Đóng góp của PGS Bùi Khắc Việt đối với ngôn ngữ học không chỉ dừng lại ở những trang viết mà còn ở việc “tìm người và đào tạo”, xây dựng nguồn cán bộ ngôn ngữ học cho Viện Ngôn ngữ học nói riêng, ngành ngôn ngữ học nước nhà nói chung.
PGS Bùi Khắc Việt thuộc vào lớp người đầu tiên xây dựng Viện Ngôn ngữ học. Năm 1964, từ một Trường đại học danh tiếng ở nơi có “ Sông Đông êm đềm” của Liên Xô trở về, ông được phân công làm việc tại Tổ ngôn ngữ của Viện Văn học (tiền thân của Viện Ngôn ngữ học ngày nay). Ông về đúng vào lúc Nhà nước giao cho tổ ngôn ngữ thực hiện công trình biên soạn Từ điển tiếng Việt và ông đã gắn bó cả đời với nó. Với tinh thần “ Tất cả cho Từ điển tiếng Việt”- đó là nhiệm vụ hàng đầu và cũng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên số 1 của Viện Ngôn ngữ học cho đến khi cuốn Từ điển tiếng Việt xuất bản lần đầu 1988, ông tham gia mọi “công đoạn” biên soạn, từ khâu làm tư liệu như đọc sách báo để chọn từ, gạch từ, chép ra phiếu đến công việc biên soạn sơ thảo rồi sửa chữa, chỉnh lí, hoàn thiện từ điển. Với vốn ngoại ngữ tiếng Nga, PGS Bùi Khắc Việt đã đọc, tổng hợp, phân tích, giới thiệu một số công trình nghiên cứu cũng như kinh nghiệm biên soạn từ điển của ngôn ngữ học Xô Viết. Đồng thời, ông nghiên cứu đánh giá, rút ra những kinh nghiệm cần thiết từ các cuốn từ điển tiếng Việt đã xuất bản. Nhờ đó, các bài viết về từ điển học của ông như “Một số kinh nghiệm biên soạn từ điển ngôn ngữ tại các nước xã hội chủ nghĩa” (Ngôn ngữ 1969), “Về cuốn Việt Nam từ điển xuất hiện tại Sài Gòn” (Ngôn ngữ 1971),...có hàm lượng khoa học cao, góp phần quan trọng vào chất lượng khoa học cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học – Công trình được nhận “Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005” (xuất bản lần đầu năm 1988 và liên tục cho đến nay).
Trang bìa cuốn "Từ điển tiếng Việt" (2006)
Khác với việc biên soạn từ điển theo kinh nghiệm chủ nghĩa, biên soạn từ điển trên nền tảng của tri thức khoa học ngôn ngữ đòi hỏi người biên soạn phải có tri thức chuyên sâu về ngôn ngữ học. Trong khối tri thức ngôn ngữ học rộng lớn đó, tri thức về từ vựng ngữ nghĩa đối với người biên soạn là thuộc hàng đầu. PGS Bùi Khắc Việt đã đi theo hướng đó. Gắn bó với từ điển, ông chuyên tâm nghiên cứu về nghĩa từ, trong đó ông tập trung vào nghĩa của thành ngữ. Các bài viết của ông về thành ngữ như “ Về tính biểu trưng của thành ngữ tiếng Việt” (Ngôn ngữ, 1978), "Về sự phân biệt thành ngữ với tục ngữ" (1980), "Thành ngữ đối trong tiếng Việt" (1979) đã đi sâu nghiên cứu và chỉ ra được chiều sâu ngữ nghĩa của thành ngữ.
Nhìn lại cuộc đời hoạt động khoa học của ông và nếu tính về số lượng công trình khoa học so với cả cuộc đời ông cũng như so với đồng nghiệp đồng tuế đồng niên thì PGS Bùi Khắc Việt viết không nhiều. Không phải là vì ông không chịu viết hay không muốn viết mà bởi công việc quản lí đã choán gần hết thời gian trong ngày của ông.
PGS Bùi Khắc Việt là một nhà giáo trước khi là một người nghiên cứu ngôn ngữ học. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm việc trong ngành giáo dục ở vùng kháng chiến thuộc tỉnh Ninh Bình. Bản lí lịch của ông cho thấy, ông như là sinh ra để gánh vác công việc quản lí: Năm 1949, ông là Hiệu trưởng Trường phổ thông trung học Điềm Giang huyện Gia Viễn, Ninh Bình; sau đó làm Hiệu trưởng Trường trung học Yên Thành, Yên Mô, Ninh Bình. Sau thời gian học tập tại Khu học xá Trung ương ở Trung Quốc về nuớc, năm 1956, ông được cử làm Chủ nhiệm Giáo vụ của Trường bổ túc văn hóa công nông trung ương. Có lẽ vì bản lí lịch ấy cộng với tư chất của ông, PGS Bùi Khắc Việt đã phải gạt bớt niềm đam mê khoa học để tiếp tục tham gia công tác quản lí: từ năm 43 tuổi đến khi về nghỉ hưu, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ như Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Viện KHXHVN, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tổng hợp VKHXHVN. Công việc quản lí bề bộn là vậy nhưng ngôn ngữ học luôn canh cánh bên ông. Vì thế, ông đã kết hợp một cách khéo léo giữa công tác quản lí với việc nghiên cứu ngôn ngữ: nghiên cứu về ngôn ngữ hành chính. Cuốn sách Kĩ thuật và ngôn ngữ soạn thảo văn bản quản lí Nhà nước (NXb. KHXH, 1999) là một minh chứng cho điều này. Những ngày thu vàng của cuộc đời, ông đã kể cho con gái ông về chuyện ông từng gặp Chủ nhiệm Uỷ ban KHXHVN, GS.VS Nguyễn Khánh Toàn đề đạt xin được thôi chức vụ để làm chuyên môn; ông trút bầu tâm sự với con gái mình về những trăn trở về chuyên môn mà ông chưa thực hiện được;...PGS Bùi Khắc Việt là thế, con người của một thế hệ “nghiêm chỉnh chấp hành sự phân công của tổ chức”, kín đáo cả việc công lẫn chuyện tư nên ít ai hiểu được rằng, ẩn sau nụ cuời hiền hậu nhìn thấy khi gặp ông là những nỗi niềm sâu kín ở trong ông.
Quê hương Hoằng Lộc - Hoằng Hóa của PGS Bùi Khắc Việt
Sinh ngày 02-5-1929 tại xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, PGS Bùi Khắc Việt tham gia Cách mạng từ năm 1945. Bắt đầu công việc chuyên môn từ nhà giáo rồi nhà quản lí giáo dục và sau này công tác chủ yếu dành cho công tác quản lí ở Viện KHXH nói chung, Viện Ngôn ngữ học nói riêng, PGS Bùi Khắc Việt từ khuôn mặt, vóc dáng đến công việc đều toát lên sự chân thành, trung thực và tận tâm, đem lại niềm tin cho bất cứ ai khi tiếp xúc với ông. Ông là tấm gương về sự tận tuỵ với công việc, giản dị trong cuộc sống, hết lòng vì mọi người và một đức tính khiêm nhường hiếm thấy. Điều đó lí giải vì sao, khi có “quyền lực” về quản lí, ông đã không tận dụng nó như một lợi thế để tiến thân về chuyên môn hay đố kị trong khoa học . PGS Bùi Khắc Việt lặng lẽ, cầu thị, cần mẫn, thậm chí “nép mình” để làm khoa học. Ông chắt chiu, trân trọng từng chút thành quả khoa học cũng như niềm vui trong khoa học của mình và của đồng nghiệp thuộc mọi lứa tuổi.
Bằng những cống hiến của mình, PGS Bùi Khắc Việt đã đuợc nhận Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng hai, Huân chương Lao động hạng ba, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (tập thể tác giả “Từ điển tiếng Việt”).
Nếu đánh giá về công lao của PGS Bùi Khắc Việt đối với ngôn ngữ học, có lẽ không chỉ dừng lại là những đóng góp của ông ở những trang viết mà phải ở cả công của người tổ chức “tìm người và đào tạo”, xây dựng nguồn cán bộ ngôn ngữ học cho Viện Ngôn ngữ học nói riêng, ngành ngôn ngữ học nước nhà nói chung.
GS.TS Nguyễn Văn Khang
(Nhân ngày giỗ lần thứ tư của PGS Bùi Khắc Việt, 05/5/2006 -5/5/2010)
|
PGS Bùi Khắc Việt (1929-2006)
- Sinh ngày 02-5-1929 tại xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
- Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học; Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ; Chánh Văn phòng Viện KHXHVN; Vụ trưởng Vụ kế hoạch tổng hợp. VKHXHVN.
- Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng hai; Huân chương Lao động hạng ba; Huy chương vì sự nghiệp giáo dục’ Huy chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ; Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005 (tập thể).
|
CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ:
1. Vài suy nghĩ về việc dùng từ đúng nghĩa / Bùi Khắc Việt // Nghiên cứu ngôn ngữ học. T. 1.: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. - H. : KHXH, 1968. - tr.: 83-94.
2. Một số kinh nghiệm biên soạn từ điển ngôn ngữ ở các nước xã hội chủ nghĩa / Bùi Khắc Việt // Ngôn ngữ. - 1969. - số 2. - tr.: 27-31.
3. Về vấn đề thu thập và định nghĩa thuật ngữ trong quyển ’Từ điển tiếng Việt phổ thông’ / Bùi Khắc Việt // Ngôn ngữ. - 1970. - số 3. - tr.: 16-25; 48.
4. Về quyển ’Việt Nam tự điển’ xuất bản ở Sài Gòn / Bùi Khắc Việt // Ngôn ngữ. - 1971. - số 4. - tr.: 34-41.
5. Về phong cách ngôn ngữ của Bác trong ’Đường kách mệnh’ / Bùi Khắc Việt // Ngôn ngữ. - 1975. - số 2. - tr.: 1-9.
6. Từ điển tiếng Việt phổ thông / Hoàng Phê (chủ biên),.... - H. : KHXH, 1975. - 308tr ; 25cm. T.I: A-C.
7. Về tính biểu trưng của thành ngữ trong tiếng Việt / Bùi Khắc Việt // Ngôn ngữ. - 1978. - số 1. - tr.: 1-6.
8. Phong cách ngôn ngữ trong tên các bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh / Bùi Khắc Việt //Ngôn ngữ. - 1978. - số 3. - tr.: 1-8.
9. Vấn đề dấu nối trong chính tả / Bùi Khắc Việt // Ngôn ngữ. - 1979. - số 3-4. - tr.: 60-62.
10. Tiếng cười trong phong cách ngôn ngữ của Bác qua các tác phẩm bằng tiếng Việt / Bùi Khắc Việt // Ngôn ngữ. - 1980. - số 2. - tr.: 1-8.
11. Suy nghĩ về phong cách ngôn ngữ của Bác qua các bản thảo / Bùi Khắc Việt // Học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh. - H. : KHXH, 1980. - tr.: 35-45.
12. Về sự phân biệt thành ngữ với tục ngữ : BCKH / Bùi Khắc Việt // HNKH về Văn hoá dân gian. - H. : Viện Văn học, 1980.
13. Thành ngữ đối trong tiếng Việt : BCKH tại Hội nghị ngôn ngữ học toàn quốc, 1979 / Bùi Khắc Việt // Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ. T.2. - H. : KHXH, 1981. - tr.: 111-118.
14. Về cuốn ’Từ vựng-ngữ nghĩa tiếng Việt’ của Đỗ Hữu Châu / Bùi Khắc Việt // Ngôn ngữ. - 1982. - số 1. - tr.: 68-69.
15. Về nhóm từ chỉ bộ phận cơ thể người trong tiếng Việt / Bùi Khắc Việt // Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông. - H. : Viện Ngôn ngữ học, 1986. - tr.: 10-13.
16. Từ điển tiếng Việt / Hoàng Phê (chủ biên), Bùi Khắc Việt, Chu Bích Thu, Đào Thản,.... - H. : KHXH, 1988. - 1206tr ; 23cm.
(Tái bản có sửa chữa, bổ sung năm 1992, 1994, 1995, 1996, 1997, 1998, 2000, 2001, 2002, 2003).
17. Phong cách hành chính và kĩ thuật soạn thảo văn bản hành chính : Giáo trình Trường Hành chính Trung ương / Bùi Khắc Việt. - H.: Trường Hành chính Trung ương, 1989. - 105tr.
18. Thử phân tích vấn đề ’viết cho ai’ trong phong cách hành chính / Bùi Khắc Việt // Ngôn ngữ. - 1990. - số 2. - tr.: 22-25.
19. Từ điển tường giải, từ điển bách khoa và việc đưa kiến thức bách khoa vào từ điển tường giải : BCKH / Bùi Khắc Việt // Ngôn ngữ học Việt Nam - Những vấn đề lí thuyết và thực tiễn’ (25 năm Viện Ngôn ngữ học). - H. : Viện Ngôn ngữ học, 1993.
20. Vấn đề thu thập và giải thích thuật ngữ trong từ điển / Bùi Khắc Việt // Một số vấn đề từ điển học. - H. : KHXH, 1997. - tr.: 113-134.
21. Kỹ thuật và ngôn ngữ soạn thảo văn bản quản lý nhà nước / Bùi Khắc Việt. - H. : KHXH, 1999. - 235tr ; 20cm.