1. Loại suy/ tương suy (gọi đầy đủ là biến đổi loại suy – analogical change) là một hiện tượng ngôn ngữ thường thấy trong bất kỳ một ngôn ngữ nào. Ban đầu, hiện tượng loại suy chủ yếu được xem xét dưới góc độ hình thái học hay âm vị học, khía cạnh ngữ nghĩa thường bị bỏ qua. Xét từ góc độ chức năng hệ thống, cả ba mặt này không thể tách khỏi nhau, và cần được xem xét trong thế liên quan có chi phối lẫn nhau. Tuy vậy, trong chừng mực cho phép, bài này chỉ có thể tập trung vào việc tìm hiểu hiện tượng biến đổi phát triển nghĩa theo hướng loại suy.
2. Theo cách hiểu thông thường, loại suy chính là hiện tượng một hay một nhóm những yếu tố ngôn ngữ biến đổi và phát triển theo đặc tính hình thái hay nội dung của một nhóm yếu tố khác, do áp lực của vận động hệ thống muốn hướng tới sự ổn định, thống nhất và có sức sản sinh cao.
Trong nghiên cứu ngữ nghĩa học lịch đại, ở đa số các trường hợp, ta có thể có những kết luận ít nhiều chắc chắn dựa trên chính những nguyên nhân gây biến đổi từ bản thân cơ cấu nghĩa của từ. Điều này có nghĩa là tính lý do, tính phi võ đoán của sự chuyển nghĩa có thể được tìm thấy nhờ mối liên hệ giữa nghĩa có trước và nghĩa có sau. Nhưng trong một số trường hợp khác, cái nghĩa mới xuất hiện không thể được giải thích từ căn nguyên của bất kỳ những nghĩa đã biết nào khác trong từ, mà phải được giải thích từ những ảnh hưởng bên ngoài của từ ngữ, nghĩa là những ảnh hưởng tương tác giữa những từ ngữ có liên quan với nhau. Biến đổi nghĩa theo xu hướng này chính là sự biến đổi theo xu hướng loại suy.
3. Theo quan niệm truyền thống, có hai khuynh hướng biến đổi nghĩa: phát triển nghĩa (gain of meaning/ semantic development) và mất nghĩa (loss of meanig). Tuy nhiên, trên thực tế, bất kỳ một nghĩa nào khi nó đã xuất hiện, một cách tiềm tàng, đều có thể có khả năng tái hiện ở những lần sau, ở những địa điểm khác, ở những chủ thể khác. Bởi vậy, nếu một nghĩa nào đó không may bị mất đi, thì nó vẫn có thể được sử dụng trở lại, vì rằng cái nghĩa ban đầu bao giờ cũng là cái được con người dễ nhận diện nhất, được con người duy trì và bảo hộ nhiều nhất. Cách sử dụng những từ ngữ cổ, từ ngữ lịch sử chứng minh điều này. Do đó, khuynh hướng phát triển nghĩa là khuynh hướng chủ đạo của biến đổi nghĩa. Vì thế, nói một cách tương đối, biến đổi nghĩa là biến đổi theo xu hướng phát triển. Ở đây, chúng ta sẽ sử dụng khái niệm phát triển nghĩa thay cho cách gọi biến đổi nghĩa (chang of meaning, sense-change, semantic change) của truyền thống.
Trường hợp phát triển nghĩa theo lối loại suy có sự khu biệt với tất cả các trường hợp phát triển nghĩa khác.
Phát triển nghĩa theo lối loại suy được xem xét ở khía cạnh: nghĩa mới có của từ có liên quan đến một từ khác, hoặc được sao chép từ một từ khác. Điều này cũng có nghĩa là phát triển nghĩa theo xu hướng loại suy chỉ xảy ra khi và chỉ khi người nghiên cứu xác định, xác lập được những mối quan hệ có tính hoặc là tương đương hoặc là đồng nhất giữa các biểu thức ngôn ngữ với nhau dựa trên một hoặc hơn một bình diện nào đó về ngữ âm, ngữ nghĩa hoặc ngữ pháp. Các trường hợp phát triển nghĩa khác (hoán dụ và ẩn dụ, chuyên biệt hóa và khái quát hóa, xấu nghĩa và tốt nghĩa) được xem xét ở khía cạnh: nghĩa mới có của từ không liên quan đến gì đến các từ khác, tính lý do phi võ đoán của mối quan hệ giữa nghĩa có trước và nghĩa có sau có thể được tìm thấy từ trong chính bản thân cấu trúc nghĩa từ.
Trong số ba mối quan hệ có tính cơ sở của biến đổi nghĩa theo xu hướng loại suy, loại quan hệ dựa trên bình diện ngữ nghĩa và ngữ âm thường dễ dàng có được sự thống nhất về mặt quan điểm giữa các nhà nghiên cứu, loại quan hệ dựa trên bình diện cú pháp đây đó vẫn còn chưa có sự thống nhất, người thì xếp vào nhóm biến đổi này, người thì xếp vào nhóm biến đổi khác. Ở đây, tạm thời không xét đến những bất đồng trong việc định loại các kiểu loại biến đổi nghĩa có liên quan đến loại suy, chúng ta chỉ đề cập đến những trường hợp thường được đa số chấp nhận.
4. Như thế, ở đây, phát triển nghĩa theo loại suy sẽ bao gồm các trường hợp sau.
4.1. Thứ nhất, đó là trường hợp loại suy xảy ra giữa hai yếu tố ngôn ngữ đứng cạnh nhau có quan hệ với nhau về mặt, hoặc là cú pháp, hoặc là ngữ âm, hoặc là ngữ nghĩa, trong đó một yếu tố nào đó, vì những lý do nhất định, sẽ bị lược đi, và do đó yếu tố còn lại sẽ phải đảm nhận toàn nội dung ngữ nghĩa của biểu thức lớn hơn chứa nó. Mặt khác, xét ở bình diện ngữ pháp, nếu như biểu thức ngôn ngữ gốc có những đặc tính ngữ pháp gì thì biểu thức ngôn ngữ mới được hình thành cũng sẽ có đầy đủ tất cả các đặc tính ngữ pháp ấy. Đây chính là trường hợp mà một số người gọi là rút gọn, tỉnh lược để tạo nghĩa mới cho một phần của biểu thức ngôn ngữ cũ. Loại suy rút gọn theo kiểu này trong các ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt thường không đa dạng như các ngôn ngữ biến hình. Ở tiếng Việt chỉ thấy rút gọn hoàn toàn một âm tiết, một hình vị, hoặc một từ nào đó, chứ không có hiện tượng lược từ, cắt âm như những ngôn ngữ biến hình. Biến đổi loại suy kiểu này thường diễn ra trong các từ, các đơn vị tương đương từ có tính định danh cao, thường diễn ra trong từ loại danh từ. Xét trên bình diện lời nói động, đối lập với bình diện ngôn ngữ tĩnh, nói như kiểu F.de Sausure, thì tên các tổ chức chính trị, xã hội thường xảy ra hiện tượng rút gọn, nghĩa là có xảy ra biến đổi phát triển nghĩa theo xu hướng loại suy, khi các biểu thức ngôn ngữ bị rút gọn có tần số xuất hiện tương đối cao, hoặc khả năng hành chức của biểu thức bị rút gọn có giá trị tương đẳng với khả năng hành chức của biểu thức ngôn ngữ gốc. Trường hợp này chỉ xảy ra trong nội bộ một ngôn ngữ. Chưa thấy xảy ra giữa các biểu thức ngôn ngữ có nguồn gốc ngữ nguyên khác nhau đứng cạnh nhau. Trường hợp biến đổi phát triển nghĩa theo kiểu này thường được các nhà nghiên cứu gọi là biến đổi loại suy kết hợp (combinative analogy). Loại này chính là nơi tập trung nhiều điểm tranh cãi nhất giữa các tiếp cận của ngữ nghĩa học từ vựng (semasiology) và danh học(onomastics). Nói kết hợp có nghĩa là nghĩa mới có được nảy sinh do mối liên hệ tương tác giữa các biểu thức ngôn ngữ đứng cạnh nhau, tính ổn định của biểu thức ngôn ngữ gốc không cao, nhưng tính định danh của nó cao, nó cho phép người nói có thể lược đi một bộ phận nào đó của từ mà vẫn đảm bảo được rằng người nghe vẫn hiểu đúng được điều người nói muốn nói. Khả năng phục hồi biểu thức ngôn ngữ gốc từ biểu thức ngôn ngữ có nghĩa mới là rất cao. Giữa biểu thức ngôn ngữ gốc và bộ phận biểu thức ngôn ngữ gốc mang nghĩa mới có một giá trị hành chức tương đẳng nhau, chúng song tồn với nhau.
Ví dụ nghĩa “thành phần tộc người thiểu số trong cộng đồng nhân dân cả nước, đối lập với thành phần dân tộc chiếm đa số” của từ dân tộc trong cách nói lên vùng dân tộc dạy học < lên vùng dân tộc thiểu số dạy học, nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc < nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số, cán bộ người dân tộc < cán bộ người dân tộc thiểu số... là kết quả của sự phát triển nghĩa theo lối loại suy. Trong cách nói Thời tiền Cách mạng thì cách mạng ở đây đã có thêm một cách thuyết giải khác hoàn toàn so với thời kỳ trước năm 1945. Cách mạng ở đây phải được hiểu là Cách mạng tháng Tám. Nghĩa “Phương châm và biện pháp quân sự có tính chất toàn cục, được vận dụng trong suốt cuộc chiến tranh nhằm thực hiện mục đích quân sự, chính trị, kinh tế nhất định” và nghĩa “Bộ phận chủ đạo của nghệ thuật quân sự, nghiên cứu quy luật, phương pháp chuẩn bị và tiến hành các hoạt động quân sự có tính chất toàn cục trong chiến tranh và trong khởi nghĩa” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 2003) của biểu thức ngôn ngữ chiến lược (từ chuyên môn dùng trong quân sự) trong các cách nói Chiến lược của chiến tranh nhân dân < Chiến lược quân sự của chiến tranh nhân dân, Chiến lược đánh lâu dài < Chiến lược quân sự đánh lâu dài và Nguyễn Huệ là một thiên tài về chiến lược < Nguyễn Huệ là một thiên tài về chiến lược cũng là kết quả của sự phát triển nghĩa theo lối loại suy từ biểu thức ngôn ngữ có dạng đầy đủ hơn là chiến lược quân sự.Cách miêu tả nghĩa, cách trình bày các thông tin trong một từ đầu mục ở Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) hoàn toàn ủng hộ lập luận này.
Từ tô với nghĩa “bát to dùng để chứa đựng thức ăn” là sự rút ngắn của bát ô tô < bát Cô Tô (bát được sản xuất ở Cô Tô Trung Quốc) cũng là trường hợp phát triển do loại suy rút gọn.
Những trường hợp như ủy ban (ủy ban nhân dân), hội đồng (hội đồng nhân dân),nâu (cà phê nâu), đen (cà phê đen),...cũng chính là những đơn vị từ vựng có nghĩa mới được tạo ra qua con đường loại suy kết hợp. Những trường hợp như tú <tú tài, cử <cử nhân, đặc công <đặc biệt +công tác,… không phải là phát triển theo lối loại suy kết hợp.
4.2. Trường hợp loại suy thứ hai xảy ra với các yếu tố ngôn ngữ độc lập, mà giữa chúng có tồn tại mối quan hệ tương liên về mặt ngữ nghĩa. Tính tương liên về nghĩa này được xác định qua cảm thức ngôn ngữ học của người bản ngữ, và nó luôn được xác định theo từng nhóm từ một. Những từ có các nghĩa tương liên với nhau thường được xếp vào trong những nhóm từ nhất định, tùy theo từng tiêu chí được đưa ra xem xét. Nghĩa cơ bản, nghĩa gốc của từ thường được xem là tiêu chí để xét xem từ này có tương liên ngữ nghĩa với từ kia hay không. Những nhóm biến tố hay nhóm phái sinh, nhóm quan hệ trong các ngôn ngữ biến hình đều nằm trong khuôn khổ xem xét của loại phát triển nghĩa này. Nhóm từ tương liên có thể là một nhóm từ đồng nghĩa, có thể là một nhóm từ trái nghĩa, nghịch nghĩa, v.v. Các trường nghĩa, các trường khái niệm cũng có thể được xem xét, nếu hiểu khái niệm phát triển nghĩa theo loại suy tương liên ở nghĩa rộng.
Biến đổi phát triển theo hướng loại suy tương liên được hiểu với nghĩa giữa các biểu thức ngôn ngữ có liên quan người ta tìm thấy những mối quan hệ tương liên nhất định về mặt ngữ nghĩa, dù ở bất kỳ góc nhìn nào. Cảm thức ngôn ngữ của người bản ngữ để xác lập tính tương liên ngữ nghĩa giữa các biểu thức ngôn ngữ nằm ở hai điểm căn bản, xét từ mặt bản thể. Đó là tính không phân lập (non-discreteness) của nghĩa, và tính bất bình đẳng (non-equality) trong cấu trúc nghĩa. Điều này được ủng hộ mạnh mẽ từ những nghiên cứu gần đây đứng từ quan điểm điển mẫu trong lý thuyết tri nhận. Tính không phân lập của nghĩa cho thấy sự không tồn tại một cách rạch ròi giữa các nghĩa, giữa các chỉ vật mà nghĩa biểu thị, do đó, nó cho phép chủ thể dụng ngôn hoàn toàn linh hoạt trong lựa chọn những từ ngữ gần nghĩa, cận nghĩa, thậm chí là trái nghĩa để biểu thị điều mình muốn nói. Tính bất bình đẳng của các nghĩa, các nét nghĩa trong cấu trúc của nghĩa cho thấy tính khả biến về mặt vị trí và vai trò của từng nghĩa, từng nét nghĩa trong các hoàn cảnh dụng ngôn khác nhau, và do đó, cho phép chủ thể dụng ngôn có thể linh hoạt trong cách tạo sinh và thẩm nhận nghĩa sao cho giảm thiểu những sai biệt về sự thuyết giải giữa việc tạo nghĩa và việc giải nghĩa. Cả hai tính chất này đều là những yếu tố cho phép nghĩa từ có thể biến đổi phát triển.
Nghĩa [thay đổi hoặc làm thay đổi, một cách từ từ, từ trạng thái A sang trạng thái B, mà không gây ra biến động lớn, để đạt một mục đích cao hơn] của từ chuyển dịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển dịch từ cây lúa sang sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn được phát triển theo lối tương liên so với nghĩa [thay đổi, một cách từ từ, từ trạng thái A sang trạng thái B, theo chiều hướng có lợi] của từ chuyển đổi trong cách dùngchuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Phát triển nghĩa theo hướng loại suy tương liên ở một từ này hoàn toàn có thể kéo theo sự phát triển nghĩa ở một từ khác, miễn rằng từ khác này là có sự tương liên về mặt ngữ nghĩa với từ vừa có nghĩa biến đổi phát triển kia. Sự phát triển này cho phép ngôn ngữ tự lấp đầy các ô trống từ vựng của mình theo hướng hoàn thiện từ hệ thống con để tiến tới sự hoàn thiện ở toàn bộ hệ thống. Ví dụ như, khi nghĩa “hơn hẳn về mặt chất lượng, hoặc trình độ, xét về mặt định tính” của từ cao trong các cách nói sinh viên chất lượng cao, hàng chất lượng caođược hình thành, thì đồng thời nó cũng kéo theo sự hình thành nghĩa “kém hơn hẳn về mặt chất lượng, hoặc trình độ, xét về mặt định tính” của từ thấp.
Phát triển nghĩa theo lối loại suy tương liên này thường đi kèm với sự cấu tạo nhóm trong hệ thống từ vựng của ngôn ngữ, nghĩa là việc tạo thêm các đơn vị từ vựng mới dựa trên nguyên tắc ghép.
4.3. Trường hợp loại suy thứ ba xảy ra với các yếu tố độc lập, mà giữa chúng có tồn tại mối quan hệ tương đồng với nhau về mặt ngữ âm. Ví dụ như trường hợp chuồn: Từ chuồntrong tiếng Việt có nghĩa gốc “bỏ đi nới khác một cách lén lút, một cách lặng lẽ” trong câu nói Kẻ gian đã chuồn mất; sau này từ chuồn mang thêm nghĩa với nghĩa “bỏ, không tiếp tục tham gia nữa”, nghĩa này rất có thể là kết quả của quá trình phát triển nghĩa loại suy từ một từ tiếng Anh mà học sinh của ta thường nói p-lây chuồn (trốn học, bỏ học nửa buổi, giữa chừng); trong tiếng Anh có từ truant /tru:«nt/ (đọc giống chuồn của tiếng Việt) với nghĩa “bỏ trốn; thường dùng cho học sinh khi trốn học”. Từ exposition trong tiếng Anh có nghĩa gốc là “bày, phơi, bày ra, phơi ra” được sử dụng với nghĩa exhibition (triển lãm), nghĩa này là một nghĩa được mượn từ tiếng Pháp trong từ exposition (triển lãm).
Từ phong phanh của tiếng Việt ngoài nghĩa gốc, nghĩa ban đầu “(Quần áo mặc) mỏng manh và ít, không đủ ấm” (Rét thế mà chỉ mặc phong phanh mỗi chiếc áo sơ mi) đã có thêm nghĩa “(Tin tức) thoáng nghe được, thoáng biết được, chưa lấy gì làm chắc chắn” (Nghe phong phanh) như từ phong thanh, vì rằng giữa phong phanh và phong thanh có sự gần gũi với nhau về mặt âm thanh, từ đó chúng cho phép người sử dụng ngôn ngữ trong khi nói năng có thể có sự liên tưởng nhất định nào đó về mặt ngữ âm. Trong trường hợp này người ta không thể tìm thấy được một nguyên cớ biến đổi phát triển nghĩa nào nằm ngay trong nội tại của từ phong phanh, cụ thể là không tìm được tính lý do giữa nghĩa thứ nhất và nghĩa thứ hai, mà chỉ có thể tìm thấy được tính nguyên nhân của sự biến đổi phát triển khi đặt từ phong phanh trong thế liên hệ về mặt ngữ âm với từ phong thanh. Đây chính là sự giao thoa liên tưởng ngữ âm (phonetic associative interference).
Giao thoa liên tưởng ngữ âm khác nhiều so với các nhóm loại suy khác. Loại suy kết hợp và loại suy tương liên chủ yếu chịu sự quy định của các tương đồng ngữ nghĩa, còn sự giống nhau về mặt ngữ âm lại đóng vai trò thứ yếu. Giao thoa liên tưởng ngữ âm được dựa trên sự tương đồng về mặt ngữ âm, dẫu rằng vẫn có một số trường hợp giống nhau về mặt ngữ nghĩa, hoặc ít ra cũng có chút ít liên hệ. Sự tồn tại của nhóm từ, xét theo các tiêu chí ngữ nghĩa, là điều kiện cho phép diễn ra loại suy tương liên và loại suy kết hợp, và chúng chủ yếu chịu sự tác động từ phía người nói, người sử dụng từ ngữ theo một nghĩa mới, và phía người nghe buộc phải hiểu lấy cách sử dụng từ ngữ mới này. Giao thoa liên tưởng ngữ âm có thể diễn ra trong nội bộ một nhóm từ hoặc có thể diễn ra giữa các từ không cùng là thành viên của một nhóm, sự giống nhau về mặt ngữ âm chính là một yếu tố quan trọng cho sự liên kết giữa các từ khác nhóm hoặc trong nhóm lại với nhau thông qua cảm thức của người bản ngữ. Một giao thao liên tưởng ngữ âm chỉ thành công, rồi từ đó cho phép xuất hiện sự biến đổi phát triển nghĩa, khi sự liên tưởng ngữ âm phải được cả phía người nói lẫn phía người nghe đồng thuận, và coi đó là thuận lợi và tiết kiệm cho việc giao tiếp.
Nguyên nhân của giao thoa liên tưởng ngữ âm chủ yếu là do chủ thể sử dụng ngôn ngữ không nắm bắt tốt cả âm và nghĩa của từ, hoặc không nắm bắt tốt các chỉ vật (referent) của từ. Nói cách khác, sự giao thoa liên tưởng ngữ âm có được là do sự tương đồng về mặt ngữ âm giữa các yếu tố ngôn ngữ, qua đó dễ dàng đưa đến một sự biến đổi phát triển nghĩa theo lối xuất hiện sự liên tưởng từ một từ hay một yếu tố mà chủ thể ngôn ngữ chưa nắm rõ về nghĩa đến một từ hay một yếu tố đã được chủ thể nắm rõ về nghĩa để từ đó có thể tạo ra một cách hiểu, một nghĩa mới cho từ hay một yếu tố ngôn ngữ chưa được nắm rõ. Những từ ngữ có nghĩa và có các chỉ vật được người sử dụng ngôn ngữ nắm rõ này thường là những từ có tần số xuất hiện cao, biểu thị những đối tượng cụ thể gần gũi, thuộc vốn từ vựng tích cực, cho nên, nó dễ dàng tạo cho người sử dụng ngôn ngữ một mối liên tưởng giữa từ đó với từ mà anh ta chưa nắm rõ về chỉ vật, và theo đó anh ta sẽ gán cho cái từ chưa được nắm rõ kia một nghĩa mới, hoặc một chỉ vật mới vốn dĩ là nghĩa và là chỉ vật của từ đã được anh ta nắm rõ.
5. Hai trường hợp cuối này có thể xảy ra trong nội bộ một ngôn ngữ, cũng có thể xảy ra giữa hai ngôn ngữ có mối quan hệ tiếp xúc với nhau. Trường hợp loại suy xảy ra trong nội một ngôn ngữ thường được một số người gọi là hiện tượng lây nghĩa. Trường hợp loại suy xảy ra giữa hai ngôn ngữ có liên quan thường được gọi là sự mượn nghĩa. Trường hợp mượn nghĩa rất dễ thấy trong các từ ngữ có nghĩa mới xuất hiện gần đây do sự tiếp xúc ngôn ngữ. Trường hợp xâm nhập của từ địa phương vào ngôn ngữ toàn dân làm cho từ của ngôn ngữ toàn dân vốn có mối tương liên ngữ nghĩa với từ địa phương phát triển thêm nghĩa mới cũng có thể được coi là phát triển theo lối loại suy. Phát triển nghĩa theo lối loại suy thường là kết quả của các quá trình tương tác tiếp xúc giữa các ngôn ngữ hay phương ngữ với nhau.
6. Loại suy, xét từ mặt lô gích, là một trong ba phép tư duy quan trọng căn bản của con người. Với ngôn ngữ cũng vậy. Loại suy có một vai trò vô cùng quan trọng cho sự hành chức của ngôn ngữ cũng như sự bảo đảm về tính hệ thống và tính cấp độ của bản thân hệ thống – cấu trúc của ngôn ngữ. Chính vì thế mà trong một số ngôn ngữ, tỷ dụ như trong tiếng Đức, người ta còn gọi loại suy là “hệ thống hóa” hoặc “khuynh hướng cấp độ hóa”. Loại suy chính là một nền tảng căn bản cho ngữ năng của người bản ngữ, một công cụ đa năng trong sự sáng tạo ngôn ngữ của người nói, cho phép ngôn ngữ cố kết chặt chẽ với nhau nhờ sự hệ thống hóa liên tục bất kể chuyện sự hệ thống hóa này có đem lại sự cách tân trong ngôn ngữ hay không. Tuy nhiên, xét từ quan điểm của cấu trúc luận, dẫu rằng loại suy có vai trò lớn như vậy trong hoạt động và hệ thống của ngôn ngữ, nhưng việc vận dụng một cách thái quá nguyên tắc loại suy khi sử dụng ngôn ngữ có thể dẫn đến vi phạm hai nguyên lý: tránh đồng âm(homonymiphobia) và tránh đa nghĩa (polysemiphobia) của ngôn ngữ. Phạm Văn Lam
Tài liệu tham khảo
1. A. Arlotto, Introduction to historical linguistics, Hougiton Mifflin Company, 1972.
2. R. E. Asher (ed.), The enclyclopedia of language and linguistics, Pergamon press, 1994.
3. Đỗ Hữu Châu, Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb GD, H., 1999.
4. D. Alan, Cruse, A glossary of semantics and pragmatics, Edinburgh University Press, 2006.
5. D. Geeraerts, Diachronic prototype semantics, A contribution to historical lexicology, Clarendon Press, 1997.
6. F. W. Householder, Kyriolexia and language change, Language, Vol. 59, No. 1, 1983.
7. Coleman P. Kay, Prototype semantics: The Ennglish word lie, L. Language, vol. 57, no. 1, 1981.
8. F. Lichtenberk, Semantic change and heterosemy in grammaticalization,Language, Vol. 67, No. 3, 1991.
9. Phạm Văn Lam, Hướng tới một sự phân loại các lớp biến đổi nghĩa, BCKH tại Ngữ học trẻ, 2007.
10. R. E. MacLaury, Social and cognitice motivation of change: measuring variability in color semantics, Language, Vol. 67, N. 1, 1991.
11. Kirten Malmkjar (ed.), The linguistics encyclopedia, Routledge, 2002.
12. A. J. Naro, The social and structrural demensions of a syntactic change,Language, Vol. 57, No. 1, 1981.
13. G. Stern, Meaning and change of meaning, with spfcial reference to the English language, Bipomington Indiana University Press, 1931.
14. E. Sweeter, From etymology to pragmatics, Cambidge University Press, 1991.
15. E. C. Traugott, On the rise of epistemic meanings in English: An example of subjectification in semantic change, Language, vol. 65, No.1, 1989.
16. Nguyễn Văn Tu, Từ vựng học tiếng Việt hiện đại, Nxb GD, H.,1968.
17. S. Ullmann, Semantics, an introduction to the science of meaning, Barnes & Noble, 1962.