Ngày 30/09/2021, Phòng Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt thuộc Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học trực tuyến với chủ đề “Động ngữ tiếng Việt trong Nam Việt Dương hiệp tự vị” do Th.S. Trần Hương Thục trình bày. Tham dự buổi tọa đàm có GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học; TS. Đặng Thị Phượng – Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng kiêm Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ cùng đông đảo cán bộ Viện Ngôn ngữ học.
Nam Việt Dương hiệp tự vị của là cuốn từ điển của Taberd, xuất bản năm 1838. Cuốn từ điển này ra đời trên cơ sở bản chép tay
Tự vị An Nam-Latinh của Pigneaux de Béhaine được lưu giữ ở Văn khố chủng viện của Hội Thừa sai Hải ngoại.
Trong nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, động ngữ lâu nay luôn được quan tâm bởi đây là một đơn vị phân tích cú pháp căn bản, có vị trí, ý nghĩa và giá trị quan trọng. Ở phần trình bày của mình, Th.S. Trần Hương Thục đã cho thấy một bức tranh khái quát về tình hình nghiên cứu động ngữ trong tiếng Việt của các tác giả đi trước với các hướng nghiên cứu được triển khai trên cả cứ liệu đồng đại và cứ liệu lịch đại; trong đó việc dựa vào các tài liệu lịch sử hiện nay còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, việc tiến hành nghiên cứu cấu trúc động ngữ dựa trên cuốn Nam Việt Dương hiệp tự vị là một việc làm cần thiết và có đóng góp quan trọng trong nghiên cứu lịch sử tiếng Việt.
Nam Việt Dương hiệp tự vị có số lượng động ngữ khá nhiều (tác giả đã khảo sát hơn 1200 ngữ cảnh có động ngữ). Cấu trúc động ngữ có thể phân chia thành: thành phần trung tâm của động ngữ, thành phần phụ trước của động ngữ, thành phần phụ sau của động ngữ. Từ những phân tích, so sánh, tác giả đã chỉ ra sự khác biệt của cấu trúc động ngữ trong nguồn ngữ liệu nghiên cứu so với các nguồn ngữ liệu khác trong cùng giai đoạn cũng như những nguồn ngữ liệu được khảo sát trước đó. Từ đó có thể khẳng định những điểm riêng của các cấu trúc động ngữ được sử dụng trong
Nam Việt Dương hiệp tự vị.
Buổi tọa đàm đã nhận được những ý kiến đánh giá cũng như đóng góp của các nhà nghiên cứu tham gia như ý kiến đóng góp của GS. TS. Nguyễn Văn Hiệp, TS. Lê Thị Lâm, TS. Nguyễn Thị Phương, TS. Nguyễn Tài Thái, ThS. Bùi Đăng Bình…Các ý kiến đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của báo cáo viên dựa trên nguồn ngữ liệu có giá trị cũng như đã đặt ra những vấn đề liên quan đến ngữ pháp chức năng như tình thái, kết hợp hoặc quy chiếu. Một số ý kiến đề nghị Th.S. Trần Hương Thục tiếp tục mở rộng nguồn ngữ liệu để có thể xác lập được một cách rõ nét hơn những đặc điểm ngữ pháp tiếng Việt thế kỉ XIX.
Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Tài Thái đánh giá cao những kết quả nghiên cứu mà báo cáo viên đã trình bày cũng như các ý kiến thảo luận và khẳng định đây là một hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng, đóng góp cho nghiên cứu lịch sử tiếng Việt.
Hình ảnh buổi tọa đàm
Bài: Tài Thái
Ảnh: Linh Chi