Để góp phần vào bình đẳng giới hãy tạo sự bình đẳng trong lời ăn tiếng nói
GS.TS Nguyễn Văn Khang
3. Kế hoạch hoá ngôn ngữ chống thiên kiến đối với nữ giới để góp phần tạo sự bình đẳng về giới
3.1. Nhận thấy sự thiên kiến đối với nữ giới đã được phản ánh trong ngôn ngữ từ bình diện cấu trúc hệ thống như ngữ âm (cách phát âm), hình thái trúc (cấu tạo từ) đến việc sử dụng giao tiếp,...người ta đã nghĩ đến rằng, phải chăng muốn tạo sự bình đẳng nam nữ trong gia đình và xã hội thì phải tạo sự bình đẳng ngay trong ngôn ngữ bằng cách làm cho không xuất hiện những biểu hiện trong ngôn ngữ về coi thường nữ giới. Làm được điều này sẽ góp phần vào một trong những vấn đề mà loài người đã và đang đấu tranh cho một xã hội bình đẳng trên nhiều phương diện trong đó có quyền bình đẳng nam nữ. Đây chính là lí do giải thích vì sao, việc loại trừ biểu hiện sự thiên kiến đối với giới tính nữ ở trong ngôn ngữ đã nhanh chóng trở thành một nội dung của kế hoạch hoá ngôn ngữ với các tên gọi: “cải cách ngôn ngữ theo hướng bình đẳng cho nữ giới” (feminist language reform), “cải cách để có ngôn ngữ không mang tính kì thị giới tính” (non-sexist language reform), “sự can thiệp vào ngôn ngữ theo hướng bình đẳng cho nữ giới” (feminist linguistic intervention), “cải cách đối với ngôn ngữ kì thị giới tính” (sexist language reform), “kế hoạch hoá ngôn ngữ theo hướng bình đẳng cho nữ giới” (feminist language planning); “chính sách ngôn ngữ theo hướng đòi quyền bình đẳng cho nữ giới (feminist language policy)”; “cải cách đối với ngôn ngữ thiên kiến về giống” (reform of gender-biased language); v.v...
3.2. Cho đến nay, có hai cách kế hoạch hoá ngôn ngữ theo hướng đòi quyền bình đẳng cho nữ giới, đó là "cải biến" và "tạo mới".
Cải biến là thay đổi những dấu ấn về kì thị giới tính trong ngôn ngữ. Ví dụ, trong tiếng Anh cần thay đổi yếu tố man với tư cách là yếu ttố cấu tạo từ bằng yếu tố khác trong từ women và các từ chỉ nghề nghiệp (như thay man bằng person); trong tiếng Việt không dùng yếu tố nữ trước các từ chỉ nghề nghiệp. Nói cách khác, “cải biến” và “tạo mới” là cố gắng thay đổi những hình thức mang tính coi thường nữ giới sang hình thức bình đẳng về giới. Đó là: “ngôn ngữ không kì thị giới tính” (non-sexist language), “ngôn ngữ bao gộp về giống” (gender-inclusive language), “ngôn ngữ trung tính về giống” (gender-neutral language), “ngôn ngữ bình đẳng về giới tính” (sex-fair language), “sự bình đẳng giới tính trong ngôn ngữ” (linguistic equality of the sexes), “ngôn ngữ không phân biệt đối xử” (non-discriminatory language), “ngôn ngữ tích cực” (positive language), “ngôn ngữ không thiên kiến” (bias-free language), v.v...Dưới đay là một số dẫn chứng cụ thể.
Điển hình cho cho cuộc cách mạng về giới trong ngôn ngữ là phong trào nữ quyền vào những năm 60 của thế kỉ XX. Mũi nhọn tập trung vào yếu tố man với tư cách là yếu tố cấu tạo từ trong các từ chỉ phụ nữ cũng như trong các danh từ nghề nghiệp chức vụ: phải thay yếu tố man bằng các yếu tố khác. Từ đây, đã khơi gợi ý thức chống kì thị nữ giới trong ngôn ngữ, đồng thời đưa ra định hướng và cách thức loại bỏ yếu tố man. Chẳng hạn, vào năm 1975, ở Mỹ đã đưa ra đạo luật chống kì thị (Discrimination Act), nhờ đó mà đến nay đã có những thay đổi đáng kể trong một số từ vốn có yếu tố man. Ví
dụ, so sánh:
chairman=chairperson; saleman=saleperson ; congressman=congressperson ; mailman=postalworker; fireman= fire fighter; polisman= public safety officer;..
Cùng với đó là sự xuất hiện “sự bình đẳng về giới trong một số từ”. Ví dụ: statesmen và stateswomen; congressman và congresswomen; sportman và sportwomen; ...
Để tạo sự bình đẳng trong sử dụng hai đại từ he và she, một số tác giả đề nghị sử dụng theo kiểu “luân chuyển” các đại từ chỉ nam và nữ hoặc “sử dụng cả hai đại từ và thay đổi trật tự của chúng”, “sử dụng những danh từ cụ thể và không giống”, v.v... Ví dụ:
(1)
- The baby tries to put everything he finds in his mouth.
- The baby tries to put everything she finds in her mouth.
(2)
- A worker with minor children should make sure his will is up to date.
- A worker with minor children should make sure her or his will is up to date.
Như vậy, có thể thấy, mục đích của kế hoạch hoá ngôn ngữ theo hướng đòi quyền bình đẳng cho nữ giới là làm giảm dần sự coi thường nữ giới trong ngôn ngữ thông qua việc loại trừ những thói quen sử dụng ngôn ngữ có mang yếu tố thiên kiến về giới. Cùng với việc thay đổi thói quen là tạo ra những cách diễn đạt mới tránh được những thiên kiến về giống. Trở lại vấn đề tên gọi các cơn bão cũng có thể minh chứng cho điều này. Theo một thông báo về tên gọi các cơn bão thì "việc đặt tên cơn bão bằng tên của phụ nữ đã chấm dứt vào năm 1978 khi cả tên của nữ và nam đều được sử dụng trong danh sách các cơn bão vùng phía đông của Bắc Đại Tây Dương. Năm 1979, tên của cả nam và nữ được sử dụng trong danh sách các cơn bão ở vùng biển Đại Tây Dương và Mêhicô". Cũng vậy, các cơn bão ở vùng ở Thái Bình Dương cũng bắt đầu đặt bằng tên của nam giới từ năm 1979. Từ ngày mồng 1 tháng 1 năm 2000, các cơn bão ở Tây bắc Thái Bình Dương được đặt tên mới là tên của châu Á. Những cái tên mới này có điểm khác biệt cơ bản so với tất cả các tên gốc khác của các cơn bão là, thay vì sử dụng tên cử phụ nữ là tên của các thú vật, chim muông, thậm chí tên gọi của các loại thực phẩm.
3.3. Có một câu hỏi đặt ra là, ai làm kế hoạch hoá ngôn ngữ để chống lại và xoá bỏ sự biểu hiện coi thường nữ giới và tạo sự bình đẳng về giới trong ngôn ngữ? Theo lí thuyết kế hoạch hoá ngôn ngữ thì tất cả mọi người sử dụng ngôn ngữ đều có thể tham gia công việc này và có thể tiến hành ở mọi lúc mọi nơi kể cả lúc “trà dư tửu hậu”. Tuy nhiên, đóng vai trò quan trọng và có thể mang lại hiệu quả nhất, không ai khác là Nhà nước của mỗi quốc gia-người “vừa có quyền vừa có tiền”. Nhà nước ở đây cần được hiểu với nghĩa rộng, như cơ quan, tổ chức được nhà nước trao quyền. Ví dụ, một số cơ quan của một số quốc gia đã được giao nhiệm vụ “loại trừ sự sự kì thị giới tính trong những danh hiệu chỉ nghề nghiệp hoặc việc làm”: US Department of Labor (Bộ Lao động Hoa Kì), Manpower Administration’ (1975; Uỷ ban Nhân lực Hoa Kì ); Deutscher Stadtetag (1986; Hội đồng các thành phố Đức); Commission de féminisation des noms de mètiers (1984; Uỷ ban chức danh nghề nghiệp phụ nữ Pháp); Ministerio de Educaciòn y Ciencia (1988; Bộ Giáo dục và khoa học Tây Ban Nha); v.v... Trong công việc này, vai trò truyền thông rất quan trọng. Đánh giá về vai trò của người cầm bút trong công việc này, không ít ý kiến cho rằng, những người cầm bút do quá chú trọng tới ngôn từ dùng để miêu tả một số đặc điểm của phụ nữ khác với nam giới hay cả những đặc điểm không phù hợp chính giới nữ (như cách ăn mặc, đặc điểm cơ thể, tình trạng hôn nhân, v.v...) đã dẫn đến làm cho người đọc có cảm tưởng phụ nữ cũng thường bị phân biệt như sự phân biệt sắc tộc, tôn giáo vậy.
Vì thế, muốn thay đổi hành vi ngôn ngữ chống coi thường nữ giới của cả cộng đồng nói năng, trước hết phải chọn một số "nơi bắt đầu". Đó là, là các nhà xuất bản, nơi sản xuất ra mọi loại tài liệu học tập như sách dạy tiếng mẹ đẻ, sách học, giáo trình, sách hướng dẫn, vv...; các phóng viên, biên tập viên, người giới thiệu chương trình trên báo (cả báo viết, báo điện tử, báo nói lẫn báo hình); các quan chức, các nhà giáo và các cơ quan lập pháp.
Ở tầm nhìn thế giới thì vai trò của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thế giới rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh điều này: Các tổ chức quốc tế hoặc siêu quốc gia như UNESCO đã phát hành bản hướng dẫn ngôn ngữ không kì thị giới tính đối với tiếng Anh và tiếng Pháp vào năm 1989 và đối với tiếng Đức vào năm 1993; v.v...
Cũng không thể không nhắc đến vai trò của những người làm ngôn ngữ học mà trực tiếp là những người làm ngôn ngữ học xã hội. Bởi chính họ-chứ không ai khác, biết được những gì phải làm trong nhiệm vụ kế hoạch hoá ngôn ngữ này. Đó là:
-Mô tả cảnh huống (situation) nhằm chỉ ra mức độ của sự thiên kiến về giới trong ngôn ngữ.
- Đưa ra những giải pháp để thay thế cho những từ, ngữ, cách diễn đạt, diễn ngôn mang tính kì thị giới tính. Đồng thời, định hướng cho những cách sử dụng ngôn ngữ mới không mang tình kì thị về giơí.
- Phải chống sự biểu hiện của kì thị giới tính ở mọi hình thức ngôn ngữ, bao gồm cả viết và nói.
Thực tế cho thấy, một số cá nhân và tổ chức đã có những đề xuất cải cách như:
- Về cá nhân, có các biên tập viên Casey Miller và Kate Swift, Bobbye Sorrels Persing và nhà từ điển học Alma Graham (về tiếng Anh ở Hoa Kì); Marina Yaguello và Benoite Groult (ở Pháp); Ingrid Guentherodt cùng Marlis Hellinger, Senta Tromel-Plotz và Luise Pusch (ở Đức); Dédé Brouwer và Ingrid Van Alphen (ở Hà Lan); Alma Sabatini (ở Italia), Theodossia Pavlidou (ở Hy Lạp); E.Zaikauskas (ở Lithuania);
-Về tổ chức, có National Council of Teachers of English (1976; Hội đồng quốc gia những người dạy tiếng Anh), International Association of Business Communication (1977; Hiệp hội thông tin kinh doanh quốc tế),..
Một số trường đại học đã đưa vấn đề khắc phục ngôn ngữ thiên kiến về giới vào trong chương trình học để hướng dẫn cho người học tránh sử dụng hình thức ngôn ngữ thể hiện sự coi thường nữ giới trong khi làm bài kiểm tra, viết tiểu luận, luận án, vv... Đáng chú ý là tài liệu “Hướng dẫn về ngôn ngữ và các phương tiện nhìn không mang tính kì thị giới tính” (Guide to Nonsexist Language and Visuals) của Văn phòng Chương trình mở rộng cơ hội bình đẳng và Khoa Báo chí nông nghiệp thuộc Đại học Wisconsin (Hoa Kỳ). Tài liệu này đưa ra một số những giải pháp ngôn ngữ không mang tính kì thị giới tính để thay thế ngôn ngữ định kiến (như cách xưng hô với độc giả, cách thay thế danh hiệu nghề nghiệp hoặc những cách mô tả nghề nghiệp, thay thế, cách diễn đạt).
4. Thay cho kết luận: những điều trao đổi
1) Nhìn một cách toàn cục thì có thể thấy, động lực của kế hoạch hoá góp phần tạo sự bình đẳng về giới chỉ có thể thực hiện được cùng với những tiến bộ xã hội. Ngày nay, những kiểu từ mới tạo, những cách sử dụng ngôn ngữ mang tính thiên kiến về giới có phần giảm đi chính là nhờ những cố gắng của bình đẳng của xã hội mang lại. Nếu nhìn từ góc độ phân tầng xã hội trong sử dụng ngôn ngữ thì có thể thấy một thực tế là, các tầng lớp xã hội khác nhau thì sử dụng ngôn ngữ khác nhau. Vai giao tiếp gắn với địa vị, uy tín của của từng con người cụ thể (dù là nam hay là nữ) sẽ đóng vai trò quyết định trong sử dụng ngôn ngữ. Chẳng hạn, ngôn ngữ của người phụ nữ có địa vị xã hội (quản lí) sẽ khác với ngôn ngữ của người đàn ông là nhân viên (bị quản lí/nhân viên); ngôn ngữ của người vợ có khả năng tạo ra và nắm quyền lực về kinh tế chắc hẳn sẽ khác với ngôn ngữ của người chồng không có khả năng tạo ra và phụ thuộc về kinh tế; v.v... Do vậy, cách nói "sử dụng ngôn ngữ biểu thị coi thường nữ giới", thiết nghĩ, ngay nay có thể ít nhiều đã không còn mang tính khái quát nữa.
2) Kế hoạch hoá ngôn ngữ nhằm tạo sự bình đẳng về giới có nhắc đến việc thay đổi các từ ngữ (bao gồm từ, yếu tố tạo từ, thành ngữ, tục ngữ ) cùng các ngôn từ được coi là "di sản" có biểu hiện coi thường nữ giới. Đây là một cố gắng mà theo chúng tôi là mang “tính thiện chí” trong ý thức hơn là trong thực tế. Bởi thực tế những cố gắng vừa qua không mang lại kết quả là bao. Thứ nữa, đã coi là "di sản" thì việc gì phải thay đổi và muốn thay đổi cũng không hề đơn giản. Chẳng hạn, việc thay yếu tố man chỉ thực hiện được ở một vài trường hợp. Hơn nữa, nếu bớt đi sự liên tưởng giữa man với tư cách là yếu tố tạo từ với man với nghĩa là "đàn ông" thì tình hình sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều.
Nhưng, đối với các ngôn ngữ thuộc chữ viết Latinh thì sự thay đổi nghe chừng có vẻ còn thuận lợi (Ví dụ thay man bẳng person với tư cách là thành tố tạo từ.). Nhưng đối với các ngôn ngữ có chữ viết tượng hình thì quả là không hề đơn giản. Chẳng hạn, đối với chữ hán thì làm sao có thể viết lại chữ nữ 女 và nam 男 và thay được bộ nữ 女 bằng các bộ khác theo hướng bình đẳng về giới ?
3) Cũng vậy, những thành ngữ, tục ngữ ca dao là kho tàng quý báu của nền văn hoá-ngôn ngữ, chẳng lẽ lại thay đổi hay xoá bỏ nó. Ví dụ, có một số câu tục ngữ ca dao trong tiếng Việt đúng là phản ánh sự coi thường nữ giới thật, nhưng không vì thế mà thay đổi, xoá bỏ, như:
- Đàn ông nông nổi giếng thơi/khơi
Đàn bà sâu sắc như cới đựng trầu.
- Trai khôn năm thê bảy thiếp.
Gái chính chuyên chỉ có một chồng
- Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu
v.v...
4) Sự phân biệt không mang tính đối ứng giữa nam và nữ trong một số trường hợp sử dụng ngôn ngữ (như Mis, Miss và Mr.) cũng cần được đặt chúng trong một bối cảnh văn hoá rộng hơn để nghiên cứu. Chẳng hạn, nữ giới dân Thái ở Việt Nam có hai kiểu búi đầu khác nhau để phân biệt người đã có chồng và người chưa có chồng, trong khi đó nam giới thì không. Đây có thể coi là một nét đẹp, đặc sắc của truyền thống văn hoá dân tộc. Phải chăng, nếu nhìn nhận như vậy sẽ bớt tính cực đoan hơn trong cách đánh giá những "di sản ngôn ngữ" mang dấu ấn về giới.
5) Có thể nói, vấn đề coi thường nữ giới nói riêng và thiên kiến về giống được phản ánh trong ngôn ngữ là một thực tại xã hội. Vì thế, các giải pháp (hay theo cách nói quen thuộc là “đấu tranh”) cho sự bình đẳng về giới không thể không có sự tham gia của lĩnh vực ngôn ngữ học. Tuy nhiên, cũng vì nhiều lí do (trong đó có cả lí do thuộc về chính những người làm ngôn ngữ học) mà ở Việt Nam, ngôn ngữ còn đứng ngoài cuộc. Ngôn ngữ được ví như không khí mà con người hít thở hằng ngày. Nhưng cũng vì sử dụng hằng ngày với sự đón nhận là đương nhiên nên người ta ít để ý, thậm chí quên lãng và nó chỉ được chú ý đến khi cảm thấy khó thở người ta mới nghĩ đến không khí. Ngôn ngữ cũng vậy và vấn đề ngôn ngữ với sự công bằng với giới cũng vậy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Jeny Chesire and Peter Trudgill, The Sociolinguistics Reader. Oxford University Press Inc. 1998.
2. R. Lakoff, Language and Woman’place. Language in Society. Personnial Library, 1972.
3. http://www.aoml.noaa.gv./hrd/tcfaq/b3.html: Hurricane Research Divison.
4. Chen songling, Dẫn luận ngôn ngữ học xã hội. Bắc Kinh đại học xuất bản xã (Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh), 1984 (bằng tiếng Hán).
5. Nguyễn Văn Khang, Sự bộc lộ giới tính trong giao tiếp ngôn ngữ gia đình người Việt, trong cuốn “Ứng xử ngôn ngữ trong giao tiếp gia đình người Việt”, Nxb. Văn hoá Thông tin, 1999. tr. 176-187.
6. Nguyễn Văn Khang, Ngôn ngữ học xã hội-Những vấn đề cơ bản, Nxb. Khoa học Xã hội, 1999.
7. Nguyễn Văn Khang, Kế hoạch hoá ngôn ngữ- Ngôn ngữ học xã hội- Nxb. Khoa học Xã hội, 2003.
8. Trần Xuân Điệp, Khoảng trống từ vựng-một biểu hiện của sự kì thị giới tính trong ngôn ngữ, Ngôn ngữ số 11/2002. tr.56-59
(* Bài đăng trong tạp chí Xã hội học, số 2/2004)
Hết