Ngay sau phiên họp toàn thể của Hội thảo ngôn ngữ học toàn quốc, các báo cáo xoay quanh chủ đề “Chính sách và những vấn đề về Việt ngữ học” bắt đầu làm việc. Tiểu ban 2 được điều hành bởi: PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, PGS.TS Hoàng Tất Thắng, Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn ĐHKH Huế, TS Hoàng Cao Cương, Trưởng phòng Ngữ pháp học, Viện Ngôn ngữ học.
Kết thúc hai ngày làm việc hiệu quả, khẩn trương đã có 6/39 bài viết được trình bày ở tiểu ban. Sáng 26/12, các nhà khoa học rất hào hứng lắng nghe báo cáo "Lớp từ phản ánh thế giới quan tôn giáo của người Việt (tiếp cận nhân học- ngôn ngữ)”của T.S Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm khoa Việt Nam học, Trường Đại học Thăng Long. Báo cáo đã làm “nóng” không khí học thuật ở tiểu ban khi nhận được rất nhiều tranh luận của tác giả và các nhà khoa học trong tiểu ban.
Vào buổi chiều, có 2 báo cáo được trình bày: PGS.TS Vũ Bá Hùng, nguyên Trưởng phòng Ngữ âm, Viện Ngôn ngữ học với bài "Giới thuyết về tiếng Hà Nội- một biến thể địa phương đặc biệt, tiêu biểu cho vị thế tiếng Việt hiện đại" và PGS.TS Đào Thanh Lan giảng viên Khoa Ngôn ngữ học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội với bài" Nhận diện hành động nài/ nài nỉ trong tiếng Việt”. Cả hai báo cáo tiếp tục nhận được rất nhiều sự quan tâm theo dõi của các nhà nghiên cứu.
Sáng 27/12, mặc dù có một số nhà khoa học không thể thu xếp đến tiếp tục do bận việc nhưng tiểu ban vẫn thu hút khá đông các nhà ngôn ngữ học đến tham dự. Các học giả đã dành thời gian lắng nghe nhà nghiên cứu Nguyễn Trung Thuần cán bộ của Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam báo cáo tham luận " Tiếng Việt trong công nghệ thông tin (trên cứ liệu giao diện tiếng Việt của một vài hãng phần mềm lớn như Microsoft, Facebook, Google, Mozilla...)”.
Tham luận đã thu hút rất đông các nhà khoa học quan tâm. Tác giả đã phản ánh một thực trạng đang tồn tại là có rất nhiều bất cập ở các phiên bản Việt hoá của các hãng phần mềm lớn của thế giới, việc chuyển ngữ, Việt hóa các thuật ngữ công nghệ thông tin không thống nhất, lộn xộn, các thuật ngữ vay mượn không phải lúc nào cũng được sử dụng môt cách hiệu quả.
Trong bối cảnh hội nhập với nhiều trang mạng xã hội được người Việt Nam sử dụng như hiện nay, thực trạng này đã làm cho bức tranh tiếng Việt trong lĩnh vực này đang xa lạ và thậm chí là tối nghĩa. Vậy cần có giải pháp như thế nào, bởi đây thật sự là vấn đề cần thiết giải quyết. PGS.TS Vũ Kim Bảng cho rằng trong lĩnh vực này có lẽ ta cần có một bộ phận định hướng chuẩn về thuật ngữ công nghệ thông tin và các sách công cụ như một bộ từ điển thuật ngữ công nghệ thông tin để làm công cụ chung là cần thiết.
Nhóm tác giả: PGS Vũ Kim Bảng - ThS Văn Tú Anh- Bùi Đăng Bình- ThS Vũ Thị Hải Hà là các cán bộ của Viện Ngôn ngữ học tham dự hội nghị với hai báo cáo"Chuẩn phát âm trên các phương tiện thông tin đại chúng và vấn đề chuẩn phát âm tiếng Việt" và "Tên tắt các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay: thực trạng và kiến nghị chuẩn hóa". Báo cáo thứ nhất của nhóm các tác giả là kết quả của các cuộc điều tra xã hội học kết hợp với các phân tích khoa học về thái độ cuả người dân đối với giọng đọc của các phát thanh viên trên sóng phát thanh và truyền hình (trong các chương trình thời sự ). Từ đó, các tác giả đưa ra các kiến nghị cụ thể đối với yêu cầu về giọng đọc như một biện pháp tích cực nhằm định hướng tới chuẩn phát âm của tiếng Việt.
Báo cáo thứ hai là nghiên cứu công phu và dầy dặn của nhóm các tác giả về thực trạng tên tắt của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, với 2150 đơn vị tên tắt thuộc 72 ngành nghề kinh tế xã hội. Báo cáo đã trình bày thực trạng tên tắt chỉ ra các kiểu loại cấu tạo tên tắt, những hợp lý và bất hợp lý của các kiểu loại tên tắt doanh nghiệp.
Từ thực trạng này nhóm các tác giả đưa ra một số kiến nghị chuẩn hoá, quy tắc mang tính tiêu chuẩn cho việc đặt tên tắt để góp phần làm cho bức tranh tên tắt bớt đi tình trạng lộn xộn và lai căng như hiện nay. Báo cáo này đã nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các nhà nghiên cứu, các tác giả cũng đã được cung cấp thêm các các ví dụ làm sáng rõ thêm thực trạng mà họ đã và đang nghiên cứu.
Các buổi thảo luận đã diễn ra sôi nổi, không khí làm việc tại Tiểu ban 2 rất vui vẻ, cởi mở và gặt hái nhiều thành công tốt đẹp. Đây không chỉ là dịp để các nhà khoa học đến từ các miền của đất nước có dịp trình bày các kết quả nghiên cứu mới nhất mà còn là dịp hội ngộ hiếm có. Chị Kim Nhung cán bộ của Viện Ngôn Ngữ học đã rất bồi hồi xúc động khi gặp lại cô giáo cũ của mình- GS.TS Đỗ Thị Kim Liên đến từ Đại học Vinh, hay GS Nguyễn Cao Đàm tiết lộ ông rất vui khi tham dự Hội thảo vì vừa có dịp trao đổi học thuật vừa biết thêm rất nhiều nhà khoa học trên mọi miền đất nước.
Hương Thục, Nguyễn Thùy
DANH SÁCH BÁO CÁO TIỂU BAN 2
GS.TS Nguyễn Nhã Bản (Trường ĐH Vinh)
Tìm hiểu thêm về ngôn từ của chủ tịch Hồ Chí Minh trong văn bản Di chúc
PGS.TS Vũ Kim Bảng - ThS Văn Tú Anh - CN Bùi Đăng Bình - ThS Vũ Thị Hải Hà (Viện Ngôn ngữ học)
Tên tắt các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay: thực trạng và kiến nghị chuẩn hóa
PGS.TS Vũ Kim Bảng - ThS Văn Tú Anh - CN Bùi Đăng Bình - ThS Vũ Thị Hải Hà (Viện Ngôn ngữ học)
Chuẩn phát âm trên các phương tiện thông tin đại chúng và vấn đề chuẩn phát âm tiếng Việt
Lê Xuân Bột (Tạp chí Văn Nghệ Cần Thơ)
Phương ngữ Nam Bộ- nét đặc sắc trong tác phẩm văn học cần được lưu giữ trước sự hội nhập quốc tế
TS Hoàng Trọng Canh (Trường ĐH Vinh)
Suy nghĩ về phương ngữ với vấn đề chuẩn hoá tiếng việt hiện nay
TS Nguyễn Văn Chiến (Trường ĐH Thăng Long)
Lớp từ phản ánh thế giới quan tôn giáo của người Việt (Tiếp cận nhân học - ngôn ngữ)
TS Hoàng Cao Cương (Viện Ngôn ngữ học)
Tiếp cận tâm - biên mở rộng cho mô tả ngữ pháp tiếng Việt
ThS Nguyễn Thế Dương (Viện ngôn ngữ học)
Quan niệm về hành động xin lỗi của người Việt và người Mĩ
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
Từ cách tri nhận không gian đến việc hình thành nghĩa biểu tượng trong thành ngữ tiếng Việt
PGS.TS Nguyễn Công Đức-ThS Đinh Lư Giang (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM)
Thực trạng tiếng Việt trên mạng của thanh thiếu niên hiện nay và các giải pháp chính sách
PGS. TS Nguyễn Xuân Hòa (Hội Ngôn ngữ học Hà Nội)
Sức sống của tiếng Việt nhìn từ bản sắc văn hoá dân tộc (trên ngữ liệu các đơn vị thành ngữ)
PGS.TS Vũ Bá Hùng(Viện Ngôn ngữ học)
Giới thuyết về tiếng Hà Nội - một biến thể địa phương đặc biệt, tiêu biểu cho vị thế của tiếng Việt hiện đại
ThS Đỗ Thị Thu Hương (Trường ĐH Sư phạm II Xuân Hòa)
Đặc điểm cấu trúc ngữ nghĩa của câu "Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc"
ThS Nguyễn Thị Hường (Học viện Hành chính Quốc gia)
Nâng cao chất lượng sử dụng tiếng Việt trong văn bản hành chính - công vụ
PGS.TS Đào Thanh Lan (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
Nhận diện hành động nài / nài nỉ trong tiếng Việt
GS.TS Đỗ Thị Kim Liên (Trường Đại học Vinh)
Vị thế của tiếng Việt trong sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước hiện nay và những định hướng phát triển
Nguyễn Thị Kim Loan (Viện Ngôn ngữ học)
Những thay đổi của từ ngoại lai trong giao tiếp ngôn ngữ
ở đô thị Hà Nội (trên cứ liệu Báo "Hà Nội mới")
Lê Xuân Mậu (Hà Nội)
Nói vòng nói tránh chỉ là đặc sản ngôn ngữ Trung Hoa
TS Trần Đại Nghĩa (Viện Ngôn ngữ học)
Cấu trúc chung của ngữ tiếng Việt
PGS. TS Vũ Đức Nghiệu (Trường KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
Một số điểm dị biệt về từ vựng và ngữ pháp của tiếng Việt trong ba văn bản viết bằng chữ quốc ngữ thế kỉ XVII
Nhạc sĩ Phạm Quế Nguyên (Trường Đại học Bạc Liêu)
Nguyên nhân thành công của lời ca trong một số ca khúc viết về Đảng
TS Trần Thị Nhàn (Viện Ngôn ngữ học)- ThS Lê Thị Bình (Trường ĐH Hồng Đức)
Bước đầu tìm hiểu mối quan hệ giữa cấu trúc đề - thuyết, cấu trúc nghĩa biểu hiện và cấu trúc cú pháp trong câu đơn tiếng Việt
TS Trần Thị Nhàn (Viện Ngôn ngữ học)- ThS Quách Phan Phương Nhân (Trường ĐH Hùng Vương)
Sử dụng hiện tượng “lệch chuẩn” ngôn ngữ trong giao tiếp khẩu ngữ như một thủ pháp nghệ thuật văn chương (qua cứ liệu ngôn ngữ hội thoại trong truyện ngắn Việt Nam)
TS Đào Nguyên Phúc (Ban Tuyên giáo Trung ương)
Một vài suy nghĩ về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
ThS Nguyễn Tú Quyên (Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên)
Vai trò thể hiện chức năng liên giao của các biểu thức đồng sở chỉ
PGS.TS Trịnh Sâm (Trường ĐH Sư phạm TPHCM)
Chuẩn hóa tiếng Việt nhìn từ ngôn ngữ báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh
TS Lê Thời Tân (ĐHQG Hà Nội)
Chữ cái La tinh: phiên âm Hán ngữ và chữ quốc ngữ ở Việt Nam
ThS Nguyễn Tài Thái (Viện Ngôn ngữ học)
Thu thập bảng từ trong Từ điển phương ngữ tiếng Việt
TS Phạm Tất Thắng (Viện Ngôn ngữ học)
Vị trí của tên riêng trong hệ thống từ loại tiếng Việt
GS.TS Lê Quang Thiêm (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)
Về sự phát triển thuật ngữ trong đổi mới và một số vấn đề cần giải quyết
TS Trần Thị Thìn (Viện Ngôn ngữ học)
Những đặc trưng ngữ âm của phương ngữ Bắc (phụ âm đầu)
Trịnh Bích Thủy (Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Sóc Trăng)
Để vị thế tiếng Việt phát triển trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước cần chuẩn hóa tiếng Việt bằng “Luật ngôn ngữ”
Nguyễn Thị Thùy(Viện Ngôn ngữ học)
Từ đồng nghĩa trong thơ Hồ Xuân Hương
Nguyễn Trung Thuần (Viện TĐH&BKT Việt Nam)
Tiếng Việt trong công nghệ thông tin (trên cứ liệu giao diện tiếng Việt của một vài hãng phần mềm lớn như - Microsoft, Facebook, Google, Mozilla…)
Trần Phước Thuận (Trường CĐ Phật học Bạc Liêu)
Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của từ “Bạc liêu”
PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện TĐH&BKT Việt Nam)
Những vấn đề ngôn ngữ trên sóng phát thanh (qua tư liệu đài tiếng nói Việt Nam)
PGS.TS Nguyễn Ngọc Trâm (Viện Ngôn ngữ học)
Ngôn ngữ chat của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay
TS Lê Đình Tường (Trường ĐH Vinh)
Phạm trù cầu khiến
ThS Đỗ Anh Vũ (Viện Ngôn ngữ học)
Một số tín hiệu thẩm mĩ đặc sắc trong thơ Nguyễn Bính trước 1945