Nhà xuất bản Giáo dục - Việt Nam vừa ấn hành cuốn sách “Ngôn ngữ học xã hội" của GS.TS Nguyễn Văn Khang . Sách gồm 5 phần 20 chương; dày 550 trang, khổ 16x24.
1. Cuốn sách gồm 5 phần:
Phần thứ nhất là Những vấn đề chung với 4 chương (từ chương 1 đến chương 4) gồm những nội dung kiến thức chung nhất về ngôn học xã hội cũng như bối cảnh ra đời, mục đích, nhiệm vụ của ngôn ngữ học xã hội; các hướng và những nội dung nghiên cứu của ngôn ngữ học xã hội ở hai bình diện ngôn ngữ học xã hội vĩ mô và ngôn ngữ học vi mô; làm rõ các khái niệm mang tính then chốt là cơ sở cho việc nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội như: biến thể, biến, cộng đồng ngôn ngữ, mạng xã hội, cảnh huống ngôn ngữ, thái độ ngôn ngữ.
Phần thứ hai là Đa ngữ xã hội với 3 chương (từ chương 5 đến chương 7) gồm những kiến thức về xã hội đa ngữ, người đa ngữ với tiếng mẹ đẻ, trạng thái đa ngữ, đa thể ngữ, đa ngữ bình đẳng, đa ngữ bất bình đẳng. Tập trung vào khảo sát trạng thái đa ngữ xã hội, các chương trong phần này chú trọng tới sự tiếp xúc, tương tác giữa các ngôn ngữ trong xã hội đa ngữ với hệ quả mà nó mang đến như giao thoa, vay mượn, hiện tượng lai tạp ngôn ngữ, pidgins và creoles.
Phần thứ ba là Phương ngữ xã hội với 6 chương (từ chương 8 đến chương 13) gồm những kiến thức phương ngữ xã hội như mối quan hệ giữa phương ngữ và ngôn ngữ, khái niệm phương ngữ xã hội và các nội dung chuyên sâu của một số phương ngữ xã hội như: mối quan hệ giữa ngôn ngữ và giới để tạo nên phương ngữ giới; mối quan hệ giữa ngôn ngữ và chính trị để tạo nên phương ngữ chính trị; mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tôn giáo để tạo nên phương ngữ tôn giáo; mối quan hệ hệ giữa ngôn ngữ và đô thị để tạo nên phương ngữ đô thị; mối quan hệ giữa ngôn ngữ với các nhóm xã hội đặc thù để tạo nên tiếng lóng và ngôn ngữ mạng của các cư dân mạng trong thời đại bùng nổ internet.
Phần thứ tư là Giao tiếp tương tác ngôn ngữ học xã hội với 3 chương (từ chương 14 đến chương 16) gồm những nội dung kiến thức về giao tiếp ngôn ngữ như khái niệm giao tiếp tương tác ngôn ngữ học xã hội, tính xã hội của lời nói, quá trình xã hội hóa ngôn ngữ của con người từ năng lực ngôn ngữ đến năng lực giao tiếp, sự kiện giao tiếp,…Xoay quanh một tư tưởng cốt yếu của giao tiếp tương tác ngôn ngữ hội xã hội là sự lựa chọn ngôn ngữ trong giao tiếp với các chiến lược giao tiếp như chuyển mã, trộn mã, lịch sự.
Phần thứ năm là Chính sách ngôn ngữ với 4 chương (từ chương 17 đến chương 20) gồm những kiến thức cơ bản về sinh thái ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ, kế hoạch hóa ngôn ngữ và lập pháp ngôn ngữ. Sinh thái ngôn ngữ là một nội dung đang được quan tâm trong mối quan hệ với môi trường sinh thái toàn cầu nói chung ở hai nội dung tưởng như ngược nhau nhưng lại cùng tồn tại và gắn bó với nhau đó là “đa dạng” và “bản sắc”. Từ đó, những nội dung của chính sách ngôn ngữ, kế hoạch hóa ngôn ngữ và lập pháp ngôn ngữ được đặt ra xem xét.
2. Không dừng lại ở các nội dung lí thuyết, mỗi nội dung khoa học đều được tác giả nhìn nhận, gắn với đời sống thực tế của các ngôn ngữ cụ thể, đặc biệt là các ngôn ngữ ở Việt Nam như tiếng Việt - chữ Việt, tiếng nói - chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chú trọng tới sự tương tác giữa xã hội với ngôn ngữ, vận dụng lí thuyết của ngôn ngữ học xã hội, cuốn sách muốn hướng đến một bức tranh toàn cảnh về tình hình ngôn ngữ ở Việt Nam gắn với thực tiễn của xã hội Việt Nam cũng như với tập tục, thói quen văn hóa ứng xử của người Việt. Nói đến ngôn ngữ học xã hội ở Việt Nam không thể không nhắc đến bình diện ngôn ngữ học xã hội vĩ mô, đó là chính sách của Đảng và nước Việt Nam về ngôn ngữ bao gồm chủ trương, đường lối và các biện pháp thực thi để bảo vệ, phát triển, hiện đại hóa tiếng Việt và bảo tồn, phát huy các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
3. Sau đây là nội dung chi tiết của cuốn sách:
MỤC LỤC
Phần I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Chương 1. Tổng quát về Ngôn ngữ học xã hội.
Chương 2. Biến thể. Cộng đồng giao tiếp. Mạng xã hội
Chương 3. Cảnh huống ngôn ngữ
Chương 4. Thái độ ngôn ngữ
Phần II. ĐA NGỮ XÃ HỘI
Chương 5. Đa ngữ xã hội và Đa thể ngữ
Chương 6. Tiếp xúc ngôn ngữ và Vay mượn từ vựng
Chương 7. Giao thoa ngôn ngữ và Lai tạp ngôn ngữ
Phần III. PHƯƠNG NGỮ XÃ HỘI
Chương 8. phương ngữ xã hội
Chương 9. Phương ngữ đô thị và Đô thị hoá ngôn ngữ
Chương 10. Ngôn ngữ và giới
Chương 11. Ngôn ngữ và chính trị
Chương 12. Ngôn ngữ và tôn giáo
Chương 13. Phương ngữ xã hội đặc thù: Tiếng lóng và ngôn ngữ mạng
Phần IV. NGÔN NGỮ HỌC XÃ HỘI TƯƠNG TÁC
Chương 14. Ngôn ngữ học xã hội tương tác
Chương 15. Sự lựa chọn ngôn ngữ trong giao tiếp
Chương 16. Lịch sự trong giao tiếp
Phần V. CHÍNH SÁCH NGÔN NGỮ
Chương 17. Sinh thái ngôn ngữ
Chương 18. Chính sách ngôn ngữ
Chương 19. Kế hoạch hóa ngôn ngữ
Chương 20. Lập pháp ngôn ngữ
Xin chúc mừng tác giả và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV.