Ngày 20/09/2021, Viện Ngôn ngữ học tổ chức buổi tọa đàm: “Nghiên cứu ngữ âm tiếng Mường trong ứng dụng xây dựng hệ thống dịch tự động tiếng Việt ra tiếng Mường” do TS. Vũ Thị Hải Hà, Trưởng phòng Ngữ âm học trình bày. Tọa đàm đã thu hút đông đảo cán bộ nghiên cứu của Viện quan tâm tham dự.
Đây là buổi tọa đàm tiếp theo trong chuỗi các sinh hoạt khoa học thường kỳ của các phòng chuyên môn. Do tình hình dịch bệnh Covid và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về giãn cách xã hội, tọa đàm được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Chủ trì Tọa đàm là TS. Đặng Thị Phượng – Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.
Mở đầu tọa đàm, TS. Vũ Thị Hải Hà trình bày báo cáo
“Nghiên cứu ngữ âm tiếng Mường trong ứng dụng xây dựng hệ thống dịch tự động tiếng Việt ra tiếng Mường”. Báo cáo này phản ánh quá trình, kết quả hợp tác trên lĩnh vực ngôn ngữ học giữa Phòng Ngữ âm học, Viện Ngôn ngữ học với Viện Nghiên cứu Quốc tế MICA, Đại học Bách Khoa, Hà Nội.
Báo cáo đề cập đến ba nội dung chính:
1/ Khái quát về người Mường, tiếng Mường,
2/ Ngữ âm tiếng Mường trong xây dựng cơ sở dữ liệu dịch tự động, và
3/ Kết quả thử nghiệm xây dựng phần mềm dịch tự động.
Báo cáo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các cán bộ nghiên cứu trong Viện. Các ý kiến phát biểu xoay quanh các vấn đề chủ yếu: Khẳng định tính khoa học, công phu và có ý nghĩa ứng dụng của nghiên cứu; so sánh, lý giải sự khác biệt trong kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả với nghiên cứu đi trước cùng về tiếng Mường của GS.TS. Nguyễn Văn Khang; trao đổi về các vấn đề liên quan đến xử lý ngôn ngữ trong CNTT (cách thức gán nhãn, mô hình tổng hợp, xử lý đoạn tiếp hợp, phong cách lời nói, các phương ngữ Mường,...);... TS. Vũ Thị Hải Hà cùng với nhóm tác giả đã có ý kiến trao đổi, bổ sung, làm rõ các ý kiến của các đại biểu tham dự.
Thông qua buổi tọa đàm, các đại biểu bước đầu hình dung được những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức trong vấn đề dịch thuật từ tiếng Việt ra tiếng nói của một ngôn ngữ của dân tộc thiểu số không có chữ viết; những công việc mà người làm nghiên cứu ngôn ngữ có thể hỗ trợ trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời, kết quả thử nghiệm này cũng mở ra cơ hội mới để xây dựng hệ thống dịch tự động tiếng Việt ra nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số chưa có chữ viết khác ở Việt Nam.
Tổng kết buổi tọa đàm, TS. Đặng Thị Phượng đánh giá cao kết quả nghiên cứu được trình bày trong báo cáo cũng như các ý kiến thảo luận; ghi nhận những thông tin và số liệu qua cuộc tọa đàm; đề nghị tác giả báo cáo lý giải cụ thể những kết quả khác biệt với kết quả nghiên cứu của Viện trước đó về Ngữ âm - âm vị học tiếng Mường; đồng thời cũng đề cao vai trò của nghiên cứu ngữ âm trong nghiên cứu liên ngành; cuối cùng là mong muốn sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng của Viện với phòng ngữ âm trong nghiên cứu ngôn ngữ học ứng dụng, để từ đó mở ra hướng hợp tác của Viện với các cơ quan Trung ương và địa phương.
Hình ảnh buổi tọa đàm trực tuyến
Bài: Đinh Hằng
Ảnh: Linh Chi