Trong thời gian ở Indonesia, được sự giúp đỡ của phía bạn, Đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế, tìm kiếm tài liệu, thu thập tư liệu và trao đổi khoa học với phía bạn. Triển vọng hợp tác khoa học giữa Viện Ngôn ngữ học Việt Nam với các cơ quan nghiên cứu , giảng dạy ngôn ngữ của Indonesia đang được mở ra.
Thực hiện kế hoạch của Chương trình NCKH cấp Bộ, Đoàn công tác của Chương trình đã sang làm việc tại Indonesia. Đoàn gồm 06 thành viên: GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng, Chủ nhiệm chương trình, Chủ nhiệm đề tài làm trưởng đoàn; các thành viên trong đoàn gồm: GS.TS Nguyễn Văn Khang, Phó Viện trưởng, Phó chủ nhiệm chương trình, Chủ nhiệm đề tài; PGS.TS Vũ Kim Bảng, Phó Viện trưởng, Thư kí chương trình, Chủ nhiệm đề tài; PGS.TS Đoàn Văn Phúc, PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương, TS. Phạm Tất Thắng là trưởng phòng các phòng chuyên môn, Chủ nhiệm các đề tài. (TS. Nguyễn Thị Thanh Bình & TS. Bùi Thị Minh Yến, Chủ nhiệm đề tài, vì lí do "bất khả kháng" đã không thể tham dự cùng đoàn).
1. Đoàn đã có buổi làm việc với Trung tâm Ngôn ngữ Quốc Gia, Bộ Giáo dục Indonesia( National Language Centre, Ministry of Education).
Sau khi nghe Tiến sĩ, bà Yeyen Maryari, Giám đốc điều hành (Acting Director), thuyết trình về Chính sách ngôn ngữ ở Indonesia, nhiều câu hỏi được đặt ra và hai bên cùng trao đổi thảo luận những vấn đề lí luận về chính sách ngôn ngữ cũng như tình hình thực tế về cảnh huống và chính sách ngôn ngữ của hai nước.
Đoàn đã có một buổi báo cáo riêng trước đông đảo cử toạ là các nhà khoa học của Trung tâm về Cảnh huống và Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam. Sau khi nghe GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng - Trưởng đoàn trình bày, các nhà khoa học Indonesia đã đặt ra nhiều câu hỏi như :1) Vấn đề phương tiện ngôn ngữ sử dụng để giảng dạy ở nhà trường Việt Nam hiện nay; 2) Vấn đề vai trò của tiếng Melayu ở khu vực Đông Nam Á; 3) Vấn đề sử dụng ngôn ngữ tại các lớp học có nhiều thành phần dân tộc ở các vùng thiểu số ở Việt Nam; 4) Vấn đề chữ viết tiếng Việt; 5) Vấn đề tiếng Việt từ ngôn ngữ không có thanh điệu chuyển sang ngôn ngữ có thanh điệu, v.v...GS.TS Nguyễn Đức Tồn, GS.TS Nguyễn Văn Khang, PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương đã lần lượt trả lời các câu hỏi nêu ra và có sự trao đi đổi lại giữa các thành viên trong đoàn với các cử toạ.
2. Đoàn đã có buổi làm việc với làm việc Trung tâm Nâng cao chất lượng cán bộ giáo dục và giảng viên ngôn ngữ, Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) (SEAMEO Regional Centre for Quality Improvement of Teachers and Education Personnel in Language).
Tại đây, Đoàn đã được nghe báo cáo của Tiến sĩ, ông Muhammad Hatta,Giám đốc điều hành (Acting Director) và các lãnh đạo chủ chốt của Trung tâm về tình hình dạy học ngôn ngữ (tiếng Indonesia, tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ ở Indonesia). Trong quá trình trao đổi, phía bạn đặc biệt quan tâm đến việc dạy học ngôn ngữ ở Việt Nam. Hai bên cùng trao đổi những vấn đề lí thuyết và thực tế về giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường. Phía bạn đã hướng dẫn đoàn tham quan các Phòng học, Phòng làm việc, Phòng thực nghiệm của Trung tâm.
3. Trong thời gian ở Indonesia Đoàn đã được phía bạn đón tiếp nhiệt tình và tạo mọi điều kiện để đoàn hoàn thành công việc như trao đổi, tìm kiếm tư liệu và quan sát, khảo thực tế.
Tiến sĩ, ông Sugiyono, Cục trưởng Cục Phát triển ngôn ngữ, Trung tâm Ngôn ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục Indonesia cùng một số cán bộ của Trung tâm tận tình giúp đỡ trong công việc cũng như việc đi lại của đoàn.
Chuyến đi làm việc của đoàn thành công còn nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình củaĐại sứ quán Indonesia tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia .
4. Ở những nơi đến làm việc, Đoàn cùng với phía bạn đã tìm được tiếng nói chung, đồng thuận trong công việc và thoả thuận hợp tác khoa học giữa hai bên.
Trước mắt, phía bạn có nguyện vọng mở lớp học tiếng Indonesia miễn phí tại Viện Ngôn ngữ học (khoảng 01 tháng); nhờ Viện Ngôn ngữ học VN tuyển chọn giới thiệu 07 người đi thi Olimpic quốc tế về tiếng Melayu Indonesia (phía Bạn đài thọ toàn bộ).
Có thể nói, một triển vọng mới đang mở ra về hợp tác khoa học giữa Viện Ngôn ngữ học với các cơ quan khoa học ngôn ngữ và giáo dục ngôn ngữ của Indonesia.
GS.TS Nguyễn Văn Khang