VNNH: Giáo sư Nguyễn Phú Phong (1934 - 2007) là một gương mặt quen thuộc trong giới nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ học ở Pháp, ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1973, Giáo sư đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Le syntagme verbal en vietnamien (Ngữ đoạn động từ trong tiếng Việt) dưới sự hướng dẫn của Giáo sư A.G.Haudricourt, một nhà ngôn ngữ học, dân tộc học nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho Việt ngữ học. Năm 1992, Giáo sư đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Quốc gia với đề tài Le syntagme nominal en vietnamien - les classificateurs et les déictiques (Danh ngữ trong tiếng Việt - Các loại từ và các chỉ thị từ) dưới sự hướng dẫn của Giáo sư A. Culioli, nhà ngôn ngữ học đại diện cho trường phái ngôn ngữ học hình thức Pháp. Chính vì thế, các công trình nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Phú Phong ít nhiều đều chịu ảnh hưởng từ hai nhà ngôn ngữ học nổi tiếng này. Sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của Giáo sư Nguyễn Phú Phong gắn bó trọn vẹn với ngành ngôn ngữ học của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp của Đại học Paris VII suốt từ những ngày đầu thành lập Ban Việt học (1970) cho đến lúc Giáo sư được nghỉ hưu (2000). Cho đến lúc mất, năm 2007, Giáo sư Nguyễn Phú Phong đã công bố bảy cuốn sách và hàng chục bài báo khoa học về ngôn ngữ học. Do sống và làm việc ở nước ngoài, cho nên Giáo sư có điều kiện tiếp xúc với nhiều tư liệu quý hiếm mà các nhà nghiên cứu trong nước khó có thể tiếp cận. Cuốn sách Việt Nam, Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội là cuốn sách cuối cùng của Giáo sư Nguyễn Phú Phong. Cuốn sách này là một cuốn sách quý, có nhiều tư liệu và phát hiện mới, nhưng, rất tiếc, nó lại được ít người biết đến. Nhận thấy giá trị lớn lao của cuốn sách, chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Phần I. Nhập đề
Nước Việt Nam là nước duy nhất trong vùng Đông Nam Á có chữ viết dùng cho tiếng nói của dân tộc mình xây dựng bằng những chữ cái La Tinh. Hệ thống chữ viết này được gọi là chữ quốc ngữ đang hiện hành để phân biệt với chữ nôm, một chữ viết khác của tiếng Việt tạo nên theo mẫu Hán tự, hiện không còn dùng tới.
Cuốn sách này nhắm mô tả sự hình thành của hai thứ chữ viết nói trên, những đặc điểm của chúng và đặt một cái nhìn đối chiếu giữa hai thứ chữ viết.
Sự phát minh ra chữ quốc ngữ, viếc áp dụng nó như chữ viết chính thức của tiếng Việt, quỹ đạo và số phận của nó gắn liền với tiếng nói mà nó ghi viết qua các giai đoạn thăng trầm, chống đối và hoan nghênh, sẽ được đề cập đến khá chi tiết.
Cuốn sách dành một phần lớn cho tiếng nói của sử liệu, cho ý kiến và lời phát biểu của những tác nhân lịch sử trong chính sách ngôn ngữ, trong những phong trào cải cách, suốt 80 năm pháp thuộc, 1859-1945.
Sách gồm hai phần:
Phần I đặt trọng tâm vào mặt kỹ thuật chữ viết, nghiên cứu tiếng Việt và những cuộc tranh luận chung quanh chữ quốc ngữ.
Phần II hướng về các đề tài như chữ viết và ngôn ngữ, chữ viết và văn học, chữ viết và giáo dục.
Đề cuốn sách Chữ viết, Ngôn ngữ và Xã hội là đề tài mà chúng tôi đưa ra nghiên cứu và thảo luận cho sinh viên Cao học, Ban Việt học, Đại học Paris 7, trong các niên khóa 1997, 1998. Có chương, như chương 1 về Cái nhìn đối chiếu giữa hai chữ viết tiếng Việt đã đăng trong tạp chíNgôn Ngữ, Hà Nội, số 13, 2001; và bằng Pháp ngữ trong Cahiers d’Etudes Vietnamiennes, No 15, 2001, 1-22, Université Paris 7, dưới tựa đề Regard comparatif sur les deux écritures vietnamiennes.
Dự tính khai triển đề tài và soạn thảo cuốn sách này nảy sinh ra từ năm 1975-76 nhân dịp Giáo sư De Francis bắt liên lạc với tôi để đọc và tham khảo ý kiến về bản thảo cuốn sách của ông, xuất bản năm 1977, Colonialism and Language Policy in Vietnam (Thuộc địa và Chính sách Ngôn ngữ ở Việt Nam ), The Hague-Paris, New York.
Trong quá trình viết sách này, chúng tôi đã khai thác bài của A-G. Haudricourt, Origines des particularités de l’alphabet vietnamien (Nguồn gốc những đặc điểm của các mẫu tự tiếng Việt). Nhân đây tôi xin tỏ lời tri ân tới Haudricourt (1911-1996), nhà bác học đa khoa, ngôn ngữ học, dân tộc học và thực vật học; và cũng là người Thầy và người Bạn đã dẫn dắt chúng tôi trong việc học tập và nghiên cứu.
Thời kỳ cộng cư của chữ nôm và chữ quốc ngữ bắt đầu từ giữa thế kỷ 17, khi chữ viết theo mẫu tự La Tinh mới xuất hiện, cho đến cuối thế kỷ 19, khi Việt Nam đã bị đặt dưới quyền bảo hộ của Pháp.
Phần I nhằm khai triển những điểm sau đây:
- Chương 1 : Cái nhìn đối chiếu giữa hai chữ viết, Nôm và Guốc ngữ. Chương này nhắm vào kỹ thuật cấu tạo chữ nôm và chữ quốc ngữ.
- Chương 2 : Tình hình nghiên cứu tiếng Việt trước Pháp thuộc qua tập An Nam Dịch Ngữ đời Minh và qua ba cuốn từ điển : của Alexandre de Rhodes thế kỷ 17; của Pierre Pigneaux thế kỷ 18; và của Jean Louis Taberd thế kỷ 19.
- Chương 3 : Tranh luận về việc áp dụng chữ quốc ngữ để viết Việt thông qua quan điểm của một số quan chức cao cấp trong bộ máy chính quyền thuộc địa Pháp.
GS. Nguyễn Phú Phong