Ngày 6/1/2020 tại Viện Ngôn ngữ học, học giả Nguyễn Cung Thông đã có buổi thuyết trình khoa học về chữ Quốc ngữ từ thế kỉ 17 qua các bản dịch Kinh lạy cha (KLC). Buổi thuyết trình có sự tham gia đông đảo của cán bộ Viện Ngôn ngữ học, các nghiên cứu sinh và đại diện của Hội tri thức trẻ Việt Nam
Ngày 6/1/2020 tại Viện Ngôn ngữ học, học giả Nguyễn Cung Thông đã có buổi thuyết trình khoa học về chữ Quốc ngữ từ thế kỉ 17 qua các bản dịch Kinh lạy cha (KLC). Buổi thuyết trình có sự tham gia đông đảo của cán bộ Viện Ngôn ngữ học, các nghiên cứu sinh và đại diện của Hội tri thức trẻ Việt Nam. Đặc biệt, buổi toạ đàm còn có sự tham dự của GS.TSKH. Nguyễn Quang Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán nôm, được xem là chuyên gia đầu ngành về Hán Nôm của Việt Nam hiện nay.
Kinh lạy cha là một trong những tài liệu quan trọng giúp chúng ta tìm ra các dấu ấn của tiếng Việt cổ ở cả mặt ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp. Qua các dạng ghi nhận trong văn bản (các bản dịch) từ những năm 1632 đến nay có thể thấy Kinh lạy cha có nhiều sự biến đổi cả về số lượng chữ cũng như cách thể hiện của các hình thức ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp.
Sự thay đổi của chữ Quốc ngữ trong các bản KLC trước hết thể hiện ở số lượng chữ. Trong bản 1632 có 70 chữ, trong khoảng 1700 đến 1750 có 79 chữ, bản 1778 có 77 chữ. Tuy nhiên, bản 1855 chỉ có 49 chữ nhưng đến bản 1870 số chữ lại tăng lên đến 77 chữ. Theo thời gian số chữ có thể tăng hoặc giảm đôi chút nhưng cũng chỉ trong khoảng 70 chữ. Theo học giả Nguyễn Cung Thông, sự thay đổi về số lượng chữ trong các bản KLC chính là sự biến đổi về cách sử dụng từ ngữ cũng như ngữ pháp của tiếng Việt. Bên cạnh đó, những biến đổi về mặt ngữ âm như hiện tượng bl/ml -> tr, c->ch là những cứ liệu quan trọng để tìm hiểu lịch sử tiếng Việt. Cùng với đó, cách dùng các từ “nước” thay cho “quốc”, “tên” thay cho “danh”, hay cách dùng các từ “chưng”, “cả’ cũng là những cách dùng từ khá cổ.
Buổi toạ đàm đã nhận được khá nhiều các ý kiến trao đổi về mặt chuyên môn, đặc biệt là tranh luận về sự thay đổi cách dùng của từ “nước” thay cho “quốc” trong các bản dịch KLC sau này. GS. TSKH Nguyễn Quang Hồng, GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, TS. Phạm Văn Lam… đã đưa ra những giả thuyết khác nhau về quá trình thay đổi này như việc dựa vào tiếng Mường (nước – dák), dựa vào yếu tố văn hoá (đất và nước là những thành tố quan trọng để tạo nên một quốc gia) theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận… Mỗi giả thuyết đều là những gợi ý hay cho những ai quan tâm đến vấn đề lịch sử từ nguyên cũng như việc nghiên cứu ngôn ngữ văn hoá.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi thuyết trình:
Tin bài: Nguyễn Tài Thái
Ảnh: Tạ Quang Tùng