Trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với Vụ Dân tộc, Bộ Giáo dục, ngày 16 tháng 7 năm 2020, Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức Tọa đàm khoa học lựa chọn bộ chữ viết Thái, Mnông, Gia-rai và Ba-na phục vụ công tác biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc trong trường phổ thông với đông đảo các chuyên gia ngôn ngữ dân tộc thiểu số của Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, đại diện Vụ Dân tộc, Bộ Giáo dục, Đại diện Hội Trí thức trẻ và một số phóng viên tham dự.
Tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác giáo dục tiếng dân tộc đối với công tác bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam góp phần phát triển bền vững đất nước; đồng thời nêu lên hiện trạng về tính đa dạng của các bộ chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam và yêu cầu cấp bách về việc lựa chọn bộ chữ viết dân tộc thiểu số phục vụ công tác biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc trong lộ trình đưa tiếng dân tộc vào giảng dạy ở trường phổ thông như một môn học tự chọn. Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận về các bộ chữ Thái, Mnông, Gia-rai và Ba-na của nhiều chuyên gia ngôn ngữ dân tộc thiểu số như GS.TS Nguyễn Văn Lợi, PGS.TS Đoàn Văn Phúc, PGS.TS Tạ Văn Thông, PGS.TS Nguyễn Hữu Hoành, TS Phan Lương Hùng, trong đó nhấn mạnh đến tính khoa học, tính đại diện, tính phổ biến, tính pháp lí, tính tiện dụng… của các bộ chữ trong mối quan hệ với các phương ngữ và với đặc thù văn hóa của từng dân tộc. Tọa đàm cũng nhận được ý kiến thảo luận của một số chuyên gia khác như TS Phạm Hiển, TS Đặng Minh Tuấn (tác giả phần mềm Vietkey) về các vấn đề có liên quan, trong đó có yếu tố tâm lí dân tộc và tầm quan trọng của việc xây dựng quy hoạch tổng thể về mã Unicode quốc tế cho các bộ gõ chữ viết dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Cuối buổi tọa đàm, GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Bộ Giáo dục đánh giá cao sự phối hợp của Viện Ngôn ngữ học cũng như các ý kiến tham luận trong việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách đưa tiếng dân tộc vào giảng dạy trong nhà trường hiện nay.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tọa đàm:
Phan Hùng (thực hiện)