Ngày 29 tháng 6 năm 2021, Bộ khoa học công nghệ đã tổ chức nghiệm thu cấp Quốc gia đề tài Nhà nước: "Nghiên cứu vấn đề sử dụng ngôn ngữ ở các vùng dân tộc thiểu số" do GS.TS. Nguyễn Văn Khang làm chủ nhiệm, Viện Ngôn ngữ học là đơn vị chủ trì thực hiện.
Đây là đề tài đầu tiên trong cụm 5 đề tài khoa học cấp nhà nước: “Những vấn đề cấp bách để bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc của ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, góp phần phát triển bền vững đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" do Viện Ngôn ngữ học chủ trì nghiệm thu cấp Quốc gia. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và xếp loại Đạt với kết quả 04 phiếu đánh giá xuất sắc và 04 phiếu đánh giá đạt.
Với nền tảng lý thuyết vững chắc, phù hợp cùng một khối tư liệu rất lớn được thu thập bằng các phương pháp điều tra, khảo sát khoa học, đáng tin cậy và được xử lý bằng chương trình SPSS, đề tài đã xây dựng được một bức tranh toàn cảnh về tình hình sử dụng ngôn ngữ ở các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Đề tài đi sâu nghiên cứu trạng thái đa ngữ xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số, trong tập trung làm rõ một số vấn đề như: quá trình di dân và tác động của quá trình di dân tạo nên các cộng đồng đa ngữ mới; năng lực ngôn ngữ, thái độ ngôn ngữ và các nhân tố khác tác động đến trạng thái đa ngữ xã hội như: đời sống xã hội, tôn giáo…
Về tình hình sử dụng ngôn ngữ, đề tài khẳng định giao tiếp ngôn ngữ ở các vùng dân tộc thiểu số là rất linh hoạt. Hiện tượng trộn mã, chuyển mã trong quá trình giao tiếp diễn ra một cách tự nhiên do sự chi phối của các chiến lược giao tiếp. Đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng cả tiếng Việt lẫn tiếng dân tộc trong nhiều lĩnh vực giao tiếp như trong thôn bản, trong nhà trường và trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đề tài cũng ghi nhận xu hướng thâm nhập của tiếng Việt trong giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình; nhu cầu về ngoại ngữ tăng cao.
Từ phân tích thực tế tình hình sử dụng ngôn ngữ, đề tài đã đưa ra các dự báo và một số đề xuất, kiến nghị quan trọng hướng đến việc bảo tồn và phát huy vai trò của ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số trong mối quan hệ hài hòa với tiếng Việt - ngôn ngữ Quốc gia.
Trong quá trình triển khai, thực hiện, đề tài đã công bố 16 bài trên các tạp chí chuyên ngành và Hội thảo khoa học trong nước, 02 bài trên quốc tế uy tín; hướng dẫn thành công 10 học viên cao học theo hướng nghiên cứu của đề tài.
Tin bài: Phương Nguyễn