TS. NGUYỄN VĂN THẠC
( 1934- 2010)
Bút danh: Nguyễn Văn Thạc
Sinh năm 1934, tại Huế
Công tác tại Viện Ngôn ngữ học từ 1961 đến 2000
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạc là một trong những người có mặt rất sớm (1961) khi Viện Ngôn ngữ học mới chỉ là một tổ của Viện Văn học.
Thời đó, ông là một trong số ít người được đào tạo bài bản về ngôn ngữ học: Tốt nghiệp đại học tại Trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1960, rồi sau đó không lâu, ông đi thực tập khoa học ở Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.
Thời đó, ông cũng được coi là người sớm thành đạt khi công bố bài viết từ năm 1962 và đảm nhiệm công tác quản lí với cương vị Trưởng ban Từ vựng học, rồiTrưởng Ban Từ điển học ngay khi Viện Ngôn ngữ học thành lập.
Thế nên, những năm 70 của thế kỉ XX, bao người trong đó có tôi “chỉ biết ngước mắt nhìn” với sự ngưỡng mộ một Nguyễn Văn Thạc tài hoa cộng với chất giọng Huế nhẹ nhàng và một người vợ “tuyệt sắc giai nhân” cũng nghiên cứu ngôn ngữ - TS. Tuyết Mai.
Ông bận rộn với từ vựng học và công việc biên soạn Từ điển tiếng Việt. Vốn kiến thức Hán học đã giúp ông nhiều thành công trong nghiên cứu từ vựng tiếng Việt và xử lí bảng từ cũng như nghĩa từ khi biên soạn Từ điển tiếng Việt. Một trong những ấn tượng để lại đó là khái niệm “đồng âm cùng gốc khác bậc” do ông đề xuất khi xử lí yếu tố Hán Việt khinh có nghĩa thứ nhất là “nhẹ” chỉ được dùng trong tổ hợp khinh khí cầuvà nghĩa thứ hai là động từ với nghĩa là “xem thường” (khinh những kẻ cơ hội). Và rồi, dường như từ điển trở thành “nghiệp của ông”: Vào cuối những năm 70 đầu 80 của thế kỉ XX, ông được mời sang làm Cộng tác viên cao cấp tại Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, sau này là Liên bang Nga, tham gia biên soạn Đại từ điển Việt – Nga và ông cũng cũng gửi trọn cuộc đời tại xứ sở bạch dương này.
Thời gian ở Liên Xô sau này là Nga, ông là cầu nối cho nhiều người sang học tập, thực tập, làm việc tại đây và các nước Đông Âu. Lớp người chúng tôi như Phạm Văn Hảo, Nguyễn Văn Khang, Phạm Hùng Việt, Nguyễn Thúy Khanh, …đều coi ông là ANH HAI với tấm lòng quý mếm, nể trọng. Ông “đưa chúng tôi vào đời” với những lần gặp người hướng dẫn, những hội thảo khoa học, những món ăn Nga, phong cảnh Nga với những con đường ngập lá vàng của mùa thu và tuyết trắng trời khi mùa đông đến….
Cũng tại nước Nga này, ông tham gia nhiều hoạt động khoa học như: Chủ tịch Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga; Uỷ viên BCH Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga; Hội viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật tại Liên bang Nga; Tổng biên tập tạp chí Khoa học và Cộng đồng; Giám đốc NXB Sáng tạo tại Liên bang Nga; v.v…
Nhân 45 thành lập Viện, nhớ ông, tôi viết những dòng này với lòng tri ân của những người thuộc thế hệ học trò, hàng em út của ông. Trong sâu thẳm, tôi mang mãi trong lòng sự kính trọng, biết ơn ông đã giới thiệu tôi về công tác tại Viện và nhận tôi về làm việc tại Ban Từ vựng/Từ điển do ông phụ trách cũng như những gì ông đã giúp tôi trên con đường học thuật. Nhớ đến ông, tôi bùi ngùi với câu châm ngôn “ trong mỗi cái được có một cái mất” khi sự nghiệp của ông có phần chưa trọn bởi một cuộc sống gia đình ít ấm êm nơi đất khách quê người,…
GS.TS Nguyễn Văn Khang
NHỮNG CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ
1. Bàn về quy tắc viết hoa / Nguyễn Văn Thạc, Lê Xuân Thại // Nghiên cứu Văn học. - 1962. - số 12. - tr.: 21-34.
2. Mấy nhận xét về cách mượn từ tiếng Hán / Nguyễn Văn Thạc // Tạp chí Văn học. - 1963. - số 5. - tr.: 96-108.
3. Về vấn đề lạm dụng từ Hán-Việt / Nguyễn Văn Thạc // Nghiên cứu ngôn ngữ học. T.1: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. - H. : KHXH, 1968. - tr.: 106-122.
4. Mấy nét về xu hướng Việt hoá trong từ ngữ tiếng Việt sau Cách mạng Tháng Tám / Nguyễn Văn Thạc // Ngôn ngữ. - 1970. - số 4. - tr.: 1-9.
5. Từ điển tiếng Việt phổ thông / Hoàng Phê (chủ biên),.... - H. : KHXH, 1975. - 308tr ; 25cm. T.I: A-C.
6. Về tính độc lập-không độc lập của một số đơn vị trong tiếng Việt : BCKH / Nguyễn Văn Thạc // Hội nghị Ngôn ngữ học ngành đại học (lần thứ nhất). - Tp.HCM. - 1976.
7. Về việc biên soạn Từ điển tiếng Việt phổ thông / Nguyễn Văn Thạc // Báo Giải phóng chủ nhật. - 1976. - số 321. - ngày 1/8. - tr.: 7.
8. Nhận xét về sự phân biệt tính độc lập-không độc lập trong các đơn vị cơ bản của tiếng Việt / Nguyễn Văn Thạc // Ngôn ngữ. - 1978. - số 1. - tr.: 7-12.
9. Tính hạn chế-không hạn chế về vị trí của các đơn vị cơ bản trong tiếng Việt/ Nguyễn Văn Thạc // Ngôn ngữ. - 1978. - số 3. - tr.: 25-29.
10. Những cơ sở để xây dựng quy tắc viết hoa / Nguyễn Văn Thạc // Ngôn ngữ. - 1979. - số 3-4. - tr.: 45-55.
11. Tiếp thụ, tiếp thu và v.v... : BCKH / Nguyễn Văn Thạc // HNKH ‘Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ’. - H. : Viện Ngôn ngữ học, 1979.
12. Hội nghị khoa học Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ / Nguyễn Văn Thạc // Ngôn ngữ. - 1980. - số 1. - tr.: 57-67.
13. Về hiện tượng độc lập hóa trong cấu tạo từ tiếng Việt / Nguyễn Văn Thạc //Ngôn ngữ. - 1980. - số 3. - tr.: 62-68.
14. Về xu hướng độc lập hoá trong tiếng Việt : BCKH / Nguyễn Văn Thạc // Hội nghị Khoa học ĐH TH Hà Nội. - 1980.
15. Ý kiến của Bác về cải tiến chữ quốc ngữ : BCKH / Nguyễn Văn Thạc // Hội nghị Khoa học ĐHSP Việt Bắc. - 1980.
16. Suy nghĩ về phương hướng nghiên cứu giải quyết vấn đề ranh giới các đơn vị từ ngữ tiếng Việt : BCKH tại Hội nghị Ngôn ngữ học toàn quốc, 1979 / Nguyễn Văn Thạc // Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ. T.2. - H. : KHXH, 1981. - tr.: 25-33.
17. Tiếng lóng trong tiếng Việt hiện đại : BCKH / Nguyễn Văn Thạc // Hội nghị Khoa học Viện Ngôn ngữ học. - 1983.
18. Sự thích nghi của các yếu tố gốc ngoại trong tiếng Việt: Luận án Tiến sĩ ngữ văn (Ph. D) / Nguyễn Văn Thạc. - M.: Viện Đông phương học - Viện HLKH Liên Xô, 1985. (Bằng tiếng Nga).
* Những công trình sau này của tác giả chúng tôi chưa có điều kiện thu thập đầy đủ.