được diễn đạt hiển minh bằng từ ngữ) chỉ là sự so sánh theo nghĩa đen.
Tuy nhiên, nếu trong câu đẳng nhất/ đẳng thức xuất hiện đủ cả hai vế có dạng “A là/như B” thì đó vẫn chỉ là câu biểu hiện sự so sánh đồng nhất và đây cũng mới chỉ là điều kiện cần cho ẩn dụ xuất hiện, chứ chưa phải là ẩn dụ. Ví dụ:
- Người ta là hoa đất (tng).
- Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim….( Tố Hữu).
- Thân em như tấm lụa đào
Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai. (Ca dao)
-Thiếp như hoa đã lìa cành. (Truyện Kiều)
- Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa,
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa. ( Tế Hanh)
Vậy đâu là “điều kiện đủ” cho ẩn dụ có thể xuất hiện trên cơ sở câu đẳng thức “ A là/ như B”?
Đó là chỉ khi nào chúng ta cho ẩn đi yếu tố đầu (tức yếu tố A) mà sử dụng yếu tố B để thay thế cho A khi gọi/ nói đến x do A biểu thị, thì hiện tượng ẩn dụ lập tức sẽ xuất hiện.“ Không một dạng nào của cấu trúc so sánh thiếu yếu tố so sánh (…). Mặt khác, cũng không có dạng nào chỉ có riêng mình yếu tố so sánh vì như thế sẽ không còn là so sánh nữa mà thành ẩn dụ (chúng tôi nhấn mạnh – NĐT)” [8, tr. 71].
Chẳng hạn, những câu sau đây đều có chứa hai vế (được ngăn cách bằng kí hiệu “// ”, trong đó vế trước biểu đạt sự so sánh đồng nhất làm cơ sở cho ẩn dụ ở vế sau. Trong vế sau, ẩn dụ xuất hiện trên cơ sở sự so sánh đồng nhất nằm ở vế trước bằng cách cho A ở vế trước ẩn đi:
“ ở nông thôn, nước ví như sông mà chủ nghĩa xã hội như thuyền,/ / nước sông lên nhiều thì thuyền đi lại dễ dàng.” ( Hồ Chí Minh)
- “ Thế địch như lửa, thế ta như nước.// Nước nhất định thắng lửa.” ( Hồ Chí Minh)
- Đôi ta là bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng//
Bởi chưng thầy mẹ nói ngang
Cho nên đũa ngọc mâm vàng xa nhau . (Ca dao)
- Nhân dân là bể
Văn nghệ là thuyền //
Thuyền xô sóng dậy
Sóng đẩy thuyền lên (Tố Hữu)
(Còn nữa)