Trong các sách nghiên cứu về ẩn dụ ở trong và ngoài nước, cho đến nay, ẩn dụ thường được coi là phép hay cách thức chuyển đổi tên gọi dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có sự tương đồng hay giống nhau.
Phần II (Tiếp phần I)
GS.TS Nguyễn Đức Tồn
Một câu hỏi khác nữa có thể tiếp tục được đặt ra là : “ Khi nào câu đẳng thức “A là B ” làm cơ sở cho ẩn dụ cho phép đảo được trật tự thành “B là A” mà nội dung không thay đổi” ?
Tác giả bài viết [5] cho rằng:“ẩn dụ không thể đảo ngược và vì vậy mối quan hệ của hai sự vật trong ẩn dụ không mang tính đối xứng (tr.12)”.
Theo chúng tôi, về nguyên tắc chung, nếu dung lượng ý nghĩa hay nội hàm khái niệm của A và của B hoàn toàn bằng nhau thì câu “ A là B” diễn đạt sự đồng nhất tuyệt đối của A và B. Động từ là trong loại câu này biểu hiện B ở sau nó chính là “nội dung nhận thức hay giải thích về A”. “Nội dung nhận thức hay giải thích về A” này- tức là B, có thể có dạng chỉ là một từ (trong trường hợp A và B là hai từ đồng nghĩa) hoặc B có thể là một ngữ và cũng có thể là một hay nhiều mệnh đề ( khi B là nội dung định nghĩa về A). Trường hợp này cho phép đảo ngược trật tự “ B là A” mà nội dung không thay đổi.
Thí dụ : Sân bay là phi trường và Phi trưòng là sân bay; Hà Nội là thủ đô nước Việt Namvà Thủ đô nước Việt Nam là Hà Nội; Hai lần năm là mười và Mười là hai lần năm; Tam giác đều là “ Tam giác có ba cạnh bằng nhau” và “Tam giác có ba cạnh bằng nhau” là Tam giác đều; Ngực là “Phần từ cổ tới bụng, chứa tim và phổi, ứng với bộ xương sườn” và “Phần từ cổ tới bụng, chứa tim và phổi, ứng với bộ xương sườn” là Ngực; Ngửi là “Hít vào bằng mũi để nhận biết, phân biệt mùi” và“Hít vào bằng mũi để nhận biết, phân biệt mùi” là Ngửi ( các định nghĩa theo [15, tr.697], v.v…
Nếu A có dung lượng ngữ nghĩa hay nội hàm khái niệm không bằng dung lượng ngữ nghĩa hay nội hàm khái niệm của B, chẳng hạn hẹp hơn của B, thì câu “A là B” diễn đạt sự đồng nhất về dung lượng ngữ nghĩa hay nội hàm khái niệm của A với chỉ một phần dung lượng ngữ nghĩa hay nội hàm khái niệm của B. Hay nói cách khác, câu “ A là B” diễn đạt sự đồng nhất về dung lượng ngữ nghĩa hay nội hàm khái niệm của A với chỉ một phần nào đó trong dung lượng ngữ nghĩa hay nội hàm khái niệm của B mà thôi. Động từ là ở đây diễn đạt“quan hệ giữa phần nêu sự vật, sự việc với phần nêu chính bản thân nó nhìn ở một khía cạnh khác, hay nêu đặc trưng của nó” [15]. Trường hợp này không cho phép đảo ngược trật tự thành “B là A” vì sẽ làm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới ý nghĩa biểu đạt. Ví dụ: Cọp là động vật. Namlà công nhân. Đứa đầu là con trai, v.v…
Khả năng đảo ngược trật tự các vế của câu so sánh đồng nhất làm cơ sở cho ẩn dụ cũng tuân theo nguyên tắc như vậy. Câu so sánh đồng nhất “A là B” làm cơ sở cho ẩn dụ có thể đảo ngược thành “B là A” mà nội dung không thay đổi khi dung lượng ý nghĩa hay nội hàm khái niệm của A và của B hoàn toàn bằng nhau (và lưu ý rằng, khác với trường hợp chung nói trên, ở đây A và B phải là những tên gọi của các sự vật, hành động hay tính chất khác loại nhau). Các sự vật do A và B biểu thị chỉ thay đổi về vai trò là cái được đưa ra so sánh (khi ở vế trái) hay làchuẩn so sánh ( khi ở vế phải) nếu đảo cấu trúc mà thôi.
So sánh : Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông và Hòn ngọc Viễn Đông là Sài Gòn; Hà Nội làtrái tim của cả nước và Trái tim của cả nước là Hà Nội, v.v… Hay các ví dụ có dạng câu đẳng nhất với từ như đã đựơc dẫn ở trên:
Xuân Diệu viết: Lá liễu dài như một nét mi, trong khi người ta thường so sánh: nét mi như lá liễu ( SS. Con mắt lá răm). Cách đảo ngược so với tư duy thông thường - lấy bộ phận cơ thể người so sánh với thiên nhiên, cũng đã từng có trong thơ của Lý Bạch đời nhà Đường:Đào hoa như diện, liễu như mi (Trường hận ca) (nghĩa là : Hoa đào như gương mặt, lá liễu như lông mi).
Đặc biệt, thật thú vị là trong cùng một bài thơ sau đây của Tố Hữu đã có hiện tượng sử dụng đồng thời cả hai cấu trúc so sánh thuận nghịch: “A như B” và “ B như A” càng minh chứng cho điều nói trên :
Đêm qua trăng sáng Cổ Ngư
Trăng đầy mặt nước, trăng như mặt người
Trăng tươi mặt ngọc trên đời
Ngẩn ngơ trăng ngó mặt người như trăng.( Tố Hữu, Ba bài thơ trăng)
Ngô Văn Phú cũng có những vần thơ ngọt ngào như ca dao cổ trong đó có những sự so sánh đảo ngược như vậy:
Trên trời mây trắng như bông
ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
Những cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng.
Do vậy, có thể khẳng định mối quan hệ giữa hai sự vật, hiện tượng trong câu so sánh đồng nhất làm cơ sở cho ẩn dụ không phải luôn luôn “không mang tính đối xứng”, nghĩa là cũng có trường hợp mang tính đối xứng. Điều này được thể hiện ít nhất là ở trường hợp những câu đẳng thức “A là/như B” có thể đảo thành “B là/như A” vừa dẫn ở trên.
Đến đây có thể rút ra nhận thức bước đầu về khái niệm ẩn dụ như sau:
ẩn dụ là phép thay thế tên gọi của các sự vật, hiện tượng, … khác loại (khác phạm trù) dựa trên cơ sở sự liên tưởng đồng nhất hoá chúng theo đặc điểm, thuộc tính nào đó cùng có ở chúng.
Có thể công thức hoá hiện tượng ẩn dụ thay thế tên gọi này bằng biểu thức sau:
A B
---- = ------
x y
(A là tên gọi của biểu vật x, còn B là tên gọi của biểu vật y, dấu = là kí hiệu “sự đồng nhất”).
Theo suy luận lôgic toán học, khi hai mẫu số của biểu thức này bằng nhau ( x = y ) thì tử số của chúng tất cũng buộc phải bằng nhau (A = B). Suy ra, ở phương diện ngôn ngữ học mà chúng ta đang đề cập, điều này có nghĩa là: Khi tư duy đồng nhất hoá các biểu vật y = x , thì tên gọi B của y cũng sẽ được đồng nhất hoá với tên gọi A của x (B = A) và do đó B có thể thay thế cho tên gọi A của x , hoặc ngược lại. Có thể biểu diễn:
y = x ------------> B = A hoặc: x = y ------------> A = B
Xét về lí thuyết và trên thực tế có thể xảy ra hai trường hợp thay thế tên gọi theo phép ẩn dụ như sau:
Trường hợp 1: Hai biểu vật x và y cùng có nét nào đó như nhau ( x = y) nên được tư duy đồng nhất hoá chúng với nhau, nhưng chỉ có một biểu vật( chẳng hạn x) đã có tên gọi (A), còn biểu vật y chưa có tên gọi (kí hiệu bằng dấu “? ”) . Có thể biểu diễn bằng biểu thức:
A ?
---- = ------
x y
Khi đó, tên gọi A của x sẽ thay thế vào chỗ trống (?) tên gọi của y và trở thành tên gọi chính thức của y. Đây là trường hợp ẩn dụ được sử dụng với tư cách là phương thức định danh. Có hai bậc định danh:
Đó có thể là định danh bậc 1. Ví dụ: tên gọi của “ một loại dụng cụ dùng để xay thóc” - ( cái ) “cối xay”, được sử dụng thay thế theo phép ẩn dụ vào chỗ trống tên gọi của “ loài cây bụi mọc hoang, quả có hình giống như cái cối xay” và trở thành tên gọi của loài cây này là (cây) “ cối xay”.
ẩn dụ có thể được sử dụng để định danh bậc 2 trong trường hợp chuyển nghĩa của từ.
Ví dụ: từ Tay vốn là tên gọi của “Bộ phận phía trên của cơ thể người, từ vai đến các ngón, dùng để cầm nắm: Tay làm hàm nhai (tng). “Trót vì tay đã nhúng chàm…” ( Nguyễn Du). Do được chuyển nghĩa theo ẩn dụ, tay cũng được sử dụng để gọi bộ phận của vật có hình dáng, chức năng như tay mà vốn chưa có tên. Do đó, từ tay đã có thêm nghĩa và trở thành tên gọi của “ bộ phận của vật có hình dáng, chức năng như cái tay:Vịn vào tay ghế. Tay đòn… ”[15, tr.893]
ẩn dụ định danh thuộc cả hai bậc nói trên đều là ẩn dụ chết, tính chất bóng bẩy hay hình tượng của ẩn dụ đã không còn nữa. ẩn dụ loại này còn được gọi là ẩn dụ từ vựng, nghĩa chuyển được tạo ra theo phép ẩn dụ này đã được cố định hoá trong hệ thống ngôn ngữ, được đưa vào nghĩa của từ trong từ điển và được toàn dân sử dụng.
Trường hợp 2: Hai biểu vật x và y cùng có nét nào đó như nhau, cả hai đều vốn đã có tên gọi riêng tương ứng là A và B. Trên cơ sở tư duy liên tưởng đồng nhất hoá chúng, có thể lấy tên gọi A của x để thay thế lâm thời cho tên gọi B của y (hoặc ngược lại) theo phương thức ẩn dụ. ẩn dụ loại này được sử dụng như một biện pháp tu từ nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm và giá trị thẩm mỹ cho sự diễn đạt. Cho nên có thể gọi nó là ẩn dụ lâm thời, hay ẩn dụ tu từ. Các ý nghĩa được tạo ra phép ẩn dụ tu từ không được cố định hoá trong hệ thống ngôn ngữ thành ý nghĩa của từ trong từ điển.
Ví dụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay thế các tên gọi “thế địch”, “ thế ta” bằng các tên gọi tương ứng là “ lửa” và “nước” để tạo hình ảnh ẩn dụ khẳng định chân lí: “ Nước nhất định thắng lửa”.
ẩn dụ lâm thời hay ẩn dụ tu từ mang tính sáng tạo riêng (chỉ trong ngữ cảnh cụ thể ấy, với cá nhân cụ thể ấy mới có cách ví ngầm như thế), do vậy mới có khả năng cùng chỉ một đối tượng nhưng với mỗi người lại có thể có cách diễn đạt bằng hình ảnh ẩn dụ khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau.
Ví dụ: cùng chỉ cặp con trai và con gái đang yêu nhau, hay tìm hiểu nhau, ca dao đã dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ khác nhau:
Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. (Ca dao)
Và: Đến đây mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? (Ca dao)
Trong Truyện Kiều, có lúc “hoa” được đồng nhất hoá với người quân tử hào hoa, phong nhã (chàng Kim):
Nàng rằng:”Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa …”( câu 441- 442)
Có lúc, “hoa” được đồng nhất hoá với gương mặt đẹp (“Lại càng ủ dột nét hoa”) của nàng Kiều, hay cái miệng xinh xắn (“Hoa cười ngọc thốt đoan trang”) của nàng Vân.
Mỗi sự vật, hiện tượng vốn có nhiều đặc điểm, thuộc tính. Do vậy cùng một sự vật, hiện tượng có thể được tư duy liên tưởng đồng nhất hoá với nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau tuỳ theo đặc điểm, thuộc tính nào cùng có ở chúng được chọn để làm cơ sở cho sự đồng nhất hoá.
Chính các loại đặc điểm, thuộc tính khác nhau cùng có ở các sự vật, hiện tượng…được chọn làm cơ sở cho sự đồng nhất hoá chúng trong tư duy đã tạo nên các kiểu ẩn dụ khác nhau (như: ẩn dụ màu sắc, ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác…). Đây chính là cơ sở tạo ra hiện tượng đa nghĩa của ẩn dụ mà Nguyễn Thế Lịch đã nêu [9, tr.73].
Có thể thấy rằng ẩn dụ không chỉ xảy ra trong phạm vi ngôn ngữ như đã được trình bày ở trên.
Khi hai biểu vật x và y được tư duy đồng nhất hoá thì những đặc điểm, thuộc tính vốn có ở y có thể cũng được quy gán cho x và được dùng để nói về x, hoặc ngược lại, những đặc điểm, thuộc tính vốn có ở x có thể cũng được quy gán cho y và được dùng để nói về y miễn là phù hợp với lôgic tự nhiên.Theo chúng tôi, đây chính là hiện tượng loại suy đặc điểm, thuộc tính, hoạt động, v.v. ..giữa các sự vật, hiện tượng…khác loại làm cơ sở cho những cách diễn đạt ẩn dụ ý niệm.
Hiện nay các nhà ngôn ngữ học nổi tiếng như Lakof & Johnson(1980) và những học giả khác đã khẳng định rằng ẩn dụ không phải là vấn đề ngôn ngữ mà là vấn đề của tư duy. Nói cụ thể hơn, ẩn dụ được coi là phương thức tư duy của con người [21]. Từ đó các nhà khoa học về ngôn ngữ và triết học đã xây dựng lí thuyết ẩn dụ ý niệm để mô tả cách chúng ta hiểu các khái niệm trừu tượng khi được hiện thân hoá qua trải nghiệm cảm xúc của chúng ta (Johnson, 1981,1987; Talmy,1996) ( dẫn theo [6, tr.17]).
Chẳng hạn, do đồng nhất hoá thời gian là tiền bạc, nên rất nhiều đặc điểm vốn chỉ của tiền bạc đã có thể được loại suy quy gán cho thời gian và được dùng nói về thời gian .SS. Lãng phí tiền bạc – lãng phí thời gian, tiết kiệm tiền bạc – tiết kiệm thời gian, mất tiền – mất thời gian, dành tiền cho con – dành thời gian cho con… Do đồng nhất thời gian với dòng nước haydòng sông, cho nên những gì nói về dòng nước hay dòng sông đã có thể được loại suy dùng để nói về thời gian: thời gian ngừng trôi, ngược dòng thời gian,…Do đồng nhất lí thuyết và công trình xây dựng nên người ta mới có thể nói “ xây dựng lí thuyết xác suất, lí thuyết này có nền tảng vững chắc, lí thuyết đã bị đổ,v.v…”.
Một dẫn chứng rất điển hình khác là hiện tượng ẩn dụ ý niệm xảy ra giữa không gian và thời gian. Do có sự đồng nhất hoá thời gian và không gian, nên đã diễn ra sự loại suy, ý niệm hoá thời gian như là không gian trên cơ sở sử dụng các ý niệm không gian sẵn có. Điều này mang tính phổ quát trong các ngôn ngữ, “Tuy nhiên, quá trình từ vựng hoá các khái niệm của thời gian không hoàn toàn đồng nhất trong các nền văn hoá khác nhau” [4, tr.2]. Chính vì vậy, các thuộc tính của không gian có thể được loại suy sang nói về thời gian theo phương thức ẩn dụ ý niệm. Chẳng hạn, chúng ta hãy xem xét về chiều của thời gian.
Như đã biết, các sự vật trong không gian có thể được tri nhận như các thực thể ba chiều, hai chiều, một chiều hay không chiều. Thời gian trong tiếng Việt cũng được ý niệm hoá như sự vật. Do đó, tiếng Việt có những cách nói về thời gian được loại suy từ không gian như sau (ví dụ dẫn từ [4, tr.2]):
Chiều
|
Biểu thức không gian
|
Biểu thức thời gian
|
3 chiều
|
Trong hang
|
Trong năm 1999
|
2 chiều
|
Trên bàn
|
Vào chủ nhật
|
1 chiều
|
Dọc theo phố
|
Theo năm tháng
|
0 chiều
|
(Gặp) ở nhà ga
|
Lúc 7 giờ
|
Chính sự đồng nhất hoá các hiện tượng thiên nhiên, động thực vật, vật thể nhân tạo… với con người đã làm cơ sở cho hàng loạt hiện tượng nhân hoá trong trong văn thơ nói chung. Do đó, tất cả những gì vốn là phẩm chất riêng của bản thân con người đã có thể được sử dụng loại suy theo kiểu ẩn dụ ý niệm để nói về các hiện tượng tự nhiên, động thực vật, vật thể nhân tạo…
Chẳng hạn:
- Vì sương nên núi bạc đầu
Biển lay bởi gió, hoa sầu vì mưa . (Ca dao)
- Cội tùng bóng ngả sương rơi lệ
Ngõ trúc mây che cuốc giục sầu. (Quách Tấn, Về thăm nhà cảm tác)
Còn đây là những hình ảnh nhân hoá của động thực vật và vật thể nhân tạo:
- Nách tường đôi lứa chim sâu
Nằm trong tổ ấm, thò đầu nhởn nhơ. (Hằng Phương)
--Bầy sẻ đâu về cười khúc khích
Rủ nhau lúa chín trộm vài bông. (Trần Huyền Trân)
- Con trâu đứng vờ lim dim mắt ngủ
Để lắng nghe người khách nói bô bô. (Đoàn Văn Cừ , Chợ tết)
-Tre rũ rượi ven bờ chen ướt át
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa . (Anh Thơ, Bến đò ngày xưa)
-Phù dung tươi, nép mình như kiễng gót,
Ngắm tre đằng rũ tóc dịu dàng ngân . ( Huy Thông, Anh Nga)
- Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo
Vài quán hàng không khách đứng xo ro. ( Anh Thơ, Bến đò ngày xưa)
Trong thơ văn Việt Nam hiện đại cũng có nhiều cách sử dụng nhân hoá theo lối ẩn dụ ý niệm như vậy. Chẳng hạn:
- Hàng bưởi
Đu đưa
Bế lũ con
Đầu tròn
Trọc lóc . (Trần Đăng Khoa)
- Khi tan bão ta lại nghe biển hát
Và sóng mang hoa trắng tặng tàu. (Phạm Tiến Duật)
- “ Cứ thế , hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng.” ( Nguyễn Trung Thành)
Cần chú ý rằng ẩn dụ không chỉ xảy ra đối với các sự vật mà còn xảy ra đối với các hoạt động, trạng thái, tính chất và sự tình, v.v...Theo Đào Thản, đó là ẩn dụ thay cho đối tượng, ẩn dụ thay cho hoạt động, ẩn dụ thay cho tính chất, ẩn dụ thay cho cả ý [9, tr.144] ). Chúng tôi gọi tắt thành các loại ẩn dụ tương ứng là ẩn dụ sự vật, ẩn dụ hoạt động, ẩn dụ tính chất. Riêng loại ẩn dụ thay cho cả ý được chúng tôi gọi là ẩn dụ sự tình. Chẳng hạn, ẩn dụ sự vật:
- Có quán tình phụ cây đa
Ba năm quán đổ cây đa vẫn còn . (Ca dao)
- Thuyền ơi có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. (Ca dao)
ẩn dụ hoạt động:
Xưa kia nói nói thề thề
Bây giờ bẻ khoá trao chìa cho ai? ( Ca dao)
Hay: Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra
Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời . (Nguyễn Du)
ẩn dụ tính chất:
- Bấy lâu đáy bể mò kim
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa
- Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa . (Nguyễn Du)
Như đã nói ở trên, hiện tượng ẩn dụ không chỉ xảy ra dựa trên sự đồng nhất hoá các sự vật, hiện tượng hay tính chất… mà còn có thể dưạ trên sự đồng nhất hoá các sự tình, trong đó có một sự tình (thường là mang tính cụ thể hơn) được sử dụng làm hình ảnh để diễn đạt sự tình kia (thường là mang tính trừu tượng hơn) theo phép ẩn dụ. Đó là ẩn dụ sự tình. Ví dụ:sự tình về tâm trạng tiếc xót sợi dây dài đã bỏ ra một cách vô ích để nối cho gầu múc do lầm tưởng là giếng sâu đã được sử dụng làm hình ảnh trong câu ca dao sau để thể hiện sự nuối tiếc tình cảm tha thiết, đậm đà, thuỷ chung…mà người nói đã dành cho người bạn tình của mình bị uổng phí vô ích bởi đã không được đáp lại xứng đáng:
Tưởng nước giếng sâu nối sợi dây dài
Ai hay giếng cạn tiếc hoài sợi dây . (Ca dao)
Hay một vài thí dụ khác:
- Thấy bạn mà chẳng thấy chàng
Bâng khuâng như mất lạng vàng trên tay . (Ca dao)
- Bây giờ anh lấy người ta
Như dao cắt ruột em ra làm mười. (Quan họ Bắc Ninh)
Sự đồng nhất hoá một sự tình (mang tính trừu tượng) với một sự tình khác( mang tính cụ thể ) được sử dụng làm hình ảnh chính là cơ sở để tạo ra các thành ngữ, tục ngữ.
Ví dụ: Được hưởng thành quả (hãy) nhớ đến người đã mang lại cho mình = ăn quả nhớ kẻ trồng cây (tng) ; Nơi thuận lợi cho cuộc sống (thì) có nhiều người đến tụ cư = Đất lành chim đậu (tng); Kẻ yếu chống kẻ mạnh = Châu chấu đá voi (tng).
Đến đây, có thể đưa ra định nghĩa phản ánh đầy đủ bản chất của khái niệm ẩn dụ như sau:
Ân dụ là phép thay thế tên gọi hoặc chuyển đặc điểm, thuộc tính của sự vật, hiện tượng này sang sự vật, hiện tượng khác loại dựa trên cơ sở sự liên tưởng đồng nhất hoá chúng theo đặc điểm, thuộc tính nào đó cùng có ở chúng.
Dựa vào định nghĩa này chúng ta có thể xây dựng được quy trình tạo lập các hình ảnh ẩn dụ (về vấn đề này xem : Nguyễn Đức Tồn [12]), hoặc giải thích được một cách đúng đắn nguyên tắc tạo ẩn dụ.
Chẳng hạn, theo Nguyễn Thế Lịch, các trường hợp có mẫu như “lửa lựu” (trong câu thơ: Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông - Nguyễn Du) là cấu trúc so sánh: “Nguyễn Du đã tạo ra lửa lựu chính là từ hoa lựu như lửa rồi dùng cách đảo ngược lại” (chúng tôi nhấn mạnh – NĐT). [9, tr.72]
Theo chúng tôi, đây thực sự là hiện tượng ẩn dụ và được giải thích như sau: Trên cơ sở sự liên tưởng đồng nhất hoá ( được kí hiệu bằng dấu =) dựa theo màu sắc, ta có: hoa (lựu) = lửa.Bằng cách thay thế hoa (lựu) bằng lửa, ta có sẽ có cách nói ẩn dụ là lửa lựu (chứ không phải là đảo ngược trong phép so sánh!)
Cũng lí giải tương tự với các trường hợp như sóng lòng, biển lúa: Từ sự đồng nhất hoátrạng thái tình cảm dào dạt, dâng lên từng đợt (trong lòng) = sóng , dùng cách thay thế trạng thái tình cảm ấy bằng sóng ta sẽ có cách nói ẩn dụ sóng lòng:
Biết không, cô hỡi, biết không ?
1. Chèo cô còn quẫy, sóng lòng còn xao .(Nam Trân, Huế đẹp và thơ)
2. Từ sự đồng nhất hoá cánh đồng (lúa) = biển, thay thế cánh đồng bằng biển sẽ có cách nói ẩn dụ biển lúa :
3. Việt Nam đất nước ta ơi !
4. Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn ?( Nguyễn Đình Thi, Bài thơ Hắc Hải)
Tóm lại, trên cơ sở định nghĩa về ẩn dụ đã trình bày, dựa vào đặc điểm, thuộc tính nào đó để có thể đồng nhất hoá các sự vật, hiện tượng khác loại nhau rồi lấy tên gọi ( và các đặc điểm, thuộc tính…) của sự vật, hiện tượng này(thường mang tính cụ thể hơn) để thay thế khi gọi tên hoặc nói về sự vật, hiện tượng kia (thường mang tính trừu tượng hơn) sẽ tạo ra được cách diễn đạt ẩn dụ.
Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt
1. Đỗ Hữu Châu, Giáo trình Việt ngữ, ( tập 2, Từ hội học,), NXB GD, H.,1962, tr.54 .
2. Đỗ Hữu Châu, Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB GD, H., 1981, tr.145
3. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, NXB GD, H., 1998.
4. Nguyễn Hoà, Sự tri nhận và biểu đạt thời gian trong tiếng Việt qua các ẩn dụ không gian, Tạp chí Ngôn ngữ, số 7, 2007
5. Phan Thế Hưng, So sánh trong ẩn dụ, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4, 2007
6. Phan Thế Hưng, ẩn dụ ý niệm, Tạp chí Ngôn ngữ, số 7, 2007
7. Nguyễn Lân, Ngữ pháp Việt Nam, lớp 7, Bộ Giáo dục xuất bản, H., 1966).
8. Nguyễn Thế Lịch , Cấu trúc so sánh trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 7 ,2001
9. Nguyễn Thế Lịch , Cấu trúc so sánh trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 9 ,2001.
10. Đào Thản, Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật, NXB KHXH, H., 1988.
11. Nguyễn Đức Tồn, Từ đồng nghĩa tiếng Việt, NXB KHXH, H., 2006
12. Nguyễn Đức Tồn, Để giúp thêm cho việc dạy khái niệm ẩn dụ ở trường Trung học cơ sở, Tạp chí Ngôn ngữ, số 9, 2007
13. Nguyễn Văn Tu, Khái luận ngôn ngữ học, NXB GD, H., 1960, tr.159.
14. Nguyễn Văn Tu và những người khác, Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại, NXB ĐH&THCN, H.,1976.
15. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt ( Hoàng Phê chủ biên), Đà Nẵng, 2000
16. Xtepanop Ju.X. Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, Nxb ĐH&THCN, H.,1977.
17. Phan Hồng Xuân, Mấy nhận xét về cách sử dụng ẩn dụ của các nhà Thơ Mới trong Thi nhân Việt Nam, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4&8, 2001
Tiếng Nga
18. Akhmanova O. X. Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học , NXB Bách khoa Xô viết, M., 1966.
19. Golovin B.N., Dẫn luận ngôn ngữ học, NXB “Cao Đẳng”, M., 1977
20. Reformatxky A.A. , Dẫn luận ngôn ngữ học, NXB Sách giáo khoa Sư phạm Liên Bang Nga,M.,1960
Tiếng Anh
21. Lakoff, G. & Mark Johnson, Metaphor We Live By. Chicago/London: University of ChicagoPress, 1980.
22. Lakoff, G., The contemporary theory of metaphor. In A. Ortony, (ed), Metaphor and Thought.Cambridge: Cambridge University Press, 1993.