Sáng ngày 2/11/2020, Phòng Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt thuộc Viện Ngôn ngữ học đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Một số vấn đề trong nghiên cứu phương ngữ học”.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cùng đông đảo cán bộ làm công tác nghiên cứu của Viện. Có 02 báo cáo đã được trình bày tại buổi tọa đàm gồm báo cáo của TS. Nguyễn Tài Thái (
Nghiên cứu ngữ âm thổ ngữ đảo Ngọc Vừng) và báo cáo của ThS. Nguyễn Thu Huyền (
Một số đặc điểm từ địa phương thổ ngữ Ngọc Vừng, Vân Đồn, Quảng Ninh).
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu các phương ngữ, thổ ngữ đã có những kết quả đáng ghi nhận; đặc biệt là nghiên cứu các phương ngữ, thổ ngữ của phương ngữ Nam và phương ngữ Trung. Tuy nhiên, các nghiên cứu được thực hiện đều tập trung ở các thổ ngữ trên đất liền mà ít có những nghiên cứu thực hiện với các thổ ngữ trên đảo. Việc nghiên cứu ngôn ngữ ở các thổ ngữ thuộc các đảo chưa được đề cập nhiều do đây là những địa bàn xa đất liền, điều kiện đi lại còn khó khăn do hạn chế về phương tiện đi lại.
Ngọc Vừng là một trong 5 xã đảo của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đây là xã có địa bàn cách đất liền thành phố Hạ Long khoảng hơn 40km theo đường biển. Từ đất liền đến đảo Ngọc Vừng chỉ có một phương tiện duy nhất là tàu thủy. Với vị trí cách xa đất liền và phương tiện đi lại còn khó khăn, người dân Ngọc Vừng, đặc biệt là những người cao tuổi hầu như chỉ tiếp xúc, giao lưu với những người dân trên đảo. Do ít có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với người dân các địa phương khác nên tiếng nói của người dân ở đảo Ngọc Vừng cũng có những điểm khác biệt so với các địa phương khác ở Quảng Ninh nói riêng và phương ngữ Bắc nói chung.
Thuộc phương ngữ Bắc nhưng thổ ngữ dảo Ngọc Vừng có những đặc điểm khá khác biệt. Kết quả khảo sát cho thấy, hệ thống ngữ âm thổ ngữ đảo Ngọc Vừng có khá nhiều nét ngữ âm đặc trưng trong so sánh với hệ thống ngữ âm tiếng Việt toàn dân. Đối với hệ thống phụ âm đầu, việc không tồn tại phụ âm /l/ cũng như các phụ âm uốn lưỡi cho thấy một thực tế là hệ thống phụ âm đầu ở đây khá nghèo nàn; dẫn đến hiện tượng đồng âm ở khá nhiều đơn vị từ vựng. Tuy nhiên, việc tồn tại phụ âm tắc hữu thanh thở lại cho thấy một vấn đề của ngữ âm lịch sử tiếng Việt khi ở đây còn bảo lưu được cách phát âm mà hiện nay rất ít thổ ngữ còn lưu giữ được. Bên cạnh đó, một số tương ứng ngữ âm của hệ thống phụ âm đầu đảo Ngọc Vừng cũng có mối liên hệ với quá trình phát triển ngữ âm lịch sử tiếng Việt như các tương ứng /b/ - /v/; /b/ - /f/, /ø/ - /z/... Ở hệ thống vần, các biến thể xảy ra chủ yếu do sự biến đổi của hệ thống âm chính, trong đó các xu hướng như hẹp hoá nguyên âm, hiện tượng chuyển sắc của nguyên âm hay đơn hoá nguyên âm đôi, đôi hoá nguyên âm đơn là những hiện tượng tiêu biểu. Bên cạnh đó, một số vần có hiện tượng rụng âm đệm hoặc có xu hướng biến đổi ở phần kết vần đối với các vần kết thúc bằng các phụ âm n/t hoặc nh/ch. Với hệ thống thanh điệu, việc chỉ tồn tại hệ thống gồm 5 thanh do có sự nhập một của thanh hỏi và thanh ngã đã làm cho những nét khu biệt của thanh ở đây bị hạn chế hơn; dẫn đến việc cũng có nhiều từ đồng âm. Ở Ngọc Vừng xu hướng phát âm thanh hỏi thành thanh ngã mang tính phổ biến, nhất loạt hơn là xu hướng phát âm thanh ngã thành thanh hỏi. Những nét đặc trưng ngữ âm ở Ngọc Vừng có nhiều điểm tương đồng với các thổ ngữ của phương ngữ Trung. Điều đó có thể lí giải cho hiện tượng di dân vốn đã diễn ra từ rất sớm ở Việt Nam. Hơn nữa, gia phả của các dòng họ ở Ngọc Vừng cũng cho thấy tổ tiên của họ hầu hết từ vùng quê Thanh – Nghệ theo đường biển ra đây đánh cá từ rất lâu rồi. Những biến thể phát âm này được xem là việc bảo lưu những đặc điểm ngữ âm của tiếng Việt giai đoạn thế kỉ 17. Đây là nguồn tư liệu có thể giúp những người nghiên cứu tìm hiểu thêm về lịch sử ngữ âm tiếng Việt.
Ở mặt từ vựng, kết quả khảo sát chỉ ra rằng, sự khác biệt của từ địa phương đảo Ngọc Vừng so với tiếng phổ thông thể hiện qua các biến thể về mặt cấu tạo và đặc điểm định danh. Việc gọi tên các sự vật ở Ngọc Vừng khá cụ thể và gần gũi với đời sống. Nhiều tư liệu viên đã giải thích việc gọi tên các sự vật, hiện tượng theo lối tư duy của địa phương là do người dân ở đây quanh năm sống gần biển, “ăn sóng nói gió” nên họ ít có sự văn hoa trong việc định danh sự vật hiện tượng. Thay vào đó là những cách nói, cách gọi đơn giản, cụ thể và khá chi tiết trong sự phân biệt với các sự vật và hiện tượng khác. Mặt khác, hệ thống từ địa phương ở Ngọc Vừng cũng phản ánh khá rõ những dấu ấn của nền văn hoá nông nghiệp và văn hoá biển thông qua sự đa dạng về các sản phẩm, dụng cụ nông ngư nghiệp và động vật biển. Từ địa phương thổ ngữ Ngọc Vừng bao gồm cả những đơn vị không có sự đối lập với từ toàn dân và những đơn vị có sự đối lập với từ toàn dân. Qua thời gian, một số từ địa phương ở đây đã gia nhập vào lớp từ toàn dân nhờ sự mở rộng phạm vi sử dụng. Phần lớn những từ địa phương còn lại do không có sự mở rộng phạm vi sử dụng đã tạo nên lớp từ địa phương mang nét đặc trưng của thổ ngữ.
Buổi toạ đàm đã nhận được khá nhiều các ý kiến trao đổi về mặt chuyên môn cũng như gợi mở ra những hướng nghiên cứu mới trong phương ngữ học của PGS.TS. Phạm Tất Thắng, TS. Phạm Văn Lam, ThS. Bùi Đăng Bình. Cùng với đó, PGS. TS. Nguyễn Hữu Hoành đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu ngôn ngữ, phương ngữ ở các khu vực biển đảo của Việt Nam bởi nó vừa mang ý nghĩa lí luận vừa mang ý nghĩa thực tiễn. Có thể nói, việc còn bảo lưu những đặc điểm ngữ âm, từ vựng ở các khu vực đảo cách xa đất liền hoặc các thổ ngữ còn chưa phát triển sẽ là những nguồn tư liệu có giá trị để có thể giúp cho việc làm sáng tỏ hơn những vấn đề về lịch sử ngữ âm và từ vựng tiếng Việt.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tọa đàm:
Hình : GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học phát biểu khai mạc tọa đàm
Hình 2: TS. Nguyễn Tài Thái trình bày báo cáo
Hình 3: PGS.TS. Phạm Tất Thắng thảo luận tại tọa đàm
Bài: Tài Thái
Ảnh: Sông Xanh