GS.TS James Robert Martin là một trong những tên tuổi hàng đầu của Trường phái ngôn ngữ học chức năng hệ thống Sydney (Trường phái Sydney). Sinh năm 1950 tại Canada, ông từng có nhiều thời gian học tập và nghiên cứu ngôn ngữ học tại các trường đại học danh tiếng như Đại học York, Đại học Toronto, Đại học Essex, Đại học Sydney v.v…
GS.TS James Robert Martin là một trong những tên tuổi hàng đầu của Trường phái ngôn ngữ học chức năng hệ thống Sydney (Trường phái Sydney). Sinh năm 1950 tại Canada, ông từng có nhiều thời gian học tập và nghiên cứu ngôn ngữ học tại các trường đại học danh tiếng như Đại học York, Đại học Toronto, Đại học Essex, Đại học Sydney v.v…
Năm 1977, khi Khoa Ngôn ngữ học của trường Đại học Sydney mới thành lập, theo lời mời đích danh của GS
Michael Halliday, ông đã về công tác tại đây và trở thành công dân Australia ngay sau đó. Ông hoàn thành luận án tiến sĩ ngôn ngữ học tại Đại học Essex năm 1979. GS Martin đã cùng các cộng sự dày công gây dựng Khoa Ngôn ngữ học của Đại học Sydney trở thành một trong những địa chỉ học thuật uy tín trên toàn thế giới, nhất là trong lĩnh vực ngôn ngữ học chức năng hệ thống (SFL).
Ông từng đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Đại học Sydney trong các thời kì 1986 – 1987 và 2007-2008. Từ năm 2013, ông giảng dạy với chức danh Giáo sư tại Khoa Ngoại ngữ, Đại học Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong), đồng thời là Giám đốc Trung tâm Martin tại Đại học này.
Nghiên cứu của GS Martin tập trung vào các mảng như ngữ nghĩa diễn ngôn, ngôn ngữ học giáo dục, văn bản đa thức, lý thuyết đánh giá (
appraisal theory), lý thuyết hệ thống, ngữ vực học, ngôn ngữ học hình pháp. Ông từng cộng tác với nhiều nhà ngôn ngữ học hàng đầu khác như Michael Gregory, Henry Allan 'Al' Gleason,
Michael Halliday,
Ruqaiya Hasan v.v…
Một trong đóng góp quan trọng của GS Martin chính là lý thuyết ngữ nghĩa diễn ngôn. Khi xây dựng lý thuyết này, ông chịu ảnh hưởng từ những tư tưởng về ngôn ngữ học tầng bậc của Gleason, ngữ nghĩa học văn bản của Hasan, ngôn ngữ học hệ thống chức năng của Halliday. Ngữ nghĩa diễn ngôn tập trung vào việc mô tả tổ chức của văn bản theo các siêu chức năng của ngôn ngữ được Halliday chỉ ra. Theo quan điểm của GS Martin, diễn ngôn không chỉ có từ ngữ hay câu cú đơn thuần, mà còn có cả nghĩa nằm ngoài phạm vi của cú. Do đó, ông tập trung vào ngữ nghĩa diễn ngôn, coi nó là một cơ tầng hệ thống tín hiệu ngôn ngữ được tổ chức bởi ngữ pháp-từ vựng. Ông đề xuất bốn tiểu loại của hệ thống ngữ nghĩa diễn ngôn ứng với từng siêu chức năng. Cụ thể, thương lượng (Negotiation) là ứng với siêu chức năng liên nhân, nhận diện (Identification) ứng với siêu chức năng văn bản, kết nối (Conjunction) ứng với siêu chức năng logic và tạo ý (Ideation) ứng với siêu chức năng kinh nghiệm.
Cùng với TS Peter White, GS Martin là một trong những học giả đi tiên phong trong việc xây dựng và phát triển lý thuyết Đánh giá (Appraisal Theory), hay còn được gọi là khung đánh giá (Appraisal Framework). Đây được xem là sự mở rộng các lý thuyết của ngôn ngữ học chức năng hệ thống do Halliday khởi xướng. Lý thuyết đánh giá là một cách tiếp cận nhằm khám phá, mô tả và lí giải phương thức mà ngôn ngữ được sử dụng để ước định, giữ lập trường và điều tiết các quan hệ liên nhân. Nó tập trung vào việc khám phá thái độ của tác giả và phương thức mà văn bản biểu hiện sự đồng tình với một người đọc/nghe thực thụ hoặc tiềm năng nào đó.
Với những cống hiến xuất sắc trong địa hạt ngôn ngữ học, GS Martin đã được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Nhân văn Australia năm 1998. Ông được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư từ năm 1990 đến năm 1999 và chức danh Giáo sư từ năm 2000 đến nay tại Đại học Sydney. Ông cũng được Chính phú Liên bang Australia tặng thưởng Bách niên Bội Tinh (Centenary Medal) vào năm 2003 vì những đóng góp nổi bật cho xã hội và chính phủ Australia.
GS Martin luôn dành những tình cảm đặc biệt dành cho Việt Nam nói chung và giới nghiên cứu ngôn ngữ học Việt Nam nói riêng. Năm 2015, ông đã tham dự và trình bày báo cáo với nhan đề “Ngôn ngữ học Chức năng hệ thống-Ngôn ngữ như là kí hiệu xã hội” tại phiên toàn thế của Hội thảo Ngôn ngữ học quốc tế lần thứ II do Viện Ngôn ngữ tổ chức. Cũng trong năm 2015, ông đã có buổi thuyết trình về ngôn ngữ học hình pháp (Forensic Linguistics), một đường hướng nghiên cứu mới mà giáo sư theo đuổi gần đây cùng Paul Dwyer và Michele Zappavigna, với chủ đề “Tư pháp phục hồi: mối quan hệ biện chứng giữa lý thuyết và thực tiễn” tại Học viện Khoa học Xã hội. GS Jim Martin không chỉ đến tham gia hội thảo NNH Quốc tế mà còn vận động các học giả đầu ngành khác của Úc và trong khu vực đến hỗ trợ VN, trong số đó có giáo sư Chang Chenguang Trung quốc (Sun Yat-Sen University) và giáo sư Johnathan Webster (Đại học Hongkong)
Việc GS Martin nhận lời tham gia Hội thảo Ngôn ngữ học Quốc tế lần thứ III “Các khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại và nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam”, được Viện Ngôn ngữ học tổ chức ngày 22/4/2017, cũng như trình bày chuyên đề “Ngữ nghĩa diễn ngôn” tại Học viện Khoa học xã hội từ 17/4/2017 đến 20/4/2017 thực sự là cơ hội trau dồi và trao đổi học thuật vô cùng quý báu cho các nhà nghiên cứu, học viên cao học và nghiên cứu sinh của Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh công tác đào tạo sau đại học, hợp tác và công bố quốc tế hiện nay đang được xã hội cực kỳ quan tâm, với đòi hỏi nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế, thì sự kiện GS Martin đến tham gia Hội thảo và trình bày chuyên đề ở Học viện Khoa học xã hội là một sự động viên và ủng hộ vô cùng to lớn.