Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 59/CP ngày 14 tháng 05 năm 1968 của Hội đồng Chính phủ. Viện được thành lập trên cơ sở Tổ Ngôn ngữ học thuộc Viện Văn học (do cố giáo sư Hoàng Phê phụ trách) và Tổ Thuật ngữ khoa học trực thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước (do cố giáo sư Lê Khả Kế phụ trách). Đến tháng 05 năm 2013, Viện Ngôn ngữ học đã có 45 năm trưởng thành và phát triển. Hướng tới chào mừng sự kiện quan trọng này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS. TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 5/ 2013) giới thiệu về những mốc lịch sử quan trọng và những thành tựu cơ bản mà Viện Ngôn ngữ học đã đạt được qua các chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển, đồng thời đưa ra những định hướng có tính chiến lược cho sự phát triển của Viện trong tương lai.
1. Những thành tựu trong quá khứ
Bốn mươi lăm năm trước, ngày 14/5/1968, theo Nghị định số 59/CP của Hội đồng Chính phủ, Viện Ngôn ngữ học đã được thành lập trên cơ sở kết hợp Tổ Ngôn ngữ học thuộc Viện Văn học (do Giáo sư Hoàng Phê phụ trách) và Tổ Thuật ngữ khoa học trực thuộc Uỷ ban Khoa học Nhà nước (do Giáo sư Lê Khả Kế phụ trách).
Từ khởi đầu với một số rất ít cán bộ cốt cán, trong suốt 45 năm trưởng thành và phát triển, Viện Ngôn ngữ học đã trở thành một cơ sở nghiên cứu và đào tạo ngôn ngữ học hàng đầu của cả nước, với tên tuổi những nhà ngôn ngữ học được kính trọng qua nhiều thế hệ: Nguyễn Kim Thản, Hoàng Tuệ, Hoàng Phê, Lê Khả Kế, Lưu Vân Lăng, Hoàng Văn Hành… Ngày nay, tên tuổi của các nhà ngôn ngữ học thế hệ “khai viện công thần” đó của Viện Ngôn ngữ học vẫn thường xuyên được nhắc đến trong các giờ giảng dạy ngôn ngữ học, trong các cuộc bảo vệ luận văn, luận án, trong trích dẫn trang trọng của các công trình Việt ngữ được viết bởi các học giả người Việt và cả người nước ngoài. Không nghi ngờ gì nữa, Viện Ngôn ngữ học đã là thánh đường khoa học trang nghiêm trong tâm tưởng nhiều thế hệ nghiên cứu ngôn ngữ học Việt Nam suốt mấy chục năm qua.
Viện Ngôn ngữ học đã không ngừng phấn đấu để hoàn thành những nhiệm vụ khoa học cao quí mà Đảng và Nhà nước đã tin cậy giao phó, như đã được khẳng định trang trọng trong Quy chế về chức năng và nhiệm vụ của Viện Ngôn ngữ học. Đó là nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lí luận ngôn ngữ học và ứng dụng vào việc nghiên cứu tiếng Việt, các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, các ngôn ngữ trong khu vực và trên thế giới; cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước; ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học vào đời sống thực tiễn xã hội; tổ chức tư vấn và tham gia đào tạo sau đại học về ngôn ngữ học, góp phần phát triển nguồn nhân lực của cả nước.
Những thành tựu khoa học của Viện Ngôn ngữ học đã lưu dấu ấn trong tất cả các lĩnh vực: nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt và biên soạn từ điển; nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt; nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt; nghiên cứu lịch sử tiếng Việt; nghiên cứu tiếng Việt trong phối cảnh văn hoá - xã hội đặc thù của Việt Nam; nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam… Sau đây là những nét khái quát nhất về những thành tựu to lớn mà các cán bộ nghiên cứu của Viện đã đạt được trong những lĩnh vực nghiên cứu kể trên:
a) Về nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt
Bên cạnh những nghiên cứu về âm vị học rất cơ bản, Viện Ngôn ngữ học còn được cả nước biết đến như là nơi có chuyên ngành ngữ âm học thực nghiệm rất mạnh. Với những phương tiện kĩ thuật khá hiện đại của một thời, Viện đã có những nghiên cứu thực nghiệm để làm sáng tỏ những vấn đề lí thuyết về ngữ âm - âm vị học của một ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính điển hình như tiếng Việt, đồng thời tham gia tích cực vào việc nghiên cứu ngữ âm bệnh học, phân tích và tổng hợp lời nói, nhận dạng lời nói …
Các nhà nghiên cứu ngữ âm của Viện cũng có nhiều công trình nghiên cứu về chuẩn phát âm, điều tra ngữ âm các phương ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
b) Về nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa và biên soạn từ điển
Viện đã xuất phát từ lí luận từ vựng - ngữ nghĩa đại cương, tiếp thu kinh nghiệm của Đông phương học Nga, chú trọng đến những đặc trưng riêng của tiếng Việt để làm rõ những đặc điểm của từ ngữ tiếng Việt, thể hiện ở các mặt hình thái, cấu trúc của từ. Các nhà nghiên cứu của Viện Ngôn ngữ học đã có hàng loạt bài báo và công trình góp phần làm rõ đặc trưng của “tiếng” với tư cách là đơn vị cấu tạo từ của tiếng Việt, làm rõ đặc trưng của các kiểu từ tiếng Việt, trong đó từ láy, từ ghép được đặc biệt coi trọng.
Những thành tựu trong nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt của Viện không thể tách rời với những thành tựu trong nghiên cứu về chuẩn hoá và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Hội nghị khoa học toàn quốc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” do Viện tổ chức vào năm 1979 đã thành công rực rỡ. Sự thành công này được chứng thực qua hàng loạt công trình và bài viết về tiếng Việt, chữ Việt, cách dùng từ tiếng Việt được công bố ngay sau đó và kéo dài trong nhiều năm về sau.
Các nhà nghiên cứu từ vựng và ngữ nghĩa có uy tín của Viện như: Hoàng Phê, Hoàng Tuệ, Hoàng Văn Hành… là những người đã tiếp cận được với các lí thuyết ngữ nghĩa học hiện đại, có nhiều công trình và bài viết có giá trị lâu dài về ngữ dụng học, về lôgic trong ngôn ngữ, về tình thái, về các đặc trưng văn hoá-dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt,...
Những vấn đề về thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt cũng là chủ đề thú vị cho nhiều công trình nghiên cứu của Viện, đặc biệt là những từ điển thành ngữ, tục ngữ. Có thể kể đến những công trình quan trọng như: “Kể chuyện thành ngữ tục ngữ” (1990), “Từ điển thành ngữ Việt Nam” (1993), “Từ điển giải thích thành ngữ gốc Hán” (1994), “Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt” (1995) v.v.
Riêng đối với công tác biên soạn từ điển tiếng Việt, từ điển song ngữ, Viện Ngôn ngữ học đã xác lập được một vị trí vững chắc, có thể nói là vị thế hàng đầu ở Việt Nam. Nhờ áp dụng lí luận hiện đại về biên soạn từ điển, nhờ có một kho dữ liệu đồ sộ gồm nhiều triệu phiếu, Viện Ngôn ngữ học đã biên soạn được rất nhiều loại từ điển có giá trị, nổi bật nhất là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên, xuất bản lần đầu năm 1988, được tái bản nhiều lần, và cho đến hiện nay vẫn được coi là cuốn từ điển tường giải tiếng Việt tốt nhất.
Nếu Hoàng Phê là người có công lớn trong biên soạn từ điển tiếng Việt thì Lê Khả Kế là ngọn cờ đầu trong việc tập hợp lực lượng biên soạn các loại từ điển song ngữ (Nga - Việt, Pháp - Việt, Việt - Pháp, Anh - Việt, Việt - Anh,…).
Có thể nói, các công trình từ điển và lí thuyết về từ điển học của Viện Ngôn ngữ học đã thực sự đặt nền móng cho toàn bộ ngành từ điển học Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, các cuốn từ điển nổi tiếng của Viện xứng đáng là “nhịp cầu nối giữa nghiên cứu lí thuyết về từ điển, về từ vựng ngữ nghĩa với thực hành biên soạn từ điển” (Lý Toàn Thắng, 2003). Thành tựu của Viện trong công tác biên soạn từ điển đã góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển và giữ gìn sự trong sáng của của tiếng Việt.
c) Về nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt
Những nhà ngữ pháp của Viện đã xuất phát từ lí thuyết ngữ pháp đại cương và truyền thống Đông phương học Nga để viết cuốn sách nổi tiếng “Ngữ pháp tiếng Việt” (Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam, 1983), được đánh giá là cuốn ngữ pháp tiếng Việt phổ thông tốt nhất. Các công trình khác về động từ, về cấu tạo từ, về loại từ trong tiếng Việt, về đặc điểm loại hình tiếng Việt… cũng đã khẳng định tầm vóc của Viện trong địa hạt nghiên cứu ngữ pháp. Điều đáng nói là trong giai đoạn lí thuyết ngữ pháp trên thế giới có nhiều thay đổi mới mẻ, các nhà nghiên cứu ngữ pháp của Viện đã không ngần ngại tiếp thu và áp dụng những cách tiếp cận mới để nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt. Đó là lí thuyết từ tổ trong nghiên cứu ngữ pháp, lí thuyết phân đoạn thực tại, lí thuyết ngữ pháp chức năng và lí thuyết ngữ pháp tri nhận…
d) Về nghiên cứu lịch sử tiếng Việt
Lịch sử tiếng Việt gắn với lịch sử dân tộc. Những nghiên cứu của Viện về lịch sử tiếng Việt đã góp phần đem lại những hiểu biết sâu sắc về sự phát triển của tiếng Việt trên các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Nghiên cứu lịch sử tiếng Việt cũng là cánh cửa mở vào thế giới của văn hoá Việt, đất nước và con người Việt. Do khó khăn về tư liệu văn bản, việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt buộc phải tiến hành dựa trên tư liệu điều tra ở các phương ngữ, tư liệu về các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và tư liệu ngôn ngữ khu vực. Qua những chuyến nghiên cứu điền dã và tiến hành phục nguyên ngôn ngữ học, những nhà nghiên cứu lịch sử tiếng Việt đã dần dần làm sáng tỏ về nguồn gốc tiếng Việt, quan hệ mang tính lịch sử giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ ở Việt Nam và khu vực. Vấn đề lịch sử chữ Quốc ngữ cũng rất được quan tâm, và chính việc nghiên cứu lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ đã cung cấp những kiến thức chân xác về lịch sử tiếng Việt.
e) Về nghiên cứu tiếng Việt từ góc độ ngôn ngữ học xã hội và ngôn ngữ học ứng dụng
Năm 1945, với “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chủ Tịch, tiếng Việt đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, đảm nhận chức năng làm ngôn ngữ quốc gia của nước Việt Nam độc lập. Tiếng Việt từ đó đã không ngừng biến đổi, phát triển cùng với sự phát triển của xã hội, hình thành những phong cách chức năng phục vụ cho nhu cầu giao tiếp đa dạng của xã hội. Viện Ngôn ngữ học luôn luôn coi trọng việc nghiên cứu chức năng của tiếng Việt trong các mặt của đời sống văn hoá - xã hội. Một loạt vấn đề như chuẩn hoá ngôn ngữ, chuẩn hoá chính tả, vấn đề thuật ngữ, vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, những vấn đề ngôn ngữ học xã hội mang tính vĩ mô (chính sách ngôn ngữ, cảnh huống ngôn ngữ, qui định về cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài…) và vi mô (những biến thể của tiếng Việt trong sử dụng), vấn đề giáo dục tiếng Việt, tiếng Việt trong nhà trường, ngôn ngữ và giới … đã được Viện Ngôn ngữ học xem là trọng tâm, được đầu tư nghiên cứu cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Đặc biệt, dựa trên nhận thức rằng trong giai đoạn phát triển hiện nay, đã đến lúc cần có đạo luật về ngôn ngữ, Viện đã thực hiện một loạt nghiên cứu nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam, thể hiện ở những nhiệm vụ nghiên cứu mang tính trọng điểm sau đây:
+ Nghiên cứu lí luận về lập pháp ngôn ngữ, mối quan hệ giữa lập pháp ngôn ngữ và chính sách ngôn ngữ, kế hoạch hoá ngôn ngữ; nghiên cứu một số bộ luật ngôn ngữ trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam, một quốc gia có nhiều dân tộc.
+ Nghiên cứu các nội dung luật hoá đối với tiếng Việt và đối với các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
+ Nghiên cứu các nội dung luật hoá đối với việc sử dụng tiếng nước ngoài ở Việt Nam.
g) Về nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam luôn luôn được xác định là một trong những ưu tiên nghiên cứu của Viện, nhằm góp phần bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, tham mưu cho những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về ngôn ngữ. Có thể kể một số thành tựu chính trong nhiệm vụ nghiên cứu này như sau:
+ Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
+ Nghiên cứu cơ bản, mang tính lí luận về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (miêu tả đồng đại và lịch đại, nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam từ góc độ loại hình học và ngôn ngữ khu vực).
Xuất phát từ thực tiễn cảnh huống ngôn ngữ đa dân tộc ở Việt Nam, Viện đã nghiên cứu và giải quyết hàng loạt vấn đề về ngôn ngữ dân tộc thiểu số (vấn đề phát triển chức năng ngôn ngữ, vấn đề giáo dục song ngữ, vấn đề bảo tồn các ngôn ngữ có nguy cơ tiêu vong, vấn đề xác định thành phần tộc người, xây dựng chữ viết cho các dân tộc thiểu số…), góp phần đảm bảo ổn định chính trị, phát triển hài hoà mối quan hệ giữa các dân tộc, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững của các cộng đồng dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Những thành tựu nghiên cứu của Viện một phần được công bố dưới dạng những chuyên khảo có giá trị lâu dài, một phần được công bố ở các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, nhưng phần lớn được công bố qua Tạp chí Ngôn ngữ, cơ quan ngôn luận của Viện. Suốt mấy chục năm qua (1969-2013), Tạp chí Ngôn ngữ không ngừng phát triển cùng với sự lớn mạnh của Viện Ngôn ngữ học nói riêng và ngành Ngôn ngữ học Việt Nam nói chung. Tạp chí đã công bố kịp thời những kết quả nghiên cứu mới, giới thiệu những khuynh hướng lí thuyết ngôn ngữ học mới, góp phần xây dựng và hiện đại hoá cơ sở lí thuyết cho nền ngôn ngữ học Việt Nam, làm cơ sở vững chắc để góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, là các thạc sĩ và tiến sĩ ngôn ngữ học, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
2. Hiện tại và tương lai
Hiện nay, ngoài các phòng chức năng (phòng Quản lí Khoa học và Hợp tác quốc tế, Phòng Tổ chức - Hành chính và phòng Thông tin - Thư viện), Viện Ngôn ngữ học có cơ cấu tổ chức gồm 9 phòng và trung tâm nghiên cứu khoa học theo các chuyên ngành của ngôn ngữ học, đó là: Từ vựng học, Ngữ pháp học, Ngữ âm học, Nghiên cứu Ngôn ngữ các Dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Phương ngữ học và Lịch sử tiếng Việt, Ngôn ngữ học xã hội, Ngôn ngữ học ứng dụng, Trung tâm Phục hồi chức năng ngôn ngữ,Trung tâm Phổ biến và Giảng dạy ngôn ngữ;.
Viện Ngôn ngữ học đang tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu có tính “truyền thống” như đã nêu trên đây, tiếp tục khẳng định là trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ học hàng đầu của đất nước. Đó là tiếp tục nghiên cứu cơ bản về ngữ âm, từ vựng-ngữ nghĩa, ngữ pháp và ngữ dụng tiếng Việt, nghiên cứu tiếng Việt từ góc độ ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng, nghiên cứu để giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, nghiên cứu các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, nghiên cứu lập pháp ngôn ngữ và kế hoạch hoá ngôn ngữ, nghiên cứu các ngôn ngữ trong khu vực và trên thế giới …
Tuy nhiên, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những yêu cầu mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, Viện Ngôn ngữ học cần phải có những củng cố, điều chỉnh và những định hướng mới.
Về nghiên cứu ngữ âm học, Viện cần khôi phục và phát triển những nghiên cứu ngữ âm học thực nghiệm, vốn một thời đã góp phần tạo nên danh tiếng của Viện. Trong hướng nghiên cứu thực nghiệm, cần chú trọng đến những nghiên cứu ngôn ngữ học hình pháp trong việc nhận diện giọng nói (forensic speaker identification), mở ra những ứng dụng hợp tác rộng rãi, phục vụ việc giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.
Về nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa học, Viện cần khôi phục lại truyền thống làm từ điển tiếng Việt và từ điển song ngữ, vốn là thế mạnh của Viện trong một thời gian dài. Hiện nay Viện đang giữ bản quyền một số cuốn từ điển nổi tiếng, tuy nhiên, để phục vụ xã hội tốt hơn nữa, cần phải có kế hoạch để hàng năm bổ sung những từ ngữ mới, những nghĩa mới.
Nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa cũng cần phải cập nhật những lí thuyết mới về ngữ nghĩa, đặc biệt nghiên cứu ngữ nghĩa theo hướng ngôn ngữ học tri nhận, trong đó nổi lên quá trình phát triển ngữ nghĩa theo những phạm trù xuyên tâm (radiality categories), ẩn dụ và hoán dụ ý niệm, cũng như quan điểm khẳng định sự gắn bó chặt chẽ giữa từ vựng và ngữ pháp.
Về nghiên cứu ngữ pháp, cần hội nhập sâu hơn với thế giới. Khoảng 20 năm gần đây, đã xuất hiện rất nhiều lí thuyết ngữ pháp mới nhưng có lẽ Viện chưa bắt nhịp kịp với những sự thay đổi ấy. Viện cần phải có những cán bộ nghiên cứu nắm được ngữ pháp tạo sinh của Chomsky, ngữ pháp chức năng với nhiều phiên bản khác nhau (Halliday, Dik, Van Valin), ngữ pháp kết cấu của ngôn ngữ học tri nhận v.v. Đặc biệt, cần có chuyên gia về thụ đắc ngôn ngữ, một trong những vấn đề cực kì quan trọng của ngôn ngữ học hiện đại.
Về nghiên cứu lịch sử và phương ngữ tiếng Việt, cần có những công trình mang tầm cỡ quốc gia. Như đã nói trên đây, nghiên cứu lịch sử tiếng Việt bắt buộc phải dựa trên cứ liệu phương ngữ, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số có quan hệ họ hàng với tiếng Việt và cứ liệu các ngôn ngữ trong khu vực. Vì vậy, cần có những nghiên cứu mang tính phối hợp. Viện cũng cần có những kết nối để khai thác tư liệu ở nước ngoài, phục vụ cho nghiên cứu lịch sử chữ Quốc ngữ, qua đó góp phần làm sáng rõ một số vấn đề về lịch sử tiếng Việt.
Về nghiên cứu tiếng Việt từ góc độ ngôn ngữ học xã hội và ngôn ngữ học ứng dụng, có thể nói chưa bao giờ lại có nhiều vấn đề đặt ra như hiện nay, thách thức người nghiên cứu. Do quá trình đô thị hoá đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, Viện cần tăng cường những nghiên cứu về tác động của các nhân tố xã hội đối với sự biến đổi, đồng nhất và phân hoá ngôn ngữ, trong đó có vấn đề về sự hình thành của ngôn ngữ chuẩn, sự biến đổi đáng lo ngại của ngôn ngữ thế hệ @ trên các mạng xã hội và trong giao tiếp học đường. Viện cần tiếp tục những nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng Luật ngôn ngữ ở Việt Nam, để một bộ luật như vậy sớm được ra đời, có tác dụng hướng dẫn việc sử dụng ngôn ngữ trong các hoạt động đa dạng của xã hội, của nhà nước.
Trong thời đại của công nghệ thông tin, Viện không thể đứng ngoài cuộc cách mạng tin học. Viện cần có những chuyên gia nghiên cứu về xử lí ngôn ngữ tự nhiên, lập ngân hàng dữ liệu và chú giải ngữ pháp (treebank) cho tiếng Việt, xây dựng kho từ vựng tiếng Việt và miêu tả kho từ vựng này theo hướng sử dụng công nghệ thông tin. Muốn vậy, Viện cần có những hợp tác chặt chẽ với các nhà nghiên cứu công nghệ thông tin, những chuyên gia của ngành ngôn ngữ học máy tính.
Viện cần củng cố và mở rộng những nghiên cứu về phục hồi chức năng ngôn ngữ (language therapy), bệnh học ngôn ngữ (speech-language pathology), nghiên cứu ngôn ngữ kí hiệu (sign languages), tăng cường hợp tác với các trung tâm y tế và các cơ sở chuyên môn để đào tạo chuyên gia của Viện về các lĩnh vực này.
Về nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Viện cần duy trì và mở rộng các nghiên cứu đã có, tăng cường hợp tác với các đại học ở miền Trung, ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để có những đề tài/ dự án nghiên cứu phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển ngôn ngữ các dân tộc. Trong nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị xác định thành phần dân tộc, Viện cần hợp tác với Viện Dân tộc, thuộc Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ để có những chương trình điều tra cơ bản các ngôn ngữ dân tộc thiểu số về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, xem đó là tiêu chí quan trọng để xác định tộc người, cùng với các tiêu chí về ý thức tộc người và đặc điểm văn hoá.
Trong suốt mấy chục năm qua, việc xây dựng chữ viết cho những ngôn ngữ dân tộc thiểu số chưa có chữ viết luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Viện. Ngày nay, nhiệm vụ này càng cấp thiết, do nhu cầu triển khai những chương trình giáo dục song ngữ cho con em các dân tộc thiểu số. Để phục vụ giáo dục song ngữ, mà chương trình thí điểm do UNICEF cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện ở Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh đã có những kết quả rất tốt, bên cạnh việc xây dựng chữ viết, Viện còn phải tham gia vào việc làm từ điển, biên soạn giáo trình dạy ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Trong sứ mạng góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam, nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát triển ngôn ngữ dân tộc thiểu số cần được khẳng định như nghiên cứu trọng tâm, mang tính chiến lược của Viện.
3.Thay lời kết
Có thể nói, trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Viện Ngôn ngữ học đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, khẳng định được tên tuổi và vị thế trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Kết hợp nghiên cứu lí thuyết với nghiên cứu thực tiễn, Viện đã góp phần đắc lực cho việc hoạch định chính sách ngôn ngữ của Đảng và Nhà nước. Nghĩ đến Viện Ngôn ngữ học là nghĩ đến nhiều thế hệ nghiên cứu khoa học có uy tín, nghĩ đến những công trình khoa học có giá trị. Thế hệ cán bộ nghiên cứu của Viện hôm nay đang tiếp bước truyền thống vẻ vang đó, không ngừng nâng cao nhận thức chính trị và chuyên môn, mở rộng hợp tác nghiên cứu và đào tạo ngôn ngữ học với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo trong nước và quốc tế, phấn đấu hoàn thành tốt những nhiệm vụ cao cả và quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao phó.
GS.TS Nguyễn Văn Hiệp
(Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lý Toàn Thắng (2003): Viện Ngôn ngữ học, In trong tập “Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia 50 năm xây dựng và phát triển”. H, Nxb Khoa học Xã hội, trang 227-253.
2.Nguyễn Đức Tồn (2013): Viện Ngôn ngữ học 45 năm xây dựng và phát triển (1968-2013), Sẽ in trong tập sách giới thiệu “60 năm xây dựng và phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam”, 2013.
3. Phần viết về Viện Ngôn ngữ học (Việt Nam) ở địa chỉ: http://vi.wikipedia.org/wiki/