Nguyên Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ
PGS. TS Lê Xuân Thại sinh ngày 23 tháng 10 năm 1933, tại làng Đa Phúc, xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Theo hồi ức của PGS. TS Lê Xuân Thại: "Thời còn trẻ, tôi không hiểu tại sao bố tôi là một nhà nho mà lại đặt cho tôi một cái tên vô nghĩa. Sau này, khi đã có chút ít kiến thức về ngôn ngữ học tôi mới tìm ra được lai lịch cái tên của mình. Tôi còn nhớ bố tôi đã viết tên tôi bằng chữ Hán là , âm Hán Việt là thải, có nghĩa là "một khoản tiền". Tiếng Nghệ An không phân biệt thanh hỏi với thanh nặng và bố tôi đã dùng dấu nặng cho tên của tôi khi viết bằng chữ quốc ngữ. Nhưng cũng có cái may là nếu viết đúng chính tả là "thải" thì suốt đời tôi phải mang cái tên mà người Việt chẳng ai thích"!
Theo gia phả chi, PGS. TS Lê Xuân Thại là hậu duệ đời thứ 17 của Lê Lai, vị tướng đã "liều mình cứu chúa"- Đức Thái tổ Lê Lợi - trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Lê Lai là vị tướng người dân tộc Mường ở Thanh Hóa.
Thời thơ ấu, đến tuổi đi học, Ông được phụ thân dạy cho học chữ Nho hai năm. Sau đó cậu học trò Lê Xuân Thại được học chữ quốc ngữ và vào học trường tiểu học Pháp Việt ở huyện nhà. Năm 1947, sau khi tốt nghiệp tiểu học, Ông được vào học Trường cấp II Nguyễn Xuân Ôn do giáo sư Cao Xuân Huy làm hiệu trưởng. Nhiều thầy giáo dạy tại ngôi trường này đã trở thành những nhà khoa học danh tiếng sau này, như Giáo sư Cao Xuân Huy -một nhà nghiên cứu nổi tiếng chuyên về lịch sử tư tưởng triết học phương Đông, từng được gọi là "nhà đạo học" ngay từ thuở mới khoảng 30 tuổi, có những đóng góp to lớn trong việc đào tạo các nhà nghiên cứu cổ học Việt Nam, một Giáo sư của Viện Văn học và là phụ thân của PGS Cao Xuân Hạo; Giáo sư Hoàng Tuệ - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; Phó Giáo sư Phan Ngọc - nhà Ngôn ngữ học và là nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, một dịch giả lừng danh thông thạo nhiều thứ tiếng, được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; Phó Giáo sư Cao Xuân Hạo -một nhà ngôn ngữ học, dịch giả nổi tiếng,...
Năm 1951, Ông tốt nghiệp cấp II, thi đỗ vào Trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng và năm 1953 thì tốt nghiệp. Hồi đó học sinh cấp III chỉ học có 2 năm. Trong thời gian này ở Nghệ An chưa có trường đại học, Ông phải ở nhà giúp gia đình việc canh nông.
Năm 1954, kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Ông được sang Trung Quốc học ở Trường Trung văn, Khu Học xá tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp Trường Trung văn, Ông được chọn lên học Khoa Trung văn (giống như Khoa Ngữ văn của các trường đại học ở nước ta hiện nay) thuộc Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Học ở trường này được 3 năm, đến năm 1959, do nhu cầu phân chuyên ngành, Ông cùng 3 người bạn khác, trong đó có nhà từ điển học Nguyễn Văn Thạc - sau này là Trưởng ban Ban Từ vựng (bây giờ là Trưởng phòng Phòng Từ vựng học) thuộc Viện Ngôn ngữ học- chuyển sang Trường Đại học Bắc Kinh để học tiếp chuyên ngành ngôn ngữ học. Sau 2 năm (1959 - 1961) học ở đây, Ông tốt nghiệp đại học. Cuối tháng 8 năm 1961, Ông về nước công tác tại Tổ Ngôn ngữ học, Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước. Khoảng năm 1965, Tổ Ngôn ngữ học tách khỏi Viện Văn học, trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội. Năm 1968 Viện Ngôn ngữ học được thành lập trên cơ sở hợp nhất Tổ Ngôn ngữ học và Tổ Thuật ngữ do Phó Giáo sư Nguyễn Kim Thản khi đó giữ chức Phó Viện trưởng phụ trách. Ông công tác ở Tổ Ngôn ngữ học và sau đó là ở Viện Ngôn ngữ học cho đến năm 1999 về nghỉ hưu. Ông được phong Phó giáo sư năm 1992
Trong gần 40 năm công tác, PGS. TS Lê Xuân Thại đã có nhiều cống hiến đáng kể cho ngành ngôn ngữ học nước nhà với tư cách là nhà ngữ pháp học và trên cương vị Phó Tổng biên tập rồi Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ.
Với tư cách là chuyên gia ngữ pháp học, PGS. TS Lê Xuân Thại đã nghiên cứu sâu về ngữ pháp tiếng Việt và đã xuất bản công trình tiêu biểu Câu chủ vị tiếng Việt(1994).
Ngoài lĩnh vực chính là nghiên cứu ngữ pháp học, PGS. TS Lê Xuân Thại còn tham gia biên soạn khá nhiều cuốn từ điển các loại: Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng,Từ điển Trung Việt, Từ điển giải thích thành ngữ tiếng Việt, Từ điển bách khoa (phần ngôn ngữ học), Từ điển tiếng Việt cỡ vừa (phần chú giải các yếu tố Hán Việt), Từ điển Việt - Nga (phần chú chữ Hán).
PGS. TS Lê Xuân Thại còn quan tâm đến lĩnh vực Giáo dục ngôn ngữ. Ông đã 2 lần được mời tham gia viết sách giáo khoa về Tiếng Việt (sách chỉnh lí viết năm 1994 và sách giáo khoa Ngữ văn cải cách sau năm 2000) bậc học Trung học cơ sở. Ông đã công bố nhiều bài viết có giá trị góp phần soi sáng một số vấn đề quan trọng trong giáo dục ngôn ngữ ở nước ta, như: Giáo dục tiếng Việt và giáo dục bằng tiếng Việt qua các bối cảnh xã hội ở Việt Nam; Ngữ pháp nhà trường phổ thông trong mối quan hệ với ngữ pháp khoa học; Bồi dưỡng hứng thú của học sinh đối với môn tiếng Việt; Mấy vấn đề liên quan đến tính thực hành của giáo dục ngôn ngữ; Xung quanh vấn đề dạy và học từ ngữ Hán Việt; v.v...
PGS. TS Lê Xuân Thại cũng dành nhiều tâm sức cho việc nghiên cứu về từ ngữ Hán Việt. Từ ngữ Hán Việt về mặt ngữ âm đã được Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn nghiên cứu rất công phu, rất thành công. Nhưng về mặt từ vựng - ngữ nghĩa của từ Hán Việt, nhất là về vấn đề tiếp nhận và sáng tạo từ ngữ Hán Việt, về nghĩa của yếu tố Hán Việt, thì vẫn còn cần thiết phải đi sâu nghiên cứu thêm. PGS. TS Lê Xuân Thại đã miệt mài tra cứu, tìm ra được nghĩa của một số yếu tố Hán Việt mà từ trước đến nay các học giả khác chưa tìm ra, như nghĩa của ái trong từ ái ngại có nghĩa là "băn khoăn", tồn trong từôn tồn có nghĩa là "âu yếm, thân mật", ổi trong bỉ ổi có nghĩa là "hèn hạ, đáng khinh"… Ông cũng đã tìm ra nhiều chỗ sai của các tác giả đi trước trong việc giải thích nghĩa của yếu tố Hán Việt trong những từ ngữ cụ thể. Thí dụ, có từ điển giải thích tri trong tri hô có nghĩa là "biết". "Biết" là một nghĩa của tri nhưng không phải là nghĩa của tri trong từ tri hô. Tri trong tri hô có nghĩa là "làm cho người ta biết"; có từ điển giải thích chiêu trong từ chiêu tuyết có nghĩa là "sáng sủa, rõ", tuyết có nghĩa là "loại tinh thể nhỏ và trắng kết thành khối xốp, nhẹ, rơi ở vùng khí hậu lạnh". Những nghĩa này cũng là nghĩa của chiêuvà tuyết nhưng nghĩa đích thực của chiêu ở đây là " làm sáng tỏ" và nghĩa của tuyết ở đây là "rửa (tẩy, trừ) sạch (nỗi oan, điều sỉ nhục)". Đó là chưa kể các trường hợp giải thích sai nghĩa của yếu tố Hán Việt do hiện tượng đồng âm gây ra. Thí dụ, có từ điển giải thích án trong án sát là "vụ việc đưa ra xét xử trước pháp luật". Đúng ra thì ở đâyán có nghĩa là "xem xét"; giai trong bách niên giai lão có nghĩa là "sống với nhau" thì lại giải thích là "đều"; vị trong khai vị có nghĩa là "dạ dày" thì lại giải thích là "mùi vị, vị giác"…
PGS. TS Lê Xuân Thại còn có nhiều đóng góp to lớn cho tạp chí Ngôn ngữ trong suốt nhiều năm. Ông làm Thư kí tòa soạn tạp chí Ngôn ngữ từ năm 1973, sau đó được bổ nhiệm Phó Tổng biên tập, từ năm 1994 đến năm 1999 giữ chức Tổng biên tập. Trong giai đoạn này số lượng người viết cho tạp chí chưa nhiều, kinh phí lại hết sức eo hẹp, nhưng Ông đã cùng các đồng sự cố gắng khắc phục khó khăn bảo đảm tạp chí ra được đều đặn, đúng kì và có chất lượng tốt.
Với những thành tích to lớn đóng góp cho khoa học, PGS. TS Lê Xuân Thại đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:
- Huân chương Lao động hạng Nhì
- Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba
- Huy chương vì sự nghiệp báo chí
- Huy chương vì sự nghiệp khoa học xã hội.
GS.TS Nguyễn Đức Tồn