Trong nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, quá trình ngữ pháp hóa của các đơn vị từ vựng là một vấn đề đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu. Vấn đề ThS Trần Hương Thục đặt ra trong phần trình bày của mình chính là quá trình ngữ pháp hóa nhìn ở cả góc độ đồng đại và lịch đại với câu hỏi nghiên cứu đặt ra:
Có thật sự có một quá trình ngữ pháp hóa như vậy hay không? Nếu có thì quá trình đó diễn ra như thế nào trong những diễn biến lịch sử của tiếng Việt mà hiện chúng ta còn quan sát được?
Để trả lời câu hỏi này, báo cáo lựa chọn từ CỦA như một nghiên cứu trường hợp và tập trung vào giải quyết các vấn đề:
+ Những biến đổi: từ ‘thực từ’ sang ‘hư từ’, quá trình chuyển loại từ từ loại này sang từ loại khác
+ Xem xét quá trình chuyển nghĩa của chúng để có thể giải thích vấn đề bằng lý thuyết ngữ pháp hóa.
+ Con đường từ
của được ngữ pháp hóa để đảm nhiệm chức năng của hư từ, làm thành tố phụ trong các kết cấu cú pháp của tiếng Việt.
Dựa trên tư liệu khảo sát từ 15 tác phẩm giai đoạn cổ, trung đại, báo cáo đã cho thấy tình hình sử dụng từ CỦA ở các tác phẩm này với các ý nghĩa khác nhau; đồng thời cho thấy sự chuyển nghĩa, chuyển loại của từ CỦA trong thực tế sử dụng. Đây chính là cơ sở giúp tác giả khẳng định quá trình ngữ pháp hóa của từ CỦA dựa trên thực tế tư liệu hiện có.
Buổi tọa đàm đã nhận được những ý kiến trao đổi, tranh luận của các nhà nghiên cứu tham gia như ý kiến của TS. Phạm Hiển, TS. Nguyễn Tài Thái, TS. Nguyễn Thị Phương, ThS. Nguyễn Thanh Tuấn, ThS. Bùi Đăng Bình, Th.S, Nguyễn Thị Uyên…Các ý kiến đều đánh giá đây là một nghiên cứu rất công phu dựa trên một nguồn ngữ liệu quý cũng như đã đặt ra những vấn đề liên quan đến lịch sử tiếng Việt, quá trình ngữ pháp hóa của các thực từ… Bên cạnh đó, các cử tọa tham dự tọa đàm cũng đề xuất Th.S. Trần Hương Thục tiếp tục có những nghiên cứu theo hướng này với những từ khác để có thể có một cách nhìn khái quát nhất về quá trình ngữ pháp hóa của các từ tiếng Việt.
Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Phương, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Hợp tác Quốc tế và Thông tin Thư viện đã nhấn mạnh những kết quả nghiên cứu mà báo cáo viên đã trình bày cũng như đánh giá cao những gợi ý, đóng góp của các cán bộ tham gia thảo luận. Đây là một vấn đề cần tiếp tục được thực hiện và hi vọng sẽ có những đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ học lịch sử. Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tọa đàm: