Dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Nguyễn Văn Khang, nghiên cứu sinh Trần Kiều Huế đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: “Đặc điểm các yếu tố Hán – Nhật trong tiếng Nhật (có đối chiếu với tiếng Việt)”; chuyên ngành: Ngôn ngữ học ứng dụng; Mã số: 62.22.01.05 tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội ngày 12 tháng 9 năm 2013.
Chữ Hán và yếu tố Hán du nhập vào Nhật Bản từ khoảng thế kỉ thứ IV đến thế kỉ thứ V. Chữ Hán trở thành chữ viếtcủa tiếng Nhật; các yếu tố mượn Hán trở thành các yếu tố Hán - Nhật và là một phần quan trọng, không thể thiếutrong hệ thống từ vựng tiếng Nhật (chiếm khoảng 47%). Để trở thành yếu tố Hán - Nhật, các yếu tố mượn Hán trong tiếng Nhật đã được đồng hóa ở các bình diện ngữ âm, hình thái - cấu trúc và ngữ nghĩa. Cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam được xếp vào khu vực “văn hoá chữ Hán”. Cũng giống như tiếng Nhật, trong tiếng Việt sử dụng một lượng lớn các từ Hán - Việt như một lớp từ quan trọng trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Việc nghiên cứu yếu tố Hán – Nhật trong tiếng Nhật (có so sánh với tiếng Việt) sẽ tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt về loại hình ngôn ngữ giữa hai quốc gia.
Mục đích nghiên cứu của luận án là: làm rõ đặc điểm về ngữ âm, hình thái -cấu trúc và ngữ nghĩa của các yếu tố Hán – Nhật; chỉ ra những điểm tương đồng và dị biệt giữa yếu tố Hán – Nhậtvà yếu tố Hán – Việt trên các bình diện trênnhằm góp phần vào nghiên cứu tiếp xúc ngôn ngữ giữa tiếng Hán với các ngôn ngữ Nam Á như tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Korea (tiếng Triều Tiênvà tiếng Hàn Quốc); đưa ra một số nhận xét về đặc điểm hoạt động của lớp từ Hán - Nhật đơn tự có đối chiếu với lớp từ Hán - Việt đơn tiết. Luận án khảo sát đặc điểm của 2098 yếu tố Hán – Nhật trong Bảng Hán tự thường dụng (1998) của tiếng Nhật, trong đó, tập trung nghiên cứu, khảo sát nhóm yếu tố Hán – Nhật có khả năng độc lập trở thành từ.
Luận án được đánh giá là có một số đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn.Về mặt lý luận, kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm rõ về mặt lí thuyết tiếp xúc ngôn ngữ và hiện tượng vay mượn từ vựng, tiếp xúc ngôn ngữ giữa tiếng Hán với các ngôn ngữ Nam Á như tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Korea (tiếng Triều Tiên và tiếng Hàn Quốc) nói chung, hiện tượng vay mượn các yếu tố Hán trong tiếng Nhật và tiếng Việt nói riêng. Về mặt thực tiễn, luận án góp phần cung cấp một cách có hệ thống những đặc điểm cơ bản của các yếu tố Hán - Nhật, những điểm giống và khác nhau giữa yếu tố Hán - Nhật và yếu tố Hán - Việt cho người học tập, giảng dạy, sử dụng hoặc nghiên cứu tiếng Nhật. Kết quả nghiên cứu này cũng góp phần cho công việc giảng dạy - học tập tiếng Việt đối với người Nhật; trong công tác đối dịch Nhật Việt, Việt Nhật, công tác biên soạn từ điển song ngữ Nhật Việt.
Luận án đã được Hội đồng chấm luận án cấp Học viện nhất trí thông qua với 7/7 phiếu tán thành.
Các nhà nghiên cứu quan tâm có thể tìm đọc luận án tại: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Học viện khoa học xã hội, Văn phòng khoa Ngôn ngữ học (Học viện KHXH).
[nguồn http://gass.edu.vn]