Ngày 24/6/2016, GS.TS Trần Trí Dõi - chuyên gia về ngữ âm lịch sử và Lịch sử tiếng Việt (Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có buổi thuyết trình khoa học về chủ đề Từ “gần” trong tiếng Việt không phải là từ gốc Hán “近 cận”
Trong lịch sử phát triển, tiếng Việt đã có những vay mượn từ tiếng Hán. Do vậy, đã có một số nghiên cứu về lịch sử từ vựng tiếng Việt ở Việt Nam và nước ngoài cho rằng từ “gần” là một từ gốc Hán do hiện tượng Việt hóa từ Hán - Việt “cận 近” mà có.
Tuy nhiên, xem xét biến đổi ngữ âm lịch sử tiếng Việt từ
tiền Việt – Mường (proto Việt – Mường/proto Vietic) đến tiếng Việt hiện nay, trong bài thuyết trình của mình, GS.TS. Trần Trí Dõi đã chứng minh rằng từ “
gần” trong tiếng Việt không phải là từ gốc Hán do hiện tượng Việt hóa từ Hán Việt “
cận 近” mà là một từ thuần Việt gốc Nam Á (Austroasiatic).
Vì vậy, trong danh sách những từ gốc Hán được xếp vào lớp từ Hán - Việt Việt hóa mà Vương Lực xác lập 1948, GS.TS. Trần Trí Dõi cho rằng rất có thể còn có những trường hợp thuần gốc Nam Á giống như trường hợp từ
gần. Cho nên, danh sách từ gốc Hán được gọi là Hán - Việt Việt hóa hiện được nhiều người chấp nhận cần phải được xem xét lại trong sự phân tích những quy luật biến đổi ngữ âm thuần Việt mà giới Việt ngữ học đã nghiên cứu và xác định trong những năm gần đây. Tác giả cũng cho rằng, hiện nay chúng ta đã có đủ điều kiện để phân tích lại những từ gốc Hán được Vương Lực phân loại trong hai lớp Hán – Việt cổ và Hán - Việt Việt hóa qua việc phân tích
đồng thời giữa ngữ âm lịch sử tiếng Hán (âm vận học) trong sự so sánh với ngữ âm lịch sử thuần Việt.
Buổi thuyết trình đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, các cán bộ nghiên cứu của Viện tham dự và trao đổi các vấn đề học thuật.
Sau đây là một số hình ảnh của buổi thuyết trình: