Ngày 4/7, Trường ĐH KHXH&NV và Viện Ngôn ngữ học (Viện hàn lâm KHXH Việt Nam) đã phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học “Cơ sở biên soạn tập ngôn ngữ và chữ viết bộ địa chí quốc gia Việt Nam". Đến dự buổi toạ đàm có GS. TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cùng đông đảo các nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực ngôn ngữ học, lịch sử, báo chí, hán nôm ...
Tại buổi toạ đàm có 4 báo cáo đã được trình bày, đó là báo cáo của PGS. TS. Nguyễn Tuấn Cường (Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam): Thể chí và hướng tiếp cận biên soạn Bộ địa chí quốc gia hiện nay; báo cáo của TS. Phạm Thị Thảo (Ban thư kí nhiệm vụ Quốc Chí): Giới thiệu kinh nghiệm biên soạn địa chí của Trung Quốc; báo cáo của GS. TS. Vũ Đức Nghiệu (Trường Đại học KHXH và NV): Cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô của tập Ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc ở Việt Nam; báo cáo của PGS. TS. Tạ Văn Thông (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam): Giới thiệu mục mẫu trong tập ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc ở Việt Nam. Các báo cáo sẽ là cơ sở để Ban biên soạn có thể tham khảo và xây dựng kế hoạch cũng như phương pháp biên soạn tập ngôn ngữ và chữ viết của bộ Quốc chí Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại buổi toạ đàm, GS. TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, ngày 22/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2079/QĐ-TTg về việc phê duyệt Nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” (gọi tắt là Quốc chí). Nhiệm vụ do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì và Giám đốc ĐHQGHN làm chủ nhiệm. “Trường chúng tôi vinh dự phụ trách 10 tập trong số 29 tập của Quốc chí, nhưng tôi nghĩ tập ngôn ngữ và chữ viết sẽ là tập đóng vai trò quyết định cho thành công của Quốc chí. Tôi biết đây là một trách nhiệm nặng nề, nhưng nếu thành công, đây sẽ là công trình được tra cứu, được tham khảo nhiều nhất.”
Đồng tình với ý kiến của GS. TS. Phạm Quang Minh, GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng ông mong muốn các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ tham gia đóng góp ý kiến của mình để hoàn thiện tập sách này.
Trao đổi tại buổi toạ đàm, PGS.TS Phạm Văn Hảo, Phó tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống (Hội ngôn ngữ học Việt Nam) cho rằng ban biên soạn cần in một cẩm nang các quy định về hình thức, nội dung để người biên soạn và cộng tác viên tham gia biên soạn có thể nắm bắt được. Đó là những quy định tổng quát về cách trình bày, ngôn ngữ diễn đạt… để tránh các lỗi sai không cần thiết. Cuốn cẩm nang này cũng sẽ bao gồm những quy định về việc nên thêm tên ai vào cuốn sách, những trường hợp ngoại lệ,... điều này sẽ giúp ban biên soạn dễ dàng đưa ra phương án giải quyết hơn trước những vấn đề phức tạp.
Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, thành viên Ban Thư ký Nhiệm vụ Quốc chí, dù thời gian gần đây đã có nhiều bộ địa chí ra đời, nhưng việc làm địa chí hiện đại ở Việt Nam vẫn chưa thống nhất, không phải bộ địa chí nào cũng đảm bảo các đặc trưng của thể loại địa chỉ. Ngoài ra, chúng ta cũng “chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở lý luận và phương pháp luận, lại thiếu sự đầu tư và sự chỉ đạo thống nhất, thiếu những quy chuẩn mang tính quốc gia, không có sự liên thông giữa các địa phương”. Những yếu tố trên đã làm giá giá trị thực tiễn của địa chí, không ít các công trình chất lượng chuyên môn chưa được cao như mong muốn của nhóm biên soạn.
Có mặt tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hùng Việt (Viện Từ điển học và bách khoa thư Việt Nam) cũng cho rằng nhóm biên soạn cần phải có một quy định chung về cách trình bày, quy định chính tả, thứ tự, nội dung… Nếu không thì toàn bộ Bộ quốc chí mỗi tập sẽ trình bày một kiểu, gây khó hiểu cho người đọc.
Đáng chú ý, ông cho biết, với tư cách là một trong những người đang tham gia biên soạn Bộ Bách khoa thư, ông cảm thấy có nhiều phần trong Bộ địa chí và Bách khoa thư dường như có những vấn đề trùng nhau, “cần phải có cơ chế phối hợp để hai bên có thể hỗ trợ cho nhau”.
Chia sẻ ý kiến của PGS.TS. Phạm Hùng Việt, PGS.TS Phạm Văn Tình (Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) cho rằng ông khá hoang mang khi có nhiều phần trong Bộ địa chí trùng lặp với Bách khoa thư, hai bên nên có sự trao đổi để không phải tốn quá nhiều công sức, tiền của để làm lại những công việc của nhau.
Lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia, GS.TS Vũ Đức Nghiệu chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi chỉ mới dự kiến cấu trúc tập sách. Còn ban biên soạn cho cả Bộ địa chí Quốc gia vẫn đang làm tập tài liệu quy chuẩn, cũng như lên kế hoạch tổ chức các buổi tập huấn cho những người phụ trách các tập sách khác nhau. Còn về việc nội dung của tập sách trùng lặp với Bộ Bách khoa thư, bản thân chúng tôi cũng đã lường trước được. Tôi nghĩ việc này cũng như xây hai ngôi nhà, đều cần có một số nguyên liệu, một số bước giống nhau. Trong thời gian tới tôi sẽ làm việc với ban biên soạn Bách khoa thư để trao đổi phương án hợp lý”.
Kết thúc buổi tọa đàm, GS. TS. Vũ Đức Nghiệu cho biết đây mới chỉ là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động nhằm xây dựng nội dung tập sách, mong rằng trong thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong và ngoài nước để hoàn thiện tập sách quan trọng này.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi Tọa đàm:
Hình 1: Toàn cảnh tọa đàm
Hình 2: GS. TS. Phạm Quang Minh phát biểu tại tọa đàm
Hình 3: GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp phát biểu tại tọa đàm
Bài và ảnh: Tài Thái