Trên Kiến thức ngày nay số 141 năm 1994, nhà ngôn ngữ học tên tuổi Cao Xuân Hạo đã viết bài “Chữ Tây và chữ Hán thì chữ nào hơn?”. Từ đó đến nay, không ít bài viết đã trao đổi xung quanh việc có nên đưa viêc dạy-học chữ Hán vào trong nhà trường vì một lí do đơn giản "để hiểu tốt hơn, chính xác hơn các từ ngữ Hán Việt " (chiếm tới già nửa vốn từ tiếng Việt). Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Lê Xuân Thại và mong nhận được ý kiến trao đổi từ phía người đọc.
Gần 20 năm nay trên báo chí có một số nhà giáo, nhà ngôn ngữ học chủ trương đưa chữ Nho vào chương trình giáo dục phổ thông. Người đầu tiên đưa ra chủ trương này có lẽ là PGS. Cao Xuân Hạo với bài viết “Chữ Tây và chữ Hán thì chữ nào hơn?” in lần đầu tiên trên Kiến thức ngày nay số 141 năm 1994. Sau đó là các bài viết “Chữ Nho với nền văn hóa Việt Nam” của GS. Nguyễn Cảnh Toàn; “Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam” của GS. Nguyễn Đình Chú; “Vai trò Hán Nôm trong các ngành khoa học xã hội” của GS. Lê Văn Quán v.v...
Trước Cách mạng tháng Tám, tôi đã học chữ Nho, theo sách thành hiền 2 năm trước lúc học chữ quốc ngữ, sau đó vào học tiểu học ở trường Pháp - Việt, đến lớp nhì đệ nhất mỗi tuần chỉ học một tiết chữ Nho gọi là giờ Caractère Chinois. Sau Cách mạng tháng Tám trường phổ thông không dạy chữ Hán và đến cuối năm 1954 tôi sang Trung Quốc học đại học. Một người như tôi, đã gắn bó với chữ Hán, tiếng Hán trong một thời gian dài như vậy, đáng lẽ khi có người chủ trương dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông Việt Nam thì phải nhiệt liệt tán thành, ủng hộ. Nhưng trái lại tôi lại rất băn khoăn trước chủ trương này.
Thứ chứ Hán hay chữ Nho mà các học giả trên đây chủ trương đem dạy ở trường phổ thông là thứ chữ Hán của văn bản cổ đại mà Trung Quốc gọi là văn ngôn. Chủ trương dạy chữ Hán ở đây thực chất là chủ trương dạy văn ngôn chứ không phải là dạy tiếng Hán hiện đại. Việc dạy chữ Hán và tiếng Hán hiện đại thì chẳng có gì phải bàn cãi nữa vì trước đây và hiện nay trong trường phổ thông Việt Nam đều có môn tiếng Trung (tiếng Hán hiện đại) bên cạnh các môn sinh ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga v.v... mặc dù số lượng học sinh học tiếng Trung bây giờ không nhiều như trước nữa. Học chữ Nho thì phát âm theo cách đọc Hán Việt, còn học chữ Hán tiếng Hán hiện đại thì phát âm theo hệ thống ngữ âm Bắc Kinh hiện đại.
Để sáng tỏ vấn đề chúng ta thử tìm hiểu những lí do mà các học giả trên đây dựa vào để chủ trương dạy chữ Nho ở trường phổ thông.
PGS.TS Lê Xuân Thại thuyết trình bài viết tại Hội thảo NNH toàn quốc
Trước hết, là về tác dụng của chữ Hán đối với não bộ con người và sự tiến bộ xã hội. GS. Cao Xuân Hạo và cả GS. Nguyễn Đình Chú đều đánh giá rất cao tác dụng của chữ Hán đối với não bộ con người tức là đối với cơ quan của tư duy, nhận thức. Lòng tin này dựa vào một thành quả của việc dạy tiếng Anh bằng chữ Hán cho các học sinh Mỹ mắc chứng alexia (không học được cách “đánh vần”). “Năm 1978, một nhóm ngữ học Mỹ quyết định làm một cuộc thí nghiệm. Họ mở một lớp gồm toàn trẻ em “khuyết tật” mắc chứng elexia và dạy chương trình tiểu học cho chúng bằng chữ Hán (xin bạn đọc hiểu đúng cho: dĩ nhiên các em ấy học tiếng Anh và học các môn khác bằng tiếng Anh, nhưng các từ tiếng Anh đều được viết bằng chữ Hán. Chẳng hạn, câu He came to a high mountaine được viết bằng sáu chữ Hán là “Tha đáo cập nhất cao sơn”. Sau năm đầu, các em đọc và viết được 1.600 từ đơn, và về khả năng hấp thu tri thức chứng tỏ ra không “đần độn” chút nào, mà kết quả học tập của chúng lại có phần trội hơn các em học tiểu học bằng chữ ABC”. Trên cơ sở thực nghiệm này, lại dựa vào khái niệm “diện mạo tổng quát” (được gọi là Gestalt) trong tâm lí học hiện đại, người ta cho rằng chữ Hán - một thứ chữ không ghi âm - là một thứ chữ hơn hẳn chữ Tây.
“Mỗi chữ Hán là một Gestalt tuyệt hảo, trong khi cái chuỗi chữ cái La - Tinh chắp thành một hàng dài không làm thành một hình ảnh có thể nhận diện dễ dàng trong một chớp mắt như chữ Hán” (Cao Xuân Hạo).
Từ chỗ ca ngợi tính ưu việt của chữ Hán đối với não bộ con người, đối với nhận thức, tư duy, GS. Cao Xuân Hạo và GS. Nguyễn Đình Chú rất tâm đắc với nhiều nhận định của một số học giả nước ngoài về tác dụng của chữ Hán đối với tiến bộ xã hội. Đó là ý kiến của Léon - Vandermermeesh cho rằng những nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thương Cảng, Đại Hàn, Singapore là những “con rồng” và sở dĩ thành rồng được chính là vì họ dùng chữ Hán. Chỉ còn một nước chưa thành rồng được: Việt Nam- Nước này đã bỏ mất chữ Hán mà trước kia nó đã từng dùng. Đó là những lời tiên đoán của một số người phương Tây cho rằng chỉ vài ba mươi năm nữa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc... chữ Hán là thứ chữ tương lai của nhân loại (dẫn theo Cao Xuân Hạo).
Quả thật, đọc rất nhiều sách báo của Trung Quốc tôi chưa thấy một học giả Trung Quốc nào ca ngợi tính ưu việt của chữ Hán như mấy người nước ngoài này. Chữ Hán do đặc điểm của nó có thể là “liều thuốc” để chữa khuyết tật cho những người mắc chứng elexia nhưng không nên ngộ nhận là thứ thuốc đó có thể dùng để kích thích trí thông minh của con người lên vượt bậc, nhất là đối với con người bình thường không mắc elexia. Nếu học chữ Hán mà thông minh, sáng tạo vượt bậc thì giải thưởng Nobel phần lớn phải thuộc về người Trung Quốc nhưng thực tế không phải như vậy. Nếu học chữ Hán mà xã hội văn minh, tiến bộ đến như vậy thì hiện nay Trung Quốc phải đứng hàng đầu thế giới về kinh tế, khoa học, kĩ thuật nhưng thực tế không phải như vậy. Ông Lý Quang Diệu, một người gốc Hoa, nguyên thủ tướng Singapore, người lãnh đạo Singapore trở thành con rồng khi sang thăm Việt Nam nói về kinh nghiệm phát triển kinh tế, xã hội của Singapore, ông không hề nói đến vai trò của tiếng Hán, chữ Hán mà khuyên Việt Nam nên đẩy mạnh việc học tập tiếng Anh. Một số người phương Tây cho rằng chỉ vài ba mươi năm nữa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc, lời tiên đoán này đến nay cũng đã vài mươi năm rồi mà trên thế giới chưa thấy nước nào “rục rịch” dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của dân tộc họ!
Theo tôi thì thứ chữ nào hiện nay trên thế giới cũng có ưu điểm và nhược điểm của nó. Ưu điểm của chữ Hán đã được nhiều người nói đến. Chữ Hán thường có bộ phận biểu ý nên trong trường hợp đồng âm, nhìn vào chữ là biết ngay được nghĩa của yếu tố đồng âm đó. Chữ ABC không có được ưu điểm này. Chẳng hạn một người ViệtNam có tên là Dương thì rất khó biết tên anh ta có nghĩa là gì: là mặt trời, là biển lớn, là tên một loài cây hay là con dê. Sức mạnh của chữ Hán cho mãi đến ngày nay là phương tiện giao tiếp chung của nhân dân Trung Quốc trong tình trạng các ngôn ngữ địa phương quá cách xa nhau, người Thượng Hải không hiểu tiếng Quảng Đông, người Quảng Đông không hiểu được tiếng Tứ Xuyên v.v... nhưng mọi người Trung Quốc có học đều đọc hiểu các văn bản chữ Hán. Cũng chính vì thế mà cho đến nay chữ phiên âm của tiếng Hán chỉ có thể là phương tiện phụ trợ trong việc dạy chữ Hán chứ không thể thay thế chữ Hán được. Nhưng nhược điểm của chữ Hán là rất khó học. Người Trung Quốc và những người nước ngoài học chữ Hán đều thấm thía điều này. Nó là một cản trở rất lớn cho việc xóa nạn mù chữ ở Trung Quốc. Trong lúc đó thì chữ ABC của ta tuy có nhược điểm như trên đã nói nhưng học rất nhanh, điểm này thì ai cũng thấy.
Từ chỗ ca ngợi tính ưu việt của chữ Hán, GS. Cao Xuân Hạo coi việc bỏ chữ Hán, chữ Nôm ở nước ta là “một tai họa, một trận đại hồng thủy” gây nhiều mất mát, không còn hoán cãi được nữa. Nói như vậy cũng có nghĩa là chê trách cha ông ta đã không sáng suốt, đã quá nhu nhược. Tôi thì tôi không nghĩ như vậy, tôi cho rằng việc lựa chọn chữ ABC là sự lựa chọn sáng suốt của lịch sử, của nhân dân ta. Và chữ ABC đã có công lớn trong sự phát triển của xã hội ta, nhất là từ Cách mạng tháng Tám đến nay.
Một lí do khác của chủ trương dạy chữ Nho ở trường phổ thông là việc tiếp nhận, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Một lí do, một mục đích thật là hấp dẫn ! Quả thật, cha ông chúng ta đã để lại một di sản văn hóa vô cùng quý báu, trong đó một khối lượng không nhỏ được viết bằng chữ Hán: Bài thơ Nam quốc sơn hà (có người cho là của Lý Thường Kiệt), Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, văn thơ Lý Trần, Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, Ngục trung nhật kí của Hồ Chí Minh, Nam dược thần liệu của Tuệ Tĩnh, Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Bản thảo thực vật toát yếu của Phan Chu Tiên, Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh v.v... Nếu ai cũng có trình độ chữ Hán đọc trực tiếp các văn bản chữ Nho đó thì tốt quá. Nhưng vấn đề là ở chỗ ngày nay dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông có thể đạt đến trình độ đó hay không. Ai cho rằng dạy chữ Nho ở trường phổ thông để học sinh trực tiếp đọc được văn bản chữ Hán trong di sản văn hóa dân tộc thì đó là một ảo tưởng. Các cụ ta ngày xưa bao nhiêu năm đèn sách, sôi kinh nấu sử mới đạt được trình độ đó chứ đâu phải là chuyện dễ! Học chữ Nho khó không phải chỉ vì bản thân chữ Nho phức tạp mà còn vì văn chữ Nho là văn cổ đại (văn ngôn) mà ngay người Trung Quốc hiện đại cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tôi là người cảm nhận rất rõ điều này. Tôi học tiếng Hán hiện đại đến nay đã hơn 50 năm, chữ Hán tôi học được cũng khá nhiều nhưng đọc loại văn cổ đó tôi cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Không những tôi mà ngay các bạn học Trung Quốc cùng lớp với tôi cũng không hiểu gì mấy khi bất đầu tiếp xúc với Kinh thi, với Luận ngữ, với Sở từ v.v...
GS. Cao Xuân Hạo cảm thấy chạnh lòng khi hiện nay, tất cả các khách du lịch đến nước ta đều kinh ngạc trước tình trạng người Việt không đọc được những dòng chữ đề trên các đền đài và di tích lịch sử. Họ nói: “Các ngài là những người mù chữ ngay trên đất nước mình”. Nếu là tôi, tôi sẽ trả lời với người khách du lịch đó rằng, thứ chữ này không phải là chữ của Việt Nam mà là chữ Hán trước đây cha ông chúng tôi dùng, bây giờ chữ của Việt Nam là chữ quốc ngữ. Cho nên thứ chữ này bây giờ ít người đọc được là chuyện bình thường. Thực ra thì hiện tượng này không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay ở Trung Quốc cũng có khá đông người đến đền, chùa của họ mà vẫn không đọc được hoặc đọc mà không hiểu được các dòng chữ viết trên câu đối hoặc hoặc các bức hoành phi mặc dù họ cũng có một vốn chữ Hán kha khá.
Theo tôi thì để tiếp cận di sản văn hóa chữ Hán ở Việt Nam, cần phải đào tạo một đội ngũ chuyên gia Hán học để họ có thể nghiên cứu và dịch các trước tác chữ Hán có giá trị của cha ông ra tiếng Việt chứ không trông chờ gì ở việc học tập chữ Nho của học sinh ở trường phổ thông. Việc dịch thuật này ngay từ thời phong kiến đã có người làm như Đoàn Thị Điểm đã dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, thời Pháp thuộc vẫn tiếp tục có người làm, và sau Cách mạng tháng Tám nhất là mấy chục năm gần đây đã đạt được rất nhiều thành tựu. Việc thành lập Viện Hán Nôm, việc thành lập khoa Hán Nôm ở một số trường đại học đã có tác dụng rất lớn trong vấn đề này.
Ngoài hai lí do trên, còn một lí do nữa mà những người chủ trương dạy chữ Nho ở trường phổ thông thường hay nêu ra là dạy chữ Nho để nâng cao trình độ hiểu biết và sử dụng tiếng Việt. GS. Cao Xuân Hạo viết:
“Nạn mù chữ Hán cũng là cội nguồn của việc hiểu sai các từ Việt gốc Hán. Cũng như người Pháp không thể giỏi tiếng Pháp nếu không biết tiếng La Tinh, người Việt Nam cũng không thể giỏi tiếng Việt nếu không biết chữ Hán, thứ chữ đã từng được dùng để viết hơn 70% số từ của tiếng Việt, những từ mà ngày nay vẫn được dùng với một tần suất rất cao”. Để chứng minh cho điều này, người ta đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng, các lỗi về âm, về nghĩa, về phong cách trong việc sử dụng từ ngữ Hán Việt trên sách báo và trong cuộc sống thường nhật. Những lỗi này là sự thật không thể chối cãi nhưng phải chăng là do nạn mù chữ Nho và muốn khắc phục cái lỗi này thì phải dạy chữ Nho từ bậc học phổ thông? Thử lật lại vấn đề: nếu các lỗi về sử dụng từ ngữ Hán Việt là do mù chữ Nho thì tại sao có rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhà khoa học Việt Nam chẳng biết một chữ Nho nào cả mà tác phẩm của họ chẳng có một lỗi nào về từ ngữ Hán Việt. Sở dĩ như vậy là vì tuy không biết một chữ Nho nào cả nhưng họ đã có một quá trình tu dưỡng tìm hiểu âm, nghĩa, giá trị phong cách của từ ngữ Hán Việt. Việc thụ đắc từ ngữ Hán Việt không nhất thiết phải qua chữ Nho. Người ta hoàn toàn có thể thụ đắc từ ngữ Hán Việt bằng cách liên hệ với tư duy, liên hệ với thực tế, với giao tiếp. Điều này không những đúng với việc thụ đắc từ ngữ Hán Việt mà còn đúng với việc thụ đắc các từ ngữ ngoại lai khác trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt có nhiều từ gốc Pháp nhưng để hiểu những từ đó người Việt không nhất thiết phải học chữ Pháp, tiếng Pháp. Điều này cũng đúng đối với việc thụ đắc các từ ngữ ngoại lai của người bản địa dân tộc khác. Trong tiếng Hán có nhiều từ gốc Nhật, nhưng người Hán cũng không nhất thiết phải học tiếng Nhật, chữ Nhật (mặc dù trong chữ Nhật có nhiều chữ Hán). Như vậy, theo tôi là những người dùng sai từ ngữ Hán Việt không phải là do không biết chữ Nho mà là do họ không học tập đến nơi đến chốn tiếng Việt nói chung và từ ngữ Hán Việt nói riêng.
Có người nghĩ rằng có học chữ Nho mới hiểu được nghĩa của yếu tố cấu tạo từ, hiểu được yếu tố cấu tạo từ thì mới hiểu được nghĩa của từ ngữ Hán Việt. Thực tế không hẳn là như vậy. Có nhiều trường hợp người ta không hiểu nghĩa của yếu tố Hán Việt nhưng vẫn hiểu và sử dụng đúng từ ngữ Hán Việt. Người ta có thể không hiểu áitrong ái nam ái nữ nghĩa là gì, nhưng hiểu rất đúng thế nào là ái nam ái nữ (Ái ở đây có nghĩa là phảng phất, gần như), có thể không hiểu ái trong ái ngại nhưng ai cũng hiểu dùng đúng từ ái ngại (Ái ở đây có nghĩa là băn khoăn), có thể không hiểu sở trong từ khổ sở nghĩa là gì nhưng không mấy ai không hiểu và dùng sai từ khổ sở (Sở ở đây có nghĩa là đau xót). Như vậy có thể thấy rằng trong việc thụ đắc từ ngữ Hán Việt, quan trọng là việc hiểu nghĩa, hiểu cách dùng từ ngữ chứ không phải là hiểu nghĩa của từng yếu tố cấu tạo từ. Mà ngay cả việc hiểu nghĩa của yếu tố Hán Việt cũng không nhất thiết phải qua chữ Nho mà có thể dạy qua chữ quốc ngữ như chúng ta đã dạy ở các giờ ngữ văn phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Tất nhiên việc dạy từ ngữ Hán Việt ở trường phổ thông hiện nay còn nhiều điều phải cải tiến để thu được nhiều hiệu quả hơn nữa, nhưng đó là chuyện khác mà chúng tôi không bàn đến ở đây.
Nói tóm lại, chúng tôi cho rằng không nên, không cần thiết phải dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông với tư cách là một môn học bắt buộc, có tính chất đại trà. Tất nhiên, những em học sinh phổ thông nào thích học chữ Nho mà nhà trường có điều kiện thì cũng có thể theo học ở những giờ ngoại khóa. Và chúng tôi cũng không phản đối việc giảng dạy cho học sinh phổ thông hiểu thế nào là chữ Nho, thế nào là chữ Nôm và học nhận diện một số lượng chữ Nho nào đó mà không bắt buộc phải nhớ như GS. Nguyễn Quang Hồng đề nghị.
Thực ra thì đây không phải là ý kiến của riêng chúng tôi. Đã có một số người viết bài tỏ rõ ý kiến không đồng tình với chủ trương dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông như bài “Vấn đề dạy chữ Hán cho học sinh trung học phổ thông Việt Nam” của Trương Đức Quả, “Vấn đề đưa chữ Hán vào nhà trường phổ thông” của Nguyễn Thìn Xuân. Và cuộc thăm dò ý kiến của chúng tôi cũng cho thấy khá nhiều người tán thành với ý kiến của chúng tôi. Bài viết này của chúng tôi muốn góp thêm một tiếng nói để trong tương lai những người làm chương trình và SGK mới tham khảo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Cao Xuân Hạo:
- Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn ? “Kiến thức ngày nay” số 141, năm 1994.
- Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ, Báo cáo Khoa học, năm 1995, đăng lại trên “Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt, Nxb trẻ, 2001.
Nguyễn Cảnh Toàn: Chữ Nho với nền văn hóa Việt Nam, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Nguyễn Đình Chú: Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Nguyễn Minh Tường: Suy nghĩ về lợi ích của việc dạy chữ Hán cho lớp trẻ hiện nay, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Lê Văn Quán: Vai trò Hán Nôm trong các ngành khoa học xã hội, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Nguyễn Quang Hồng: Chữ Hán, chữ Nôm với học sinh trung học, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Lê Anh Tuân: Mấy vấn đề đặt ra từ thực tế giảng dạy Hán Nôm cho giáo viên dạy văn phổ thông cơ sở, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Trương Đức Quả: Vấn đề dạy chữ Hán cho học sinh trung học phổ thông ViệtNam, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Nguyễn Thìn Xuân: Vấn đề đưa chữ Hán vào nhà trường phổ thông, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Lê Xuân Thại: Xung quanh vấn đề dạy và học từ ngữ Hán Việt, “Ngôn ngữ”, số 4 năm 1990.