Trong các lớp từ vựng của tiếng Việt, từ nghề nghiệp nằm ở vị trí khá khiêm tốn. Chúng có số lượng không nhiều và hoạt động trong phạm vi tương đối hạn chế. Có lẽ vì thế mà từ nghề nghiệp chưa được quan tâm nhiều và có hệ thống. Để nhận diện từ nghề nghiệp trong môi trường giao tiếp đa dạng của một cộng đồng ngôn ngữ, cần phải sử dụng những thủ pháp đặc biệt để tách chúng ra khỏi các lớp từ vựng nói trên. Xuất phát từ quan điểm đó, chúng tôi đã tiến hành khảo sát lớp từ nghề nghiệp được thể hiện trong một nghề cụ thể - đó là nghề làm muối ở Xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
1.1. Trong các lớp từ vựng của tiếng Việt, từ nghề nghiệp nằm ở vị trí khá khiêm tốn. Chúng có số lượng không nhiều và hoạt động trong phạm vi tương đối hạn chế. Có lẽ vì thế mà từ nghề nghiệp chưa được quan tâm nhiều và có hệ thống. Thậm chí ngay trong cuốn Đại từ điển tiếng Việt (9 )cũng không thấy nhắc đến khái niệm này.
Trong một số tài liệu về ngôn ngữ học, những quan niệm hiện có về từ nghề nghiệp vẫn chưa có định nghĩa nào làm thoả mãn sự hiểu biết của chúng ta về bản chất của lớp tên gọi này. Sau đây là một số ví dụ.
Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học định nghĩa từ nghề nghiệp là: "các từ, ngữ đặc trưng cho ngôn ngữ của các nhóm người thuộc cùng một nghề hoặc cùng một lĩnh vực hoạt động nào đó" (10)
Tác giả Đỗ Hữu Châu trong cuốn “Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt”cho rằng:"Từ vựng nghề nghiệp bao gồm những đơn vị từ vựng được sử dụng để phục vụ các hoạt động sản xuất và hành nghề của các ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và các ngành lao động trí óc ( nghề thuốc, ngành văn thư...) (2)
Tác giả Nguyễn Thiện Giáp viết: " Từ nghề nghiệp là những từ ngữ biểu thị những công cụ, sản phẩm lao động và quá trình sản xuất của một nghề nào đó trong xã hội. Những từ này thường được những người trong ngành nghề đó biết và sử dụng. Những người không làm nghề ấy tuy ít nhiều cũng có thể biết nhiều từ ngữ nghề nghiệp nhưng ít hoặc hầu như không sử dụng chúng. Do đó, từ ngữ nghề nghiệp cũng là một lớp từ vựng được dùng hạn chế về mặt xã hội" (3 )
Xuất phát từ bình diện phong cách chức năng, tác giả Nguyễn Văn Tu đã xếp từ nhà nghề ( từ nghề nghiệp) cùng với ngôn ngữ văn học nói, từ thân mật, từ lóng,... vào loại phong cách nói của tiếng Việt (8)
Tác giả Thái Hoà cũng cho rằng, từ nghề nghiệp cùng với từ ngữ địa phương, tiếng lóng, biệt ngữ và các biến thể láy "iếc, ủng" đều mang sắc thái biểu cảm (5)
Trên cơ sở của những quan niệm nói trên, chúng tôi cho rằng, những đặc trưng cơ bản của từ nghề nghiệp có thể được hình dung một cách khái quát như sau:
- Đó là lớp từ ngữ dùng để gọi tên những phương tiện, công cụ sản xuất, nguyên vật liệu, sản phẩm lao động và quá trình sản xuất,... của nghề thủ công truyền thống.
- Chúng mang phong cách địa phương và ít nhiều có sắc thái biểu cảm.
- Chúng được những người làm trong một nghề hiểu và sử dụng chủ yếu trong giao tiếp hội thoại.
1.2. Việc nhận diện các từ nghề nghiệp trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn do chúng có nhiều nét tương đồng về mặt phong cách và phạm vi sử dụng so với nhiều lớp từ vựng khác. Điều này có thể hình dung qua sơ đồ sau đây:
|
Phạm vi sử dụng
|
Phong cách
|
Sắc thái
|
Rộng
|
Hẹp
|
Nói
|
Viết
|
Trung hoà
|
Biểu cảm
|
Từ toàn dân
|
+
|
+
|
+
|
+
|
+
|
+
|
Từ địa phương
|
|
+
|
+
|
|
|
+
|
Thuật ngữ
|
|
+
|
|
+
|
+
|
|
Biệt ngữ
|
|
+
|
+
|
|
|
+
|
Từ nghề nghiệp
|
|
+
|
+
|
|
+
|
(+)
|
Do vậy, để nhận diện từ nghề nghiệp trong môi trường giao tiếp đa dạng của một cộng đồng ngôn ngữ, cần phải sử dụng những thủ pháp đặc biệt để tách chúng ra khỏi các lớp từ vựng nói trên.
Xuất phát từ quan điểm đó, chúng tôi đã tiến hành khảo sát lớp từ nghề nghiệp được thể hiện trong một nghề cụ thể - đó là nghề làm muối ở Xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây là một địa phương có môi trường khá lý tưởng cho sự hành chức đồng thời của nhiều lớp từ vựng khác nhau như: từ toàn dân, từ địa phương, biệt ngữ và từ nghề nghiệp.
Phương pháp điều tra, khảo sát của chúng tôi sẽ được tiến hành qua các bước như sau :
- Tìm hiểu bối cảnh ra đời của vốn từ nghề muối ở xã An Hoà.
- Thu thập và điều tra tất cả những ngữ liệu đặc trưng cho nghề làm muối.
- Lập bảng đối chiếu các từ nói trên với các lớp từ vựng khác.
- Chọn ra các từ nghề nghiệp chân chính.
- Miêu tả đặc điểm cấu trúc- ngữ nghĩa và quá trình hoạt động của chúng.
Sau đây là những kết quả cụ thể.
2.1. Nghề làm muối ở Xã An Hoà đã có từ lâu đời. Theo các bậc cao niên trong nghề làm muối, trước đây người ta thường sử dụng nhiệt của lửa để làm muối. Phương pháp này tốn kém, mà sản lượng muối lại thu được rất thấp. Cho đến cuối thế kỷ XVIII- đầu thể kỷ XIX, người dân Quỳnh Lưu không dùng phương pháp này nữa, mà chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời để làm muối trên ruộng đất có diện tích từ 1500- 2000 m2. Do diện tích ruộng muối quá rộng, nên người ta phải dùng sức trâu hoặc bò để làm đất. Đây là phương pháp làm muối của Nghệ An, còn gọi là "Nại muối Nghệ An".
Từ 1960 trở lại đây, người Quỳnh Lưu lại chuyển sang cách làm muối của người Nam Định, nghĩa là diện tích ruộng muối được thu hẹp lại chỉ còn khoảng1000 m2 để tiện cho việc sử dụng bằng sức người.
a. Cách làm muối ở An Hoà hiện nay có thể được tóm tắt như sau:
- Bước thứ nhất: Khoảng 1- 2 giờ chiều, người ta xúc cát (còn gọi là đất) trong nhăng ra phơi. Cát phải được bừa nhỏ, san đều. Người ta múc nước biển vảy đều lên cát gọi là vút cát để làm cho cát ẩm đều. Bước này gọi chung là vi đất.
- Bước thứ hai : Sau khi phơi cát khoảng vài giờ, người tadùa cát (hay trang cát) lại thành từng đống rồi dùng xe sộc chở đổ vào dát, dẫm chặt đều. Sau đó dùng bù múc nước biển đổ vào dát gọi là diều dát.
- Bước thứ ba: Nước biển ngấm qua dát chảy xuống nhăng. Nước trong nhăng gọi là nước khắt. Nước khắt có nồng độ muối cao hơn nước biển bình thường. Dùng bầu (bù) múc nước khắt trong nhăng đổ vào giếng trên sân kết tinh. Nước trong giếng gọi là nước chượm.
- Bước thứ tư: Múc nước chượm đổ lên ô phơi trên sân kết tinh. Dưới tác động của nhiệt lượng mặt trời, nước bốc hơi để lại muối trong ô.
- Bước thứ năm: Khi được muối, người ta dùng trang cạo, nhon thành từng đống để xúc lên xe sộc đưa vào diệc hoặc kho cất giữ. Đây là bước thu hoạch cuối cùng.
2.2. Để trao đổi với nhau trong quá trình sản xuất, bên cạnh những từ ngữ giao tiếp thông thường (từ toàn dân), những người dân làm muối ở xã An Hoà còn sử dụng một số vốn từ ngữ có nội dung mang tính nghề nghiệp và sắc thái riêng của địa phương mình. Đó là lớp từ ngữ nghề muối An Hoà.
Kết quả thu thập ban đầu cho thấy, những từ ngữ liên quan nghề làm muối An Hoà có khoảng 80 đơn vị (bao gồm cả những từ ngữ chỉ các bộ phận cấu tạo dụng cụ sản xuất). Sau khi so sánh đối chiếu các từ ngữ nói trên với từ toàn dân, từ địa phương được ghi trong Từ điển tiếng Việt (6), Từ điển tiếng địa phương Nghệ- Tĩnh (1) và các biệt ngữ xuất hiện trong đời sống giao tiếp của người An Hoà, những từ ngữ thuần tuý được sử dụng trong nghề làm muối ở đây chỉ còn 61 đơn vị (Xem Phụ lục). Đây là những từ ngữ nghề nghiệp cơ bản. Chúng tôi gọi là từ nghề nghiệp chân chính. Sau đây là những đặc trưng ngôn ngữ học của lớp từ ngữ này.
a - Về cấu trúc - ngữ nghĩa, phần lớn các từ ngữ nghề muối ở An Hoà đều là những từ đa âm tiết (2 âm tiết trở lên) như: cháy muối, chạy phươi, dậm dát, diễu dát, bàn cạo muối, sân kết tinh,... Những đơn vị này gồm có 42/ 61 đơn vị, chiếm tỉ lệ 68,85%.
Các từ đơn âm tiết như: bịn , bù , bừa , dát, đùm, gông, hộc,... chiếm số lượng không nhiều chỉ gồm 19/ 61 đơn vị, chiếm tỉ lệ 31, 14 %.
Về từ loại, các từ ngữ nghề làm muối có 27 danh từ, chiếm tỉ lệ 44, 26%, 32 động từ , chiếm tỉ lệ 52, 45% và 2 tính từ, chiếm tỉ lệ 3,27 %.
Ý nghĩa chi tiết của các từ ngữ này được giải thích trong Bảng từ nghề muối An Hoà (Xem Phụ lục)
Nếu phân loại ý nghĩa của các từ nghề muối theo các trường từ vựng- ngữ nghĩa, thì chúng có những đặc điểm như sau:
- Các từ ngữ chỉ phương tiện vận chuyển chỉ có 1 đơn vị, chiếm 1,63%
- Các từ ngữ chỉ công cụ sản xuất gồm 11 đơn vị, chiếm 18,03%
- Các từ ngữ chỉ nguyên vật liệu nghề nghiệp có 13 đơn vị, chiếm 21,30%
- Các từ ngữ chỉ thao tác nghề nghiệp có 32 đơn vị, chiếm 52,45%
- Các từ ngữ chỉ sản phẩm nghề nghiệp có 4 đơn vị, chiếm 6,55 %.
Sự phân bố về các trường từ vựng- ngữ nghĩa nói trên cho biết, nghề làm muối An Hoà sử dụng nhiều các công cụ sản xuất, nguyên vật liệu và các thao tác nghề nghiệp. So với nhiều nghề thủ công truyền thống khác như nghề làm gốm sứ, nghề mộc, nghề đúc đồng, ... thì nghề muối có ít sản phẩm nghề nghiệp hơn.
b - Nguồn gốc phát sinh của các từ ngữ nghề muối An Hoà hầu hết là những từ thuần Việt như: dát, giếng, đùm , hộc, sộc, tuồn đất, vút nước,.. (chiếm tỉ lệ ~ 95%). Các từ ngữ Hán- Việt như: sân kết tinh, ô bão hoà, hồ tự lưu chiếm một vị trí không đáng kể. Sự xuất hiện đa số của các từ thuần Việt có thể là những dấu tích phản ánh lịch sử lâu đời của những nghề truyền thống và thói quen sử dụng tiếng mẹ đẻ của người Việt.
c - Trong hoạt động giao tiếp, từ ngữ nghề muối được sử dụng chủ yếu trong giao tiếp khẩu ngữ giữa những người lao động trong quá trình sản xuất. Còn ở những nơi sinh hoạt công cộng hoặc trong phạm vi gia đình, từ nghề nghiệp ít được sử dụng hơn. Tuy nhiên cũng có một số từ ngữ nghề muối được sử dụng vào môi trường giao tiếp công cộng như: hấy, muối già, muối non, muối chiêm, muối mùa, lên màu, lên độ, ... Số lượng của những từ này không nhiều và có xu hướng phát triển thành từ toàn dân.
3. Tóm lại, sự xuất hiện của những từ ngữ nghề nghiệp trong đời sống giao tiếp của một làng nghề truyền thống đã góp phần làm phong phú thêm cho vốn từ của một ngôn ngữ. Khi đã được xã hội hoá cao, một số từ nghề nghiệp có thể trở thành những từ toàn dân. Những từ ngữ này thường nằm ở khu vực biên của từ nghề nghiệp. Tuy nhiên, số lượng những từ này không nhiều và còn phải trải qua một quá trình chuyển hoá lâu dài. Phần lớn những từ ngữ nghề nghiệp còn lại đều là những từ thuần tuý mang tính chuyên môn - nghề nghiệp và rất ít có khả năng tham gia vào lớp từ vựng toàn dân hoặc các lớp từ vựng khác. Đây là những từ ngữ nghề nghiệp chân chính và thường nằm trong vùng tâm của từ nghề nghiệp. Sự tồn tại hay không tồn tại của những từ này phụ thuộc vào sự sống còn của chính bản thân nghề nghiệp đó.
Trong xã hội hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế công nghiệp hoá đã làm cho các ngành nghề thủ công truyền thống ngày càng có nguy cơ bị thu hẹp lại. Chính vì vậy, việc tìm hiểu các lớp từ ngữ nghề nghiệp không chỉ có ý nghĩa về mặt ngôn ngữ học, mà còn góp phần gìn giữ những nét văn hoá đặc trưng cho một cộng đồng dân tộc nhất định thông qua tên gọi của các làng nghề thủ công truyền thống.
Phụ lục BẢNG TỪ NGHỀ MUỐI AN HOÀ
Bàn cạo d. Dụng cụ để thu gom muối.
Bầu diệc d. Dụng cụ dùng để múc nước biển, giống như cái gáo múc nước.
Bịn đg. Bòn đất đầu miệng nhăng.
Bơi dát đg. Xúc cát trong nhăng ra để cho ráo nước.
Bù d. Dụng cụ múc nước biển đổ vào nhăng, giống như cái gầu
Bù vút d. Dụng cụ dùng để hất nước biển văng đều trên mặt cát.
Bừa d. Dụng cụ có răng, dùng tay kéo trên mặt cát.
Cạo muối đg. Thu gom muối.
Cháy muối đg. Muối khô dính vào sân kết tinh.
Chạy phươi đg. Thu gom nhanh cát ở sân phơi khi trời có giông.
Chổi quét ô d. Dụng cụ quét nước trong sân kết tinh.
Dát d. Bộ phận dùng để lọc nước biển, được làm bằng tre hay nứa đập dập có tác dụng như tấm lưới để ngăn không cho cát chảy xuống nhăng.
Dậm dát đg. Dùng chân dẫm lên cát trong dát cho chặt đều.
Dậy đất đg. Cào cát xung quanh bờ ruộng muối.
Diễu dát đg. Múc nước biển từ rãnh đưa vào mu diêụ chảy xuống dát.
Dù đất đg. Động tác vun cát lại để xúc vào dát.
Đất làn d. Cát trong dát sau khi đã được lọc qua nước biển.
Độ hấy d.Chỉ màu muối hơi đen.
Đùm d. Hố nhỏ chứa nước biển, nằm ngay cạnh sân phơi.
Giếng d. Hố chứa nước khắt trên sân kết tinh.
Hấy tt. X Độ hấy
Hồ tự lưu d. Hồ lớn chứa nước biển để dẫn vào các mương nhỏ cạnh sân phơi.
Hộc d. Dụng cụ đựng muối, làm bằng gỗ, hình khối chữ nhật có chiều dài 80cm, rộng 30 cm, cao 38- 40cm, dùng để đựng muối khi cân hoặc vận chuyển muối. Mỗi hộc đựng khoảng 30 kg muối.
Khoả đg. Dùng trang san lại cát lại cho đều trên mặt nhăng.
Lên độ đg. Độ mặn của nước biển được tăng lên.
Lên màu đg. Phần muối đã bắt đầu nổi lên trên cát.
Lỗ gàu d. Hố nhỏ giữa đáy giếng, có tác dụng dễ múc hết nước trong giếng.
Mở ròng đg. Khơi nước lụt, mở cống cho nước tiêu.
Muối chiêm d. Muối làm tháng 7- 11 âm lịch
Muối già d. Muối làm được ở nhiệt độ 36-38 độ, hạt muối to, trắng và khô. Muối đã bị chảy bớt nước ót.
Muối mùa d. Muối làm tháng 3-7 âm lịch
Muối non d. Muối làm ở nhiệt độ thời tiết 28- 30 độ nên hạt muối nhỏ, ướt. Muối vừa mới làm xong, còn ướt.
Nại d. Cánh đồng muối
Nước chạt d. Nước khắt.
Nước chượm d. Nước trong ô phơi muối.
Nước đùm d. Nước biển dự trữ ở ngoài mương.
Nước khắt d. Nước trong giếng có nồng độ muối 17- 20 độ.
Nước nguồn d. Nước ngọt.
Nước ót d. Nước còn sót lại trong ô muối hay nước chảy ra từ muối non hay muối già.
Nước quà d. Nước muối nhạt.
Nước thinh d. Nước thuỷ triều.
Nhăng d. Hố chứa nước khắt được xây bằng vôi, sịn và tro.
Ô d. Sân nhỏ hình vuông nằm trong sân kết tinh.
Ô bão hoà d. Ô phụ thấp hơn ô chính, dùng để chứa nước muối không đủ độ ở trên ô chính chuyển xuống. Sau khi phơi nâng đủ độ mặn, nước muối lại được múc vào giếng để đưa lên ô phơi muối.
Ô tua d. Ống dẫn nước từ dát chảy xuống nhăng.
Phốc t. Sân phơi khô, có màu trắng nhạt.
Ráo phươi d.: Sân phơi không đọng nước.
Rùa đất đg. Vun cát lại thành đống để xúc vào dát.
Rượng đất đg. Cào cát để trang lại cho đều.
Sân kết tinh d. Sân phơi muối.
Sịn d. Vỏ con sò ngoài bờ biển được nghiền nhỏ.
Tuồn đất đg. Dồn cát vào một chỗ.
Thêu (xêu) d. Dụng cụ dùng để xúc cát ra phơi hoặc từ phươi đổ vào dát.
Trang cạo d. Dụng cụ dùng để thu gom muối.
Trang đất d. Dụng cụ để san cát cho đều khi phơi.
Xát đg. Làm cát lại cho tơi đều trên mặt ruộng.
Xăm đg. Đào cát cũ ở phươi lên để đổ cát mới xuống.
Vi đất đg. Làm đều cát trên sân phơi.
Vút cát đg. Hất cát ra xa trải đều trên mặt ruộng.
Vút nước đg.Vẳy nước đều lên mặt cát.
Xe sộc (sôộc) d. Một loại xe đẩy muối có một bánh, giống như xe cút kít.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Nguyễn Nhã Bản (chủ biên), Từ điển tiếng địa phương Nghệ - Tĩnh, Nxb Văn hoá thông tin, H, 1999
2- Đỗ Hữu Châu, Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H, 1999
3- Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, Nxb ĐH & TTCN , H,1985
5- Thái Hoà, Chuẩn và sự phân loại từ ngữ tiếng Việt theo quan điểm phong cách chức năng, Trong” Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ”, T.1, Nxb KHXH, H, 1981
6- Hoàng Phê ( chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, HN- ĐN,1967
7- Nhiều tác giả, Nghề, làng nghề thủ công truyền thống Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1985
8- Nguyễn Văn Tu, Từ và vốn từ tiếng Việt, Nxb ĐH& THCN, H, 1974
9- Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb, H,1999
10- Nguyễn Như Ý (chủ biên), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học ,Nxb Giáo dục, H, 1996
PGS.TS Phạm Tất Thắng