Với 100% phiếu tán thành ở mức xuất sắc, chị LA VĂN THANH (LUO WENQING), dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS Nguyễn Văn Khang, đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ngôn ngữ học "Nghiên cứu tổ hợp song tiết Hán Việt (có đối chiếu với tiếng Hán".
Ngày 29 tháng 6 năm 2010, tại Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước của Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, NCS La Văn Thanh, đã bảo vệ luận án Nghiên cứu tổ hợp song tiết Hán Việt (có đối chiếu với tiếng Hán), chuyên ngành lý luận ngôn ngữ ; mã số:62. 22. 01. 01.
Luận án gồm 04 chương: Chương 1 : Cơ sở lí thuyết; Chương 2: Bức tranh tổng quát về tổ hợp song tiết Hán Việt; Chương 3 : Đặc điểm của tổ hợp song tiết Hán Việt xét từ góc độ cấu tạo; Chương 4 : Đặc điểm của tổ hợp song tiết Hán Việt xét từ góc độ ngữ nghĩa.
Hội đồng đã thông qua luận án với 100% phiếu đạt ở mức xuất sắc. Hội đồng đặc biệt nhấn mạnh công phu làm tư liệu phục vụ luận án: NCS La Văn Thanh đã thống kê 10 900 tổ hợp song tiết Hán Việt trong từ vựng tiếng Việt. Trên cơ sở tư liệu thu thập được, NCS tiến hành phân loại thành 11 Bảng ở phụ lục với những thông số đáng chú ý: 1/ tỉ lệ tổ hợp song tiết Hán Việt trong tiếng Việt hiện đại; 2/ tỉ lệ tổ hợp Hán Việt thuần Hán và không thuần Hán; 3/ tỉ lệ tổ hợp song tiết Hán Việt có thể đảo trật tự; 4/ tỉ lệ tổ hợp song tiết Hán Việt biến âm; 5/ tỉ lệ tổ hợp song tiết Hán Việt do người Việt tự tạo. Từ những số liệu này, NCS đã tiến hành phân tích đặc điểm về cấu trúc, ngữ nghĩa của tổ hợp song tiết Hán Việt và so sánh với chúng trong tiếng Hán.
Từ góc độ người bản ngữ của "ngôn ngữ cho vay"- tiếng Hán, NCS đã có những lí giải đáng chú ý về tổ hợp song tiết Hán Việt. Chẳng hạn, lí giải về hiện tượng đảo trật tự giữa các thành tố trong tổ hợp song tiết Hán Việt, NCS cho rằng cần quan tâm đến phương ngôn miền Nam Trung Quốc. Thời cổ, người Việt thường tiếp xúc với người miền Nam Trung Quốc mà phương ngữ miền Nam Trung Quốc thường hay có hiện tượng đảo trật tự so với tiếng phương Bắc Trung Quốc (tiếng phổ thông), trong đó tiếng Phúc Kiến, tiếng Quảng Đông và tiếng Khách Gia đặc biệt nhiều. So sánh: tiếng Phúc Kiến là 闹热 náo nhiệt còn tiếng Hán hiện đại là 热闹nhiệt náo; tiếng Khách Gia là 欢喜 hoan hỉ, còn tiếng phổ thông là 喜欢 hỉ hoan.
Chị La Văn Thanh là giảng viên tiếng Việt của Viện Ngoại ngữ, Đại học Dân tộc Quảng Tây Trung Quốc. Được biết, trong dịp sang giảng dạy tại Đại học Dân tộc Quảng Tây Trung Quốc năm 1996, GS.TS Nguyễn Văn Khang đã giúp đỡ các các giáo viên trẻ dạy tiếng Việt của trường này. Chị La Văn Thanh được GS. TS nguyễn Văn Khang giúp đỡ về mặt chuyên môn, trong đó đã hướng dẫn chị bảo vệ thành công Luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học trước đó tại Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội và đến nay là luận án tiến sĩ ngôn ngữ học. GS.TS Nguyễn Văn Khang hiện là giáo sư kiêm nhiệm đào tạo sau đại học chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn học Á Phi của Đại học dân tộc Quảng Tây, Nước CHND Trung Hoa.
Tân tiến sĩ ngôn ngữ học LA VĂN THANH (LUO WEN QING)
NCS La văn Thanh và GS.TS Nguyễn Văn Khang
Từ trái qua phải:
PGS. TS Nguyễn Văn Kim (Phó hiệu trưởng Trường ĐHKHXHNV), PGS.TS Vũ Đức Nghiệu (Phó hiệu trưởng Trường ĐHKHXHNV),
GS.TS Hoàng Trọng Phiến, PGS.TS Hà Quang Năng, GS.TS Trần Trí Dõi, GS.TS Nguyễn Văn Khang, TS Nguyễn Văn Chính (hàng sau, PCN Khoa Ngôn ngữ học), NCS La Văn Thanh, GS.TS Nguyễn Ngọc San (hàng sau), PGS.TS Lê Xuân Thại, PGS.TS Phạm Văn Tình (Phó Tổng Biên tập t/c Từ điển học và BKHT VN), GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, TS. Trịnh Cẩm Lan.