Sáng ngày 15/06/2023, Phòng Ngôn ngữ học Xã hội - Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt thuộc Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Ngôn ngữ giới trong chất vấn ở Quốc hội và trong chương trình tư vấn sức khỏe trên VTV” do TS. Nguyễn Thị Ly Na trình bày. Đây là một trong những vấn đề liên quan đến Ngôn ngữ học xã hội – hướng nghiên cứu mà Phòng đang quan tâm. Tham dự buổi tọa đàm có TS. Đặng Thị Phượng –Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng Phụ trách kiêm Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ cùng đông đảo cán bộ của Viện Ngôn ngữ học.
Báo cáo khoa học tập trung vào các vấn đề chính:
- Ngôn ngữ giới có sự khác biệt như thế nào trong môi trường giao tiếp chính thức là Quốc hội bởi đây là môi trường giao tiếp mang tính chuẩn mực cao? Trong khi chất vấn ở Quốc hội, đại biểu quốc hội nữ và đại biểu quốc hội nam đã sử dụng những phương tiện ngôn ngữ khác nhau như thế nào để đạt hiệu quả trong tranh biện?
- Ngôn ngữ giới có sự khác biệt như thế nào trong môi trường giao tiếp chính thức trên VTV - cụ thể ở đây là chương trình tư vấn về sức khỏe vốn có nhiều bệnh tế nhị liên quan đến giới tính mà người hỏi và và người trả lời thường có những lời nói, cử chỉ để nói tránh đi, giảm thiểu cho người hỏi sự ngại ngùng, tự ti về bệnh tật? Giữa nam và nữ có sử dụng các phương tiện ngôn ngữ khác nhau không?
Bằng việc khảo sát những từ ngữ xưng hô trong chất vấn, những từ ngữ bộc lộ cảm xúc, những chủ đề chất vấn… Báo cáo cho thấy xu hướng khác biệt về ngôn ngữ giới của các đại biểu quốc hội tập trung vào từ ngữ bộc lộ cảm xúc và chủ đề chất vấn mà mỗi giới quan tâm. Về mặt từ ngữ xưng hô không thấy dấu hiệu của sự khác biệt.
Đối với vấn đề ngôn ngữ giới trong chương trình tư vấn sức khỏe, báo cáo khảo sát các khía cạnh như việc sử dụng thuật ngữ, uyển ngữ, phân bố lượt lời, hỏi – đáp trực tiếp/ gián tiếp… Báo cáo cũng chỉ ra sự khác biệt giới trong việc sử dụng ngôn ngữ như nữ giới thường nói gián tiếp, dùng uyển ngữ khi nói đến các vấn đề nhạy cảm còn nam giới thì sử dụng phong cách ngôn ngữ trực tiếp hơn, cụ thể hơn và có tính định hướng quyền lực.
Buổi tọa đàm đã nhận được những ý kiến đánh giá cũng như đóng góp của các nhà nghiên cứu tham gia như ý kiến đóng góp của TS. Đặng Thị Phượng, TS. Đỗ Thị Hiên, TS. Nguyễn Thị Phương, TS. Nguyễn Tài Thái, ThS. Bùi Đăng Bình, ThS. Văn Tú Anh…Các ý kiến đều đánh giá đây là một nghiên cứu công phu dựa trên một nguồn ngữ phong phú; cho thấy vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp ở môi trường giao tiếp quy thức. Bên cạnh đó, các cử tọa tham dự tọa đàm cũng đề xuất TS. Nguyễn Thị Ly Na tiếp tục có những nghiên cứu theo hướng này với những nguồn ngữ liệu khác để có thể xác lập được một cách rõ nét hơn những đặc điểm ngôn ngữ giới trong giao tiếp.
Tin bài: Tài Thái