Các báo cáo xoay quanh chủ đề “Chính sách và những vấn đề giáo dục ngôn ngữ ở Việt Nam” đã được trình bày và thảo luận tại tiểu ban 4 do GS. TS Nguyễn Thiện Giáp, Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học KHXH& Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội và PGS. TS Vũ Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Ngôn ngữ học ứng dụng, Viện Ngôn ngữ học chủ trì.
Tiểu ban 4 có 31 báo cáo. Tuy nhiên, trong hai ngày 26 và 27 chỉ có 8 báo cáo được trình bày theo hai nhóm vấn đề: thứ nhất dạy ngoại ngữ và các vấn đề chính sách liên quan đến ngoại ngữ, thứ hai là nhóm báo cáo dạy tiếng Việt với 2 nội dung chính: dạy tiếng Việt trong nhà trường và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Sáng ngày 26 Hội nghị được mở đầu với báo cáo khoa học của PGS.TS Lê Hùng Tiến – Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội với nhan đề “Dạy – học ngoại ngữ ở Việt Nam từ khoa học dạy học ngoại ngữ. Báo cáo đã nêu lên thực trạng dạy và học ngoại ngữ ở nước ta hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập như: chính sách dạy học, chương trình và tài liệu giảng dạy, quan niệm phổ biến về dạy – học. Để xảy ra tình trạng trên nguyên nhân chính là: sách giáo khoa chưa bám sát thực tế, chưa có phương pháp rõ ràng và đội ngũ giáo viên chưa chịu khó trau dồi và bổ sung kiến thức. Báo cáo đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng để xảy ra tình trạng ngoại ngữ như hiện nay là chính sách, chiến lược đường lối không rõ ràng dẫn đến biên soạn giáo trình không phù hợp, học một đằng thi một nẻo. Những người hoạch định chính sách không hiểu và thậm chí không biết ngoại ngữ. Việc dạy ngoại ngữ ở phổ thông phải xác định là một môn văn hóa còn đến bậc đại học phải coi nó là một phương tiện.
Nhà giáo Lê Xuân Mậu cũng có đồng quan điểm trên, ông cho rằng phải đặt mục tiêu phù hợp, chính sách phải xuất phát trên cơ sở nghiên cứu thực tế. GS. TSKH Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh quan niệm chỉ dùng tiếng Anh trong các kì thi tuyển sinh đại học, điều kiện bảo vệ nghiên cứu sinh là một quan niệm sai lầm, lệch lạc.
Tiếp đến là báo cáo của Ths Nguyễn Thị Vân – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, “Sự thay đổi chính sách đối với nền giáo dục của Malaysia” báo cáo đã nêu lên bức tranh toàn cảnh về một quốc gia đa sắc tộc, đa màu sắc về ngôn ngữ và văn hóa nên chính sách ngôn ngữ của Malaysia theo tác giả là một chính sách khá mềm mỏng, thuyết phục và đã gặt hái được nhiều thành công. Tác giả kết luận thực tiễn của Malaysia là một kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam cần xem xét nhất là trong quá trình thực thi chính sách ngôn ngữ.
Báo cáo thứ 3 hội nghị được nghe là báo cáo của tác giả Vũ Lộc “Một số vấn đề về từ điển Nga – Việt, Việt - Nga” báo cáo đã trình bày 2 vấn đề: 1. Về bảng từ: Bảng từ của từ điển song ngữ phổ thông cơ bản dựa vào bảng từ của từ điển tường giải đơn ngữ, nhưng không nhất thiết phải đúng như từ điển đơn ngữ vì nó phụ thuộc vào tính chất của từng ngôn ngữ. Từ điển song ngữ phổ thông phải mang tính chất hiện đại, do đó phải có sự cân nhắc khi lựa chọn các thuật ngữ, từ cũ, từ lịch sử, từ địa phương. 2. Về mục từ: Mỗi mục từ cần cung cấp các thông tin: thông tin về ngữ âm, thông tin về ngữ pháp và thông tin về ngữ nghĩa.
Chiều ngày 26 các báo cáo tập trung vào vấn đề dạy tiếng Việt. Buổi làm việc được bắt đầu với phần trình bày của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại – Viện Công nghệ giáo dục “Môn tiếng Việt lớp một trong nhà trường hiện đại” báo cáo đã trình bày một cách dạy tiếng Việt theo nguyên lý mới gọi là công nghệ học gồm: tiếp nhận và phân tích đối tượng, viết, đọc, viết chính tả. Học theo công nghệ này học sinh học đến lớp 3 có thể đọc thông viết thạo và không bao giờ viết sai câu.
Báo cáo đã nhận được sự thảo luận sôi nổi của tất cả thành viên tham gia Hội nghị, PGS. TS Vũ Thị Thanh Hương đặt câu hỏi nếu dạy tiếng Việt chỉ quan tâm đến âm thì sẽ giải quyết thế nào nếu học sinh không hiểu nghĩa? PGS. TS Lê Xuân Thại phương pháp tác giả đưa ra là phương pháp dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai, nếu học sinh là người Việt thì phương pháp đó có hiệu quả không? Nhà giáo Vũ Lộc chất vấn: đánh vần bê + a = ba và bờ +a = ba có khác nhau không? Giải quyết thế nào với trường hợp tay/tai? Nếu dạy cho học sinh phân tích câu theo chủ ngữ, vị ngữ thì giải quyết thế nào với những câu phức tạp?
Vấn đề dạy và học chữ Nho cũng được đề cập đến qua báo cáo của PGS. TS Lê Xuân Thại “Vấn đề dạy chữ Nho ở trường phổ thông”, phản bác lại quan điểm cho rằng nên dạy chữ Nho trong trường phổ thông tác giả cho rằng không học chữ Nho học sinh vẫn có thể hiểu và sử dụng tốt từ Hán Việt. Tác giả kết luận không nên dạy chữ Nho ở trường phổ thông chỉ nên dạy cho sinh viên khoa Văn các trường sư phạm, sinh viên khoa Trung.
Ths. Trần Bá Tiến với báo cáo “Dạy thành ngữ cho người nước ngoài theo quan điểm ngôn ngữ học tri nhận” đã nêu lên giả thiết: khi dạy thành ngữ cần đưa ra ẩn dụ ý niệm để học viên có thể dễ dàng suy ra nghĩa cả các thành ngữ xuất phát từ đó. Tác giả đã tiến hành kiểm chứng giả thiết bằng cách thí nghiệm dạy thành ngữ tiếng Việt cho sinh viên Lào.
Nhà giáo Lê Xuân Mậu trong báo cáo “Môn ngữ văn – ngả đường cần chọn” đã nhấn mạnh dạy văn là đào tạo năng lực sử dụng ngôn ngữ cho người học và phải dạy thực hành, nên đưa ra các mẫu phù hợp, phân tích cách làm đủ để người học hiểu cách đó mà làm theo. Sự đổi mới cơ bản về đường lối cần đi vào thực chất, tránh những việc làm hình thức kiểu tích hợp, kiểu nhìn vào việc hỏi đáp liên tục, kiểu chạy theo lối đề mở. Báo cáo đã nhận được ý kiến thảo luận của GS. TS Nguyễn Thiện Giáp, GS cho rằng phải có thời gian và để làm được theo cách của tác giả là vô cùng khó. Nhà giáo Vũ Lộc băn khoăn: nếu dạy văn theo hướng đào tạo năng lực sử dụng ngôn ngữ thì liệu môn Văn học với tư cách là môn học có bị triệt tiêu? Và môn Văn cho học sinh phổ thông sẽ như thế nào?
Hội nghị kết thúc một ngày làm việc sôi nổi với nhiều câu hỏi chờ được giải đáp.
Sáng ngày 27, Hội nghị bắt đầu với phần trình bày báo cáo của Ths. Lê Thị Thanh Nhàn, Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Huế “Vấn đề xác định lỗi phát âm khi dạy đọc, nói cho học sinh tiểu học” báo cáo giới thiệu các quan niệm về phát âm lệch chuẩn và phương pháp chữa lỗi phát âm trong nhà trường. Phân tích điểm mạnh và điểm bất cập của các quan niệm đã có báo cáo đề xuất giải pháp chữa lỗi phát âm “chữa lỗi phát âm trong nhà trường tiểu học cần được thực hiện trên một quan điểm linh động, dựa trên hoàn cảnh phát ngôn và mục đích phát ngôn”. Các ý kiến thảo luận xoay quanh quan điểm cho rằng: không nên đặt vấn đề nghiên cứu chuẩn phát âm tiếng Việt. GS.TS Nguyễn Văn Khang nhận định tiếng Việt chỉ có thể chuẩn hóa chữ viết rất khó chuẩn hóa ngữ âm. Ngược lại, nhà giáo Lê Xuân Mậu khẳng định: trong nhà trường phải chỉ rõ và nghiên cứu vấn đề chuẩn phát âm nhằm giúp học sinh có được văn hóa trong phát âm và giao tiếp.
Thời gian còn lại của Hội nghị diễn ra rất sôi nổi, hào hứng đã có nhiều tranh luận và ý kiến khác nhau sau khi nhận được giải đáp khúc mắc của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại cho báo cáo “Môn tiếng Việt lớp một trong nhà trường hiện đại”.
Hội nghị đã kết thúc với sự vui vẻ, thân mật và cả sự nuối tiếc đối với các báo cáo viên chưa có cơ hội được trình bày.
DANH SÁCH BÁO CÁO TIỂU BAN 4
TS Nguyễn Thị Ảnh (Trường ĐH Sư phạm TPHCM)
Một số vấn đề về phiên dịch Anh - Việt nhìn từ góc độ loại hình học
Võ Kim Anh (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Sóc Trăng)
Toàn cầu hóa và vấn đề sử dụng dạy - học ngoại ngữ ở tỉnh Sóc Trăng
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
Vị trí của tiếng Việt với tư cách là công cụ giảng dạy trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế
PGS.TS Vũ Văn Đại (Trường ĐH Hà Nội)
Đi tìm một vị trí cho tiếng Pháp ở Việt Nam
ThS Lê Thị Hằng (Trường ĐH Quảng Bình)
Xây dựng động cơ học tập tích cực môn tiếng Anh cho sinh viên ngành mầm non tại Trường ĐH Quảng Bình
Trần Thùy An - PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương (Viện Ngôn ngữ học)
Đánh giá mức độ hiện thực hóa chương trình của sách giáo khoa tiếng Việt mới ở cấp Tiểu học
PGS.TS Nguyễn Công Đức - CN Nguyễn Chí Tân (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM)
Mấy ý kiến về Từ điển song ngữ thông dụng Mnông Preh – Việt và Giáo trình dạy tiếng Mnông Preh
GS.TS Trần Trí Dõi (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG Hà Nộị)
Thử phân tích những bất cập trong chính sách giáo dục song ngữ ở vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam
ThS Nguyễn Thế Dương - PGS. TS Vũ Thị Thanh Hương (Viện Ngôn ngữ học)
Chính sách và chương trình dạy - học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông ở Anh: bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại (Viện Công nghệ Giáo dục)
Môn tiếng Việt lớp Một trong nhà trường hiện đại
ThS Phạm Thị Hà (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Hà Nội hiện nay: thực trạng và một số giải pháp
ThS Trương Thị Thu Hà (Viện TĐH&BKT Việt Nam)
Khảo sát thực trạng cách ghi từ ngữ gốc nước ngoài trong một số từ điển bách khoa
PGS.TS Đỗ Việt Hùng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
Văn hoá giao tiếp và việc dạy học tiếng Việttrong nhà trường phổ thông
TS Phạm Thị Tuyết Hương (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân)
Khảo sát lỗi về trật tự từ trong câu của người Việt học tiếng Anh
PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương (Viện Ngôn ngữ học)
Thái độ của giáo viên đối với việc dạy - học môn tiếng Việt / Ngữ văn theo chương trình và sách giáo khoa mới.
TS Nguyễn Ngọc Long (Trường ĐH Hà Nội)
Giảng dạy tiếng Hán ở Việt Nam: hiện trạng và kiến nghị đề xuất
Vũ Lộc (Hà Nội)
Một số vấn đề về từ điển Nga – Việt, Việt – Nga
TS Mông Ký Slay (Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD & ĐT)
Về xác định các điều kiện dạy học tiếng dân tộc trong trường học
Lê Xuân Mậu (Hà Nội)
Môn ngữ văn- ngả đường cần chọn
TS Lê Thị Thanh Nhàn (Trường ĐH Sư phạ, ĐH Huế)
Vấn đề xác định lỗi phát âm khi dạy đọc, nói cho học sinh tiểu học
TS Mai Thị Kiều Phượng (Trường CĐ Sư phạm Nha Trang)
Thực trạng - giải pháp dạy và học làm văn ở Việt Nam hiện nay
ThS Phạm Ngọc Thạch (Trường ĐH Hà Nội)
Bước đầu khảo sát lỗi tiếng Anh của sinh viên Việt Nam trong cách diễn đạt thời
PGS.TS Lê Xuân Thại (Viện Ngôn ngữ học)
Vấn đề dạy chữ Nho ở trường phổ thông
TS Ngô Minh Thuỷ - ThS Trần Kiều Huế (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội)
Chính sách giáo dục ngoại ngữ ở Việt Nam và vị trí của tiếng Nhật trong hệ thống giáo dục quốc dân
ThS Trần Minh Thương (Trường THPT Mai Thanh Thế, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng)
Học sinh trung học phổ thông ở Sóc Trăng và ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hiện nay
PGS.TS Lê Hùng Tiến (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội)
Dạy - học ngoại ngữ ở Việt Nam nhìn từ khoa học dạy - học ngoại ngữ
ThS Trần Bá Tiến (Trường Đại học Vinh)
Dạy thành ngữ tiếng Việt cho người nước ngoài theo quan điểm ngôn ngữ học tri nhận
Tiền Văn Triệu (Công an tỉnh Sóc Trăng)
Tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Khmer ở Sóc Trăng trong mối quan hệ với kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của địa phương
Sùng A Trường (Phó chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên)
Vai trò và chức năng của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
ThS Hồ Xuân Tuyên (Trường ĐH Bạc Liêu)
Dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Bạc Liêu
ThS Nguyễn Thị Vân(Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN)
Sự thay đổi của Chính sách ngôn ngữ đối với nền giáo dục của Malaysia