Sáng 26/11, ngay sau phiên khai mạc toàn thể, Tiểu ban 1 với chủ đề “Những vấn đề chung về chính sách ngôn ngữ và ngôn ngữ học” đã làm việc tại hội trường 3D, Viện KHXH Việt Nam dưới sự chủ trì của GS.TS Mai Ngọc Chừ, Chủ nhiệm khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội, GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học - Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ, PGS.TS Nguyễn Công Đức, Trường ĐHKHXH&NV TP HCM
Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc (26, 27/11), Tiểu ban 1 có 13/32 báo cáo được trình bày và thảo luận. Các báo cáo đã trình bày tập trung vào ba nội dung chính như: Chính sách ngoại ngữ của Bộ Giáo dục hiện nay, vấn đề ngôn ngữ với công nghệ thông tin và kinh nghiệm về chính sách ngôn ngữ của một số quốc gia trên thế giới.
Tiếng Anh là quan trọng nhưng không phải là duy nhất
GS Hoàng Văn Vân với báo cáo "Vị thế của tiếng Anh trong hiện tại và tương lai" đã khẳng định trong giai đoạn hiện tại và ít nhất là trong những thập niên tiếp theo của thế kỉ 21, vị thế của tiếng Anh như là ngôn ngữ toàn cầu trên thế giới và như là một ngoại ngữ số một ở Việt Nam sẽ không thay đổi. Chính vì vậy để Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn nữa, hội nhập vào khu vực và thế giới nhanh và có hiệu quả hơn nữa, Chính phủ cần phải có chính sách tích cực hơn nữa với tiếng Anh trong khi vẫn quan tâm một cách hợp lí đến các ngoại ngữ khác."
Tuy nhiên, PGS Bùi Hiền (ĐHQGHN) với báo cáo "Chính sách ngoại ngữ của Bộ Giáo dục hiện nay" lại cho rằng mặc dù khẳng định vai trò của tiếng Anh là quan trọng nhưng không phải là độc tôn. PGS Hiền cho rằng "Chủ trương độc tôn tiếng Anh của Bộ Giáo dục & Đào tạo hiện nay đã đi ngược đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế của Đảng".
Ủng hộ ý kiến của PGS Bùi Hiền, PGS.TS Vương Toàn (Viện Thông tin KHXH) với báo cáo "Tiếng Anh và chính sách ngoại ngữ thời hội nhập" cũng đưa ra ba khuyến nghị về chính sách ngoại ngữ hiện nay là: cần phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; cần phù hợp với chủ trương tôn trọng bảo vệ tính đa dạng văn hoá; tiếng Anh như một ngoại ngữ bổ khuyết sự thiếu hụt của tiếng Việt".
Thảo luận về vấn đề này, GS Nguyễn Đức Tồn và GS Mai Ngọc Chừ đều khẳng định: tiếng Anh là quan trọng nhưng không phải là độc tôn. Việt Nam phải đặt vị trí của mình trong mối quan hệ với khu vực và quốc tế, không thể coi nhẹ các ngoại ngữ khác.
Ngôn ngữ với công nghệ thông tin
Tiểu ban thảo luận sôi nổi với 2 đề tài liên quan đến công nghệ thông tin về “Phần mềm tra cứu từ điển liên ngữ theo mô hình đa ngôn ngữ” và "Tổ chức tri thức ngôn ngữ trong từ điển liên ngữ" của nhóm tác giả: Lê Khánh Hùng - Trần Cảnh -Võ Công Minh- Phạm Thị Chuyền - Nguyễn Thị Loan - Ngô Ngọc Dung cũng nhận được sự quan tâm và ý kiến đóng góp của nhiều đại biểu.
Các đại biểu đều khẳng định sự ra đời của cuốn từ điển liên ngữ là cần thiết và rất có ích. GS Nguyễn Đức Tồn, PGS Nguyễn Công Đức, TS Đào Hồng Thu (Trường ĐH Bách khoa) đều rất hoan nghênh ý tưởng của nhóm tác giả nhưng cũng khẳng định việc làm từ điển này là không đơn giản và cần có sự liên kết với nhiều ngành, đặc biệt là sự góp sức của các chuyên gia ngôn ngữ học.
Về kinh nghiệm chính sách ngôn ngữ của một số nước trên thế giới
Mở đầu cho chủ đề này là báo cáo "Chính sách ngôn ngữ của Malaysia và bài học có thể tham khảo" của GS.TS Mai Ngọc Chừ. Bài viết nêu lên những chính sách cụ thể của Malaysia về phát triển ngôn ngữ quốc gia (tiếng Malay), ngôn ngữ dân tộc (tiếng Hoa, tiếng Tamil) và ngoại ngữ (tiếng Anh).
Cùng với chủ đề này còn có báo cáo "Kế hoạch hóa ngôn ngữ nhìn từ góc độ tiếng Việt - một số kinh nghiệm của Trung Quốc" của TS Nghiêm Thúy Hằng cũng ở khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG HN. Báo cáo cho rằng "trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trọng tâm của kế hoạch hóa ngôn ngữ tại Việt Nam cần tập trung vào vấn đề kế hoạch hóa bản thể ngôn ngữ, đặc biệt là vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt." Báo cáo cũng đưa ra một số quan điểm cá nhân về trọng tâm nhiệm vụ của kế hoạch hóa ngôn ngữ trong thời gian tới, giới thiệu và phân tích “Luật Ngôn ngữ Văn tự thông dụng của nước CHND Trung Hoa, tổng kết một số kinh nghiệm về kế hoạch hóa, đặc biệt là công tác qui phạm hóa ngôn ngữ văn tự của Trung Quốc thời kỳ sau cải cách mở cửa”
Tại Tiểu ban 1 còn có nhiều báo cáo được thảo luận sôi nổi như "Nghĩa liên hội và thái độ xã hội trong sử dụng ngôn ngữ" của TS Lâm Quang Đông (Trường ĐHNN, ĐHQGHN), báo cáo đã nêu bật chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc sử dụng ngôn ngữ nói chung, và đối với các đối tượng người khuyết tật, người bị HIV,...
TS Võ Quốc Đoàn (Trường ĐH Hà Nội) với báo cáo "Tôn tạo, phát triển ngôn ngữ văn hoá dân tộc tiếng Việt" và "Quan điểm lý luận về ngôn ngữ chuyên ngành" của ThS Mai Thị Loan (Trường ĐHNN, ĐHQG HN), ThS Tăng Tấn Lộc (Trường ĐH Tây Đô, TP Cần Thơ) với báo cáo "Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long", ThS Phan Thị Nguyệt Hoa (Trường ĐHNN, ĐHQGHN) với báo cáo "Điều tra, đánh giá khả năng nhận hiểu nghĩa của từ đa nghĩa (trên ngữ liệu tiếng Việt và tiếng Pháp)" cũng đã thu nhận được nhiều ý kiến của các cử tọa.
Tiểu ban 1, với chủ đề rộng bao quát nhiều vấn đề về chính sách ngôn ngữ và những vấn đề chung của ngôn ngữ học, đã kết thúc phiên làm việc trong sự tiếc nuối của nhiều báo cáo viên tham dự Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc chưa được báo cáo.
Ly Na , Thu Hằng
DANH SÁCH BÁO CÁO TIỂU BAN 1
TS Nguyễn Thị Thanh Bình (Viện Ngôn ngữ học)
Truyền thông đại chúng và chính sách ngôn ngữ
GS. TS Hoàng Thị Châu (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
Cấu tạo từ của hệ thống số đếm trong các ngôn ngữ (Những bài toán trong các con số)
GS.TS Mai Ngọc Chừ (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
Chính sách ngôn ngữ của Malaysia và bài học kinh nghiệm có thể tham khảo
TS Võ Quốc Đoàn (Trường ĐH Hà Nội)
Tôn tạo, phát triển ngôn ngữ văn hoá dân tộc tiếng Việt
TS Lâm Quang Đông (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội)
Nghĩa liên hội và thái độ xã hội trong sử dụng ngôn ngữ
GS.TS Đinh Văn Đức (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nộị)
Để chính sách giáo dục ngôn ngữ ở nước ta có tác động tốt hơn trong đời sống
TS Dương Kì Đức (Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngôn ngữ
và Văn hoá)
Chính sách ngôn ngữ ở xứ ta: ước vọng và thực tiễn
GS.TS Nguyễn Thiện Giáp (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
Quan điểm của Phạm Quỳnh về chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam đầu thế kỉ XX
ThS Phan Thị Nguyệt Hoa (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội)
Điều tra, đánh giá khả năng nhận hiểu nghĩa của từ đa nghĩa (trên ngữ liệu tiếng Việt và tiếng Pháp)
ThS Lê Minh Hà (NCS Viện Phát triển bền vững vùngNam Bộ, TPHCM)
Chính sách đối với tiếng Anh của các nước Đông Nam Á lấy ngôn ngữ quốc gia là tiếng Melayu
TS Nghiêm Thuý Hằng (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
Kế hoạch hoá ngôn ngữ nhìn từ góc độ tiếng ViệT - Một số kinh nghiệm của Trung Quốc
Nguyễn Thu Hằng (Viện Ngôn ngữ học)
Tìm hiểu đặc điểm cấu tạo của địa danh hành chính huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình
PGS.TS Bùi Hiền (ĐGQG Hà Nội)
Chính sách ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay
ThS Lê Thị Ánh Hiền (Trường ĐH Sư phạm TPHCM)
Ẩn dụ từ góc nhìn của ngôn ngữ học truyền thống và ngôn ngữ học tri nhận
Lê Khánh Hùng (Viện Ứng dụng công nghệ) - Trần Cảnh (Trường ĐH Xây dựng) - Võ Công Minh (Công ty Công nghệ phần mềm máy tính)
Phần mềm tra cứu từ điển đa ngôn ngữ theo mô hình liên ngữ
Lê Khánh Hùng (Viện Ứng dụng công nghệ)- Trần Cảnh (Trường ĐH Xây dựng)-Võ Công Minh - Phạm Thị Chuyền - Nguyễn Thị Loan - Ngô Ngọc Dung (Công ty Công nghệ phần mềm máy tính)
Tổ chức tri thức ngôn ngữ trong từ điển liên ngữ
ThS Vũ Thị Thu Huyền (Trường ĐH ĐH Hà Nội)
Khái niệm thuật ngữ và từ nghề nghiệp
GS.TS Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học)
Chính sách ngôn ngữ và vấn đề lập pháp ngôn ngữ ở Việt Nam hiện nay
GS.TS Nguyễn Văn Khang - TS Nguyễn Phương Chi - CN Trần Thu Hằng (Viện Ngôn ngữ học)
Tình hình thực thi chính sách ngôn ngữ tại địa phương: trường hợp tỉnh Hòa Bình
ThS Phạm Văn Lam (Viện Ngôn ngữ học)
Vần đề chính sách ngôn ngữ và kế hoạch hóa ngôn ngữ của Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại: một cách nhìn nhận của một nhà nghiên cứu nước ngoài
ThS Mai Thị Loan (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội)
Quan điểm lí luận về ngôn ngữ chuyên ngành
Tăng Tấn Lộc (Trường ĐH Tây Đô, TP Cần Thơ)
Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long
Nguyễn Thị Ly Na (Viện Ngôn ngữ học)
Đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về ngôn ngữ trong các Văn kiện Đảng
TS Nguyễn Đăng Sửu (Viện ĐH Mở Hà Nội)
Vai trò của tiếng Anh trong giai đoạn hội nhập quốc tế
TS Nguyễn Thị Tân (Viện Ngôn ngữ học)
Tính cách Trung Hoa qua thành ngữ tiếng Hán
TS Phạm Tất Thắng (Viện Ngôn ngữ học)
Thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng mù chữ và tái mù chữ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
PGS.TS Hoàng Tất Thắng (Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế)
Chính sách ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam: một số thành tựu chủ yếu
TS Đào Hồng Thu (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)
Ngôn ngữ học khối liệu – khoa học về ngôn ngữ trên máy tính
TS Ngô Minh Thủy (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội)
Giáo dục ở Nhật Bản: lịch sử phát triển, hệ thống giáo dục hiện đại và chính sách giáo dục ngoại ngữ
Lâm Lí Trí (Trường ĐH Fullerton, Hoa Kỳ)
Chính sách ngoại ngữ của Hoa Kỳ
PGS. TS Vương Toàn (Viện Thông tin KHXH)
Tiếng Anh và chính sách ngoại ngữ ở Việt Nam thời hội nhập
GS.TS Hoàng Văn Vân (ĐHQG Hà Nội)
Về vị thế của tiếng Anh ở Việt Nam trong hiện tại và tương lai